(ĐCSVN) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới nông nghiệp, nông thôn bởi đây là địa bàn sinh sống của hơn 80% dân số - lực lượng quan trọng của Cách mạng Việt Nam. Biểu hiện sinh động của sự quan tâm đó là tình cảm thiêng liêng của Người dành cho nhân dân một tỉnh thuần nông như Thái Bình trong những ngày đầu cách mạng.
Sau Cách mạng tháng Tám, cuối năm 1945 đầu năm 1946, chính quyền nhân dân non trẻ của chúng ta đứng trước những khó khăn, thử thách hết sức ngặt nghèo với đủ cả địch họa lẫn thiên tai. Lúc bấy giờ, ở Thái Bình, phát-xít Nhật chưa được giải giáp nhưng 500 lính Tàu Tưởng đã kéo đến chốt giữ các vị trí quan trọng trong thị xã và các đấu mối giao thông. Chúng lộ nguyên hình là một đội quân ô hợp, lấy gây rối, cướp bóc, bắt giữ, khiêu khích, khủng bố nhân dân nhằm chống phá cách mạng làm hoạt động chính. Sáng ngày 21-8-1945 (14-7, Ất Dậu), đoạn đê Đìa ở Hưng Nhân (nay thuộc huyện Hưng Hà) bị vỡ. Hôm sau, 22-8-1945, đến lượt đoạn đê Mỹ Lộc ở Thư Trì (nay thuộc huyện Vũ Thư) vỡ tiêp. Nước lụt tràn khắp 12 phủ, huyện của tỉnh Thái Bình, lúa mùa mất trắng, nạn đói khủng khiếp hồi tháng 3 Âm lịch chưa qua, nạn đói tháng 8 lại đang rình rập. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ Thái Bình đã ra Nghị quyết nhằm giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc gấp rút hàn khẩu đê Đìa và đê Mỹ Lộc; vận động nhân dân tích cực tham gia chống đói, hăng hái tham gia bình dân học vụ, thực hiện đời sống mới.
Mặc dù rất bận mải, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thu xếp về thăm hỏi, động viên nhân dân Thái Bình. Nhiều người dân Thái Bình vẫn lưu giữ hình ảnh lần đầu tiên Bác về Thái Bình vào ngày 10-1-1946 để xem xét Uỷ ban cách mạng lâm thời tổ chức cứu đói cho dân và hàn khẩu hai quãng đê vỡ. Trong hoàn cảnh khó khăn do thiên tai địch họa, tư tưởng đại đoàn kết của Người ngời sáng, truyền vào nhân dân, tạo lên sức mạnh, vượt qua hiểm nghèo. Làm việc với lãnh đạo Uỷ ban cách mạng lâm thời, Người căn dặn: “Giành chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền còn khó hơn. Làm thế nào phải đoàn kết được toàn dân, đoàn kết các thân hào, thân sĩ. Dân ta đói vì vỡ đê nên phải lo giải quyết nạn đói cho dân”. Người chỉ thị: “ Cần đắp nhanh những đoạn đê vỡ, tạo điều kiện cho dân sản xuất”. Người hài lòng khi thấy nhân dân Thái Bình, già trẻ đồng lòng quyết tâm hàn khẩu hai quãng đê vỡ. Quan điểm lấy “dân làm gốc” của Người được thể hiện một cách giản dị, dễ hiểu : “Muốn đắp đê tốt phải dựa hẳn vào dân. Dựa vào dân là có gạo, có tre. Cán bộ phải xung phong, gương mẫu. Về kỹ thuật đắp đê phải học hỏi kinh nghiệm của dân, phải dựa vào cán bộ kỹ thuật”. Đến với dân, nghe dân, hiểu dân, đề ra và giải quyết những việc dân cần không chỉ là biểu hiện tác phong quần chúng của người cán bộ cách mạng, cao hơn đó là nét văn hoá Hồ Chí Minh. Trước nhân dân Thái Bình vừa trải qua nạn đói Ất Dậu khủng khiếp và đang hứng chịu hậu quả của thiên tai, Người nói: “Nhiệm vụ của đồng bào lúc này là chống giặc đói. Mọi người trồng thêm ngô, khoai, sắn để chống đói. Chống đựoc giặc đói, giặc lụt là thiết thực cùng đồng bào cả nước chống giặc ngoại xâm. Mọi người già trẻ, lương giáo, thành thị, nông thôn phải đoàn kết. Đoàn kết thì việc gì cũng làm xong”. Trước khi trở về Hà Nội, Người còn dặn lại: “Làm sao đắp xong đê trước mùa nước. Phải đưa thêm lực lượng lên đê. Toàn dân đoàn kết thì việc lớn mấy cũng làm được”.
Trong cuốn “ Bác Hồ với nhân dân Thái Bình”, do Sở Văn hoá - Thông tin Thái Bình xuất bản năm 1990, ông Đỗ Xuân Dung (người phụ trách công tác đê điều ở Bắc Bộ, tháp tùng Bác trong chuyến đi đó) nhớ lại: “ Khi dừng chân trên đê Đìa (Hưng Nhân), Bác rất buồn. Lặng nhìn về phía làng mạc bị lũ lụt tàn phá tiêu điều, xác xơ, Bác trầm ngâm hồi lâu. Tôi biết, Người thương dân Thái Bình vừa bị chết đói gần 30 vạn người, nay lại bị lũ lụt tàn phá khắp cả 12 phủ huyện. Người đang lo sao gỡ nhanh nỗi khó khăn cho nhân dân”.
Nhân dân Thái Bình thấm sâu lời dạy của Người, đoàn kết một lòng, quyết tâm khắc phục hậu quả thiên tai và đã hoàn thành việc hàn khẩu hai quãng đê vỡ trong vòng ba tháng. Khi biết được tin đó, giữ lời hứa với nhân dân, sáng sớm ngày 26-4-1946, Bác về thăm Thái Bình lần thứ 2. Cùng đi với Người có Cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông Nguyễn Xiển - Chủ tịch Bắc bộ, kỹ sư Đỗ Xuân Dung. Thể hiện lòng tôn kính đối với vị Cha già dân tộc, trên năm vạn dân Thái Bình đã tham gia đón Bác. Nhà Trí - Thể dục tại Thị xã biến thành rừng người, rừng cờ. Bác hiện ra ung dung, giản dị giữa tiềng hoan hô như sấm dậy. Nói chuyện với nhân dân, Bác khen thành tích đắp đê của nhân dân Thái Bình, hoan nghênh tinh thần đoàn kết, tăng gia lao động, sản xuất đẩy lùi giặc đói của nhân dân. Người kêu gọi: “ Phải ra sức diệt ba kẻ thù rước mắt là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Mọi người ra sức đoàn kết, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo để góp phần vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Toàn dân tăng gia không để một tấc đất hoang, các làng lập quỹ nghĩa thương để tương trợ nhau”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm sau này, Thái Bình luôn là địa phương dẫn đầu về thành tích tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và là tỉnh đầu tiên trên miên Bắc đặt năng suất lúa 5 tấn/ héc-ta.
Hiện nay, ở Thái Bình vẫn truyền tụng câu chuyện về trí tuệ và sự sâu sát của Bác đối với công việc của dân trong lần về thăm Thái Bình ngày ấy. Sau khi thăm và nói chuyện với nhân dân Thái Bình, trên đường về Hà Nội, tới quảng đê vỡ vừa đắp xong, Bác cho dừng xe, bước xuống, quan sát thật kỹ nơi tiếp giáp giữa đê cũ và đê mới. Phát hiện ra yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến độ bền vững của thân đê, Người nói với số cán bộ địa phương cùng đi: “Đắp như thế này không được, đất mới đắp khi khô đi sẽ co lại, hai đầu giáp nhau sẽ hở. Phải làm thành bậc thang trên đầu thân đê cũ rồi đổ đất đầm thật kỹ”. Bước chân trên đê, thỉnh thoảng Bác lại nhún nhún chân xem đất đã được đầm kỹ chưa.
Câu chuyện về chuyến đi thực tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 60 năm vẫn còn nguyên tính thời sự và ý nghĩa giáo dục cán bộ đảng viên. Học tập tư tưởng của Người từ những việc đơn giản, bình dị nhất để áp dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ góp phần làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục toả sáng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta/.
Nguyễn Vũ Cân