Nét độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh

 PGS. Mai Trung Hậu

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh 

1. Ai cũng hiểu rằng Hồ Chí Minh trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước đã gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường cách mạng đưa đất nước và dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ, giành lại độc lập tự do. Nhưng Hồ Chí Minh không tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin một cách giáo điều sách vở mà Người thâu thái cái tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin. Cái mà Người tâm đắc nhất là phép biện chứng duy vật và nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Thực tiễn là cơ sở của lý luận, là tiêu chuẩn của chân lý. Theo Người, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho phù hợp với điều kiện đặc biệt nước ta và lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Vì vậy, Hồ Chí Minh không rơi vào chủ nghĩa biệt phái đối với các trào lưu tư tưởng khác mà biết chắt lọc những cái hợp lý để làm giàu tư tưởng của mình. Có thể nói tinh hoa của giai cấp (chủ nghĩa Mác-Lênin), của dân tộc và của nhân loại mà Hồ Chí Minh đã thâu thái chắt lọc hòa quyện vào nhau, tạo nên bản sắc tư tưởng Hồ Chí Minh với những nét sáng tạo độc đáo.

Nét độc đáo đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh là nêu lên luận điểm mới về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Mác coi sự hình thành dân tộc là kết quả của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa nên việc giải quyết vấn đề giai cấp có ý nghĩa quyết định đối với việc giải quyết vấn đề dân tộc "Hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng bị xóa bỏ". Mác đưa ra khẩu hiệu "giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại". Đến Lênin, khi chủ nghĩa tư bản tiến sang chủ nghĩa đế quốc, các dân tộc nhược tiểu bị chủ nghĩa đế quốc xâm chiếm, nô dịch biến thành hệ thống thuộc địa của chúng, Lênin coi cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận không tách rời của cách mạng vô sản thế giới. Người đưa ra khẩu hiệu "Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại". Nhưng Lênin cũng chưa nhận thấy được tính độc lập của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong mối quan hệ với cách mạng vô sản ở chính quốc. Hồ Chí Minh xuất phát từ đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa đế quốc trong mối quan hệ với các thuộc địa và đánh giá lực lượng cách mạng to lớn ởcác thuộc địa, từ đó Người nêu lên một luận điểm mới: Sự bóc lột thuộc địa không chỉ là nguồn sống của bọn tư bản mà còn là cái nền móng của chủ nghĩa đế quốc. Do đó, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không những phải trở thành bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới mà còn có vai trò độc lập của nó. Nó có thể giành thắng lợi trước bằng sự nỗ lực của bản thân nó và giúp đỡ lại cách mạng vô sản ở chính quốc. Người viết: "Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn"1.

Luận điểm mới đó của Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn, thức tỉnh tính chủ động tích cực của nhân dân các nước thuộc địa, không ỷ lại, thụ động, trông chờ cách mạng vô sản ở chính quốc mà phải đứng lên "lấy sức ta giải phóng cho ta". Luận điểm này đã được Hồ Chí Minh vận dụng vào cách mạng Việt Nam và đã thành công.

2. Thực tiễn cách mạng Việt Nam được Người phân tích một cách sâu sắc với một tư duy biện chứng, từ đó Người chỉ rõ ở Việt Nam một nước thuộc địa nửa phong kiến nên không thể tiến hành ngay cách mạng vô sản (cách mạng xã hội chủ nghĩa) mà trước tiên phải tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công mới tạo tiền đề và điều kiện để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội khỏi chế độ áp bức bóc lột. Vì vậy, Người coi giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu vì không giành được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.

Ở một nước thuộc địa nửa phong kiến Hồ Chí Minh không cường điệu cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản vì lợi ích cơ bản của giai cấp vô sản và của dân tộc cơ bản là thống nhất, chẳng những trong cách mạng giải phóng dân tộc mà cả trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Người chỉ rõ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai mục tiêu chiến lược của cách mạng do Người và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Để thực hiện hai mục tiêu chiến lược đó, Hồ Chí Minh luôn luôn nêu cao vấn đề đoàn kết: đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Người nêu lên một luận điểm nổi tiếng: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công". Người coi đó là chính sách cơ bản, là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt cả hai giai đoạn cách mạng (cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa). Để thực hiện chính sách cơ bản đó, Người chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất tập hợp tất cả các lực lượng: công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước, tiến bộ, lấy liên minh công nông làm nền tảng vì công nông là gốc của cách mạng. Mặt trận dân tộc thống nhất mà Đảng Cộng sản cũng là một thành viên, xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam (cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội xã hội chủ nghĩa). Về sự lãnh đạo của Đảng, quan điểm của Hồ Chí Minh là: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo"2. Trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển Mặt trận, Người luôn nhắc nhở Đảng phải chú ý tránh khuynh hướng cô độc, hẹp hòi cũng như khuynh hướng đoàn kết một chiều mà phải đấu tranh với tinh thần xây dựng, cởi mở nhằm đoàn kết chặt chẽ hơn nữa. Nhờ có Mặt trận đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp to lớn của dân tộc chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đây cũng là một nét độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh.

3. Về Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Trong khi Đảng Cộng sản các nước theo chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ coi Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân thì Hồ Chí Minh lại khẳng định: "Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị"3.

Vì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Đảng là sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Đảng gánh lấy sứ mệnh lịch sử của giai cấp và của dân tộc, lãnh đạo giai cấp và dân tộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó không trái với chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người chủ trương xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thành "một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để"4. Chính vì vậy, mà Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng lãnh đạo duy nhất cách mạng Việt Nam. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh nêu lên luận điểm: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền... phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"5.

Luận điểm này mới nghe hình như mâu thuẫn, nhưng đó chính là mối quan hệ biện chứng. Vì Đảng muốn xứng đáng là người lãnh đạo thì Đảng phải trung thành với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Đường lối, chính sách của Đảng phải thể hiện lợi ích chính đáng của nhân dân được nhân dân đồng tình ủng hộ, sẵn sàng làm theo sự lãnh đạo của Đảng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Đó mới là một Đảng Cộng sản chân chính.

4. Vì độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Độc lập Tổ quốc gắn liền với tự do của nhân dân "Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"6. Trong các chế độ trước: chế độ nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản, nước tuy độc lập, nhưng nhân dân đâu có tự do theo đúng nghĩa của từ ấy mà tự do chỉ là tự do của giai cấp thống trịTheo tư tưởng Hồ Chí Minh, nước độc lập, dân tự do chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy sau khi giành được độc lập dân tộc phải tiếp theo làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chế độ mới do nhân dân làm chủ thật sự thì nhân dân mới có tự do thật sự. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, là hai mục tiêu chiến lược của cách mạng.

Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí Minh nêu lên một luận điểm nổi tiếng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã trở thành chân lý của thời đại, có sức cổ vũ to lớn nhân dân và quân đội không sợ gian khổ hy sinh, quyết tâm chiến đấu, "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Luận điểm đó còn có sức cổ vũ to lớn cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các lực lượng yêu nước, tiến bộ trên thế giới.

5. Sau khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh ít nói đến công nông chuyên chính hay vô sản chuyên chính mà gọi đó là chính quyền nhân dân, của dân, do dân, vì dân. "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo (Điều 1 Hiến pháp 1946). Cho đến khi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người cũng nói như thế. Người nói chính quyền, nhà nước không phải là cơ quan thống trị dân mà là công bộc của dân. "Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy, thế là dân chủ"7. Nếu dân không thật sự là ông chủ nắm chính quyền thì dân chủ chỉ là nói suông, là hình thức. "Phép luật là phép luật của nhân dân dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân"8. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy ra. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, người nấu ăn đến chủ tịch nước đều là những người được phân công làm đầy tớ cho dânĐảng ta là Đảng cầm quyền phải cùng với Nhà nước lo cho dân. Nếu dân đói, dân rét, dân ốm, dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi. Bất kỳ ở địa vị nào làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng cần kiệm, liêm, chính.

6. Trong khi quan niệm rằng đã có Nhà nước thì phải có pháp luật để quản lý nhà nước, nhưng Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa vấn đề pháp luật mà hết sức coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng. Pháp luật và đạo đức phải kết hợp chặt chẽ với nhau thì việc quản lý xã hội mới có hiệu lực vì khi người ta biết liêm sỉ thì người ta coi việc vi phạm pháp luật là một điều đáng hổ thẹn không nên làm. Chủ nghĩa Mác-Lênin tuy cũng có đề cập đến vấn đề đạo đức cách mạng là nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, nhưng không nêu lên một cách cụ thể như Hồ Chí Minh, Người chắt lọc tinh hoa đạo đức truyền thống của dân tộc, cải tạo các phạm trù đạo đức của Nho giáo đưa vào những nội dung mới có tính chất cách mạng hình thành nét độc đáo của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, cái gốc của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là trung với nước, hiếu với dân. Dân là gốc của nước, do đó đã trung với nước thì phải hiếu với dân, đã hiếu với dân thì phải trung với nước. Trung với nước, hiếu với dân thì phải rèn luyện và thực hành tám đức lớn là nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm, chính. Trong tám đức đó, cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức căn bản. Người viết:

"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức thì không thành người"9 .

Theo Người, đó không phải là đạo đức thủ cựu mà là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại; đó không phải là vì danh vọng cá nhân mà là vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài ngườiĐó là chủ nghĩa nhân văn cao đẹp nhất.

7. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội mộc mạc, ai cũng hiểu được, nhưng rất sâu sắc. Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, được chăm sóc sức khỏe, mọi người đều được tự do, hạnh phúc. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, những thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước có văn hóa cao và đời sống ấm no, hạnh phúc. Chúng ta phải tiến hành những nhiệm vụ đó trong những điều kiện đặc biệt của nước ta, nghĩa là trên cơ sở một xã hội mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến hết sức lạc hậu. Vì vậy, phải tiến hành đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, động viên lực lượng sáng tạo của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới thành công. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa. Xây dựng con người xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ lâu dài "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà"10. Con người mới xã hội chủ nghĩa trước hết là đảng viên cộng sản. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, tự nâng cao mình, không tự nâng cao mình thì không thể được. Đồng thời Đảng phải quan tâm bồi dưỡng con người mới trong công nhân, nông dân, trong nhân dân lao động. Con người mới phải rèn luyện thể, đức, trí, hiểu biết khoa học, có trình độ thẩm mỹ, có thể sáng tạo ra cái đẹp, biết thưởng thức cái đẹp để xây dựng xã hội mới, một xã hội tỏa sáng cái thiện và cái đẹp của con người. Con người mới nảy sinh trong phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, chiến đấu, công tác để tạo ra ngày càng nhiều những chiến sĩ thi đua, những anh hùng, dũng sĩ. Họ là những con người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc"11. Nhưng dù sao họ vẫn là số ít, mà phải phát hiện nêu gương những người tốt, việc tốt hàng ngày có tính phổ biến trong nhân dân, những việc nhỏ bình thường nhưng ích nước, lợi dân, ai cũng có thể làm theo được, làm cho nó phát triển ngày càng sâu rộng. Đó chính là cái nền của xã hội mới, là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người đã phê bình Ban Tuyên huấn và nhà xuất bản chưa coi trọng xuất bản sách Người tốt, việc tốt, vận động quần chúng xem và làm theo, Người nêu lên một quan điểm rất sâu sắc: "Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ họp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc. Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có"12. Người nhắc nhở đây không phải chỉ là một đợt vận động đọc sách Người tốt, việc tốt, cũng không phải là một đợt giáo dục hay một cuộc vận động đột xuất chỉ làm trong một thời gian. Đây là một cuộc vận động cho bây giờ cho mai sau. Thật hiếm có một vị lãnh tụ nào của Đảng, của giai cấp quan tâm đến việc xây dựng con người mới với những tư tưởng sâu sắc như Hồ Chí Minh.

8. Trong tư tưởng Hồ Chí Mmh về dân (hay nhân dân) không chỉ kế thừa tư tưởng của người xưa "dân vi bản", "dân vi quý" và quan niệm của chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng mà còn phát triển lên một bước mới rất độc đáo. Quan niệm dân của Hồ Chí Minh rất rộng. Dân bao gồm công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và tất cả những người yêu nước trong cộng đồng dân tộc Việt Nam (nhân sĩ, tù trưởng, già làng...). Trong đó công, nông là gốc của cách mạng. Người coi dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc "Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"13. Yêu dân, tin dân, quý dân, trọng dân, Người nói rằng trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân. Từ thực tiễn lịch sử của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nhận định: "Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại"14. Một vấn đề mà Hồ Chí Minh rất tâm đắc coi đó là một chân lý và nhắc nhở cán bộ: "Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm"15. Người luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên có dân là có tất cả, phải dựa vào dân và học tập dân vì dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn mau chóng đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra. "Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong"16. Rằng Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho dân, vì thế bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân. "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng"17.

Theo Hồ Chí Minh, muốn nhân dân thực hiện một cách tự giác đường lối, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước thì phải làm thật tốt công tác dân vận. Theo Người, dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hiện những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho. "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi ra mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc"18"Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"19. Vì vậy từ cán bộ đảng, chính quyền và các đoàn thể trong Mặt trận đều phải làm công tác dân vận. Quan liêu là do xa cách dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng. Quan liêu dẫn đến mệnh lệnh ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo20.

9. Trong khi nêu tên chính sách đại đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh rất coi trọng lợi ích chính đáng của công nhân và nông dân, lực lượng gốc của cách mạng. Ở đây chỉ xin nêu lên một tư tưởng rất mới đối với công nhân mà lâu nay chúng ta ít chú ý. Ngay từ năm 1947, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với danh nghĩa chủ tịch nước, Người đã ký Sắc lệnh số 29/SL ngày 12-3-1947 quy định quan hệ giữa chủ và công nhân: "Để khuyến khích công nhân trong các ngành kỹ nghệ và thương mại, có thể định cho công nhân tham gia vào việc chia lãi hàng năm". Đây là quan niệm rất mới về "lao - tư tưởng lợi". Tiếc rằng do điều kiện hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, ác liệt, quan điểm này chưa biến thành hiện thực.

10. Hồ Chí Minh là một nhà duy vật biện chứng nhưng Người vẫn tôn trọng thế giới tâm linh của con người. Trong lúc chủ nghĩa Mác-Lênin và những người cộng sản trên thế giới coi tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân thì Hồ Chí Minh lại coi tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Nhưng Người cũng tố cáo và phê phán nghiêm khắc Giáo hội Thiên chúa của Pháp đã làm trái với lòng nhân ái cao cả của Chúa, đồng lõa với thực dân Pháp đi cướp nước ta. Người luôn hô hào tự do, tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết, hợp sức, chung lòng kháng chiến và kiến quốc. Một nhà báo phương Tây đã viết: "Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng nhân ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên"21.

Trên đây chỉ mới nêu lên một số nét độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh, cần có sự nghiên cứu toàn diện sâu sắc những nét độc đáo trong tư tưởng của Người để thấy rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin vừa có sự thống nhất vừa có sự khác biệt. Sự khác biệt đó là do thiên tài của Người, lấy thực tiễn cách mạng Việt Nam làm điểm xuất phát. Điều đó làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh không rơi vào chủ nghĩa giáo điều, biệt phái. Tư tưởng và hành động của Người là thống nhất. Chính tư tưởng của Người được Người đem ra thực hành và lãnh đạo nhân dân thực hành, đã đem lại những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người, nhân cách của Người và hành động của Người làm cho Người trở thành một lãnh tụ thiên tài của Đảng, của giai cấp công nhân, của dân tộc, được nhân dân ta và nhân dân thế giới tin yêu, kính phục...

___________

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.36.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.3, tr.139.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.467.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.6, tr.174.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.498.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.56.

7,8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.218-219,453.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.631.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.222.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.6, tr.475.

12,15,16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.249,246,212.

13,14,17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.410,151,249.

18,19,20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.699,700,293.

21. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb.Sự thật, H.1995, t.1, tr.27.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website