Thực hiện Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, kế thừa và phát triển sáng tạo tinh hoa văn hoá dân chủ của nhân loại. Có thể khái quát nội dung tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh ở những điểm chính sau: 

Hồ Chí Minh quan niệm dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Đây là một định nghĩa dân chủ cô đọng, súc tích, vừa khoa học, hiện đại, vừa kế thừa và phát triển những hiểu biết của nhân loại về dân chủ: chủ thể là dân và nội dung chủ yếu là dân làm chủ khi họ được là chủ. Chữ dân được Hồ Chí Minh khẳng định là đông đảo những người lao động, bị áp bức, không có chức quyền, là toàn dân Việt Nam, trừ bọn phản động, tay sai đế quốc thực dân. Làm chủ là tự chủ, biết phát huy năng lực sáng tạo trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. 

Tư tưởng dân chủ còn được Hồ Chí Minh thể hiện trong một mệnh đề ngắn gọn, súc tích Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Trong đó hàm chứa nội dung dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, dân trí nâng cao. Hồ Chí Minh khao khát thực hiện dân chủ XHCN, thực chất là thực hiện chân lý Không có gì quý hơn độc lập, tự do, là giải phóng con người khỏi áp bức, nô dịch, là từng bước thực hiện đầy đủ quyền độc lập, tự do về chính trị, kinh tế, văn hoá, tinh thần của con người trong hiện thực. 

Hồ Chí Minh đã chỉ ra và xây dựng những thiết chế dân chủ mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đó là các thiết chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước của dân, do dân quản lý, các tổ chức xã hội của dân làm chủ. Trong đó thiết chế Nhà nước kiểu mới là một điển hình để thực hiện quyền là chủ và làm chủ của người dân. Đồng thời, hình thành lý luận nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. 

Hồ Chí Minh quan niệm chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng và bảo đảm trên cơ sở một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể giữ vai trò chủ đạo và một nền kinh tế mở: công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công nông giúp nhau, lưu thông trong ngoài. 

Nhưng Người cũng nhấn mạnh rằng: dân trí thấp sẽ đứng ngoài dân chủ, nói rộng hơn, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, một dân tộc yếu thì không thể thực hiện quyền độc lập, tự do. Hồ Chí Minh lấy dân trí vừa là tiêu chuẩn đánh giá năng lực, trình độ làm chủ của dân, vừa là tiêu chí đánh giá sức mạnh và trình độ văn minh của một dân tộc, một quốc gia. Những nội dung về dân chủ trên đây chưa phải là tất cả, nhưng đó là những dấu ấn Hồ Chí Minh để lại trong kho tàng lý luận dân chủ của chúng ta. 

Xuất phát từ quan điểm, hướng đổi mới, kiện toàn cơ chế thực hiện dân chủ trong toàn xã hội của Đảng cầm quyền và ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chúng tôi cho rằng, việc vận dụng tư tưởng và phương pháp dân chủ của Hồ Chí Minh thực hiện dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay phải chú ý những yêu cầu sau: 

Một: Yêu cầu toàn Đảng, toàn dân nhận thức toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn bản chất dân chủ XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện và hoàn thiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Đây là yêu cầu vừa tất yếu, cơ bản vừa cấp thiết, trong thực hiện dân chủ XHCN hiện nay ở nước ta. Bởi vì, chính các nhà kinh điển mác xít và Hồ Chí Minh đều khẳng định: không có lý luận cách mạng thì không có cách mạng vận động... Chỉ có theo lý luận cách mạng tiên phong, đảng cách mạng mới làm tròn trách nhiệm cách mạng tiên phong. Nghĩa là lý luận phải đi trước thực tế một bước, hướng dẫn, vạch quỹ đạo cho thực tiễn vận động. 

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh chứa đựng những giá trị sâu sắc trong những câu chữ, ngôn từ giản dị. Nếu chúng ta không nghiên cứu nghiêm túc, tỉ mỉ khó có thể nắm hết được cái tinh tuý trong cách nói phổ thông, dung dị; nắm được cái thực chất, hàm ý giữa các con chữ trong các bài viết của Người. Đồng thời, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam có tính nguyên lý, phương pháp luận cần phải nghiên cứu, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh từng thời kỳ. Nó có giá trị nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động của chúng ta trong thực hiện dân chủ để khỏi chệch hướng XHCN. Song, thành tựu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng dân chủ của Người, những năm vừa qua, mới chỉ là bước đầu, cần tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc, hoàn thiện để vận dụng đúng trong cuộc sống hiện nay. 

Sau gần 60 năm xây dựng nền dân chủ Việt Nam, nhất là hơn 15 năm xây dựng chế độ dân chủ trong đổi mới, định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã nhận thức rõ và đúng hơn bản chất dân chủ XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản chất này được quy định bởi hai yếu tố cơ bản: Quan hệ sản xuất (định hướng) xã hội chủ nghĩa và nhân dân (chủ yếu là người lao động) có quyền và nghĩa vụ tham gia vào các công việc quản lý nhà nước. Bản chất dân chủ trong xã hội ta thống nhất với bản chất giai cấp công nhân do sự quy định của quan hệ sản xuất (định hướng) XHCN và của nền tảng xã hội-giai cấp là khối liên minh công- nông-trí thức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Dân chủ XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sự biểu hiện tính nhân đạo sâu sắc của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong lịch sử và đương đại. Tư tưởng đó của Người đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và dân chủ nhân quyền phải bảo đảm trong chủ quyền quốc gia, không chấp nhận sự áp đặt nhận thức, nội dung dân chủ của quốc gia này đối với quốc gia khác. Chúng ta thường xuyên phải đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng thù địch lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, "nhân quyền" để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, nhất là các vấn đề dân tộc, tôn giáo. Cuộc đấu tranh giữ vững bản chất dân chủ XHCN ở nước ta ngày càng phức tạp, quyết liệt hơn khi mà nền kinh tế nước ta trong quá trình mở cửa hội nhập quốc tế và cuộc đấu tranh chống diễn biến hoà bình đang quyết liệt. 

Diễn biến tình hình chính trị thế giới ngày càng phức tạp, hội nhập kinh tế, giao lưu văn hoá và công nghệ thông tin quốc tế phát triển mạnh mẽ đã và đang tác động đến nhận thức, quan niệm về dân chủ XHCN ở một bộ phận dân cư. Yêu cầu đặt ra là phải cảnh giác, đấu tranh để giữ vững bản chất dân chủ XHCN, chống lại mọi xâm nhập, ảnh hưởng của khuynh hướng dân chủ tư sản tràn vào hòng phá hoại chủ quyền đất nước. Song cũng cần học hỏi, tham khảo kinh nghiệm quản lý hợp lý, điều hành có hiệu quả nền kinh tế của các nước phát triển để xây dựng nền tảng kinh tế -kỹ thuật của chế độ dân chủ ở nước ta. 

Hai: Yêu cầu Đảng phải tự mình nêu gương về dân chủ và lãnh đạo chặt chẽ quá trình thực hiện, phát huy dân chủ XHCN. 

Dân chủ mang tính giai cấp, nền dân chủ nào cũng phụ thuộc vào đường lối chính trị của giai cấp lãnh đạo, của Đảng cầm quyền. Đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng phải tự chỉnh đốn, đổi mới và kiện toàn phương thức lãnh đạo quá trình thực hiện và phát huy dân chủ XHCN trên cả hai phương diện có quan hệ nội tại: thực hành, phát huy dân chủ của hệ thống chính trị XHCN và thực hiện, phát huy dân chủ XHCN của nhân dân. Đảng phải thúc đẩy cải cách hành chính nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đổi mới, kiện toàn phương thức lãnh đạo dân chủ đối với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Đồng thời đảng viên của Đảng phải thực sự là người gương mẫu, đi đầu trong thực hiện dân chủ, phải là người gần gũi, tin cậy của nhân dân. Dân tin và theo Đảng là thông qua đội ngũ đảng viên vì họ gần dân, sát dân nhất. 

Ba: Yêu cầu đổi mới và kiện toàn năng lực thực hành dân chủ XHCN trong các thiết chế của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt cấp cơ sở. 

Thực hành dân chủ XHCN ở cấp cơ sở, quan hệ trực tiếp đến quyền là chủ và làm chủ của nhân dân, nhưng lại là khâu yếu kém hiện nay ở nước ta. Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng là cơ chế hoạt động và quan hệ của các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị các cấp chưa thật rõ ràng, cụ thể, đặc biệt con người (công chức) trong hệ thống chính trị các cấp còn yếu về năng lực thực hành dân chủ. 

Vì thế yêu cầu đặt ra với cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn), phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị (Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội). Lựa chọn và bố trí đúng cán bộ chủ chốt để họ phải là những người có tư tưởng, đạo đức XHCN, lối sống dân chủ nhưng nhất thiết phải là người am hiểu luật pháp và có năng lực thực thi công vụ trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay. 

Đối với đội ngũ công chức cần thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ. 

Bốn: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật của chế độ dân chủ XHCN. 

Chế độ dân chủ XHCN chỉ tồn tại vững chắc trên một nền tảng kinh tế - kỹ thuật của CNXH. Những năm tới đây nước ta vẫn trong thời kỳ quá độ lên CNXH, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá là tất yếu khách quan, hợp quy luật phát triển. 

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta những năm tới hướng vào xây dựng hệ thống kinh tế mở, kinh tế hàng hoá hướng về xuất khẩu, trên cơ sở lưu thông thông suốt trên thị trường trong nước và quốc tế. Sản xuất hướng về xuất khẩu thực chất là đặt sản phẩm trong nước trong quan hệ so sánh với sản phẩm nước ngoài, nghĩa là phải có sức cạnh tranh. Sức cạnh tranh thể hiện ở chất lượng, giá cả, sự đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu thị hiếu của thị trường. Hướng về xuất khẩu sản phẩm cũng là nhằm hạn chế, thay thế tối đa hàng nhập khẩu cùng loại. Đây cũng thể hiện sự tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến hình thành tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế nước ta. 

Năm: Yêu cầu giải quyết tốt quan hệ nâng cao năng lực làm chủ và đề cao địa vị là chủ của người dân, nhưng phải gắn với luật pháp, với kỷ cương xã hội nhằm xây dựng nền pháp chế XHCN. 

Dân là chủ và làm chủ là mục tiêu và nguyên tắc tổ chức, vận hành của chế độ ta - Chế độ dân chủ XHCN. Nhưng quyền và nghĩa vụ dân chủ của công dân được quy định trong hiến pháp, các luật và văn bản dưới luật và được luật pháp bảo vệ. Dân thực thi đúng pháp luật là biểu hiện năng lực thực hành dân chủ của họ, là thực hiện quyền dân chủ của công dân. Trình độ dân chủ của xã hội không chỉ được đánh giá qua cơ chế, thiết chế dân chủ mà còn bằng năng lực thực hành dân chủ của dân. Yêu cầu kiện toàn hệ thống pháp luật và nâng cao ý thức dân chủ của dân là hai vấn đề phải tiến hành song trùng hình thành nền pháp chế XHCN. Đồng thời phải tăng cường giáo dục pháp luật để dân hiểu và thực thi đúng pháp luật. 

TS.PhạmVăn Bính
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website