I- Hoàn cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm
Tác phẩm này ra đời trong hoàn cảnh sôi động của phong trào cách mạng thế giới.
Chủ nghĩa tư bản đang trong cơn tổng khủng hoảng sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918). Chiến tranh là kết quả của mâu thuẫn giữa đế quốc với đế quốc, làm cho mâu thuẫn đó ngày càng gay gắt và nảy sinh mâu thuẫn mới trong nội bộ mỗi nước: mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản, mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Chủ nghĩa tư bản vốn đã khủng hoảng lại càng khủng hoảng trầm trọng. Tình trạng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản làm xuất hiện tình thế cách mạng ở hàng loạt nước. Dự đoán thiên tài của Lênin là biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng đã được chứng minh trong thời kỳ này.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã nổ ra và thắng lợi ở Nga. Nước Nga lúc đó là khâu yếu nhất trong toàn bộ sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là sự kiện lịch sử vô cùng to lớn, là dấu mốc mở đầu thời đại mới và cung cấp cho cách mạng thế giới mẫu mực kiệt xuất về cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Do ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, cách mạng thế giới phát triển rầm rộ, phong trào công nhân phát triển nhanh chóng, ở nhiều nước điều kiện khách quan và chủ quan của cách mạng đã chín muồi. Ở hàng loạt nước Đảng Cộng sản ra đời. Các Đảng Cộng sản ra đời trên cơ sở phân hóa của Đảng dân chủ - xã hội. Những người gia nhập Đảng Cộng sản về cơ bản đã đoạn tuyệt lập trường cơ hội chủ nghĩa, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của Đảng dân chủ - xã hội trên một loạt vấn đề, kể cả những vấn đề quan trọng.
Các Đảng Cộng sản ra đời đề ra nhu cầu thành lập quốc tế cộng sản mới. Ngày 5 tháng 3 năm 1919, tại Mátxcơva, Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản đã được tổ chức. Quốc tế mới ra đời tức là nhiệm vụ thứ nhất của phong trào cộng sản đã hoàn thành về cơ bản, thu hút được đội tiên phong toàn thế giới đi theo cách mạng vô sản.
Trong các Đảng Cộng sản, bệnh “tả khuynh” xuất hiện ngay sau khi Đảng ra đời. Đấu tranh chống bệnh này trong các đảng là nhiệm vụ tất yếu để tập hợp quần chúng lao động đi theo chủ nghĩa cộng sản. Từ năm 1903, Đảng Bônsêvích Nga đã đấu tranh quyết liệt chống đầu óc cách mạng tiểu tư sản trong nội bộ Đảng. Tháng 5 năm 1918, Lênin viết tác phẩm Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản, tác phẩm phê phán sai lầm của phái “tả” trong nội bộ Đảng Bônsêvích Nga. Sau khi các Đảng Cộng sản ra đời, bệnh “tả khuynh” đã phát sinh trên phạm vi quốc tế.
Lênin đã hoàn thành tác phẩm trước ngày Đại hội II của Quốc tế Cộng sản khai mạc. Khi đến Đại hội, mỗi đại biểu đã có trong tay tác phẩm này. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, tác phẩm Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản ra đời đã đáp ứng được đòi hỏi của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
II- Những nội dung lý luận chủ yếu của tác phẩm
1. Ý nghĩa quốc tế của Cách mạng Nga
Lênin mở đầu tác phẩm bằng cách nêu ý nghĩa quốc tế của Cách mạng Nga. Đó là một việc đặc biệt quan trọng. Thời kỳ này, bọn cơ hội luôn luôn tìm cách xuyên tạc chủ nghĩa Mác. Chúng cho rằng chủ nghĩa Mác chỉ phù hợp trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, khi chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc thì chủ nghĩa Mác không còn phù hợp nữa; và cho rằng, chủ nghĩa Mác đã lỗi thời. Khi Cách mạng Nga thành công, bọn cơ hội chủ nghĩa tìm mọi cách xuyên tạc, bưng bít ý nghĩa của cuộc cách mạng đó. Chúng cho rằng, Cách mạng Tháng Mười là hiện tượng đặc thù của nước Nga, kinh nghiệm rút ra từ cuộc cách mạng đó không thể áp dụng cho các nước khác trên thế giới. Bọn cơ hội chủ nghĩa đã phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa của Cách mạng Nga. Phủ nhận ý nghĩa của Cách mạng Nga thực chất là phủ nhận chủ nghĩa Mác. Sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác đã được chứng minh bằng thực tiễn Cách mạng Tháng Mười, thực tiễn này đã đập tan luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác của bọn cơ hội chủ nghĩa.
Ý nghĩa quốc tế của Cách mạng Tháng Mười được Lênin đề cập theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
- Nghĩa rộng: từ cả những nét chủ yếu và thứ yếu của Cách mạng Nga đều có ý nghĩa quốc tế và nó tác động đến tất cả các nước.
- Nghĩa hẹp: Những sự kiện diễn ra của Cách mạng Nga có ý nghĩa tất yếu lịch sử là sẽ tái diễn trên phạm vi quốc tế.
Cách mạng Tháng Mười đã chặt đứt sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc ở khâu yếu nhất. Nó mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Nó đánh dấu chủ nghĩa xã hội khoa học từ mơ ước đã trở thành hiện thực.
Cách mạng Nga đã giải quyết mâu thuẫn gay gắt của thế giới lúc đó tập trung ở Nga, mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản, mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến.
“Tấm gương Nga chỉ ra cho tất cả các nước thấy một cái gì hoàn toàn căn bản về tương lai tất yếu và gần đây của họ, tức là cách mạng vô sản tất cả các nước đều không tránh khỏi con đường mà nước Nga đã trải qua”.
Những người cộng sản ở tất cả các nước không chỉ thừa nhận ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười, mà quan trọng hơn là việc vận dụng kinh nghiệm của cuộc cách mạng đó vào tình hình cụ thể của từng nước để xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn. Lênin muốn làm cho những người cộng sản quan tâm hơn nữa đến việc rút ra từ Cách mạng Tháng Mười những bài học kinh nghiệm một trong những bài học quan trọng nhất đó là bài học về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng vô sản.
Không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với chiến lược, sách lược đúng đắn thì cách mạng vô sản không thể nổ ra và thắng lợi được.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, Lênin xem xét vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chuyên chính vô sản.
2. Vai trò của Đảng trong hệ thống chuyên chính vô sản:
Để khẳng định vai trò của Đảng trong hệ thống chuyên chính vô sản, Lênin đã phê phán quan điểm sai lầm của những người cộng sản “tả khuynh”.
Trước hết là phê phán xu hướng “tả khuynh” ở Đức (phái đối lập). Phái đối lập thừa nhận chuyên chính vô sản nhưng phủ nhận vai trò của Đảng. Họ cho rằng, giai cấp công nhân không thể phá huỷ được nhà nước tư sản nếu không phá huỷ nền dân chủ tư sản, và không thể tiêu diệt nền dân chủ tư sản nếu không phá huỷ Đảng. Lênin coi đó là điều vô cùng ngu xuẩn, không thể tha thứ được.
Những người cộng sản “tả khuynh” này đã tự cho mình là những người mácxít đúng đắn nhất. Những lý lẽ của phái đối lập đã chứng tỏ rằng, họ không hiểu những điều sơ đẳng nhất của chủ nghĩa Mác.
Họ đã xuất phát từ mô hình của chủ nghĩa cộng sản để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng: chủ nghĩa cộng sản ở giai đoạn cao thì xã hội không còn giai cấp, không còn Đảng. Đó còn là mục đích lý tưởng của Đảng, nhưng để đi đến chủ nghĩa cộng sản ở giai đoạn cao thì phải trải qua thời kỳ quá độ; thời kỳ đó dài hay ngắn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nước. Đó là con đường mà nước Nga đã đi và cũng là con đường chung mà cách mạng xã hội chủ nghĩa ở tất cả các nước đều phải trải qua.
Quan điểm của phái đối lập cho rằng, chủ nghĩa tư bản ở Đức sẽ nhảy lên giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản không trải qua bước quá độ cho nên phải phá huỷ Đảng. Đây là sai lầm về đường lối cách mạng, thể hiện sự ấu trĩ cả về lý luận và thực tiễn. Những người cộng sản “tả khuynh” đã không hiểu gì về quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa và càng không hiểu gì về Đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội: vai trò của Đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng tăng lên, đó là quy luật phát triển của Đảng.
Để đảm bảo cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng mácxít thực sự cách mạng, dày dặn kinh nghiệm trong đấu tranh giai cấp và được sự tín nhiệm cao cả của quần chúng.
Lênin khẳng định: “Không có một Đảng sắt thép được tôi luyện trong đấu tranh, không có một Đảng được sự tín nhiệm của tất cả những phần tử trung thực trong giai cấp nói trên, không có một Đảng biết nhận xét tâm trạng quần chúng và biết tác động vào tâm trạng đó thì không thể tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh ấy được”. Tư tưởng này của Lênin đã chỉ ra cho những ai chưa biết suy nghĩ hay chưa có điều kiện để suy nghĩ hiểu rằng: sự lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chuyên chính vô sản là tất yếu khách quan.
Để thực hiện được quyền lãnh đạo của mình thì Đảng phải không ngừng được củng cố và phát triển. Vì vậy, Lênin đã đề cập tới một số điểm về xây dựng nội bộ Đảng.
3. Vấn đề xây dựng nội bộ Đảng đã được đề cập trong tác phẩm
a) Việc xác định cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng
Cương lĩnh, đường lối, chính sách đúng đắn là nguyên nhân cơ bản đảm bảo cho sự thắng lợi của Đảng.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc định ra đường lối, nhiệm vụ chính trị đúng đắn lại càng quan trọng. Bởi vì, sai lầm về đường lối trong xây dựng chủ nghĩa xã hội có tác hại lâu dài đến toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Những người cộng sản “tả khuynh” đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề này thể hiện ở một loạt vấn đề:
- Trước hết đối với vấn đề lãnh tụ, Đảng, giai cấp, quần chúng. Họ đã dùng các khái niệm này nhưng không hiểu mối quan hệ giữa các khái niệm đó, đã đối lập các khái niệm.
Họ thừa nhận giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là thời kỳ chuyên chính vô sản nhưng họ đặt vấn đề ai phải thi hành chuyên chính vô sản: Đảng Cộng sản hay giai cấp vô sản; chuyên chính của Đảng hay chuyên chính của giai cấp; chuyên chính Đảng của các lãnh tụ hay chuyên chính của quần chúng. Thực chất quan điểm của họ nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, phá vỡ sự thống nhất của Đảng.
Lênin đã phê phán: Cách lập luận đó là mớ hỗn độn cũ rích, là luận điệu “tả khuynh” ấu trĩ. Phát biểu quan điểm của mình về các khái niệm đó, Người chỉ rõ: quần chúng được chia thành những giai cấp, những giai cấp này lại do các chính đảng lãnh đạo, còn đứng đầu các đảng là những nhà lãnh đạo (các lãnh tụ). Các khái niệm này quan hệ chặt chẽ với nhau, kết hợp thành một chỉnh thể không thể chia cắt được. Tuy nhiên, giữa các khái niệm đó cũng cần có sự phân biệt rõ, lẫn lộn giữa các khái niệm đó cũng là sai lầm. Lênin đã chỉ ra sự khác nhau đó: Đảng không phải là toàn bộ giai cấp, Đảng là đội tiên phong của giai cấp, Đảng còn khác giai cấp ở trình độ giác ngộ, lẫn lộn giữa Đảng và giai cấp sẽ dẫn đến hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng.
Lãnh tụ do Đại hội Đảng bầu ra, Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng giao cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Lênin đã đề cập đến nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng.
Lãnh tụ còn khác Đảng ở yêu cầu về phẩm chất và năng lực, Lênin đòi hỏi lãnh tụ phải là những người có uy tín nhất, có kinh nghiệm nhất. Có những lãnh tụ như vậy mới lãnh đạo được Đảng, giai cấp và quần chúng.
Lênin đánh giá đúng vai trò của lãnh tụ, đồng thời kiên quyết lên án tệ sùng bái cá nhân.
Những người cộng sản “tả khuynh” còn chia rẽ nội bộ Đảng bằng việc nêu ra khẩu hiệu “Đả đảo lãnh tụ”, nấp dưới khẩu hiệu này, họ đưa những lãnh tụ mới của họ vào để thay thế những lãnh tụ cũ của Đảng Cộng sản Đức. Đó là một sai lầm lớn.
- Vấn đề hoạt động trong công đoàn phản động.
Những người cộng sản “tả khuynh” coi công đoàn là một tổ chức phản động. Theo họ, những người cộng sản không cần, không được phép hoạt động trong công đoàn; họ tạo ra một tổ chức mới gọi là “Hội liên hiệp công nhân”.
Những người cộng sản “tả khuynh” luôn nói đến khái niệm quần chúng nhưng họ đã lạm dụng khái niệm đó và không hiểu mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Họ chủ trương rằng, những người cộng sản không tham gia công đoàn. Điều đó có nghĩa là tách Đảng với quần chúng, làm cho Đảng xa rời quần chúng.
Lênin đã khẳng định: Công đoàn là tổ chức rộng rãi nhất để tập hợp công nhân. Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản, Đảng liên hệ với quần chúng thông qua công đoàn, công đoàn là tổ chức quần chúng nhưng phải có đảng viên hoạt động trong đó để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức quần chúng. Đảng liên hệ với quần chúng không chỉ thông qua tổ chức công đoàn mà còn thông qua các tổ chức khác như: hợp tác xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và các tổ chức bảo hiểm. Ngoài những tổ chức trên, Đảng còn liên hệ với quần chúng bằng những hội nghị công nhân và nông dân.
Những hình thức tổ chức trên thể hiện Đảng dân chủ với quần chúng.
Đảng cầm quyền phải bằng mọi hình thức tổ chức nhằm sử dụng và phát huy cao nhất sức mạnh của quần chúng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lênin đã khẳng định: “Chỉ có độc một mình đội tiên phong thôi thì không thể thắng nổi. Ném độc một mình đội tiên phong vào một cuộc chiến đấu quyết định, khi mà toàn thể giai cấp, khi mà quần chúng đông đảo hoặc chưa có thái độ trực tiếp ủng hộ đội tiên phong, hoặc chưa có ít ra là một thái độ trung lập có thiện cảm đối với đội tiên phong, khiến họ hoàn toàn không thể ủng hộ kẻ địch được, thì đó không những là một điều dại dột, mà còn là một tội ác nữa”.
Lênin cũng chỉ ra tính phản động của công đoàn. Cái gọi là tính phản động chỉ là những nhược điểm, khuyết điểm còn tồn tại trong công nhân: tính chất phường hội, đầu óc thủ cựu, tư tưởng nghề nghiệp hẹp hòi và cũng có cả những khuynh hướng phi chính trị. Tính phản động của công đoàn là không tránh khỏi trong thời kỳ chuyên chính vô sản. Chỉ khi nào công đoàn phát triển thành công đoàn công nghiệp thì không còn tính phản động nữa, đó là giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản, đó cũng là mục đích tương lai của giai cấp vô sản. Trong điều kiện hiện tại mà muốn đạt ngay kết quả của tương lai thì không thể có được. Lênin coi sự mong muốn đó như người ta muốn dạy toán cao cấp cho trẻ em 4 tuổi.
Từ sự phân tích nên, Lênin đòi hỏi người cộng sản nhất thiết phải hành động trong công đoàn và phải công tác ở bất cứ nơi nào có quần chúng, kể cả những tổ chức phản động nhất.
- Việc tham gia nghị viện tư sản
Những người cộng sản “tả khuynh” cho rằng, chế độ nghị viện đã quá thời cả về phương diện lịch sử và phương diện chính trị. Đứng về phương diện lịch sử thế giới mà
nói thì “chế độ đại nghị” đã quá thời vô phương diện lịch sử. Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công thì thời đại nghị viện tư sản đã kết thúc, thời đại chuyên chính vô sản bắt đầu, nhưng trong vấn đề sách lược thực tiễn lại tính theo quy mô thế giới là một sai lầm hết sức nghiêm trọng về lý luận. Chẳng hạn như ở Đức khi chưa có chuyên chính vô sản mà lại khẳng định nghị viện tư sản là quá thời thì quan điểm như vậy là sai lầm cả về thực tiễn và lý luận. Những người cộng sản “tả khuynh” đã lẫn lộn giữa chủ quan và khách quan. Họ đem ý muốn chủ quan thay thế cho việc thực hiện khách quan. Đây là sai lầm rất nguy hiểm của người cách mạng.
Lênin đã khẳng định: Đảng Cộng sản phải tham gia nghị viện tư sản.
Nghị viện tư sản là tổ chức phản cách mạng do giai cấp tư sản lập ra nhưng quần chúng lạc hậu còn tin ở nghị viện, coi nghị viện là đại biểu chân chính của họ cho nên người cộng sản phải tham gia vào tổ chức đó để giáo dục, giác ngộ, thức tỉnh quần chúng.
Người cộng sản tham gia nghị viện không phải là để duy trì tổ chức này mà để đấu tranh xóa bỏ nghị viện.
Người cộng sản không tham gia nghị viện tức là bỏ rơi quần chúng lạc hậu và như vậy sẽ không bao giờ giải tán được nghị viện.
- Vấn đề thỏa hiệp:
Những người cộng sản “tả khuynh” nêu khẩu hiệu “Không bao giờ thỏa hiệp” và không chấp nhận một sự liên minh dựa dẫm nào.
Lênin cho rằng: Đấu tranh cách mạng có lúc phải thỏa hiệp. Bởi vì, tiến hành cách mạng không phải hoàn toàn thuận lợi và dễ dàng mà còn có những lúc cách mạng gặp khó khăn. Trong những hoàn cảnh khó khăn phức tạp đòi hỏi người cách mạng phải biết lựa chiều, liên minh, thỏa hiệp để tránh tổn thất cho cách mạng. Cách mạng không phải chỉ biết có tiến công, khoa học tiến công phải được bổ sung bằng khoa học rút lui khi cần thiết, rút lui là để chuẩn bị tiến công giành những thắng lợi lớn hơn.
b) Vấn đề kỷ luật của Đảng
Trong tác phẩm này, Lênin nhấn mạnh vai trò kỷ luật trong Đảng: Đảng có kỷ luật nghiêm minh chặt chẽ mới thực hiện được sự lãnh đạo tập trung thống nhất, mới xây dựng được khối đoàn kết trong nội bộ Đảng. Có kỷ luật mới tăng cường được sức mạnh của Đảng, mới chiến thắng được mọi kẻ thù. Lênin coi kỷ luật là một trong những điều kiện căn bản để đảm bảo cho sự thắng lợi của Đảng. Người nói: “Những người Bônsêvích sẽ không giữ vững được chính quyền, tôi không nói được tới hai năm rưỡi, mà ngay cả đến hai tháng rưỡi cũng không được nữa, nếu Đảng ta không có kỷ luật hết sức nghiêm minh, kỷ luật sắt thực sự”.
Đảng có kỷ luật nghiêm minh chặt chẽ mới vạch mặt và đuổi được bọn cơ hội chủ nghĩa dưới mọi màu sắc ra khỏi Đảng, làm trong sạch hàng ngũ Đảng, và mới chống được những tư tưởng phi vô sản ảnh hưởng ở trong Đảng. Lênin coi kỷ luật của Đảng là thứ vũ khí để Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình. Người nhấn mạnh: “kẻ nào làm yếu - dù chỉ là chút ít - kỷ luật sắt trong Đảng của giai cấp vô sản (nhất là trong thời kỳ chuyên chính của nó) là thực tế giúp cho giai cấp tư sản chống lại giai cấp vô sản”.
Lênin nêu ba điều kiện để thực hiện kỷ luật trong Đảng:
- Sự giác ngộ và lòng trung thành với cách mạng, tinh thần kiên cường, tính hy sinh và chí khí dũng cảm của đội tiên phong.
- Đội tiên phong biết liên hệ, gần gũi, hòa mình với quần chúng rộng rãi.
- Đội tiên phong có sự lãnh đạo chính trị, có chiến lược và sách lược đúng đắn và được quần chúng tin tưởng vào sự đúng đắn đó.
Thiếu những điều kiện trên thì không thể thực hiện được kỷ luật trong Đảng và mọi ý đồ thiết lập kỷ luật trong Đảng chỉ là những câu nói suông mà thôi.
c) Tự phê bình và phê bình
Lênin coi tự phê bình và phê bình là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để xem xét Đảng. Chỉ có Đảng mácxít chân chính - Đảng cách mạng thật sự mới có thái độ đúng đắn đối với sai lầm của mình. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng có khuyết điểm cũng là bình thường, điều quan trọng là có thái độ đúng đắn đối với sai lầm của mình hay không, đó mới là điều quan trọng. Lênin đòi hỏi rằng, trước những sai lầm của mình, Đảng phải công khai thừa nhận sai lầm, phân tích hoàn cảnh đẻ ra sai lầm, nghiên cứu những biện pháp để sửa chữa sai lầm. Đó là thái độ nghiêm túc của Đảng. Chỉ có Đảng nghiêm túc như vậy mới thực sự là Đảng mácxít chân chính.
Những người cộng sản “tả khuynh” đã không có thái độ đó, đã không nghiêm túc trước những sai lầm của mình cho nên họ không phải là Đảng của giai cấp, không phải là Đảng của quần chúng, và chỉ là nhóm nhỏ mang tính bè phái. Đối với người đảng viên cộng sản, Lênin đòi hỏi rằng, trước sai lầm của mình, người đảng viên phải thực hiện tốt tự phê bình. Người nói: “Người thông minh không phải là người không phạm sai lầm... Người nào phạm sai lầm, mà không nặng lắm, và biết sửa chữa một cách dễ dàng và nhanh chóng thì người đó người thông minh”.
Đối với Đảng cũng như đối với đảng viên, không có thái độ đúng đắn đối với khuyết điểm thì chỉ đi đến những khuyết điểm lớn hơn mà thôi.
Lênin đã khẳng định điều đó: “cứ giữ mãi sai lầm, đi sâu thêm để bào chữa cho nó, “đưa nó đến chỗ tột cùng” thì từ một sai lầm nhỏ, người ta luôn luôn có thể làm cho nó thành một sai lầm lớn ghê gớm”.
d) Vấn đề phát triển Đảng
Lênin coi phát triển Đảng là một trong những công tác quan trọng nhằm xây dựng và củng cố Đảng. Song, phát triển Đảng phải đảm bảo không để cho bọn cơ hội và bọn phản cách mạng tìm cách chui vào Đảng.
Trong cuộc chiến đấu giữa cái sống và cái chết, bọn cơ hội chủ nghĩa không bao giờ đi theo những người cộng sản mà vào Đảng. Nhưng trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên có tổ chức, có quyền thì hấp dẫn đối với bọn cơ hội chủ nghĩa, và do đó, cũng có thể chui được vào Đảng nếu như các tổ chức Đảng sơ hở trong công tác tổ chức.
Theo quan điểm của Lênin, phát triển Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền phải hết sức chặt chẽ về tiêu chuẩn để ngăn ngừa những phần tử cơ hội và bọn phản cách mạng tìm cách chui vào Đảng để phá hoại. Sau Cách mạng Tháng Mười thành công, Lênin chỉ kêu gọi những công nhân, nông dân, người lao động thật sự tin theo chủ nghĩa cộng sản vào Đảng. Và Đảng chỉ mở rộng trong lúc cuộc nội chiến gay go quyết liệt nhất, trong những lúc tình hình khó khăn nhất. Trong khó khăn thử thách mới phân biệt được người cách mạng thực sự với kẻ cơ hội chủ nghĩa, khó khăn thử thách là thước đo sự giác ngộ và lòng trung thành của người cách mạng.
đ) Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội là quy luật phát triển của Đảng
Lênin đã lý giải và chứng minh tính quy luật của cuộc đấu tranh này bằng thực tiễn của Đảng Bônsêvích Nga đấu tranh triệt để không điều hòa chống hai phía chủ nghĩa cơ hội “hữu khuynh” và chủ nghĩa giáo điều “tả khuynh”. Đảng Bônsêvích đã trưởng thành, củng cố, tôi luyện trong cuộc đấu tranh đó. Đây không phải là hiện tượng riêng của Nga mà là quy luật phát triển của các Đảng Cộng sản. Chủ nghĩa cơ hội là kẻ thù chung của phong trào cộng sản quốc tế và là kẻ thù của mỗi Đảng Cộng sản. Mặt khác, trong nội bộ mỗi Đảng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các trào lưu tư tưởng phi vô sản. Sự ảnh hưởng đó biểu hiện dưới mọi màu sắc khi “hữu”, khi “tả” cho nên không đấu tranh chống cả hai khuynh hướng đó thì Đảng không thể trở thành lực lượng lãnh đạo giai cấp công nhân được và không thể duy trì được sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong Đảng. Không đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội thì Đảng không thể tồn tại và phát triển được.
Trong tác phẩm này, Lênin chống chủ nghĩa cơ hội cả hai phía nhưng chủ yếu là đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh”. Công lao to lớn của Lênin đối với phong trào cộng sản quốc tế là đã phát hiện ra chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh” trong các Đảng Cộng sản trẻ tuổi ngay từ khi nó mới hình thành.
Năm 1920, Lênin xem bệnh “tả khuynh” là bệnh ấu trĩ của Đảng Cộng sản trẻ tuổi, về sau, Lênin đã nhìn nhận căn bệnh ấy như một trào lưu hình thành rõ ràng và cực kỳ nguy hiểm trong phong trào cộng sản quốc tế.
III- Ý nghĩa thực tiễn của tác phẩm
1. Đối với phong trào cộng sản quốc tế
Tác phẩm ra đời đáp ứng đòi hỏi cấp bách của phong trào cộng sản quốc tế đương thời, đã giải đáp được thắc mắc và uốn nắn lệch lạc của phong trào. Thời kỳ này phong trào cộng sản phát triển rất nhanh và mạnh. Cùng với sự phát triển của phong trào, những khuynh hướng sai lầm cũng xuất hiện, nếu như không có sự uốn nắn thì có nguy cơ đẩy phong trào đi chệch con đường đúng đắn, những tư tưởng của tác phẩm này đã đưa phong trào cách mạng thế giới phát triển và giai cấp vô sản ngày càng trưởng thành. Sự phê phán của Lênin đã khắc phục được những quan điểm sai lầm của chủ nghĩa cộng sản “tả khuynh”. Sự phê phán đó ngày nay vẫn còn nguyên giá trị .
2. Đối với Đảng ta
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng như trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta đã thấm nhuần những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và những nguyên lý trong tác phẩm này, do đó đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
3. Đối với công tác xây dựng Đảng
Nguyên lý trong tác phẩm này đã làm cơ sở trong việc xác định nội dung công tác xây dựng Đảng. Đảng ta đã coi trọng cả ba mặt xây dựng Đảng: xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức. Nội dung này mang tính kỷ luật trong công tác xây dựng Đảng. Đảng ta còn khẳng định xây dựng Đảng về chính trị có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Xây dựng Đảng về chính trị là xây dựng cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn. Để đáp ứng đòi hỏi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với trí tuệ của toàn Đảng, cương lĩnh sẽ bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Những quan điểm, tư tưởng của Lênin về tự phê bình, phát triển Đảng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội đã có ý nghĩa thiết thực trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta. Hiện nay, những vấn đề đó vẫn thường xuyên thực hiện trong các tổ chức Đảng. Đó là những công tác không thể thiếu được để không ngừng sáng tạo năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.