Văn hoá theo nghĩa rộng, vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Đúng như Người đã suy nghĩ về ''ý nghĩa của văn hoá: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn''. Nói theo ngôn ngữ khoa học hiện đại, Hồ Chí Minh đã thấy văn hóa là cơ chế tổng hợp để hình thành và phát triển con người - xã hội. Để đổi mới xã hội, đổi mới con người cần phải xây dựng nền văn hoá mới. Nền văn hoá mới đó là nền văn hoá của tương lai. Cũng có thể gọi đó là văn hoá chính trị.
Với nghĩa đó, chính trị là một cấu thành cơ bản của đời sống luôn luôn gắn liền với văn hoá. Nếu xem xét văn hoá như là hệ thống những giá trị thì chính trị cũng là một giá trị văn hoá cùng với các giá trị khác như: kinh tế, khoa học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo... Do vậy, một sự nghiệp hoạt động chính trị chân chính là một sự nghiệp văn hoá. Nhà văn Côlômbia G.G. Mác két người được giải Nô ben về văn học đã nói: Cách mạng là một sự nghiệp văn hoá. Những lãnh tụ chính trị nổi tiếng xưa nay trên thế giới đều là những nhà văn hoá lớn. Ngày nay người ta nói nhiều đến văn hoá chính trị, gắn chính trị với văn hoá là để phân biệt với thứ chính trị không có văn hoá, thứ chính trị thù địch với văn hóa, thứ chính trị hạ thấp nhân phẩm và coi thường sinh mệnh của con người cũng như sự phát triển bền vững của xã hội.
Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp nhưng ngày nay được cả thế giới biết đến và tôn vinh với tư cách là ''vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hoá lớn" Vì sự nghiệp chính trị của Hồ Chí Minh là sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đưa nhân dân lao động lên địa vị người chủ của đất nước và làm chủ vận mệnh của mình là một tiến bộ vượt bậc về văn hóa. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan nhưng vốn xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, từ thuở nhỏ, Hồ Chí Minh đã được hấp thụ truyền thống yêu nước nồng nàn, nền văn hiến của nước nhà và những tinh hoa văn hoá phương Đông. Sau mười năm theo học Nho học, Người chuyển sang Tây học, vừa tiếp thu tư tưởng Nho giáo vừa tiếp thu tư tưởng và văn hoá phương Tây bằng sách vở nhà trường và cả tân thư. Người nói: ''Khi tôi độ mười ba mười bốn tuổi" lần đầu tiên tôi nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy''. Với tư chất thông minh, sắc sảo, ý chí hoài bão lớn lao, Người không đi theo con đường phong kiến, lối mòn của các bậc tiền bối mà muốn sang xem đất nước của kẻ thù để tìm hiểu rồi về cứu giúp đồng bào, giải phóng dân tộc. Như vậy, hành trang tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh có tri thức ban đầu rất quan trọng về văn hoá, lòng yêu nước nhiệt thành và chí hướng mới.
Trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin, Người yêu nước - Nguyễn Ái Quốc - đã tham gia phong trào công nhân, học tập văn hoá Pháp và văn hoá phương Tây. Người đọc và thường xuyên viết bài cho các báo La Vie Ouvrière, Le Populaire, L'Humanité... Về văn học, Người thích đọc U.Sếchxpia và S.Đícken bằng tiếng Anh; Ph.M. Vôn te, Vích to Huy gô bằng tiếng Pháp. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến Tân ước và Cựu ước, Người đã đọc nhiều tác phẩm trong ''Thế kỷ ánh sáng'' của S. L. Môngtexkilơ, Gi. Gi. Rút sô. Người nghiên cứu kinh tế học của Đ. Ricácđô, Đam Xít... Người vừa học tập, vừa viết báo, viết kịch, vừa tiếp xúc, làm quen với nhiều nhà hoạt động chính tri, xã hội, học giả, nghệ sĩ tên tuổi để làm phong phú thêm trí tuệ của mình như M.Ca sanh, P. V. Cutuyariê, A. Phrăngxơ, H. Bác buýt, C. Môngmútxô, R. Rô lăng, Gi. Lông ghê...
Hồ Chí Minh nhận thức được rằng với mục đích giải phóng con người triệt để, với sự hoàn bị và tính hệ thống mà hạt nhân là phương pháp biện chứng, chủ nghĩa Mác đã chuẩn bị cho bước nhảy vọt lớn lao của các dân tộc từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ, từ chỗ con người bị tha hoá tới vương quốc tự do. Người nhận mình là học trò nhỏ của những người thầy vĩ đại C Mác, V.l.Lê nin là ở chỗ đó. Chủ nghĩa Mác đã in dấu ấn sâu đậm trong tư duy và hành trình văn hoá Hồ Chí Minh. Chính quá trình tích luỹ các nguồn lực văn hoá, trí tuệ đã đưa Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng hàng đầu của giao lưu văn hoá Đông Tây đưa sự nghiệp hoạt động chính trị của Người mang giá trị phổ quát toàn nhân loại và mang tính định hướng tương lai. Năm 1942, hoạ sĩ Thuỵ Điển E. Giôhanxơn đã viết: ''Cử chỉ văn hoá và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người''. Với nguồn lực văn hoá lớn lao và tươi mới như vậy, Hồ Chí Minh đã cùng với dân tộc Việt Nam làm nên một sự nghiệp chính trị vĩ đại: giành độc lập, tự do cho dân tộc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân, trở thành biểu tượng của lương tri và phẩm giá con người.
Chính trị mác xít, chính trị Hồ Chí Minh có thể coi là văn hoá của tương lai. Vì sự gặp gỡ sâu sắc nhất giữa sự nghiệp hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh với lý tưởng cộng sản là xuất phát từ mục đích giải phóng con người. Đó cũng là sự thống nhất giữa văn hoá - con người - phát triển. Chủ nghĩa Mác - Lê nin là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, còn Hồ Chí Minh chủ trương, như đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: ''Xây dựng một triết lý nhân văn hành động giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người''. Chính trị Hồ Chí Minh là chính trị đi tìm chủ thể đích thực của một nền văn hoá mới, đi tìm diện mạo văn hoá của quần chúng nhân dân lao động. Vì thế, Người kêu gọi ''văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi'', ''phải đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ'', ''phải xúc tiếp công tác văn hoá để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc''. Văn hoá phải có tác dụng ''sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới''; ''văn hoá nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị''. Văn hoá phải tạo ra sức mạnh vật chất và khả năng chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần văn minh thắng bạo tàn. Qua đó, có thể thấy văn hoá đã được lồng ghép, đã thấm sâu như thế nào vào hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh. Và chính Người với tầm nhìn viễn kiến đã thực sự khẳng định tư tưởng văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Đó chính là văn hóa của tương lai mà ngày nay chúng ta đang ráng sức xây dựng.
Hồ Chí Minh là người luôn nêu cao nhân cách văn hoá của nhà chính trị. Nhân cách của nhà chính trị có quan hệ đến sự thành bại của sự nghiệp chính trị. Khi suy ngẫm về nhân cách của V.l Lê nin, Người đã viết: ''Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lê nin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lê nin là một người vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa nếu tôi có thể nói như vậy. Không chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người Thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không có gì ngăn cản nổi'' và sự nghiệp hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh cũng là một minh chứng về điều đó. Tài năng chính trị của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng của nhân cách nhà chính trị Hồ Chí Minh, đã góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhưng hình ảnh sống động mà Người đã để lại là tài năng đó được kết hợp nhuần nhuyễn với đạo đức, phong cách và năng lực sáng tạo văn hoá của Người. Hồ Chí Minh là nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp nhưng đồng thời là biểu tượng của lòng khoan dung nhân ái, của việc thực hành lối sống và nhân cách văn hoá. Nhà sử học Ba Lan Hêlen Tuốcmêrơ đã viết về Người: ''Hồ Chí Minh là hình ảnh hoàn chỉnh của sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lê nin, tình cảm của người chủ gia tộc. Tất cả đều hoà hợp trong một dáng dấp tự nhiên'' chất keo gắn kết tài năng và các phẩm chất tinh thần khác, tạo nên nhân cách nhà chính trị Hồ Chí minh là nguồn lực nhân văn trong văn hoá dân tộc và nhân loại mà Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển. Nó là cốt lõi sâu xa, đồng thời là cái bao trùm nhân cách Hồ Chí Minh, làm cho nhà chính trị Hồ Chí Minh vừa giống lại vừa không giống bất cứ nhà chính trị nào trong lịch sử của nhân loại. Mục tiêu lý tưởng chính trị Hồ Chí Minh là hết sức cao quý: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đồng thời có sự thống nhất cao độ về tính nhân văn giữa lý tưởng, mục đích-chính trị và các phương pháp, phương tiện đạt đến mục đích đó. Xuất phát từ tình thương yêu con người, từ tình cảm mãnh liệt, sâu sắc đối với Tổ quốc và nhân dân, dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã tự nguyện dấn thân vào cuộc đấu tranh gian khổ và nguy hiểm, thậm chí hy sinh tính mạng của mình. Người viết ''Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó". Thực sự cả cuộc đời Người đã sống hết mình vì tôn chỉ, mục đích đó với tất cả nghị lực phi thường được sinh ra từ tâm hồn, trí tuệ, niềm tin không gì suy suyển đối với chân lý cùng với sự mẫn cảm đặc biệt của Người đối với cuộc sống và số phận của nhân dân, tương lai, triển vọng của dân tộc. Là một chiến sĩ cách mạng, nhưng Hồ Chí Minh nêu tấm gương về sự khoan dung và yêu chuộng hoà bình. Trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh toát lên thái độ tin cậy với con người, là sự nâng niu, quý trọng nhân cách con người. Phương pháp Hồ Chí Minh là phương pháp cảm hoá, thuyết phục, thu phục con người ở mọi đối tượng, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Với tình cảm con người và rất giàu tình người, Hồ Chí Minh đã quan tâm đến tất cả với sự ân cần chu đáo, tế nhị, lịch thiệp. Đó chính là phương pháp đoàn kết và đại đoàn kết toàn dân mà Người là linh hồn của khối đại đoàn kết đó. Và đoàn kết để có sức mạnh phấn đấu cho thắng lợi của sự nghiệp vĩ đại, nên đoàn kết phải dựa trên đạo lý của người cách mạng, phải thấu lý, đạt tình, có tình có nghĩa. Phương pháp hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh là phương pháp văn hoá, phương pháp hướng tới con người, tới phép dùng người và chiến lược trồng người. Còn phong cách Hồ Chí Minh thì hướng tới sự thanh cao, giản dị, ung dung, tự tại, không để sự ham muốn vật chất làm vẩn đục tâm hồn, không để sự tàn bạo của chiến tranh làm ảnh hưởng đến tinh thần nhân văn, lạc quan và tình yêu cuộc sống. Đó là cốt cách của một lãnh tụ chính trị thời đại mới nhưng lại mang dáng dấp của một nhà hiền triết phương Đông thâm trầm. Nhân cách đó có sức toả sáng và quy tụ triệu triệu con người, bạn bè gần xa thì yêu mến cảm phục mà ngay đến kẻ thù cũng phải nể trọng và ngợi ca. Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh, con người, cuộc đời sự nghiệp hoạt động chính trị Hồ Chí Minh là một chỉnh thể kết tinh những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm của con người và bản sắc văn hoá Việt Nam. Tấm gương và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ định hướng cho hành động và tiếp thêm sức mạnh tinh thần, là sự cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng, toàn dân vượt khó vươn lên giành những thắng lợi trong thế kỷ XXI ./.
Theo PGS. Phùng Đức Thắng – Ths. Lâm Quốc Tuấn Tạp chí Dân vận tháng 5/2005.