Tìm hiểu thực chất và ý nghĩa của tư tưởng triết học Hồ Chí Minh

(ĐCSVN)Trong các bài viết, bài nói của mình, Hồ Chí Minh hầu như không dùng ngôn ngữ triết học và không tự thừa nhận mình là nhà khoa học, nhưng trong tư tưởng của Người lại luôn nhất quán một thế giới quan, một nhân sinh quan, một hệ thống tư duy triết học. 

Là học trò của C.Mác, Ph. Ăng ghen, V.I.Lênin nên thế giới quan, tư duy triết học của Người là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Người đã bảo vệ và phát triển tư duy triết học trên nền tảng triết học Mác - Lênin. Khác với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác -Lê nin, Hồ Chí Minh không để lại một tác phẩm triết học như: Hệ tư tưởng Đức, Luận cương Phoiơbắc, Biện chứng của tự nhiên, Bút ký triết học... Bởi vì, Hồ Chí Minh sống và hoạt động cách mạng trong thời đại đã có chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng, dẫn đường và nhiệm vụ của Người là cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột, bất công đem lại hoà bình, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Chính nhiệm vụ này đã cuốn hút Người với tất cả tinh thần và sức lực, làm cho Người sống gần gũi với nhân dân, đem tinh tuý, sâu sắc của triết học diễn đạt thành những điều giản dị, cụ thể, rõ ràng và thiết thực để nhân dân dễ hiểu, dễ làm. Rõ ràng, phải có một trình độ triết học sâu sắc, uyên bác, Hồ Chí Minh mới có thể chuyển hoá thành triết học của cuộc sống. Nhờ đó, người trang bị cho cán bộ, đảng viên thế giới quan duy vật biện chứng, giúp họ nhìn nhận, xem xét, đánh giá đúng tình hình, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách sát thực tế, có hiệu quả; đồng thời không rơi vào dao động, không mắc phải sai lầm ảo tưởng, chủ quan, duy ý chí cũng như giáo điều, xét lại; mặc dù khi viết, khi nói Người ít dùng các thuật ngữ triết học. 

Nghiên cứu di sản lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy ở Người toát lên những tư tưởng triết học sâu sắc. Hồ Chí Minh đã dựa chắc vào vấn đề cơ bản triết học để giải quyết mối quan hệ giữa việc nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa phát triển sản xuất với củng cố hệ thống chính trị, tăng trưởng kinh tế với phát triển giáo dục văn hoá và nhiều mối quan hệ khác như mối quan hệ giữa xây dựng đất nước với đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc; kết hợp sức mạnh của dân tộc với thời đại, giữa kháng chiến với kiến quốc. Rõ ràng, khi giải thích hàng loạt các vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Hồ Chí Minh đã nói tới triết học, bàn tới triết học và tư tưởng triết học Hồ Chí Minh thể hiện rõ những giá trị nhân văn đặc sắc, tràn đầy tinh thần biện chứng duy vật. Trong đó có sự hoà quyện đến nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tinh hoa văn hoá, triết học phương Đông, phương Tây và lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Với tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người, chúng ta nhận thấy ở đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phép “biến dịch” của triết học phương Đông và phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin. 

Thế giới quan Hồ Chí Minh là thế giới quan khoa học. Trong đó, thế giới quan triết học Mác - Lênin đóng vai trò quyết định bản chất khoa học, cách mạng. Thế giới quan của Người còn ảnh hưởng của tư tưởng triết học dân tộc, của tinh hoá văn hoá, triết học phương Đông, phương Tây. Về khuynh hướng tư duy, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh đi sâu lý giải các vấn đề xã hội và nhân sinh. Bởi lẽ, xuất phát từ hoài bão lớn lao và mục đích chính trị cao cả là “cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc” nên Người đặc biệt chú trọng xây dựng lý luận về chính trị - xã hội, đạo đức cách mạng nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn hơn là hình thức học thuyết triết học, nhận thức và lôgíc học như các nhà triết học vẫn thường làm. 

Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh là sản phẩm của quá trình hoạt động tư duy lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người có vai trò to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Chính tư tưởng, quan điểm triết học của Người cùng với triết học Mác -Lênin luôn là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho cách mạng Việt Nam. Chúng ta không thể hiểu rõ bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh nếu như không hiểu cái gì là cốt lõi quy định cách nhìn, cách nghĩ và phương pháp cách mạng cũng như cái gì là trung tâm dẫn dắt đồng bào ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh đứng vững trên lập trường duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, đã đi vào thực tiễn xã hội Việt Nam, lấy cái cốt lõi là giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công, đem lại cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào làm mục đích hướng tới, đạt tới. Đây thực chất là những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh đối với việc bảo vệ và phát triển triết học Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới, nhất là việc phát triển chủ nghĩa duy vật lịch sử. 

Những cống hiến của Hồ Chí Minh trong phát triển triết học Mác -Lênin là tư tưởng về giải phóng dân tộc, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực ra hai khái niệm này đều được Hồ Chí Minh dùng cùng một nội hàm như nhau. Đối với Hồ Chí Minh, thực tế không đối lập với thực tiễn, nó chỉ rộng hơn thực tiễn mà thôi. Khi bàn về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn với tư cách là một nguyên tắc cơ bản của triết học Mác -Lênin, Hồ Chí Minh dùng khái niệm thực tiễn, liên hệ lý luận với thực tiễn thì Người thường dùng khái niệm thực tế thay cho thực tiễn. Ngày nay, trong đời sống hàng ngày, khái niệm thực tiễn và thực tế được nhân dân ta hiểu và sử dụng cùng nghĩa (xem từ điển Tiếng Việt 1991). 

Trong thế giới quan triết học của Hồ Chí Minh, vấn đề con người chiếm vị trí hết sức quan trọng. Phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề con người ở Hồ Chí Minh không phải là chung chung, trừu tượng, phi lịch sử như trong triết học nhân bản mà là con người hiện thực, con người lao động “đồng bào tôi”. Trọn đời mình, Người phấn đấu, hy sinh là nhằm mục đích đem lại độc lập, tự do, cơm no, áo ấm cho đồng bào. Chủ nghĩa nhân văn hiện thực cao cả của Hồ Chí Minh thể hiện ở lòng thương yêu con người, tôn trọng, tin tưởng ở nhân dân, coi sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân. 

Có thể khái quát tư tưởng triết học Hồ Chí Minh là sự kết hợp sáng tạo đạt đến sự nhuần nhuyễn giữa tư duy triết học Mác -Lênin mà cốt lõi là tư duy biện chứng duy vật trong sự hoà quyện với tư duy duy triết học và văn hoá phương Đông, phương Tây, tư duy, trí tuệ, văn hoá dân tộc Việt Nam và phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ đó, Người đã tìm ra bản chất, quy luật và hình thành nên hệ thống luận điểm về chủ nghĩa thực dân, về cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ...có những quyết định đúng đắn, sáng tạo, đảm bảo cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Từ quan niệm trên, có thể thấy tư tưởng triết học Hồ Chí Minh có một số đặc trưng cơ bản như sau: 

Trước hết, tư duy triết học Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính khoa học và tính cách mạng, giữa lập trường, quan điểm và phương pháp nhận thức, hành động. Sự kết hợp này vừa là đặc trưng tư duy triết học Hồ Chí Minh vừa là nguyên tắc của Hồ Chí Minh nhận thứ và hành động. Thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng triết học của Người. 

Tư duy triết học Hồ Chí Minh là tư duy độc lập, sáng tạo, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, suy nghĩ và hành động, giữa lời nói và việc làm thể hiện sự hoàn chỉnh chu kỳ vận động: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn hoạt động cách mạng Việt Nam. 

Tư duy triết học Hồ Chí Minh được thể hiện bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, phổ thông, dễ hiểu, dễ xâm nhập vào quần chúng. Có thể coi đây là đặc trưng đặc sắc, độc đáo của tư duy triết học Hồ Chí Minh. 

Việc nắm vững thực chất phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác- Lê nin và truyền thống triết học phương Đông, nắm vững ngôn ngữ của quần chúng nhân dân và quan hệ mật thiết với họ đã giúp Người diễn đạt tư tưởng triết học duy vật biện chứng vốn là tư duy khoa học, có hàm lượng trí tuệ cao, có sự trừu tượng hoá và khái quát cao, sâu sắc trở nên phổ thông, dễ hiểu mà vẫn giữ được bản chất khoa học, cách mạng của nó. 

Nguyên tắc phương pháp luận cơ bản, xuyên suốt tư tưởng triết học Hồ Chí Minh là xuất phát từ hiện thực khách quan, tôn trọng quy luật khách quan: nắm vững quan điểm thực tiễn và thực hiện đúng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn; giải quyết mọi việc phải toàn diện, nhấn mạnh trọng điểm và lấy hiệu quả làm mục đích; xem xét sự việc trong sự phát triển, thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; giải quyết mọi việc đều vì con người, do con người, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. 

Phương pháp luận Hồ Chí Minh là phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử. Về thực chất, đó là phép biện chứng Hồ Chí Minh, là phương châm xem xét và hành động khoa học được Hồ Chí Minh đúc kết từ sự tiếp thu, kế thừa, vận dụng sáng tạo và bổ sung, phát triển phép biện chứng duy vật mác-xít, kết hợp với kế thừa truyền thống tư duy dân tộc, tư duy triết học phương Đông và thực tiễn giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam. 

Khái quát lại, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh là hệ thống những quan điểm, quan niệm duy vật biện chứng về con đường cách mạng Việt Nam, thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác - Lênin, bao quát nhiều lĩnh vực rộng lớn và phong phú mà nền tảng của nó là tư tưởng triết học. Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh không chỉ là sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo triết học Mác -Lênin mà còn có sự phát triển Triết học Mác -Lênin, nhất là một số vấn đề về chủ nghĩa duy vật lịch sử, nhờ đó Hồ Chí Minh đã góp phần làm phong phú, giàu có thêm kho tàng lý luận Mác -Lênin nói chung, triết học Mác -lênin nói riêng. Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học cách mạng, là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà hạt nhân là thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta. 

PGS, TS Nguyễn Bá Dương

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website