Chống tham ô, lãng phí, quan liêu - một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại một phiên họp của Bộ Chính trị vào đầu năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đề nghị Đảng phải có nghị quyết về chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Ý tưởng này của Người là cơ sở của Nghị quyết Bộ Chính trị Khóa III, số 51 – NQ/TW, ngày 26-4-1962, “Về cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí quan liêu”. 

Tiếp đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị Khóa III, số 85 - NQ''TW, ngày 24-7-1963: “Về cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Trong vòng hơn một năm, Bộ Chính trị Khoá III đã ban hành hai Nghị quyết về chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Có thể nói, cả hai Nghị quyết quan trọng này đều xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Vấn đề này, Người đã chỉ ra từ khi nhân dân ta mới giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đấu tranh để giành được chính quyền về tay nhân dân là rất khó, nhưng đấu tranh để củng cố được chính quyền của nhân dân cho thật trong sạch, vững mạnh càng khó hơn. Một đảng lãnh đạo chính quyền, sao cho không xảy ra tham ô, lãng phí, quan liêu là một việc làm rất khó khăn, đòi hỏi phải có một đội ngũ những người lãnh đạo có tâm, có tầm, có tài. Nhìn lại đội ngũ của chúng ta được đề bạt, cất nhắc thì nhiều, nhưng việc giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo cho tương xứng lại chưa đúng mức. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định rằng, sự nghiệp của chúng ta ngày càng lớn, công tác của chúng ta ngày càng nhiều và càng phức tạp, trong khi đó, chúng ta lại thiếu kinh nghiệm, ít chịu rèn luận, học tập, nghiên cứu, nên việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quân lý tài chính của chúng ta còn quá nhiều khuyết điểm, đã để xảy ra nhiều vụ tham ô, lãng phí, do quan liêu, làm thiệt hại lớn đến sức của, sức người của nhân dân, có tội lớn với nhân dân. Vì vậy, Người đã đặt ra yêu cầu về xây dựng Đảng và chính Người cũng đã kiên quyết chỉ đạo xử lý những căn bô, đảng viên phạm sai lầm, khuyết điểm. Theo chúng tôi, thuật ngữ “tham ô”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng lần đầu vào năm 1952, trong bài: Thực hành tiết kiệm,, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu (Văn kiện Đại hội V của Đảng (năm 1982), vẫn còn dùng thuật ngữ “tham ô”. Từ Văn kiện Đại hội VI (năm 1986), bắt đầu chuyển sang dùng thuật ngữ “tham nhũng” để thay cho thuật ngữ “tham ô”). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: 

“Tham ô là gì? 

- Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: 

Ăn cắp của công làm của tư 

Đục khoét của nhân dân 

Ăn bớt của bộ đội. 

Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. 

- Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: 

Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế». 

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán rất nhiều dạng lãng phí: lãng phí sức lao động do không khéo sắp xếp, tổ chức; lãng phí thì giờ do họp hành kéo dài liên miên nói rất nhiều, thông tin ít, kết qủa ít, “thùng rỗng kêu to”; lãng phí tiền của do cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm, các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý, không tiết kiệm xăng dầu, người giữ kho, giữ tiền để thất thoát, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn, ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để cho tiền bạc ứ đọng lại, không lưu thông được, cơ quan kinh tế lập kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, gây lỗ vốn, bộ đội không biết giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm, nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma,... Người rút ra kết luận: 

«Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô». 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cắt nghĩa: Xét cho cùng, sở dĩ có nạn tham ô, lãng phí là vì có bệnh quan liêu. Đây là căn bệnh trong gan, trong tim ở nơi bàn giấy, nơi sự vụ. Nó rất khó nhận diện, nên rất khó chữa. Đối với công việc, những người quan liêu hay trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”. Những người mắc bệnh quan liêu “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không thấy thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Người nhận định: “Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Loại kẻ thù này “khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Dù có cố ý hay không, tham ô, lãng phí, quan liêu “cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. “Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Nó “phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra nguyên nhân của tham ô, lãng phí, quan liêu là do những tàn dư xấu xa của xã hội cũ; nó do lòng tự tư, tự lợi, ích kỷ, hại nhân mà ra. Nó do chế độ “người bóc lột người” mà ra. Vì những lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc ngoài mặt trận. Người khẳng định: “Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị” rất quan trọng. Thực chất nó là thứ “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là một hình thức mở rộng dân chủ. “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ”. Đó cũng là một hình thức dân chủ tập trung”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ những giải pháp để chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Muốn đánh thắng nó, phải có chuẩn bị thật chu đáo, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo và điều quan trọng là phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ trung kiên làm nòng cốt để chống. Người phản đối việc bố trí những người đã “nhúng chàm” làm nhiệm vụ chống tham ô, lãng phí, quan liêu, vì làm như vậy, thực chất là “nối giáo cho giặc”. Người nêu các bước cần tiến chính để trừ khử tham ô, lãng phí, quan liêu: 

1- Phải làm tốt công tác tư tưởng, làm cho mọi người hiểu tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân, cho nước như thế nào và vì sao phải chống những nạn ấy? Phải kiên quyết sửa chữa những nhận thức không đúng về chống tham ô, lãng phí, quan liêu. 

2- Phải nghiên cứu để có lý luận chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Nghiên cứu kỹ và vận dụng tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu; phải sửa đổi lối làm việc; nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Đặc biệt, đối với cán bộ cao cấp phải “thật thà tự kiểm thảo để làm gương mẫu”; phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Phải kiên quyết “nhổ cỏ” và khi đã nhổ thì phải nhổ tận gốc rễ. 

3- Phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, nâng cao trình độ quản lý kinh tế - tài chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tạo kẽ hở cho bọn tham ô, lãng phí, quan liêu đục khoét. Trong cuộc đấu tranh này, phải dựa vào nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, huy động lực lượng quần chúng tham gia. “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”. 

4- Phải có phương pháp giữ gìn tiền bạc, phải thực hành một chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt, nhất là tiết kiệm trong chi tiêu ở các cơ quan hành chính, giảm thiểu việc họp hành nếu xét thấy nó không cần thiết. Người nhận xét: “Hiện nay, có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn. Cần phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí ấy”. 

Trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xử thật nghiêm khắc đối với những ai vi phạm, và phải tôn vinh những người ra sức chống tham ô, lãng phí, quan liêu; coi việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. “Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”. 

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được phát động. Đảng đã có một số nghị quyết về vấn đề này. Nhà nước đã có “Luật phòng chống tham nhũng”. Song, do mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động mạnh vào đời sống xã hội mà chúng ta chưa lường tính hết, làm cho tham nhũng, lãng phí, quan liêu vẫn đang diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân chống tham nhũng chưa thành công là chúng ta chưa chú ý đúng mức đến việc chống tham nhũng với chống lãng phí, chống quan liêu, vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời luôn luôn nhắc nhớ là phải chống cả tham ô, lãng phí, quan liêu. 

Nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý rất quan liêu, mệnh lệnh không sát công việc thực tế, qua nhiều tầng nấc trung gian, tốn nhiều giấy tờ văn phòng phẩm, làm việc đại khái chung chung, vô bổ, tắc trách; quan liêu trong việc đánh giá cán bộ, đánh giá con người, nên đã có nhiều người lợi dụng sự đánh giá hời hợt này để được “thăng quan tiến chức”; quan liêu trong việc xa rời nhân dân, xa rời thực tế, quan liêu trong việc quản lý cơ quan, tưởng rằng mọi việc đều tốt đẹp, nhưng thực chất lại không phải như vậy; quan liêu trong việc hoạch định chính sách, nên mới có chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như vụ PMU 18; quan liêu trong việc ban hành quá nhiều văn bản, không biết dựa vào văn bản nào để thi hành. Lại nữa, văn bản này “đá” văn bản kia, vận dụng kiểu nào cũng được. Một số chính sách và chế độ về quản lý kinh tế, tài chính còn không ít những sơ hở. Tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, ý thức tôn trọng của công, bảo vệ thành quả lao động của nhân dân, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được, quán triệt trên các mặt công tác, ý thức làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Tinh thần trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, chưa làm tròn bổn phận của mình. Công tác tổ chức còn nhiều khuyết điểm. Bộ máy hành chính các cấp vẫn phình ra. Việc tuyển chọn người vào làm việc trong các cơ quan đảng, nhà nước chưa thật chặt chẽ, chưa đúng tiêu chuẩn. Việc phân công trách nhiệm không rõ ràng, làm cho nhiều việc chậm trễ, đình đốn, hư hỏng, không biết vì đâu và trách nhiệm vì ai. Tổ chức không chặt chẽ, kỷ luật không nghiêm, dân chủ còn hình thức, phản công phân nhiệm không rành mạch, rõ ràng là chỗ sơ hở lớn gây tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Công tác kiểm tra và giám đốc thường xuyên của các cơ quan nhà nước còn yếu kém, chưa có nền nếp và chưa có cơ chế hiệu quả. Việc thưởng, phạt chưa kịp thời. Vẫn còn hiện tượng xin - cho. 

Để chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có nhiều quả, cần phải làm cho mọi người thấy rõ tham nhũng là trọng tội; lãng phí tuy tính chất có khác với tham nhũng, nhưng cũng là có tội với nhân dân, với Nhà nước; quan liêu là nguồn gốc sinh ra tham nhũng và lãng phí. Nó phải được bài trừ triệt để dưới chế độ ta. Nâng cao mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong việc quản lý kinh tế, tài chính. Xây dựng chế độ trách nhiệm và kỷ luật nghiêm ngặt tài chính, ngân hàng. Chấn chỉnh công tác tổ chức - cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu phải huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân, phải được tổ chức tốt, lãnh đạo chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Có chính sách đúng đắn; lựa chọn cán bộ tốt; giáo dục tốt; tổ chức tốt; quản lý tốt; kiểm tra tốt; giám sát tốt sẽ là những giải pháp hiệu quả để chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. 

Theo PGS. TS Đức Vượng, báo Nhân dân ngày 18/5/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website