Phát triển là bản chất của sự vận động theo hướng đi lên của bản thân sự vật, của giới tự nhiên, của con người và xã hội. Biện chứng của sự phát triển đó là: từ sự biến đổi về lượng dẫn đến sự chuyển đổi dần về chất, tạo nên mâu thuẫn bên trong bản thân sự vật, và sự phủ định của phủ định - kết quả của quá trình giải quyết mâu thuẫn, - tạo nên bước nhảy vọt, biến sự vật này thành một sự vật khác mới và cao hơn về chất. Đó là tiến trình có tính quy luật tất yếu khách quan của thế giới. Quá trình đó diễn ra theo các vòng đi lên vô tận, làm cho sự vật, hiện tượng, xã hội, thế giới ngày càng phát triển và hoàn thiện.
Nắm chắc phép biện chứng duy vật khoa học về sự phát triển chính là nắm chắc cơ sở khách quan và nguyên lý vận động của sự phát triển, cho phép những chủ thể xã hội (các đảng chính trị, nhà nước,...) chủ động xây dựng các lý thuyết (triết lý) phát triển xã hội một cách đúng đắn, khoa học, phù hợp; tích cực hoạt động xây dựng xã hội, thúc đẩy xã hội tiến nhanh theo mục đích của chủ thể, của loài người đặt ra.
Hiểu sâu sắc biện chứng phát triển thế giới nói chung, của xã hội nói riêng, Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo phép biện chứng phát triển đó vào công cuộc xây dựng và phát triển xã hội ở Việt Nam. Người đã xác lập những quan điểm và gắn liền với chúng là hành động thực tiễn (vì ở Hồ Chí Minh, tư tưởng và hành động gắn liền với nhau) có tính hệ thống và tính nguyên lý của triết lý phát triển xã hội Viêt Nam - từ cách tiếp cận chủ nghĩa xã hội cho đến nội dung và phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam
Coi xã hội là trình độ phát triển cao nhất của giới tự nhiên; quốc gia là một thực thể trọn vẹn của xã hội, Hồ Chí Minh cho rằng, để một đất nước có thể phát triển thì điều tiên quyết, đất nước đó phải được độc lập, dân tộc đó phải được tự do. Độc lập, tự do, theo Hồ Chí Minh có nghĩa rất rộng - không chỉ độc lập, tự do cho dân tộc, quốc gia, mà cho cả con người; không chỉ mang tính không gian, mà cả phẩm giá con người; không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai. Nhưng đối với một đất nước còn nô lệ, phụ thuộc, bị áp bức, thì độc lập và tự do là điều kiện đầu tiên để dân tộc đó tự do quyết định vận mệnh và tương lai của minh, đồng thời có thể tự do phát huy toàn bộ nội lực, sức mạnh, tài năng của chính mình cho sự phát triển đất nước.
Có độc lập, tự do rồi thì vấn đề quyết định để bảo đảm cho một đất nước có thể phát triển là việc xác định con đường đi đúng đắn của cách mạng. Tin tưởng sắt đá vào nguyên lý phát triển biện chứng, Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là con đường đi tất yếu của lịch sử nhân loại. Người viết: "Loài người đã trải qua sự phát triển từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến rồi đến xã hội tư bản; xã hội tư bản với bản chất vô nhân đạo và đầy mâu thuẫn tự trong lòng nó, cũng giống như những quy luật của lịch sử xã hội, xã hội tư bản sẽ chuyển sang xã hội xã hội chủ nghĩa - cộng sản chủ nghĩa"1
Triết lý phát triển xã hội thật sự khoa học và sâu xa của Hồ Chí Minh không chỉ là ở sự lựa chọn hướng đi và con đ]ờng đúng của dân tộc cho phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Giá trị khoa học và nhân văn trong cách nhìn mới của Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người không loá mắt trước hào quang của xã hội tư bản, cũng không bi quan khi hủ nghĩa xã hội mới hình thành; Người thấy xã hội xã hội chủ nghĩa là hướng đi tối ưu của loài người. Theo Hồ Chí Minh, "Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới cứu nhân loại, đem lại cho con người...tự do, bình đẳng, bác ái,...hoà bình, hạnh phúc".2 Và với bản chất của nó, dù mới hình thành, xã hội xã hội chủ nghĩa chứa đựng trong bản thân mình sức sống và tiềm năng của xã hội, những yếu tố quy định sự vươn lên của xã hội trong tương lai, chúng thúc đẩy xã hội tiến lên theo mục tiêu và lý tưởng nhân văn của con người.
Chính vì vậy, ngay từ khi đất nước còn đắm chìm trong nô lệ, Hồ Chí Minh đã quyết chọn con đường cách mạng Việt Nam trước hết là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện dân quyền và bảo đảm dân sinh, để từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội, với bản chất nhân đạo và đầy sức sống của nó, - nơi thể hiện lý tưởng cao đẹp nhất của con người, - có khả năng tự tạo ra sức mạnh nội sinh như là nguồn lực been trong của biện chúng phát triển để thúc đẩy xã hội đi lên phù hợp với lý tưởng chân chính của nhân dân Việt Na; phù hợp với quy luật vận động khách quan, tất yếu của xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã trở thành tư tưởng nhân lõi xuyên suốt lý tưởng xây dựng xã hội mới; và đó cũng là một nội dung quan trọng, mà Hồ Chí Minh nâng lên thành nguyên lý của triết lý phát triển xã hội.
Xã hội xã hội chủ nghĩa tuy chứa đựng bản chất và sức sống khách quan, tất yếu của nó, song theo Hồ Chí Minh, nó chỉ được thực hiện trên cơ sở một nhà nước vững mạnh của dân, do dân, vì dân. Đó là một nhà nước do nhân dân làm chủ. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân dựng nên, đại diện cho ý chí của nhân dân. Chính phủ là nơi thừa hành quyền lực của nhân dân, vận hành theo cơ chế pháp quyền, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân. Cán bộ là người đại diện cho ý chí của nhân dân, đồng thời là công bộc (đầy tớ) trung thành của nhân dân. Nhà nước phải thực hiện đầy đủ bản chất, chức năng, trách nhiệm của mình: bao nhiêu quyền lợi đều thuộc về nhân dân.
Một nhà nước như vậy sẽ là nơi tập trung ý chí, do đó thể hiện toàn bộ sức mạnh của nhân dân, tạo ra sức mạnh xã hội. Điều đó cho thấy, ở Hồ chí Minh, động lực thúc đẩy xã hội, sức phát triển của một xã hội được tạo ra từ chế độ dân chủ thực sự: "Mọi sức mạnh đều ở nơi dân"; "Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Dân chủ, như vậy không chỉ đơn thuần là yếu tố tinh thần, là cơ chế, mà là lực lượng vật chất, nó tạo ra sức mạnh xã hội ngay trong hoạt động của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...của một quốc gia.
Từ nhận thức sâu sắc rằng, kinh tế quyết định chính trị, chính trị tập trung ở kinh tế (V.I. Lênin), Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng một nền kinh tế vững mạnh theo hướng xã hội chủ nghĩa. Logic phát triển thường trực ở Hồ Chí Minh là trước hết phải làm cho người dân được "ăn no, mặc ấm", rồi mới đến "học hành tiến bộ". Ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nưức, Người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đó là thực hiện hợp tác hoá để quy tụ sức mạnh toàn dân vào xây dựng nền kinh tế mới; cải tạo quan hệ sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất, từng bước công nghiệp hoá, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Hạt nhân phát triển xã hội quan trọng ở đây là một nền kinh tế vững mạnh trên cơ sở đại công nghiệp, do nhân dân lao động làm chủ để phát triển các lĩnh vực khác của toàn xã hội.
Nếu như kinh tế là nền tảng và là yếu tố hàng đầu của phát triển xã hội, thì văn hoá - khoa học - giáo dục được Hồ Chí Minh xem là nguồn lực nội sinh từ thượng tầng kiến trúc tác động đến hạ tầng cơ sở, tạo nên sự vận động của tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Coi trình độ phát triển của khoa học - kỹ thuật tương ứng với trình độ phát triển của xã hội, ngay từ khi nước ta còn hét sức nghèo nàn, lạc hậu, Người đã đặc biệt quan tâm phát triển khoa học - kỹ thuật. Người nhấn mạnh rằng, chúng ta chỉ có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên cơ sở một nền khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Cần phải thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động.
Ngay từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm việc tiến hành cách mạng khoa học - kỹ thuật, từng bước thực hiện công nghiệp hoá đất nước. Người coi khoa học - kỹ thuật là then chốt của công nghiệp hoá, là lực lượng làm tăng sức sản xuất, tạo ra động lực làm chuyển biến nền kinh tế - xã hội, thay đổi quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội, góp phần làm chuyển hoá bản chất xã hội, nâng dần trình độ phát triển xã hội theo hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát triển khoa học - kỹ thuật tất yếu gắn liền với giáo dục - đào tạo con người. Con người là lực lượng quyết định nhất của lực lượng sản xuất, đồng thời cũng là động lực bên trong thúc đẩy mọi quá trình hoạt động xã hội; nó vừa là chủ thể tạo ra, đồng thời sử dụng khoa học - kỹ thuật, điều hành toàn bộ quá trình xã hội. Vì vậy, bước vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa", - những con người "vừa hồng vừa chuyên". Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh của một dân tộc trước hết là tri thức, là trí tuệ. "Một dân tộc dốt là dân tộc yếu". Phải diệt giặc dốt, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài. Dân trí là điều kiện để thực hiện phát triển văn hoá - xã hội, tạo tiềm năng trí tuệ và sức vươn lên một xã hội giàu mạnh và văn minh.
Văn hoá, theo Hồ Chí Minh, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội. Người sớm nhận thấy rằng, "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật...và những công cụ phục vụ cuộc sống hàng ngày như ăn mặc ở và những phương thức sử dụng chúng..."3. Như vậy, văn hoá một mặt là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu phấn đấu của xã hội, mặt khác là yếu tố bên trong như là nguồn nội lực thúc đẩy xã hội tiến lên. Người nói: "Muốn phát triển xã hội, nền văn hoá dân tộc phải: xây dựng tâm lý, lý cách; tinh thần độc lập tự lực tự cường; xây dựng luân lý; biết hy sinh cho lợi ích quần chúng; xây dựng xã hội", và "Văn hoá phải vạch đường cho quốc dân đi"4
Ngay từ ngày đầu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hồ Chí Minh đã đề ra tư tưởng xây dựng nền văn hoá Việt Nam theo nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Vì theo Người, đó là những nguyên tắc giải phóng năng lượng lớn lao của tuyệt đại bộ phận nhân dân lao động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tính chất đó của nền văn hoá sẽ phát huy cao độ nội lực trong việc tiếp thu, tiếp biến các giá trị phổ biến của nhân loại, làm sâu sắc và đậm đà thêm bản sắc văn hoá Việt Nam, tạo sức mạnh to lớn cho sự phát triển xã hội.
Sự phát triển xã hội và một xã hội phát triển, theo Hồ chí Minh, tất cả đều quy tụ ở vấn đề con người. Bởi nói đến xã hội là nói đến con người. Xã hội vận động và phát triển như thế nào là do ý thức, trí tuệ, ý chí, tài năng, nghị lực của con người. Con người trí tuệ, tài năng, ý chí, nghị lực cao là hạt nhân sức mạnh của xã hội, tạo ra xã hội mới. Mục tiêu phát triển của một xã hội theo hướng nhân văn là đáp ứng mọi khát vọng chính đáng của con người, tạo điều kiện cho con người ngày càng phát triển toàn diện - hài hoà như một chủ thể văn hoá. Mặt khác, xã hội đó lại do chính bản thân con người làm ra với tư cách là chủ thể lịch sử, chủ thể xã hội. Con người tự đặt ra mục đích và đồng thời là người thực hiện những mục đích đó. Một xã hội có thể phát triển phải đi trúng mục tiêu con người với hai khía cạnh và hai ý nghĩa cơ bản này. Do vậy, trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của mình, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh luôn đặt con người ở vị trí trung tâm.
Những nội dung nêu trên là những thành tố thiết yếu tạo nên sự vận động và phát triển xã hội mà sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa cần có. Nhưng ở Hồ Chí Minh, sự phát triển không chỉ cần đến các yếu tố tạo nên động lực phát triển; điều quan trọng là các thành tố đó phải làm thành một tổ hợp tổng hoà tất cả các mối quan hệ trong một môi trường có tính chỉnh thể với sự tác động biện chứng, nhiều chiều, đa dạng và thường xuyên.
Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chỉ có được khi chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được phát huy cao độ và được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước mới, - một chủ nghĩa yêu nước cộng sản đầy trí tuệ, tài năng, toàn bộ tinh hoa và khí phách dân tộc được biến thành hành động. Chủ nghĩa yêu nước mới đó, thực chất là một nền đạo đức mới, - nền đạo đức lấy tiêu chí tiến bộ, nhân văn làm đích phấn đấu. Nền tảng tinh thần xã hội nhân văn này quy tụ và nhân các tiềm năng vật chất - kỹ thuật hiện có của xã hội lên nhiều lần, nhằm thực hiện một mục tiêu chung: phát triển và tiến bộ của xã hôi - con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp vào sự nghiệp phát triểễpã hội - con người trên toàn thế giới.
Sức sống của phát triển lâu bền chỉ có được khi một xã hội phát huy cao độ các yếu tố sức mạnh truyền thống và cái mới hiện đại, Sự gắn bó hài hoà truyền thống - hiện đại, theo Hồ Chí Minh là nguyên tắc của sự phát triển. Bởi ở đó, tương lai được tiếp sức từ nguồn sống của quá khứ và của hiện tại. Truyền thống là tinh hoa và sức mạnh được kết tụ, chưng cất, thăng hoa từ lịch sử ngàn đời của một dân tộc, nó là hành trang vật chất - tinh thần từ định hướng cho đến lực lượng phát triển xã hội. Nó làm cơ sở cho xã hội truyền thống đi vào hiện đại. Hiện đại nâng cao truyền thống - đó là sức mạnh và sức bền của phát triển.
Cũng tương tự, yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế được thể hiện qua quan hệ riêng - chung trong triết lý phát triển xã hội Hồ Chí Minh. Người luôn luôn nhận thức rằng, dân tộc là một bộ phận của quốc tế; một dân tộc phải tồn tại trong quan hệ nhiều dân tộc và dựa vào nhiều dân tộc khác như là quan hệ tất yếu tự nhiên mới có thể cùng tồn tại và trưởng thành. Cho nên, Người chủ trương và hành động một cách hiệu quả theo phương châm: cách mạng dân tộc không thể tách rời cách mạng thế gới; hai cuộc cách mạng đó như hai cánh của một con chim, tạo ra lực cho con chim bay lên cao. Xu thế và hoàn cảnh quốc tế là điều kiện quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của một quốc gia; cho sự thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Ngay từ giữa thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã có cái nhìn khoa học và hiện đại về phát triển, trong đó có những vấn đề mà nhiều lý thuyết phát triển ngày nay đang đặt ra như phát triển bền vững, phát triển nhân văn...Những vấn đề về tăng trưởng và phát triển, nội sinh và ngoại lực, kịnh tế và xã hội, vật chất và tinh thần, hiện tại và tương lai..., những vấn đề mà trong thế giới ngày nay các lý thuyết và các mô hình phát triển trên thế giới đang phải gải quyết, đã được Hồ Chí Minh đề cập sâu sắc trong quan niệm của Người về bản chất, nội dung của chủ nghĩa xã hội và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự kết hợp nội sinh - ngoại lực, theo Hồ Chí Minh, là một nguyên lý tất yếu của sự phát triển xã hội giống như nguyên lý phát triển của giới tự nhiên. Người cho rằng, chỉ có cách mạng vô sản mới giải phóng được dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân tự làm lấy; đồng thời Người cũng nói rằng, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải dựa vào các nước xã hội chủ nghĩa, phải đoàn kết với các dân tộc, phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
Về tăng trưởng và phát triển, Hồ Chí Minh luôn đặt chúng trong mối quan hệ biện chứng và hài hoà: Tiến lên chủ nghĩa xã hội phải từng bước phát triển kinh tế và văn hoá, xã hội; nâng cao đời sống vật chất của xã hội phải đồng thời với nâng cao đời sống tinh thần của con người; vấn đề không chỉ là sản xuất ra nhiều của cải, mà điều quan trọng hơn là chất lượng của cải phải ngày càng cao, và làm sao nâng cao được chất lượng sống cho nhân dân. Người nói: chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội mà dân không được hưởng hạnh phúc thì chủ nghĩa xã hội đó cũng không có nghĩa lý gì !
Đặc biệt, đối với Hồ Chí Minh, mối quan hệ thiên nhiên - con người là hết sức gắn bố, nó như một chỉnh thể tất yếu tự nhiên không thể chia cắt. Người nói: Trời có bốn mùa, người có bốn đức tính. Thiên thời - địa lợi - nhân hoà là điều kiện cho sự ổn định, phát triển và trường tồn. Người còn nói: "Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng thường gọi Tổ quốc là Đất nước. Có Đất và có Nước thì mới thành Tổ quốc. Có Đất lại có Nước thì dân giàu nước mạnh, Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hoà với nhau để nâng cao đời sông của nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội"5. Quan điểm và chủ trương "Trồng cây" và "Trồng người", hành vi và phong trào "Trồng cây" và Trồng người" của Hồ Chí Minh thể hiện triết lý hài hoà thiên nhiên - con người trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội bền vững, đồng thời thể hiện ẩn ý sâu xa của Người về mối quan hệ con người - thiên nhiên trong sự hài hoà và trường tồn của vũ trụ.
Trong hệ thống các yếu tố của phát triển, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến chủ thể của quá trình phát triển - Đảng cộng sản. Sự lãnh đạo của một đảng cộng sản chân chính, trí tuệ và sáng tạo là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố cuối cùng có tính quyết định đối với sự định hướng và xây dựng một xã hội mới. Bởi theo Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam là đảng của nhân dân, của cách mạng; mục đích của Đảng không có gì khác là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hành phúc cho nhân dân. Đó cũng thực sự là mục tiêu của bất kỳ một triết lý phát triển nào nhằm mục tiêu phát triển xã hội bền vững.
Toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh được thực hiện ở Việt Nam chính là triết lý phát triển xã hội của Người. Do hoàn cảnh khó khăn và điều kiện hết sức thiếu thốn của thời kỳ đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh chưa thể thực hiện được toàn vẹn các vấn đề cụ thể, song nội dung cơ bản của triết lý phát triển Hồ Chí Minh, đặc biệt là nguyên lý, linh hồn của triết lý phát triển theo đúng nghĩa của nó, - phát triển bền vững, phát triển theo hướng nhân văn, - là nguyên lý, là triết lý phát triển đúng đắn, khoa học, phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay; nó góp phần quan trọng và mở hướng đúng đắn, đầy triển vọng cho quá trình loài người trong thế giới hiện đại tiếp tục tìm tòi, khám phá, xây dựng một triết lý phát triển bền vững, một triết lý phát triển thích hợp nhất với con người./.
GS. TS. Nguyễn Văn Huyên
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
_____________________
Chú thích:
1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 7. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, tr. 246.
2 .Hồ Chí Minh, Sdd., t.1, tr. 461.
3 Hồ Chí Minh, Sdd., t. 3, tr. 431.
4 Hồ Chí Minh, Sđ, t. 3, tr. 431.
5 Hồ Chí Minh, Sdd, t. 9, tr. 506.