TS. Vũ Trường Giang
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có một lịch sử phát triển, bản sắc văn hóa riêng. Nhận thức rõ vai trò, vị trí của vấn đề dân tộc, trong đó có vai trò, vị trí quan trọng của các dân tộc thiểu số trong quá trình dựng nước, giữ nước ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt về vấn đề này. Trong kho tàng di sản tư tưởng của Người, hệ thống quan điểm về các dân tộc thiểu số là một bộ phận rất quan trọng.
1. Vai trò của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng
Do những đặc điểm lịch sử, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường cư trú ở vùng miền núi và biên giới, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tô quốc. Suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, những vùng đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc đã được lớp lớp thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số kiên cường và bền bỉ, đoàn kết đấu tranh, dựng xây trở thành "phên dậu" của đất nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần rất lớn vào cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập của dân tộc. Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc được thực tiễn đó, và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã không ngừng phấn đấu thực hiện vì một chính sách dân tộc đúng đắn và sát hợp.
Năm 1941, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Căn cứ địa cách mạng đầu tiên mà Người xây dựng là tại Pắc Bó (Cao Bằng) và từ đó phát triển ra khắp vùng Việt Bắc. Các dân tộc ở Việt Bắc mãi mãi khắc ghi hình ảnh Hồ Chí Minh - "Ông Ké", "Già Thu". Ngay khi cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước, Người đã kêu gọi toàn dân, trong đó có các dân tộc thiểu số, tham gia cách mạng: "...Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm..."1. Trong thời gian này, đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng căn cứ địa, nuôi giấu cán bộ, giao thông liên lạc, tổ chức các lực lượng cách mạng... Mặt trận Việt Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân v.v... đều đã ra đời ở căn cứ Việt Bắc - địa bàn cư trú của các dân tộc ít người. Bốn năm sau, năm 1945, trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh một lần nữa nhấn mạnh: "Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) có hàng chục triệu đội viên, gồm đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương binh, gồm đủ các dân tộc Việt, Thổ, Nùng, Mường, Mán... Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!"2.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp núp sau quân Anh đã quay lại xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đảng và Chính phủ lại trở về "Thủ đô" Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "... Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc... Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước..."3. Đáp lại lời kêu gọi đó, nhân dân các dân tộc thiểu số đã cùng nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến, kiến quốc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rừng Trường Sơn - Tây Nguyên... đã trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Trong suốt những năm chiến tranh, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã đóng góp sức người, sức của ủng hộ cách mạng, góp phần không nhỏ trong thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên..., đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Hồ Chí Minh đã khái quát tầm quan trọng của miền núi: "... miền núi đối với quốc phòng rất quan trọng. Vì vậy, phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu của bọn phản động... Toàn Đảng, toàn dân đều phải có trách nhiệm giúp sức vào việc đó..."4. Phương châm đánh địch ở cả ba vòng chiến lược: miền núi, nông thôn đồng bằng, đô thị chính là sự hiện thực hóa đúng đắn và hiệu quả nhất tư tưởng trên của Người.
2. Các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ
Ba nguyên tắc này có quan hệ hữu cơ, hợp thành một thể thống nhất, tác động qua lại lẫn nhau. Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; vừa là tiền đề, vừa là hệ quả. Bình đẳng là cơ sở của đoàn kết. Tương trợ là điều kiện của đoàn kết và bình đẳng.
Hồ Chí Minh là người nhận thức được toàn diện và sâu sắc ý nghĩa sống còn cái khối đại đoàn kết toàn dân đối với sự tồn vong của đất nước. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, Người viết: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có "NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ" để săn sóc cho tất cả các đồng bào... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta..."5. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người thường xuyên nhắc nhở: "Phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Đây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số"6.
Nguyên tắc bình đẳng xuất phát từ quyền cơ bản của con người. Trong văn kiện lịch sử Tuyên ngôn độc lập, tư tưởng này của Hồ Chí Minh được thể hiện rõ: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Nội dung của bình đẳng bao gồm: chính trị, kinh tế, văn hóa v.v. và mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc trên đất nước ta đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ... Đảng và Chính phủ ta luôn luôn kêu gọi các dân tộc xoá bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội..."7.
Sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc không đồng đều nên cần có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Không chỉ dân tộc đa số giúp đỡ dân tộc thiểu số, mà còn ngược lại để các dân tộc cùng phát triển. "... Hiện nay có hàng chục vạn đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế miền núi. Đồng bào miền núi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền xuôi. Và đồng bào miền xuôi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền núi. Đó là hai phía, đó là chính sách dân tộc của Đảng..."8.
3. Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số
Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được Hồ Chí Minh dành một sự quan tâm đặc biệt và một sự cảm thông sâu sắc. Người nói: "Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bảo rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa cho đồng bảo rẻo cao về mọi mặt"9.
Hồ Chí Minh chủ trương phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bảo các dân tộc thiểu số được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa. "Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt. Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình"10. Công tác phát triển giao thông miền núi cần thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm: "... Đắp đường lớn là do trung ương phụ trách. Bộ Giao thông chịu trách nhiệm. Nhưng địa phương có thể làm những đường nhỏ. Làng này qua làng khác thì xã tự động làm... "11. Về bảo vệ rừng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "... Cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”12.
Về văn hóa, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý tới tâm lý, phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào các dân tộc. Người căn dặn các cán bộ đi công tác miền núi: "Nước ta có nhiều dân tộc, đấy là điểm tốt. Mỗi dân tộc có một tiếng nói riêng, có hai dân tộc một tiếng nói. Cán bộ đi làm việc ở chỗ nào, phải học tiếng nói ở đấy"13. Đồng thời, công tác xây dựng đời sống mới ở vùng các dân tộc thiểu số được đặt ra một cách cấp bách, nhưng là một quá trình mang tính liên tục, lâu dài và cán bộ cơ sở phải có tinh thần trách nhiệm cao: "... Muốn cải tạo phong tục tập quán được tốt, thì tuyên huấn phải làm, mà phải làm bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc..."l4.
Mặt khác, do trình độ học vấn của đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp, lại ở vùng sâu vùng xa, thiếu thông tin nên công tác tuyên truyền phải cụ thể thiết thực: "Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời... Ví dụ: Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo, thì tuyên truyền huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp. Bởi vì đời sống, trình độ đồng bào Mèo và Thái khác nhau cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác. Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc"l5.
Trên lĩnh vực giáo dục, Hồ Chí Minh quan tâm đến việc phát triển bình dân học vị, xoá nạn mù chữ cho đồng bào các dân tộc, phát triển giáo dục miền núi, khôi phục và xây dựng hệ thống chữ viết cho các dân tộc như chữ Thái, Mông. Chú ý xây dựng thêm trường, lớp học, đào tạo thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo thuộc các dân tộc ít người. Trong Thư gửi các học sinh Trường sư phạm miền núi Trung ương nhân dịp trường khai giảng có đoạn viết: "...Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung: là gia đình Việt Nam; đều có một Tổ quốc chung: là Tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà"16.
4. Chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số để phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng. "Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay"17. Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ phải đứng vững trên quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và phải có đạo đức cách mạng, lý luận phải đi đôi với thực tiễn, học phải gắn với hành. Đồng thời phải "...khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh. . ."18.
Việc hình thành một đội ngũ cán bộ dân tộc mang lại ý nghĩa và tác dụng to lớn, nhằm củng cố sự lãnh đạo của Đảng ở vùng miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc, nâng cao đời sống của đồng bào. "...Các cấp bộ đảng phải thi hành đúng chính sách dân tộc, thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc. Đời sống đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng cao còn có nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh các công tác trên, cần phải củng cố và phát triển Đảng, cần phải có quyết tâm củng cố Đảng, củng cố chi bộ, tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, văn hóa, nghiệp vụ cho các đảng viên, cán bộ. Cần chú ý kết nạp thêm đảng viên các dân tộc và nữ đảng viên để mở rộng đội ngũ Đảng, đồng thời chú ý củng cố và phát triển Đoàn Thanh niên Lao động. Đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong việc đoàn kết, học tập, công tác..."19.
Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được đặc biệt chú ý nâng cao trình độ học vấn, đẩy mạnh giáo dục lý luận chính trị, kiến thức về khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, kiến thức về quản lý; cần bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với năng lực, sở trường và kết hợp sử dụng cả cán bộ người Kinh và người dân tộc thiểu số trong công việc; đồng thời khắc phục hiện tượng: "Cán bộ xuôi lên không yên tâm công tác, muốn về Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Như thế là không đúng. Bác đã nói cán bộ là đày tớ của nhân dân, chỗ nào nhân dân cần đến mình là mình phải dấn, bất kỳ chỗ nào cũng là Tổ quốc, cũng là đất nước, cũng là cương vị công tác của cán bộ. Phải nhớ rằng Đảng, Chính phủ tin cậy vào cán bộ, nơi nào khó, có cán bộ. Việc gì khó, có cán bộ. Vì vậy cán bộ các nơi đến phải yên tâm, tích cực công tác, phải gương mẫu, phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ cán bộ địa phương được tốt. Vì vậy cán bộ địa phương cùng cán bộ nơi khác đến phải đoàn kết thương yêu nhau, làm gương cho nhân dân địa phương..."20.
Tổng kết chính sách dân tộc của Đảng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào"21.
Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, vùng miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, những tư tưởng Hồ Chí Minh về các dân tộc thiểu số vẫn không ngừng phát huy tác dụng khoa học và nhân văn cao đẹp. Các dân tộc thiểu số, các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những lời dạy đó để xây dựng đất nước"đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Người hằng mong ước.
____________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.3, tr.198.
2. Sđd, t.3, tr.553.
3. Sđd, t.4, tr.480.
4. Sđd, t.11, tr.136.
5. Sđd, t.4, tr.217 -218.
6. Sđd, t.10, tr.418.
7. Sđd, t.9, tr.587.
8,11,12,13. Sđd, t.11, tr.136, 134, 134, 137, 134.
9. Sđd, t.10, tr.323.
10. Sđd, t.4, tr.101 - 111.
14. Sđd, t.11, tr.128 -129.
15. Sđd, t.7, tr.496.
16. Sđd, t.10, tr.418.
17. Sđd, t.11, tr.136.
18, 19. Sđd, t.9, tr.457, 444.
20. Sđd, t.10, tr.608.