Truyền thống quý báu của dân tộc: "Ăn quả nhớ người trồng cây", tôn vinh, biết ơn những người đã hy sinh cho Tổ quốc, được Bác Hồ nâng lên một tầm cao mới. Bác không chỉ quan tâm, lo lắng, chỉ đạo toàn dân làm tốt công tác thương binh liệt sĩ mà chính Người luôn dành tình thương đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp đối với thương binh, liệt sĩ.
Những ngày chính quyền cách mạng mới ra đời, giữa bộn bề trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn theo dõi sát sao cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào Nam Bộ. Tuy ở xa, nhưng Bác đã bao lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu Tổ quốc. Người đã thay mặt đồng bào cả nước khẳng định sự hy sinh đó: "Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế,... nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa".
Trên cương vị Chủ tịch nước, Bác muốn xoa dịu bớt nỗi đau, mất mát của những người "vì nước quên thân". Người muốn nhận về mình những nỗi đau của bao người cộng lại, để san sẻ, hòa đồng giữa mọi tâm can, hướng tới sự đùm bọc trong nghĩa đồng bào. Ði suốt chặng đường kháng chiến, Bác luôn luôn dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách một tình cảm sâu nặng. Nếu có điều kiện, Người trực tiếp đến thăm, tặng quà. Người quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, nhắc nhở các cấp chính quyền, các đoàn thể phải thật sự quan tâm sâu sát công tác thương binh, liệt sĩ. Nhiều bức thư Bác đã gửi tới các gia đình thương binh, liệt sĩ những lời thăm hỏi động viên sâu nặng tình người. Nhớ lần, trên đường đi chiến dịch, biết tin một đồng chí chưa kịp vào nam công tác vì phải ở lại lo hậu sự cho người mẹ đã hy sinh vì cách mạng, Bác dành thời gian vào thăm, chia buồn, động viên. Người thắp hương xúc động hồi lâu trước nấm mồ người mẹ vừa qua đời.
Bác đau xót sờ lên những vết sẹo trên mình của Anh hùng Ngô Gia Tự. Người lo lắng hỏi anh có ăn được ngon, được nhiều không? Có buồn không? Khi mời cơm Anh hùng thương binh La Văn Cầu, Bác Hồ động viên anh ăn nhiều thêm để có sức khỏe tiếp tục góp thêm sức mình cho sự nghiệp cách mạng.
Những người con miền nam trên mình đầy thương tích, được đưa ra miền bắc chữa trị, biết tin, Bác đến tận giường thăm hỏi. Có người được nhìn thấy Bác, gặp Bác, cảm động quá ngất đi. Lần sau, chờ cho đồng chí ấy khỏe lại, Bác lại vào thăm. Những người vết thương quá nặng, hoặc bị cụt chân, cụt tay được Bác gửi ra nước ngoài cứu chữa, lắp chân tay giả. Người muốn cả dân tộc cùng san sẻ nỗi đau mất mát hòa đồng trong nỗi đau chung. Chính Bác Hồ đã khởi xướng phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", "Ðón thương binh về làng"... sâu rộng trong từng thôn xóm. Bác khen thưởng, khích lệ các cháu học sinh, thiếu nhi giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ "tùy theo sức của mình": làm vườn, trồng cây, quét nhà, chăn nuôi, v.v. Những bông hoa "nghìn việc tốt" nở rộ trong vườn hoa "Người tốt, việc tốt" của cả dân tộc.
Mỗi lần Tết đến Xuân về, trong thời khắc quý giá đó của đời người, Bác Hồ thường đến thăm hoặc gửi quà đến "Trường thương binh hỏng mắt". Quà của Bác rất đặc biệt là những trái cây Người tự trồng, những con cá Bác tự nuôi. Cả trường đón quà của Bác trong niềm vui khôn xiết.
Ngày 27 tháng 7 hằng năm, Bác không những gửi thư thăm hỏi mà còn phát động nhân dân quyên góp tiền, vật chất... ủng hộ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Người trích lương tháng gửi vào quỹ thương binh, liệt sĩ. Mỗi lần đến nghĩa trang viếng, đứng trước những nấm mồ liệt sĩ, trước bia tưởng niệm "Tổ quốc ghi công", Bác đều không cầm được nước mắt. Thay mặt cả dân tộc, Người bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với các liệt sĩ: "Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam".
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ðảng (3-2-1960), Bác kêu gọi toàn Ðảng toàn dân "Ăn quả nhớ người trồng cây", biết ơn công lao trời biển của các liệt sĩ, biến đau thương thành hành động cách mạng. Theo Bác, người chết vì Tổ quốc, hy sinh vì đồng bào, không phải là không còn gì, mà đã biến thành sức mạnh hòa trong sức mạnh cộng đồng lớn lao hơn, mãnh liệt hơn.