Tư tưởng Hồ Chí Minh về “học để làm việc” một trong bốn trụ cột của giáo dục hiện đại

Bất cứ ở giai đoạn lịch sử nào, GD-ĐT luôn chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc và cả nhân loại. Từ xa xưa, các học giả, nhà lãnh đạo, quản lí ở trong nườc và trên thế giới đã từng luận bàn rất nhiều xung quanh chủ đề này. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới hiện nay, nhiều quốc gia, dân tộc đang tích cực chuyển sang giai đoạn phát triển nền kinh tế mới - kinh tế tri thức, vấn đề GD-ĐT càng được coi trọng. Vai trò của GD - ĐT được nhận thức và hành động một cách sâu sắc và toàn diện hơn. Bởi vì, GD-ĐT chính là chìa khoá, động lực quan trọng để xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức của mỗi quốc gia, dân tộc. 

Trong lĩnh vực giáo GD-ĐT, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có quan điểm và hành động chiến lược vượt tầm thời đại. Một trong những quan điểm và hành động của Người có tính xuyên suốt từ buổi thiếu thời cho đến lúc đi xa là xác định rõ ràng, nhất quán mục đích của việc học tập. Mục đích quan trọng nhất và suy cho đến cùng là duy nhất của việc học tập trong quan niệm và hành động của Bác chính là: Học để giúp dân cứu nước,học để làm việc. 

1. Mục đích của học tập là để giúp dân cứu nước 

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nạn ngoại xâm, Người đã sớm xác định cho mình mục đích của việc học tập. Ngay từ tuổi thiếu niên Bác đã tiếp thu được tinh thần: học tốt để giúp dân cứu nước từ một số nhà nho yêu nước, nhất là từ chính người cha Nguyễn Sinh Sắc. Tư tưởng về mục đích học tập thật tốt, học tập thật nhiều để làm việc có ích cho dân tộc, quốc gia của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuất hiện từ lúc đó. 

Vào những năm cuối thế kỉ XIX đầu của thế kỉ XX dân ta nô lệ lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Một bộ phận những người yêu nước, căm ghét giặc Pháp, muốn tìm cách đuổi Pháp đi. Biện pháp khá phổ biến lúc bấy giờ là quay lưng, bất hợp tác với thực dân Pháp, xa lánh với tất cả những gì là của nước Pháp, không tiếp thu cả những cái hay cái tiến bộ, cái mà chúng ta cần phải học từ nước Pháp lúc bấy giờ: khoa học kĩ nghệ, nền văn minh, văn hoá, ngôn ngữ, tư tưởng bình đẳng bác ái của nước Pháp. Biện pháp đó không đánh đuổi được thực dân Pháp, ngược lại càng bị áp bức, bóc lột nặng nề hơn. 

Bên cạnh đó, một bộ phận quan lại, địa chủ, tư sản, tiểu tư sản lại ca ngợi, bợ đỡ kẻ thù, đàn áp những người yêu nước, đi học để làm tay sai cho Pháp; hoặc là bằng con đường du học và định cư ở nước ngoài để mưu sinh cuộc sống. Đây là con đường hợp tác với Pháp (trong đó có học văn minh, tiến bộ của nước Pháp), nhằm tìm kiếm lợi ích, mưu sinh cho hạnh phúc của cá nhân. Mục đích học của những con người này là để ''hưởng vinh hoa phú quý''. 

Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên có ''mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp'', thì người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rất hăng say tích cực học cái hay cái tiến bộ của nền văn minh, văn hoá, ngôn ngữ Pháp; mục đích đi học của Người là để hiểu nước Pháp nhằm tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp, học để làm việc có ích cho quốc gia, dân tộc. Người muốn sang tận nước Pháp để hiểu rõ nguồn cơn của ''Tự do - Bình đẳng - Bác ái'' ngay tại nước Pháp. Trong 30 mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, dù trong hoàn cảnh nào, ở đâu, làm gì? Người luôn thể hiện mục đích học tập cao cả của mình: tích cực học tập tiếp thu kiến thức của nhân loại để giúp dân cứu nước. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, làm thợ ảnh, học đánh máy chữ, học diễn thuyết, học chủ nghĩa Mác... đều hướng tới mục đích giúp dân cứu nước, tìm con đường cách mạng giải phóng dân tộc. 

2. Mục đích của học tập là để làm việc 

Khi đất nườc đã giành lại độc lập, dù ở đâu, làm gì Người cũng liên tục phát triển quan điểm: học để làm việc. Người mong muốn mọi cán bộ, đảng viên phải xác định cho rõ mục đích của việc học tập. Tháng 9/1949, đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Việt Bắc, Người ghi vào sổ vàng truyền thống của nhà trường: ''học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại''. Như vậy, Người nhấn mạnh và yêu cầu cán bộ, đảng viên là học trước hết và quan trọng nhất là để làm việc. Mở trường Đảng để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, đảng viên là nhằm mục đích làm cho họ có thể hoàn thành tốt công việc mà thực tiễn cách mạng yêu cầu. 

Trong buổi nói chuyện tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ 2 (7/5/1958), Người lại nhắc nhở các sinh viên phải xác định cho rõ mục đích của việc học tập. Bác yêu cầu các sinh viên phải trả lời cho được câu hỏi: ''Học để làm gì? Học để phụng sự ai?''. Và Người coi đó như là phương châm hành động, bản lĩnh chính trị của đội ngũ trí thức Việt Nam mới. Trong thư gửi các cháu học sinh Trường sư phạm miền núi TW nhân dịp trường khai giảng, Người lại tiếp tục nhắc nhở ''nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta''. 

Bên cạnh đề cao mục đích học để làm việc, Người kiên quyết phê bình hiện tượng ''học để lấy bằng cấp, học để trang sức'' trong một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lúc bấy giờ. Bác chỉ rõ và yêu cầu nền GD-ĐT của nước nhà thực hiện cho được mục đích: ''phải xây dựng tư tưởng dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, học để vận dụng vào công việc của cách mạng, mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hoá đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau... học để xây dựng chủ nghĩa xã hội''. 

Như vậy, theo Bác, chúng ta xây dựng một nền giáo dục của một nước Việt Nam mới - độc lập và chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải yêu cầu mọi người thấm nhuần trong nhận thức và hành động mục đích của học tập là học để làm việc. 

Do xác định mục đích là học để làm việc cho nên Người yêu cầu mọi người phải thể hiện nhận thức và hành động học mọi lúc, mọi nơi, học ở mọi người và phải học suốt đời. Chính cuộc đời và sự nghiệp của Bác là một tấm gương sáng ngời minh chứng cho quan điểm này. Trong buổi nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Bác nói ''Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình ra phía sau''. 

3. Mục đích của học tập là học phải có phương pháp 

Theo Hồ Chí Minh, nếu không học thì không thể làm việc tốt được. Mà đã học thì phải học cho tốt; muốn vậy phải có phương pháp học tập. 

Phương pháp học tập là một nội dung không thể thiếu trong quan điểm của Bác khi bàn về mục đích học tập. Phương pháp học tập là một nội dung của mục đích học. Người xác định: Học phải gắn liền với thực hành; học tập suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi người. Quan điểm này được Người nhấn mạnh: ''Học để hành: Học với hành phải đi đôi Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì không trôi chảy''. Đây không chỉ là mối quan hệ giữa lí luận và thực tiễn của việc học mà ở tầng ý nghĩa sâu hơn... Tiếp tục khẳng định quan điểm này, trong thư gửi giáo sư và sinh viên trường Dự bị đại học ở Thanh Hoá, Người khuyên các sinh viên: ''Các cháu học tập cần cố gắn liền với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: thật thà phụng sự nhân dân''. 

Theo Hồ Chí Minh, muốn cho mục đích cao cả của việc học được thành công thì đòi hỏi phải có phương pháp học tập đúng đắn. Phương pháp học tập là một nội dung của mục đích học tập, gắn liền với mục đích học tập. Chỉ người nào có tinh thần và hành động học tập gắn liền với thực hành, học tập suốt đời, học tập ở mọi lúc, mọi nơi thì mới có thể đáp ứng được mục đích cao cả của học tập là học để làm việc. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng hiện nay, chúng ta càng thấm thía quan điểm này. 

4. Ý nghĩa mục đích học tập theo quan điểm của Bác 

Hiện nay, trong bối cảnh cải cách và phát triển nền giáo dục để đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn, việc học tập quan điểm và tấm gương ngời sáng của Hồ Chí Minh về mục đích học tập có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tiễn nước ta có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân, đặc biệt là trong thế hệ trẻ chưa thấy hết ý nghĩa thời đại trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: học để làm việc. 

Có một bộ phận cán bộ, đảng viên xác định mục đích của việc học không phải là học để làm việc mà học chính là để mưu lợi ích cá nhân, học để thăng quan tiến chức, học để củng cố địa vị, học để lấy bằng cấp, học hàm học vị cho oai. Nhiều khi học lại chăng để làm gì cả, việc học của họ không gắn liền với mục đích làm việc được tốt hơn. 

Chúng ta có thể nhận thấy: số lượng cán bộ, đảng viên đi học ngày một tăng nhanh, nhưng hiệu quả giải quyết công việc ở các cấp, các ngành, các đơn vị chưa rõ? Do đâu? Một nguyên nhân rất quan trọng là do mục đích học để làm việc, học để có thể đảm đương tốt công việc được phân công chưa được quan tâm đúng mức. 

Không ít các bậc phụ huynh, GV, chưa làm tốt công tác truyền đạt cho thế hệ trẻ: lòng ham học, học giỏi để sau này có thể làm việc được tốt, mới chỉ dừng ở chỗ: học vì tinh thần thành tích thi đua chung, vì kết quả của bản thân học sinh, vì sự mong đợi của các bậc cha mẹ, họ hàng, thầy cô giáo và nhà trường. Thiết nghĩ, điều này là rất quan trọng, là động lực để nâng cao chất lượng trong giáo dục nhà trường phổ thông, phù hợp với tâm lí con người. Nhưng động lực, bệ phóng để các em mở rộng tầm nhìn, đi được xa hơn, phát triển về nhân cách, trí tuệ toàn diện bền vững hơn, có lẽ cần phải đề cao: học giỏi để có thể làm việc tốt trong tương lai. 

Trong thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay, một bộ phận không nhỏ chỉ xác định mục đích duy nhất là học để có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Đành rằng, đây là mục đích rất chính đáng, thiết thực đối với cuộc sống hôm nay, phù hợp với việc phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta. Song, nó bị đẩy lên thái quá, trở thành phương châm hành động của khá đông học sinh, sinh viên, thanh niên. Do mục đích học để làm việc chưa được đề cao thoả đáng trong xã hội và lấy hệ giá trị của trường lớp, địa vi xã hội, cơ hội kiếm được nhiều tiền trong lúc học và sau khi ra trường làm thước đo nên nhiều học sinh xác định nguyện vọng học bậc tiếp theo không phù hợp với năng lực của mình, không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta; một bộ phận HS đi du học nước ngoàt bị cuốn vào guồng xoáy của giá trị vật chất, không chuyên cần học tập. Vấn đề xác định giá trị, mục đích của việc học tập ở nước ngoài nhằm tiếp thu khoa học - công nghệ, quản lí tiên tiến, để từ đó có thể làm việc được tốt hơn, phục vụ cho đất nước được nhiều hơn chưa được coi trọng. 

Phương châm ''đi tắt đón đầu'' trong học tập khoa học - công nghệ, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta hiện nay về cơ bản là đúng đắn. Tuy nhiên, khi triển khai cụ thể, chúng ta chưa coi trọng một cách thoả đáng đến mục đích học để làm việc, ''đốt cháy, bỏ qua'' khá nhiều công đoạn trong học tập, đào tạo khoa học - công nghệ và làm kinh tế nên gặp không ít khó khăn, bất cập. 

Tấm gương và hành động trong mục đích học tập của Hồ Chí Minh đã trở thành một di sản quý báu của đất nước. Trong quá trình đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức ở nước ta hiện nay, việc xác định mục đích học để có khả năng tiếp cận và đáp ứng được công việc là hết sức cần thiết. Nó cần phải được coi là phương châm hành động trong xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ. 

Những năm cuối của thế kỉ XX, UNESCO - Tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc đã khẳng định: mục tiêu của giáo dục trên thế giới đang chuyển hướng, từ chỗ học để biết chuyển sang phương châm học để làm việc, học để cùng chung sống, học để làm người. Mục đích của giáo dục là nhằm xây dựng nguồn lực con người trở thành động lực cho sự phát triển bền vững. Phải chăng vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức, hành động và giáo dục chúng ta trước đó từ rất lâu và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Theo Đỗ Văn Quân - Đặng Ánh Tuyết, Tạo chí Giáo dục, tháng 1/2005

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website