Chủ tịch Hồ Chí Minh với người cao tuổi Việt Nam

Tôn kính người già là truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Những câu thành ngữ trong dân gian: "Kính lão đắc thọ”, “Kính già già để tuổi cho" nói lên lòng tôn kính đó. Các lớp người già Việt Nam từ xưa không chỉ có công sinh thành giáo dưỡng các thế hệ tiếp sau, mà còn nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cho con cháu noi theo. Trong thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vừa nắm vững vừa phát huy đầy đủ truyền thống cao quý nói trên. 

Trong thư gửi cho phụ lão cả nước tháng 6-1941 (lúc chuẩn bị tổng khởi nghĩa), Bác nhắc lại gương người xưa, đề cao trách nhiệm phụ lão trước sự mất còn của đất nước, phụ lão phải nêu gương yêu nước cho con cháu noi theo. Lời bác như giục giã: "Trách nhiệm đối với quốc gia của phụ lão chúng ta thật là nặng nề. Nước nhà mạnh, yếu, mất, còn, phụ lão đều có trách nhiệm gánh vác hết sức trọng đại. Than ôi! Tổ quốc đắm chìm, đồng bào lầm than, bốn bề u ám! Hãy tự hỏi lòng mình: Phụ lão ta có còn tâm huyết chăng? Có còn nhiệt thành yêu nước nữa không? Tuy tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân yếu, nhưng một lời nói của các cụ ảnh hưởng có thể hưng thịnh đất nước. Một việc làm của các cụ ảnh hưởng có thể sát phạt quân giặc. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách cao. Đối với họ hàng, đối với xóm làng, phụ lão có sự tín nhiệm lớn. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm nhân dân làm theo: Hô những điều nên hô, làm những việc nên làm. Có của giúp của, có sức góp sức. Tích gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu trông chờ ở các bậc phụ lão đó". 

Đây là lời hịch thiêng liêng của Bác, lời hịch vọng mãi ngàn đời nhắc nhở các thế hệ người cao tuổi Việt Nam luôn luôn phải có trách nhiệm trọng đại đối với sự tồn vong của Tổ quốc. 

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 21-9-1945 Bác lại gửi thư cho các cụ phụ lão. Trong thư này, Bác phản bác một quan niệm cũ rất sai lầm cho rằng "Lão lai tài tận, lão giả an chi” tức "Tuổi già thì tài hết, người già nên ở yên". Bác nhắc lại truyền thống yêu nước của người Việt Nam ngày xưa. Lý Thường Kiệt là tiêu biểu, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng. Bác còn chỉ rõ: "Người già không làm được công việc nặng nề thì khua gậy đi trước, động viên khuyến khích thanh niên và san sẻ kinh nghiệm của chúng ta cho họ”. 

Bức thư này của Bác có tác dụng rất lớn đối với các bậc cao niên lúc bấy giờ. Trên cả nước, có biết bao các cụ đã đứng ra gánh vác việc nước đảm đang nhiều trọng trách từ những ngày đầu, năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Và trong suốt thời kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi những hoạt động và thành tích của phụ lão khắp mọi nơi. Ngày 21-10-1947, Bác viết thư khen ngợi hai cụ già du kích Kiến An có thành tích giết giặc. Tháng 3-1948, Bác viết thư cho lão du kích Đỗ Như Thìn làng Tuất Kiệt tỉnh Hải Dương, vừa khen ngợi cụ Thìn vừa động viên toàn thể anh chị em du kích để anh chị em du kích phải học tập những sáng kiến và theo gương dũng cảm của cụ Thìn để giết cho nhiều giặc. Ngày 19/l/1958 Bác gửi thư khen các cụ phụ lão diệt dốt toàn xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, tinh Nghệ An, động viên phong trào diệt dốt toàn xã của các cụ. Ngày 1/10/1960 Bác có bài viết đăng báo Nhân Dân khen ngợi động viên phong trào phụ lão tỉnh Nam Định có thành tích nhiều mặt: sản xuất nông nghiệp, hoạt động văn hóa, xóa nạn mù chữ. Cuối bài viết, Bác có bốn câu thơ: 

Càng già, càng dẻo, lại càng dai 

Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai 

Đôn đốc con em làm nhiệm vụ 

Vuốt râu mừng xã hội tương lai. 

Ngày 26-5-1968 hơn một năm trước khi Bác đi xa, Bác có lờì cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật 19 tháng 5 năm ấy. Bác viết: "Để đáp lại và cảm ơn chung những lời chúc thọ thân thiết, tôi có mấy câu thơ sau đây: 

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm 

Vẫn vững hai vai việc nước nhà 

Kháng chiến dân ta đang thắng lợi 

Tiến bước ta cùng con em ta”. 

Khi viết thư, phát biểu động viên các bậc phụ lão, Bác Hồ thường lấy danh nghĩa là một người già, một phụ lão như các cụ, Bác là một bạn già cùng các cụ bàn việc nước, nhắc nhở động viên nhau rất là thân mật. 

Trong thư tháng 6-1941, Bác mở đầu bằng câu “Trách nhiệm đối với quốc gia của phụ lão chúng ta thật là nặng nề”. Hai chữ "chúng ta" của Bác, thật vô cùng thân mật, hết sức đắt giá. Thư gửi các cụ phụ lão ngày 21-9-1945, Bác mở đầu bằng "Thưa các cụ, đây tôi lấy danh nghĩa là một người già mà nói chuyện với các cụ". 

Lần đọc qua những lời tâm huyết của Bác Hồ đối với các bậc phụ lão ngày xưa, chúng ta càng thấy có ý nghĩa sâu sắc đối với người cao tuổi Việt Nam hôm nay và mai sau. 

Lời lời, ý ý của Bác thấm sâu vào tâm não những người cao tuổi hôm nay, như đang lắng nghe Bác nói với chúng ta. 

Nhắc lại và thấm thía sâu sắc những lời vàng ngọc của Bác, mọi người cao tuổi chúng ta ngày nay phải hăng hái tham gia tổ chức và hoạt động ở Hội Người cao tuổi, tích cực hưởng ứng phong trào: "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" mà Đại hội lần thứ II Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phát động. 

Lê Quang Thành

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website