Bước vào Đại hội X của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam vui mừng được thấy Báo cáo Chính trị của Đại hội khăng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam”. Như vậy, Đảng đã sáng suốt kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xây dựng một Đảng kiểu mới theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở một nước từ cách mạng giải phóng dân tộc tiến nên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Như chúng ta biết, sau thành công của Cách mạng Tháng Tám và thắng lợi bước đầu của kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra một chân lý về tính chất của Đảng tiền phong. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội II, ngày 11-2-1951, Người nêu rõ: “Đảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam, để đoàn kết và lãnh đạo dân tộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, để thực hiện dân chủ mới. Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Luận điểm này chứng tỏ rằng, Người đã lấy thực tiễn mới để chứng minh cho chân lý về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người đã nêu ra từ khi thành lập Đảng.
Năm l960, tổng kết về ba mươi năm hoạt động của Đảng, Người nói: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với nhong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930. Điều đó cũng có nghĩa là: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, sau 20 năm đổi mới thành công, nhìn lại về mặt lý luận, chúng ta thấy, nếu từ Đại hội I đến Đại hội VI, Đảng ta vẫn khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, thì đến Đại hội VII (năm 199l), Đảng đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Căn cứ và thực tiễn cách mạng hiện nay, chúng ta nhận thấy, luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra tại Đại hội lần III của Đảng:, “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam” vẫn còn thích hợp với mục tiêu xây dựng xã hội Việt Nam hiện nay là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đây cũng chính là nội dung cơ bản của chính thể “Dân chủ mới” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đề ra trong Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh từ Cách mạng Tháng Tám. Bỏ qua những điều khoản nhằm thủ tiêu chế độ thuộc địa nửa phong kiến trong Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh, thì nội dung cơ bản của “Dân chủ mới” là: “a - Về mặt chính trị: 1- Thi hành phổ thông đầu phiếu. 2 - Ban bố quyền tự do dân chủ: Tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do đi lai trong nước và tự do xuất dương... 5 - Đàn bà, đàn ông ngang quyền... b - Về mặt kinh tế: ... 4 - Mở mang các ngành kinh tế, nhất là kỹ nghệ nặng, khiến cho nền kinh tế quốc gia phát triển một cách độc lập và mau chóng; khuyến khích các nghề thủ công... 7 - Mở mang các công trình lấy nước vào ruộng; bồi đắp đê điều làm cho nghề nông phồn thịnh. 8 - Nhân dân tự do khai khẩn đất hoang do chính phủ giúp đỡ. 9 - Thuế đoan độc lập. l0 - Mở mang các đường giao thông - vận tải và các hải cảng... c - Về mặt xã hội: 1 – Thi hành luật ngày làm 8 giờ và các luật xã hội khác 2 - Bài trừ nạn thất nghiệp và mại đâm... 4 - Cấp dưỡng những người tàn tật và dạy nghề cho họ. 5 - Lập thêm nhà thương và nhà đỡ đẻ. d - Về mặt văn hóa: 1- Mở mang nền Tân văn hóa Việt Nam... 3 - Cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học. 4 - Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự và kỹ thuật để đào tạo các hạng nhân tài. 5 - Khuyến khích và giúp đỡ về mọi mặt làm cho các hạng trí thức và nghệ sĩ được phát triển tài năng đến tột bậc... 7 - Khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục quốc dân. e - Chính sách đối với các tầng lớp nhân dân: 1 - Tư sản - được tự do kinh doanh. Được giúp đỡ trong việc mở mang các ngành kỹ nghệ cần thiết... 3 - Nhà buôn - Được tự do thông thương. Sản nghiệp thương mại được pháp luật binh vực. 4 - Thợ thuyền - được hưởng luật lao động. 5 - Dân cày - Có đủ ruộng cày cấy 6 - Binh lính - Hậu đãi binh lính có công gìn giữ Tổ quốc và phụ cấp đầy đủ cho gia đình họ. 7 - Công chức - Hậu đãi công chức xứng đáng với tài năng của mỗi người... 1l - Người già và kẻ tàn tật - được Chính phủ chăm nom và cấp dưỡng”.
Chế độ xã hội như thế, đã có lúc chúng ta coi như “bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Về cơ bản, nó cũng tương tự như nội dung chế độ xã hội mà chúng ta đang xây dựng trong giai đoạn hiện nay. Cương lĩnh của Đảng năm l99l xác định rõ xã hội Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng là: “Do nhân dân lao động làm chủ. - Có một nền kinh tế phát triển cao đưa trên lực lương sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. - Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. - Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. - Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. - Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”.
Như vậy, chúng ta có thể giữ vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chất của Đảng ta hiện nay là “Đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam”. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất về nhận thức: trong mệnh đề “Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam”, khái niệm “giai cấp công nhân” phải xuất phát từ thực tiễn mới hiện nay.
Sang thế kỷ XXI, giai cấp công nhân nước ta đang cùng cả dân tộc tích cực hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III, nhanh chóng kết thúc thời đại “văn minh công nghiệp” để tiến lên nền “văn minh trí tuệ”. Từ đầu những năm 1980, nước ta bắt đầu đi vào cuộc cách mạng thông tin. Từ đó đến nay, giai cấp công nhân nước ta đã có những nét đổi mới như sau:
1- Về cơ bản, giai cấp công nhân đã được trí thức hóa. Một bộ phận lớn giai cấp công nhân đã là trí thức. Đó là những người lao động chân tay và lao động trí óc có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Bên cạnh đó là những doanh nhân trong công, nông, thương nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có người tuy không có bằng cấp, học vị, nhưng có trí tuệ cao, có nhiều sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, khối liên minh công nhân, nông dân, trí thức ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ.
2 - Trong tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, người công nhân không còn thuần túy là người làm thuê (chỉ có quyền được bán sức lao động để sống), mà đã có phần nào làm chủ, chí ít là làm chủ đất nước, góp phần làm chủ Nhà nước (định ra Hiến pháp, pháp luật...), nhằm làm chủ trong cả sản xuất lẫn phân phối sản phẩm lao động.
3 - Đại bộ phận công nhân không còn hoàn toàn là vô sản như hồi đầu thế kỷ XX, mà đã là hữu sản, trong đó một số công nhân tri thức đã có sở hữu trí tuệ - một thứ sở hữu có thể tạo ra của cải làm giàu cho xã hội và cho bản thân mình; một số công nhân đã có cổ phần xí nghiệp, được hưởng lợi nhuận từ cổ phần góp vào theo đúng pháp luật nhà nước của chính giai cấp mình quy định.
4 - Giai cấp công nhân vẫn đóng vai trò tiền phong, đang trên đà đưa “khoa học, kỹ thuật trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”, đang đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nắm những vị trí then chốt về khoa học, công nghệ, tạo ra năng suất lao động cao và một lượng sản phẩm xã hội cao nhất trong nền kinh tế quốc dân.
5 - Giai cấp công nhân Việt Nam đã có một vị thế quốc tế của một nước có nền kinh tế sánh vai được với 5 châu, một trong những nước tăng tiến nhanh về xuất khẩu, tăng trưởng nhanh về khoa học, công nghệ, kể cả về tin học.
6 - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam đang lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới của dân tộc. Bản thân giai cấp công nhân cũng là lục luợng tiền phong trong công cuộc đổi mới của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta luôn chú trọng đến sự đổi mới tư duy của giai cấp công nhân. Nếu trong đổi mới tư duy lần thứ nhất, diễn ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi giai cấp công nhân Việt Nam từ nhận thức về “giai cấp tự mình” đến nhận thức về “giai cấp cho mình”, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì nay giai cấp công nhân đang cần có sự đổi mới tư duy lớn lần thứ hai - một sự lặp lai trong cái không lặp lại của lịch sử. Đó là phải nhận thức rõ bản chất của “giai cấp tự mình” và “giai cấp cho mình” hiện nay như thế nào. Với tính cách là “giai cấp tự mình”, giai cấp công nhân đã có nhiều đổi mới, được khái quát thành 6 điểm kể trên; còn với tính cách là “giai cấp cho mình”, đòi hởi giai cấp công nhân phải thấy được trách nhiệm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ở mức cao hơn thế kỷ thứ XX. Bởi vì: - Thứ nhất, “dân giàu” ở thế kỷ XXI là trong điều kiện mới - điều kiện “kinh tế toàn cầu hoá” với những thuận lợi đáng kể nhưng có những khó khăn to lớn. Thuận lợi ai cũng rõ, còn khó khăn lại khôn lường. Đó là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia dân tộc, các thành phần kinh tế, các khu vực kinh tế; sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc; sự lũng đoạn tinh vi của các siêu cường; sự phân cực mãnh liệt giữa các xu thế kinh tế, chính trị...
Thứ hai, “nước mạnh” trong một tương quan mới về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, khoa học - kỹ thuật của thế kỷ XXI. Ở nửa cuối thế kỷ trước, như đánh thắng được “các đế quốc to” giành được độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng được một xã hội mới, nên nước ta đã mạnh lên gấp nhiều lần so với hồi đầu thế kỷ. Bước sang thế kỷ XXI, chúng ta phải vươn lên là “nước mạnh”, nhất là “nước mạnh” về kinh tế. Tất nhiên, để tiếp tục vươn lên, chúng ta phải khắc phục kỳ được những thách thức lớn mà Đảng ta đã chỉ ra.
Thứ ba, về “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, chúng ta đã phấn đấu xây dựng, đạt được nhiều thành quả. Tuy nhiên, để tiến vào thế kỷ XXI, chúng ta còn phải giải quyết nhiều vấn đề lớn về “công bằng”. Mặt bằng tối thiểu của “công bằng” là phải hoàn toàn xóa được đói giảm được nghèo, mà cái nghèo của thế kỷ XXI đã khác cái nghèo của thế kỷ XX.
Thế hệ mới của giai cấp công nhân nước ta nhất định sẽ đưa đất nước vững vàng bước vào thế kỷ mới, trong đó lục lượng trẻ của giai cấp công nhân, nhất là lao động tri thức sẽ đóng vai trò tiền phong. Lớp lao động tri thức này đang hình thành và phát triển nhanh chóng. Họ có mặt trong tất cả các lĩnh vực công nghệ hiện đại như tin học, sinh học, nguyên tử, điện tử, điều khiển học, vật liệu mới. Họ đang được đào tạo rộng rãi về công nghệ thông tin ở tất cả các ngành như công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông, vô tuyến truyền hình, văn hoa – giáo dục, du lịch - dịch vụ... Về số lượng, lớp lao động tri thức hiện đã lên đến hàng vạn người và trong tương lai gần có thể lên đến hàng triệu người. Trong xu thế hiện đại hóa, toàn cầu hóa, với hướng tiến tới nền thương mại điện tử, chính phủ điện tử, cùng với sự gia nhập WTO, tương lai của sự ra đời một đội ngũ công nhân hiện đại của nền văn minh trí tuệ ở nước ta không còn xa nữa.
Theo Văn Tạo, Tạp chí Cộng sản tháng 5/2006