Khai thác sâu sắc tính nhân văn, đạo đức cách mạng trong giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã chỉ rõ: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại". Để giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh sâu sắc, đem lại hiệu quả thiết thực, cần thực hiện đồng bộ về nội dung phương pháp để quán triệt và giáo dục sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, tính nhân văn và phương pháp giáo dục. 

1. Thấm nhuần, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố tinh thần to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn trí tuệ thiên tài của lý luận Mác - Lê-nin với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại được vận dụng và phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, để hoạch định đường lối và phương pháp cách mạng đúng đăn trong từng giai đoạn, từng thời kỳ và từng thời điểm cụ thể. Nhờ có dự báo thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ dẫn bước đi để dân tộc ta vượt qua mọi hiểm nguy, thử thách, giành thắng lợi từng bước và hướng tới tương lai. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, quá trình trưởng thành, chiến thắng của Đảng đã khẳng định: khi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thấm nhuần và vận dụng đúng đắn lúc đó chúng ta có đường lối đúng, cách mạng giành thắng lợi; còn lúc nào tư tưởng của Người không được quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo thì thời điểm đó bộ tham mưu, cán bộ, đảng viên có sai lầm, cách mạng gặp khó khăn. Đó là bài học lịch sử sâu sắc trong đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Khi Người còn sống, quân dân ta trọn niềm tin: "Bác bảo đi, là đi, Bác bảo thắng, là thắng". Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tiến lên dưới là cờ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG của Người, và đã lập nên những kỳ tích có tầm vóc thời đại: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng... 

Quán triệt sâu sắc điều đó để trong giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, cần khơi dậy niềm tin và tình cảm sâu sắc của nhân dân ta, Đảng ta, các lực lượng vũ trang ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; nguyện trung thành học tập và vận dụng tư tưởng của Người vào giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của cách mạng; tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm phản động sai trái, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của cách mạng; phát huy ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

2. Tư tưởng vì con người, đề cao vai trò con người cùng phẩm chất đạo đức con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được khai thác có hiệu quả. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh có những điểm tương đồng với các tư tưởng phương Đông, ít bàn thế giới quan thuần tuý, rất coi trọng nhân sinh quan, giới tự nhiên cũng được tiếp cận trong sự gắn bó chặt chẽ với con người và trong các phẩm chất của con người, đạo đức thường được các nhà tư tưởng quan tâm, quan điểm coi con người là trung tâm của thiên hạ, đạo đức là nền gốc của con người, xã hội. 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh chống thiên tai, khai thác giới tự nhiên, cách mạng xã hội, khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược… cũng đều được lý giải với cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của con người, vì sự nghiệp giải phóng con người và xã hội. Ra đi tìm đường cách mạng, chỉ với hai bàn tay trắng với một tấm lòng yêu nước, thương dân, Người chỉ mong sao cho đất nước được độc lập, thống nhất, nhân dân được ăn no, mặc ấm, được học hành và sống cuộc đời hạnh phúc. Trong hành trình đến Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, con người là nhân tố quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải hết sức biện chứng các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. 

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị quân sự tháng 8 - 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phân tích: "Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là: thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hoà. 

Nhân hoà là thế nào ? Nhân hoà là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hoà là quan trọng hơn hết". 

Từ tư tưởng hướng về con người, coi con người có vai trò quyết định đối với sự phát triển xã hội, trong hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc gồm tất cả "con Lạc cháu Hồng", không phân biệt "già trẻ, gái trai, giàu nghèo, quý tiện", dân tộc đa số và dân tộc thiểu số, người có tôn giáo tín ngưỡng và người không theo tôn giáo tín ngưỡng, các đảng phái yêu nước… Bởi vì, càng đoàn kết thì cách mạng càng thành công: 

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết 

Thành công, thành công, đại thành công. 

Người nhìn nhận con người đầy lòng nhân ái. Những người lầm đường lạc lối làm việc cho địch, Người vẫn khơi dậy phần thiện, dù là rất nhỏ nhưng trong họ, bằng tấm lòng khoan dung, độ lượng, chân thành, đoàn kết, để cảm hoá họ quay trở về với dân tộc. Người dạy: "Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ". Chính vì chủ trương đoàn kết là đoàn kết chân thành, đoàn kết thực sự, vì lòng nhân ái vị tha, tin ở con người, tôn trọng con người nên Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức thu hút diệu kỳ với mọi người Việt Nam yêu nước, với bạn bè quốc tế; có sức cảm hoá cao với những người lạc lối lầm đường, cả những người đối lập với cách mạng. 

Đối với con người, tư tưởng Hồ Chí Minh hết sức chú ý đến đạo đức, coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một phần viết về đạo đức cách mạng. Theo Người, đạo đức cách mạng gồm có năm điều nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Đó là các giá trị đạo đức qua tổng kết của Nho giáo qua một thời kỳ lịch sử lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều lần đề cập đến các khái niệm nội dung của đạo đức Nho giáo. Nhưng với quan điểm cơ bản "đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều", Người đã chọn lọc những nội dung tốt đẹp của đạo đức truyền thống kết hợp những nội dung đạo đức mới để hình thành đạo đức cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: cán bộ, đảng viên biết rèn luyện đạo đức cách mạng sẽ trở thành cán bộ, đảng viên tốt của Đảng, được nhân dân tin yêu, người không chịu rèn luyện, phấn đấu không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, sẽ mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân, sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đề cao việc giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên, cán bộ, bộ đội và nhân dân. Trong bản Di chúc, Người còn căn dặn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên thanh niên. Người không chỉ xác định các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cách mạng, mà còn nêu gương mẫu mực. Những việc làm của một vị Chủ tịch nước như: tăng gia sản xuất, tiết kiệm 10 ngày nhịn ăn một bữa lấy gạo cứu đói, ăn một xuất cơm đạm bạc mang theo, từ chối bữa cơm khách của lãnh đạo địa phương khi về thăm đồng bào chống hạn, nằm nghỉ trên tấm vải nhựa dưới gốc cây như cán bộ, chiến sĩ khi đi công tác…, cả cuộc sống đơn sơ giản dị là một minh chứng sinh động về tư tưởng đạo đức và hành động đạo đức của Người là hình mẫu về đạo đức của quá khứ, hiện tại và tương lai. 

Ngày nay, những biến động phức tạp của tình hình quốc tế, những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, sự tấn công của "diễn biến hoà bình" của chủ nghĩa đế quốc… đã có tác động xấu, làm thoái hoá biến chất một số cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, trong các đơn vị kinh tế… thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đánh giá một trong những nguy cơ thách thức của đất nước ta hiện nay là: "Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta". Trong tình hình như vậy, việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh tuy vẫn cần giáo dục toàn diện những quan điểm tư tưởng của Người, nhưng phải tập trung vào những vấn đề căn bản, cốt lõi nhất, mà một trong những vấn đề đó là hướng vào giáo dục xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền đạo đức Việt Nam mới, coi đó là nền tảng bền vững trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

3. Vận dụng có hiệu quả phương pháp giáo dục, học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục tư tưởng của Người. 

Với thiên tài trí tuệ, được tích luỹ qua nhiều năm học tập lý luận, hoạt động cách mạng, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và là một chiến sĩ cộng sản quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh có điều kiện tiếp cận, học tập các trào lưu lý luận, tư tưởng cổ kim, Đông Tây. Điều đặc biệt ở Người mà chúng ta cần nhận thức rõ và noi theo là tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo trong học tập và vận dụng lý luận. Thuở nhỏ, học Nho giáo, Người đề cao phần tốt đẹp trong tư tưởng Khổng Tử, nhưng chưa bao giờ hướng theo tư tưởng phong kiến. Dùng những khái niệm tư tưởng, đạo đức của Nho giáo nhưng Người lý giải khác và bổ sung những nội dung đạo đức mới, biến thành khái niệm đạo đức cách mạng. Bôn ba khắp bốn biển, năm châu, tiếp cận với tư tưởng dân chủ tư sản và xã hội tư bản, Người ca ngợi tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản, nhưng không choáng ngợp và ca ngợi một chiều cái văn minh, hiện đại của xã hội tư bản, chưa bao giờ theo tư tưởng tư sản. Người phê phán giai cấp tư sản đã sử dụng những khẩu hiệu tiến bộ như là bánh vẽ, còn thực chất thì xã hội các nước tư bản, đế quốc đầy rẫy những xấu xa và tội ác. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt lên trước những người cùng thời để đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và coi đó là vũ khí tinh thần để giải phóng dân tộc Việt Nam. Người không máy móc, giáo điều theo từng câu chữ của C.Mác, của V.I. Lê-nin. Người nêu lên phương châm chung cho học tập lý luận Mác - Lê-nin: "Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta". 

Điều chúng ta thấy rõ là Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc cái cốt lõi của lý luận, từ đó vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. Người luôn nhắc nhở phải gắn lý luận với thực tiễn, nếu không gắn với thực tiễn, sẽ là lý luận suông. Chính nhờ quan điểm và phương pháp học tập đó mà Người đã phát triển, vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã nêu lên những nguyên lý lý luận và tổ chức thực tiễn, trở thành những đóng góp lớn cho lý luận cách mạng và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như thế mới làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin có sức sống lâu bền và càng có ý nghĩa trong điều kiện lịch sử mới. Mặt khác, trong giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, cần quán triệt quan điểm và phương pháp của Người: giáo dục không phải chỉ là trang bị lý luận mà quan trọng hơn là làm chuyển biến tư tưởng, hành động của người nghiên cứu, học tập, góp phần thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Có như thế, việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh mới mang lại hiệu quả thiết thực. 

Đại tá, PGS, TS Vũ Như Khôi



Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, số 1-2005

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website