Chuyện Bác Hồ với “người tốt việc tốt”

(ĐCSVN)Khi tôi còn là một phóng viên trẻ làm việc ở tờ báo của Đảng bộ Nghệ An, một lần được Tổng Biên tập Nguyễn Hường gọi lên. Đồng chí đưa chiếc phong bì có dấu của Văn phòng Chủ tịch nước rồi nói: “Báo ta đăng gương lao động của chị Hồ Thị Lượm. Bác Hồ chỉ thị báo cáo rõ địa chỉ để Người tặng huy hiệu. Tỉnh ủy yêu cầu ta xác minh cụ thể và báo cáo ngay cho Bí thư Tỉnh ủy”. 

Đó là đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Khi đó miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa ra sức chi viện cho cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam ruột thịt. Chị Hồ Thị Lượm là một cán bộ miền Nam tập kết được bố trí về làm công nhân ở xí nghiệp sản xuất muối Vĩnh Ngọc ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vượt qua nỗi buồn chia cắt, chị Lượm đã nỗ lực lao động trên đồng muối gió tây rát bỏng. Khi còn là một công nhân cũng như khi đã trở thành tổ trưởng rồi đội trưởng sản xuất, Hồ Thị Lượm luôn gắn bó với ô, nại của đơn vị, tranh thủ từng giờ nắng để muối kết tinh cao. Đơn vị của chị luôn đạt năng suất cao nhất xí nghiệp. Chúng tôi viết về chị với vẻn vẹn 200 từ và đăng khiêm tốn ở trang 3 trong khung “người tốt việc tốt”. Có chỉ thị từ trước, báo Nghệ An luôn gửi đều báo biếu cho Bác qua Văn phòng Chủ tịch nước. Thú thật hồi đó chúng tôi trân trọng gửi từng số báo cho Người nhưng ít ai nghĩ Bác sẽ đọc chứ chưa nói Bác đọc đến những mẩu nhỏ như thế. 

Sau khi xác minh cẩn thận qua đơn vị và gửi báo cáo đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Thật xúc động, không đầy một tháng sau, Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc đã báo tin vui và mời chúng tôi xuống dự lễ trao “Huy hiệu Bác Hồ” cho chị Hồ Thị Lượm. Vinh dự là một trong những công nhân đầu tiên của Nghệ An được nhận huy hiệu của Bác Hồ, chị Hồ thị Lượm đã phấn đấu hết mình để xứng đáng với phần thưởng của Người: Hồ Thị Lượm đã trở thành Anh hùng lao động đầu tiên của ngành muối Việt Nam. 

Bác Hồ đọc báo và qua báo để tặng huy hiệu cho những “người tốt, việc tốt” không những cổ vũ, động viên những người được tặng huy hiệu mà còn động viên cả những người làm báo chúng tôi. Tỉnh ủy, Tổng Biên tập luôn nhắc phóng viên đi sâu xuống cơ sở, tìm hiểu, phát hiện và biểu dương được nhiều “người tốt việc tốt”. Nhưng một đòi hỏi nghiêm khắc: Phải phát hiện đúng, viết chính xác và trung thực. Chúng tôi nhắc nhau: “Bác Hồ đọc rất kỹ các bài trên báo, kể cả báo địa phương và thường khen tặng những gương người tốt, việc tốt. Nếu chúng ta viết không chính xác, hư cấu là có tội với Người”. 

Những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong hòa bình cũng như những năm “bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam”. Chúng tôi đều tìm những gương người tốt, việc tốt để kịp thời biểu dương. Bác kính yêu vẫn tiếp tục đọc và chỉ thị địa phương báo cáo rõ địa chỉ, thành tích để Người tặng huy hiệu. Chúng tôi biểu dương tổ phục vụ ăn uống ở “túi bom” Bến Thủy (Vinh) trong đó có các nữ mậu dịch viên tiêu biểu Hoàng Thị Liên, Nguyễn Thị Đại, Bác Hồ kịp thời gửi tặng huy hiệu. Hoàng Thị Liên sau khi nhận huy hiệu của Người đã kiên trì bám Bến Thủy. Khi ở Ngã Sáu, khi ở Núi Quyết, có khi chị cùng cả tổ phục vụ đưa hàng ra tận trận địa để phục vụ các thủ thủy phà Bến Thủy và các đơn vị pháo cao xạ trên điểm cao 206 Núi Quyết. Từ một mậu dịch viên, Hoàng Thị Liên đã trở thành Anh hùng lao động, giám đốc khách sạn Bến Thủy. Cho đến nay, nữ Anh hùng lao động Hoàng Thị Liên đã trên 70 tuổi những vẫn là một đảng viên mẫu mực, trên ngực chị trong các buổi lễ trang trọng không bao giờ không có tấm huy hiệu Bác trao. Chị nói: “Đây là nguồn sức mạnh giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong những năm tháng ác liệt nhất ở “túi bom” Bến Thủy”. 

Có thể nói không mấy anh hùng, chiến sĩ thi đua trên đất Nghệ An trong xây dựng hòa bình cũng như trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà Người được đọc qua báo, được báo cáo qua các cuộc làm việc của tỉnh mà Bác không khen tặng sau khi đã cho thẩm tra chính xác. Riêng những gương “người tốt, việc tốt” chúng tôi đã đăng trên báo từ chiến sĩ trinh sát Xèo Văn Luống, dân tộc Khơ Mú ở Kỳ Sơn, đến anh hùng phá bom Lê Đăng Tới ở Quỳnh Vinh, Quỳnh Lưu, từ đội trưởng khai thác gỗ Nguyễn Ngọc Lài ở lâm trường Con Cuông đến người thợ chạy tua bin Huỳnh Ngọc Đủ ở nhà máy điện Vinh hay các anh hùng lái phà Nguyễn Trọng Tường, Nguyễn Hữu Tùng ở phà Bến Thủy… đều được nhận huy hiệu của Người ngay khi mới có những công tích đầu tiên. Nhưng chính sự quan tâm, khen tặng của Bác Hồ đã động viên, khích lệ họ vượt qua khó khăn để lập chiến công lớn hơn. Hầu hết họ đều trở thành những điển hình của đơn vị, trở thành những chiến sĩ thi đua, đặc biệt nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động. 

Ngồi viết lại những dòng này tôi bồi hồi nhớ lại cuộc họp quan trọng định lịch trình để Bác đi thăm cơ sở trong dịp Người về thăm quê lần thứ 2 (ngày 9/12/1961). Khi những đồng chí lãnh đạo nêu những địa phương muốn mời bác đi thăm, Người chọn ngay Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thành và nông trường Đông Hiếu. Ai cũng thấy đó là những địa điểm giao thông không thuận lợi và xa trung tâm. Nhưng Người đã chọn vì được báo cáo hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thành là điển hình trồng cây giỏi của tỉnh và nông trường Đông Hiếu là điểm chăn nuôi xuất sắc khối nông trường hồi đó. Người đã vượt đường xa đến với các đơn vị này. Và từ sự động viên, cổ vũ của Người cả hai đơn vị đều trở thành những đơn vị xuất sắc của miền Bắc hồi bấy giờ và đến nay 65 năm đã qua nhưng Vĩnh Thành, Đông Hiếu vẫn là những đơn vị xuất sắc, giữ trọn lời hứa với Bác năm nào. 

Bác Hồ kính yêu thường mong muốn “mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” và Người luôn nâng niu từng việc tốt của từng người ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần, tầng lớp. Học tập và làm theo gương Bác Hồ kính yêu, Đảng và Nhà nước ta đã qua các phong trào thi đua yêu nước để phát hiện và tôn vinh biết bao tấm gương tiêu biểu trong tất cả các lĩnh vực ở mọi miền của đất nước, quyết tâm thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. 

Thanh Phong

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website