Giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc

Ở đây chúng tôi không bàn đến nội dung và phương pháp tiến hành cách mạng vô sản ở nước Việt Nam thuộc địa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, mà chỉ bàn đến bản chất cách nạng và khoa học tạo gía trị bền vững trong lý luận Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc thuộc địa Việt Nam sau khi Người tiếp thu chủ nghĩa nhân văn mácxít và phương pháp làm việc biện chứng -  bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc thể hiện qua các luận điểm chủ yếu "giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", thực hiện chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Với Mác và Ăngghen, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã nêu rõ: “Hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”. Để nói rõ hơn, hai ông giải thích: “Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”. Điều đó có nghĩa là, đối với những nước tư bản phát triển, giải phóng con người, giải phóng giai cấp phải diễn ra trước khi giải phóng các dân tộc bị áp bức, mà con người nói ở đây là giai cấp công nhân, giai cấp vô sản.

Rõ ràng đối với Mác, Ăngghen, trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản chưa trở thành chủ nghĩa đế quốc, vấn đề giải phóng dân tộc chưa được quan tâm đúng mực. Chính vì vậy, Lênin mới nói: “Đối với Mác, thật không nghi ngờ gì cả là so với “vấn đề công nhân” thì vấn đề dân tộc chỉ có ý nghĩa thứ yếu mà thôi”. Đồng thời Lênin cũng nói: “Những lý luận của Mác thì xa, việc coi thường các phong trào dân tộc, như trời xa đất vậy”[1]. Điều đó có nghĩa là Lênin không nghĩ rằng Mác coi thường vấn đề dân tộc, mà chỉ vì trong thời đại của Mác, vấn đề giải phóng dân tộc chưa đặt ra một cách gay gắt như sau này khi chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc.

Phải đến cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản mới chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đẫn đến tình trạng xâm chiếm các thuộc địa. Trong bối cảnh đó, đương nhiên, Lênin không chỉ tiếp thu học thuyết Mác mà phải phát triển chủ nghĩa Mác, sáng lập ra Quốc tế III thay thế Quốc tế I và II, đồng thời nêu khâu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc thuộc địa, đoàn kết lại!” thay cho khẩu hiệu do Mác và Ăngghen nêu: “vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”. Nhờ đó, Lênin đã thành công trong cách mạng Nga với việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các dân tộc còn lạc hậu, chưa phát triển ở nước Nga Xô viết. Nhưng dù sao, Lênin cũng chỉ mới giải quyết được vấn đề dân tộc và thuộc địa trong phạm vi các dân tộc thuộc ảnh hưởng của nước Nga, nghĩa là chưa phải các dân tộc thuộc địa đang chịu sự áp bức, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân nhân danh nền văn minh phương Tây đi “khai hóa” các dân tộc mà họ xem là “dã man” ở khắp các châu lục.

Xuất phát từ các nước phương Đông, đặc biệt là Việt Nam, nơi chủ nghĩa thực dân Pháp chiếm làm thuộc địa và áp bức dân tộc ta vô cùng tàn bạo, Hồ Chí Minh thấy rõ chủ nghĩa thực dân đã trở thành bản chất gắn liền với chủ nghĩa tư bản khi nó trở thành chủ nghĩa đế quốc và vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa phải là một nhiệm vụ không thể tách rời sự nghiệp cách mạng vô sản. Chính vì vậy, khi gặp Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Hồ Chí Minh đã xúc động đến phát khóc và thực sự tìm được con đường giải phóng dân tộc mình trong mối quan hệ với chủ nghĩa Lênin và sự nghiệp cách mạng vô sản.

Tại buổi họp của Đảng Xã hội Pháp, khi được nữ đồng chí Rose hỏi tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III của Lênin, Hồ Chí Minh trả lời ngay: “Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý ván đề giải phóng thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[2]. Từ đó, Người suy nghĩ nhiều về phương pháp cách mạng, nhất là việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Có thể nói, cũng từ khi đọc Sơ thảo những luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, tán thành Quốc tế III, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Hồ Chí Minh mới thực sự bắt đầu cuộc hành trình cách mạng theo mục tiêu giải phóng dân tộc gắn liền với lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong Lời kêu gọi của báo Le Paria, số 1, ngày 1-4-1922, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết: “Báo kêu gọi họ đoàn kết lại, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ. Báo kêu gọi họ, tổ chức họ, nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình thương yêu và bác ái”… “Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được. Đó là giải phóng loài người".

Với mục đích giải phóng loài người, Hồ Chí Minh tập hợp lực lượng từ những người bị áp bức, bóc lột ở khắp các châu lục gồm các bạn da đen, da vàng, da trắng, thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, thực hiện mục tiêu Đoàn kết tạo ra sức mạnh, và hợp tác xuất bản báo Le Paria. Trong truyền đơn cổ động mua báo Le Paria, sau khi khẳng định “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi ngwofi và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc…”, Hồ Chí Minh viết: “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”[3]

Như vậy là, sau khẩu hiệu của Mác, Ăngghen: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”, thì khẩu hiệu của Hồ Chí Minh: “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!” là một bước phát triển nhận thức mới về động lực và sách lược cách mạng, đáp ứng đúng yêu cầu mới của tình hình thế giới. Bởi lẽ, trong thời đại chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc, hầu hết các dân tộc kém phát triển, với hơn 70% dân số và diện tích đất đai trên thế giới, đã trở thành thuộc địa các nước tư bản phát triển. Chủ nghĩa tư bản tồn tại và phát triển không chỉ do bóc lột giai cấp công nhân ở “chính quốc” mà chủ yếu là chiếm đoạt của cải, tài nguyên và bóc lột tàn nhẫn nhân dân lao động ở các nước thuộc địa của chúng.

Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh còn viêt cả một cuốn sách nhan đề Bản án chế độ thực dân Pháp để vạch trần bản chất thâm độc của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam bằng những số liệu thật cụ thể, rõ rằng, không thể chối cãi. Với sự ra đời Bản án chế độ thực dân Pháp, có thể coi đó là một bản cáo trạng hùng hồn và đanh thép mang tầm thời đại không chỉ đối với thực dân Pháp mà là đối với chủ nghĩa thực dân cũ nói chung trên phạm vi toàn cầu.

Thiết tưởng những bằng chứng cụ thể và hùng hồn đó đã nói lên khá thuyết phục về sự thay đổi cục diện cách mạng so với thời đại của Mác, Ăngghen khi các ông viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Phải chăng, cũng chính vì vậy, Lênin mới viết Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa và thành lập quốc tế III thay Quốc tế I và II do Mác và Ăngghen sáng lập. Với phong trào cách mạng vô sản thì phải thấy đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng. Cũng từ đó, sự nghiệp cách mạng theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa không còn là việc riêng của giai cấp vô sản ở các nước được gọi là “chính quốc” mà đã trở thành mục tiêu chung của toàn nhân loại, trong đó có công nhân, nông dân, trí thức và nói chung là nhân dân lao động.

Vì vậy, với khẩu hiệu “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”, Hồ Chí Minh đã đặt ra một mục tiêu mới có ý nghĩa nhân văn, khoa học sâu sắc cho sự nghiệp cách mạng vô sản vào thời điểm chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc. Nó chẳng những tiếp thu một cách tích cực và sáng tạo mà còn cụ thế hóa khẩu hiệu Vô sản tất cả các nước và các dân tộc thuộc địa, đoàn kết lại! của Lênin. Bởi lẽ, Lênin chỉ mới nói đến các dân tộc thuộc địa, chưa nói rõ con người là lực lượng cách mạng hùng hậu ở các dân tộc thuộc địa, không chỉ có giai cấp công nhân mà chủ yếu là nhân dân lao động thuộc giai cấp nông dân, trí thức tiểu tư sản, thậm chỉ cả giai cấp tư sản dân tộc nhỏ bé và có tinh thần yêu nước.

Với khấu hiệu “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”, từ nay sự nghiệp cách mạng vô sản theo mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội không còn giành riêng cho giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển được gọi là “chính quốc” mà đã trở thành mục tiêu chung của nhân loại toàn thế giới với hàng tỷ người lao động. Chủ nghĩa xã hội không còn dành riêng cho người da trắng như có lần Hồ Chí Minh phê phán sự lầm tưởng của các đảng cộng sản ở các nước tư bản phát triển khi họ không quan tâm đến các dân tộc thuộc địa, mà đã trở thành mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ.

Như vậy, từ chỗ nêu rõ mục tiêu “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo đồng thời phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin Vô sản tất cả các nước và các dân tộc thuộc địa, đoàn kết lại! vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam và các nước phương Đông thành khẩu hiệu Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại! nhằm nêu cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc chân chính nhân danh Quốc tế cộng sản “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

"Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" là một quan điểm có nguồn gốc từ học thuyết Mác, như Ăngghen đã từng khẳng định: “Việc giải phóng những người lao động phải là sự nghiệp của bản thân những người lao động”. Hồ Chí Minh không chỉ tin vào con người, tin ở sức mạnh quần chúng, chủ thế của cách mạng, hơn thế, Người còn làm cho mọi người tin vào sức mạnh của chính mình, của dân tộc mình.

Ngay sau khi tìm thấy con đường cứu nước, cứu dân, Người đã nói với các bạn cùng chiến đấu: “Vận dụng công thức của Các Mác chúng tôi xin nới với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng nỗ lực của bản thân anh em”. Với tinh thần đó, Hồ Chí Minh tin rằng người Đông Dương, châu Á và Việt Nam nói riêng có khả năng nổi dậy đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Hơn nữa, Người còn thấy họ có khả năng giúp người phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn.

Với niềm tin mãnh liệt ở sức mình, dân tộc mình, Người nói: “Cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc và tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Không ỷ lại chờ đợi cách mạng chính quốc.

Điều này hình như có khác với những luận điệu của bọn theo chủ nghĩa cải lương tưởng rằng chỉ khi nào các nước được gọi là “chính quốc” thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng của mình, các dân tộc thuộc địa mới có điều kiện tiến hành cách mạng được. Hồ Chí Minh ngay từ khi tìm thấy con đường cứu nước, đã không bao giờ nghĩ rằng phải chờ cách mạng ở các nước “chính quốc” mới tiến hành cách mạng giải phóng các dân tộc.

Đây cũng là chỗ khác giữa Lênin và bọn theo đệ nghị quốc tế. Tiếp thu ý kiến của Lênin, Hồ Chí Minh chủ trương cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tìm ra phương pháp cách mạng đúng đắn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, theo Hồ Chí Minh cũng đồng nghĩa với việc tìm ra con đường chiến thắng kẻ thù và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thích hợp với điều kiện mỗi dân tộc.

Ý nghĩa cách mạng, nhân văn của quan điểm trên là ở chỗ, từ nay con người có thể tự làm chủ bản thân, không chờ đợi một vị cứu tinh nào đến cứu mình, giải thoát cho mình như quan niệm của các tôn giáo. Cũng từ nay, con người có thể vươn lên làm chủ xã hội, có thể biến một xã hội còn lạc hậu, kém phát triển thành một xã hội có văn hóa cao, có đời sống vui tươi, hạnh phúc.

Chúng ta đều biết con đường cứu nước, cứu dân mà Hồ Chí Minh tìm thấy sau 10 năm bôn ba khắp thế giới là con đường đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngay sau khi gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây không đạt kết quả, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới[4]. Song, vấn đề không chỉ ở chỗ cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng xã hội Việt Nam hay dân tộc gắn với quốc tế, mà còn ở chỗ, đối với các dân tộc còn lạc hậu chưa phát triển như dân tộc ta, quan niệm về mục tiêu xây dựng xã hội như thế nào là đúng với tinh thần nhân văn theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nếu chủ nghĩa xã hội là một mục tiêu hành động thể hiện chủ nghĩa nhân văn mác-xít, thì đối với Hồ Chí Minh chỉ có hành động xây dựng chủ nghĩa xã hội thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mỗi dân tộc mới là mục tiêu chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc.

Ngay sau khi tìm thấy con đường cứu nước, cứu dân, Hồ Chí Minh khẳng định rõ ràng hơn, dứt khoát hơn con đường đã chọn: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên trái đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”[5]. Câu nói trên không chỉ bộc lộ quan niệm nhân văn về chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội, mà còn cho chúng ta thấy chủ nghĩa xã hội có thể thiết lập được trên toàn thế giới một nền cộng hòa thế giới chân chính. Điều đó tưởng như một quan niệm không tưởng, duy ý chí về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Song, nếu hiểu đúng quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh mỗi quốc gia dân tộc thì chúng ta sẽ đồng tình với quan điểm của Người. Bởi lẽ, khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao trở thành chủ nghĩa đế quốc đi xâm chiếm các dân tộc làm thuộc địa của chúng và ngày nay còn bước vào giai đoạn toàn cầu hóa theo hướng tư bản chủ nghĩa, thì mỗi quốc gia dân tộc chỉ có thể phát triển theo hai cách lựa chọn:

Một là, sự lựa chọn phát triển đất nước theo con đường định sẵn của chủ nghĩa tư bản, nghĩa là vẫn phải thừa nhận sự áp bức, bóc lột theo chủ nghĩa tư bản, mà hiện nay được thế giới gọi là con ddwonwfg phát triển theo chủ nghĩa “tự do”. Tự do ở đây là tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa, trong đó có tự do bóc lột, tự do tìm lợi nhuận tối đa bằng con đường cạnh tranh khốc liệt theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, mạnh được, yếu thua, mạnh thì lên ngôi vua, thua thì bị loại, thế thôi! Dĩ nhiên, theo con đường này cũng có mặt hợp lý nhất định của nó ở chỗ, nó kích thích con người năng động, kích thích làm giàu, kích thích sáng tạo, kích thích phát triển tài năng… Chỉ với bấy nhiêu điều kích thích cũng đủ cho chủ nghĩa tư bản phấn khích và tự hào về tính ưu việt của nó.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phấn khích và niềm tự hào đó, nhân loại tiến bộ đều thấy bản chất chủ nghĩa tư bản, nhất là khi nó đã trở thành chủ nghĩa đế quốc, là độc ác, là tàn bạo, là phi nhân bản, dẫn loài người đến sự phân hóa cao độ, khiến cho thế giới luôn bị chia thành hai cực: một số ít người có của bằng cách này hay cách khác thống trị và bóc lột đại đa số những người lao động chân chính. Đó là nhìn một cách khái quát.

Ngày này, với học thuyết “chủ nghĩa tự do mới”, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ nghĩa tư bản hô hào phải để cho các công ty tư bản xuyên quốc gia đến bất cứ nơi nào trên thế giới để hạn chế chi phí đến mức thấp nhất và kiếm được lợi nhuận nhiều nhất. Theo con đường của học thuyết “chủ nghĩa tự do mới”, nguồn vốn tư bản có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào chủ nghĩa tư bản có thể kiếm lợi nhuận tối đa, bất chấp cuộc sống cần sự ổn định của các quốc gia đang phát triển.

Thực chất, đó là con đường của chủ nghĩa tư bản khi đã trở thành chủ nghĩa đế quốc, chúng lũng đoạn và ngự trị các nước kém phát triển không chỉ bằng sức mạnh quân sự mà bằng cả kinh tế buộc các nước theo nó phải phụ thuộc nó vào kinh tế. Thế giới như vậy sẽ không bao giờ có sự ổn định, sẽ dẫn đến tình trạng đói nghèo tràn lan và những tệ nạn xã hội nghiêm trọng, trong đó có nạn khủng bố và nhiều tệ nạn khác mang tính toàn cầu khó có thể kiểm soát và khắc phục được.

Nhưng, thế giới vẫn còn một cách lựa chọn con đường thứ hai, sau khi ra đời học thuyết Mác, nhất là sau Cách mạng tháng Mười Nga với sự hình thành Liên bang Xô-viết, nhà nước đầu tiên của con đường phát triển chủ nghĩa xã hội. Con đường này mới hình thành và chỉ trở thành hiện thực hơn 70 năm so với nhiều thế kỷ tồn tại chủ nghĩa tư bản, thì quả là một thời gian quá ngắn. Hơn nữa, với thời gian ngắn ngủi ấy, nó chưa kịp phát huy hết tính ưu việt của nó, thì đã bộc lộ những yếu kém, bất cập, khiến cho nhiều người phải hoài nghi, thậm chí muốn từ bỏ cách lựa chọn này.

Song, với tính ưu việt và đặc biệt là tính nhân văn sâu sắc của nó, chủ nghĩa xã hội vẫn là hoài bão của nhân loại tiến bộ, sớm muộn nó sẽ được phục hồi và phát triển mạnh mẽ như hiện tượng mới đây ở các nước Mỹ - Latinh. Nước ta có vinh dự đang góp phần chứng minh cho tính ưu việt và tính nhân văn của chủ nghĩa xã hội, mặc dù gặp những khó khăn và thách thức khó lường trong bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp.

Dĩ nhiên, đó chỉ là hai con đường chính, tựa như ngày và đêm, trời với đất. Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, rất phong phú, đa dạng và phức tạp. Bên cạnh hai con đường chính ấy có những cách lựa chọn con đường khác, cũng có thể gọi là con đường thứ ba, nhưng xét cho cùng, con đường thứ ba này vẫn chịu ảnh hưởng của hai con đường chính: chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội, nếu xét từ bản chất của nó về cơ chế và tổ chức xã hội.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp cận với con đường lựa chọn chủ nghĩa xã hội, vì thấy rằng chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giải phóng được dân tộc, giải phóng con người. Từ đó, Người kiên trì sự lựa chọn con đường kết hợp cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó lặ quyết định vô cùng sáng suốt, đã đem lại cho đất nước ta những thắng lợi vẻ vang mà cả nhân loại tiến bộ đều thừa nhận.

Nhưng, trong thực tế, con đường mà Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn chỉ mới vượt qua được giai đoạn đầu, nghĩa là mới giải phóng được dân tộc về mặt chính trị. Khi bước sang giai đoạn phát triển đất nước thống nhất theo mục tiêu chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp cách mạng nước ta đã vấp ngay những khó khăn, thách thức. May mà Đảng ta đã kịp thời khởi xướng sự nghiệp đổi mới, đất nước khắc phục được những khủng hoảng và phát triển nhanh chóng, song phải chấp nhận cơ chế thị trường với những điều kiện mở cửa hội nhập kinh tế theo xu hướng toàn cầu hóa. Thực tế đang chứng minh rằng gần 1/4 thế kỷ (24 năm) đất nước đổi mới là một thắng lợi to lớn không thể phủ nhận, nhưng đồng thời cũng đặt ra biết bao điều cần suy nghĩ, cần nghiên cứu, cả về lý luận và tình hình thực tế.

Quả là, hiện nay đứng trước tình hình mới, thế giới đã bước vào thời kỳ phát triển toàn cầu hóa, chủ nghĩa rư bản vẫn tỏ ra thắng thế, chủ nghĩa xã hội lại có hiện tượng thoái trào, thậm chí tan rã, liệu con đường lựa chọn của Hồ Chí Minh và Đảng ta có đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước hay không, rõ ràng đây vừa là thời cơ vừa là thách thức lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Song, có thể khẳng định nếu không tiếp tục sự lựa chọn phát triển đất nước theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội thì có thể nói chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ không còn giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn nữa. Do đó, cần phải nghiêm túc tìm hiểu tình hình đất nước và bối cảnh thế giới nhằm rút ra những bài học cần thiết không phải để từ bỏ con đường đã chọn mà là tìm lối ra cho con đường phát triển chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó cũng chính là phong cách và bản lĩnh của cha ông ta mà Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu.

Khi đề ra mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, một mặt, Hồ Chí Minh không có suy nghĩ không tưởng, duy ý chí; mặt khác, Người không chờ chủ nghĩa xã hội tự khắc đến với những dân tộc kém phát triển như dân tộc ta. Chính vì vậy, Người cố gắng vận dụng sáng tạo đồng thời phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm cho mình một quan niệm mới và nhất là một phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với đất nước ta.

Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải từ trên trời rơi xuống mà chính là do con người tạo nên, con người tự nâng mình lên thành người chủ xã hội để chiến thắng mọi trở ngại, để xây dựng một xã hội mới ấm no hạnh phúc. Đây chính là chủ nghĩa nhân văn mới, chủ nghĩa nhân văn chiến đấu theo tư tưởng Hồ Chí Minh được khái quát bằng một chân lý bất diệt “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh xuất hiện dưới dạng khẩu hiệu chính trị ở Việt Nam khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đến giai đoạn cùng cực và tuyệt vọng. Nó bộc lộ bản chất hung ác, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc ngay cả khi chúng đã phải từ bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, và khi thế giới đã bước vào nền văn minh mới. Điều đó càng nói lên rằng, trong thời đại hiện nay, bản chất chủ nghĩa tư bản khi đã trở thành chủ nghĩa đế quốc, không những nó không thay đổi mà càng bộc lộ bản chất hung ác, xảo quyệt hơn. Âm mưu xâm chiếm hoặc chinh phục các nước kém phát triển trở thành phụ thuộc các nước đế quốc vẫn là mục tiêu của chúng, không hề thay đổi, dù cho về phương pháp thực hiện chúng mềm dẻo hơn, tinh vi hơn bằng những “diễn biến hòa bình” hoặc mua chuộc làm tha hóa nhân dân các dân tộc mà chúng muốn chinh phục.

Những năm gần đây khi bước vào thiên niên kỷ mới, thế kỷ XXI, nhân loại vẫn phải chứng kiến những cảnh các nước đế quốc, đặc biệt là đế quốc Mỹ, gây ra những cuộc xâm chiếm tàn ác và trắng trợn đối với các nước bị chúng xem là thù địch mà tiêu biểu là Nam tư cũ và gần đây là I-rắc, đồng thời đe dọa nhiều nước yếu kém khác. Hiện tượng đó một lần nữa chứng tỏ chủ nghĩa đế quốc không bao giờ thay đổi bản chất của chúng cho dù chiến tranh lạnh đã kết thúc, các nước xã hội chủ nghĩa đặc biệt là Liên Xô cũ, không còn là mối đe dọa như chúng vẫn thường rêu rao trước đây.

Chính vì chủ nghĩa đế quốc không chỉ tồn tại mà còn ngày càng trở nên hung ác, xảo quyệt, các nước kém phát triển cũng như các dân tộc lạc hậu trên khắp các châu lục, hơn lúc nào hết, càng phải hết sức cảnh giác, do đó tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” càng có ý nghĩa thiết thực, cổ vũ tinh thần cách mạng đối với các dân tộc kém phát triển.

Rõ ràng, ngày nay chỉ có độc lập dân tộc thật sự mới có tự do thật sự.  Điều đó không chỉ đúng với các dân tộc vốn là thuộc địa vừa thoát khỏi chủ nghĩa thực dân cũ và mới, mà cũng đúng với tất cả các nước đang trong vòng ảnh hưởng của các nước lớn vốn là những nước tư bản chủ nghĩa đã trở thành đế quốc chủ nghĩa. Vì vậy, tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh càng mang ý nghĩa quốc tế sâu sắc và càng có giá trị trường tồn. Khi bọn đế quốc còn nêu cao ngọn cờ nhân quyền với mục đích đe dọa chủ quyền các nước đang phát triển thì tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” càng trở thành ngọn đuốc soi đường cho các dân tộc bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình.

Chính vì những lẽ đó, khi nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh trước tiên phải nói đến mục tiêu giải phóng các dân tộc. Bởi lẽ, chỉ có các dân tộc được giải phóng thì mới nói đến giải phóng con người. Trái lại, khi các dân tộc chưa có độc lập thật sự thì con người cũng chưa thể có tự do thật sự. Nếu độc lập và tự do vốn gắn liền với truyền thống nhân văn, nhân đạo của mọi thời đại thì với chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, độc lập và tự do càng trở nên quý báu hơn bao giờ hết, không có gì quý bằng. Vì thế, ý nghĩa và tầm vóc của tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã vượt ra khỏi không gian nước ta và đến với nhiều dân tộc trên thế giới như một chân lý bất diệt của thời đại chống chủ nghĩa đế quốc toàn cầu.

TS. Phạm Văn Bính

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

____________________________

Chú thích:

[1] Lênin. Toàn tập. Nxh. Tiến bộ, Matxcơva, 1980, T.25, tr 352-353

[2] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử. Nxh. Thông tin lý luận, H. 1992, T.1, tr.105

[3] Hồ Chí Minh. Sđd. T1.tr461

[4] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, T.1, tr. 416

[5] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, T.1, tr. 461

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website