Hai sách lược của Đảng dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ

I- Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm 

1. Nước Nga, trung tâm cách mạng thế giới 

Cuộc cách mạng Nga nổ ra năm 1905 là cuộc cách mạng dân chủ - tư sản đầu tiên trong thời đại chủ nghĩa đế quốc. Lúc bấy giờ, nước Nga tập trung nhiều mâu thuẫn của thế giới, mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản, mâu thuẫn giữa địa chủ với nông dân, và mâu thuẫn giữa thuộc địa với đế quốc, mâu thuẫn giữa đế quốc với đế quốc. Giai cấp công nhân Nga ra đời trong lúc chủ nghĩa Mác đã thắng các trào lưu xã hội chủ nghĩa khác, do đó ảnh hưởng chủ nghĩa Mác vào Nga rất nhanh, giai cấp vô sản Nga sớm trở thành lực lượng chính trị độc lập và có thể tự tìm thấy con đường để tự giải phóng. 

2. Cuộc khủng hoảng cách mạng Nga đã chín muồi 

Cuộc cách mạng 1905 ở Nga đã diễn ra và ngày càng phát triển. Chủ nghĩa tư bản gắn chặt với chế độ quân chủ nông nô cùng nhau đàn áp nhân dân. Cuộc chiến tranh Nga - Nhật làm trầm trọng thêm sự đau khổ của nhân dân. Trước tình hình ấy, quần chúng không thể sống như cũ và mâu thuẫn xã hội càng trở nên gay gắt. Đó là những nguyên nhân thúc đẩy cuộc cách mạng sớm nổ ra. 

3. Lý do trực tiếp ra đời của tác phẩm 

Đại hội III Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga họp vào mùa xuân 1905. Những nghị quyết của Đại hội, kế hoạch chiến lược và sách lược của Đại hội đề ra là cương lĩnh chiến đấu của Đảng trong cuộc đấu tranh đưa cách mạng dân chủ đến thắng lợi. Sau Đại hội, nhiệm vụ đặt ra trước Đảng Bônsêvích là xiết chặt hàng ngũ Đảng xung quanh những Nghị quyết đã được Đại hội thông qua, hướng công tác của tất cả các tổ chức Đảng vào việc thực hiện các Nghị quyết ấy đồng thời vạch trần sách lược cơ hội chủ nghĩa của phái Mensêvích. Các Nghị quyết mà Hội nghị của phái Mensêvích họp ở Giơnevơ cùng một lúc với Đại hội III Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga hoàn toàn trái ngược với đường lối, sách lược của những người Bônsêvích. Điều cần thiết lúc này là phải phê phán phái Mensêvích để thống nhất hành động của giai cấp vô sản, bảo đảm được sự ủng hộ của giai cấp công nhân và tất cả những người lao động đối với sách lược của những người Bônsêvích. Trong những điều kiện ấy, giữa năm 1905, Lênin viết tác phẩm “Hai sách lược của Đảng dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ” và đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga cho xuất bản vào tháng 7- 1905 để khẳng định sự đúng đắn trong sách lược của những người Bônsêvích. 

II. Nội dung chủ yếu của tác phẩm

Tác phẩm bao gồm l lời tựa và 13 phần. Dưới góc độ về khoa học xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, có thể khái quát toàn bộ tác phẩm trên bốn vấn đề cơ bản sau đây: 

1. Quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng dân chủ tư sản 

Bằng quan điểm duy vật về lịch sử, Mác và Ăngghen trước đây đã khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng vô sản lật đổ chế độ tư sản. Nhưng trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản thì vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, Mác và Ăngghen chưa nêu. Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác, Người cho rằng, giai cấp vô sản chẳng những không xa lánh cách mạng tư sản, mà phải tham gia cách mạng ấy một cách hết sức kiên quyết, hơn thế nữa còn phải lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Lênin lý giải rằng, cuộc cách mạng ở Nga lúc này là cuộc cách mạng đầu tiên trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, tính chất, động lực và phương pháp của nó khác cuộc cách mạng trước đây. Cách mạng tư sản là biểu hiện nhu cầu phát triển chủ nghĩa tư bản nhưng nó cũng có yêu cầu quan trọng đối với giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản Nga “khổ vì chủ nghĩa tư bản ít hơn khổ vì chủ nghĩa tư bản không được phát triển đầy đủ”. Cách mạng dân chủ tư sản là bước quá độ để giai cấp vô sản làm tiếp cuộc cách mạng vô sản của mình. Giai cấp vô sản lãnh đạo là điều kiện quyết định sự thành bại của cách mạng dân chủ tư sản vì điều đó quy định tính chất, nội dung của cách mạng, và nó quy định phương pháp tiến hành cuộc cách mạng, đó là phương pháp cách mạng của quần chúng – phương pháp nhanh và đỡ đau khổ nhất - còn con đường cải lương (thường giai cấp tư sản hay dùng) “là con đường trì hoãn, khất lần, và là sự chết dần chết mòn và đau đớn của những bộ phận thối nát trong cơ thể nhân dân. Giai cấp vô sản và nông dân là những người đầu tiên phải chịu đau khổ hơn hết vì sự thối nát đó”. 

Do đó, “chính bản thân địa vị của tư sản, với tư cách là một giai cấp trong xã hội tư bản, tất nhiên sẽ gây ra cho nó tính không triệt để trong cuộc cách mạng dân chủ. Chính bản thân địa vị của vô sản, với tư cách là một giai cấp, buộc họ phải trở thành những người dân chủ triệt để”. 

2. Vấn đề nông dân và liên minh công – nông trong cách mạng dân chủ tư sản 

Vấn đề này Mác và Ăngghen đã đề cập trong nhiều tác phẩm và Lênin đã phát triển nó phù hợp với hoàn cảnh nước Nga. Vấn đề nông dân được đại hội của những người Bônsêvích và cả hội nghị của phái Mensêvích nêu ra, nhưng quan điểm hoàn toàn khác nhau. Đại hội thảo ra nghị quyết nói về “thái độ đối với phong trào nông dân”, còn hội nghị thì thảo ra nghị quyết về “công tác trong nông dân”. Theo nghị quyết của phái Bônsêvích thì nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là lãnh đạo toàn bộ phong trào dân chủ cách mạng rộng lớn chống chế độ Nga hoàng, do đó phải tổ chức ngay tức khắc những ủy ban nông dân cách mạng để thi hành tất cả những cải cách dân chủ. Còn phái Mensêvích thì vấn đề chung quy chỉ là “công tác” trong một tầng lớp đặc biệt, do đó “yêu sách đòi thành lập các ủy ban” phải được trình bày lên Quốc hội lập hiến. Phái Mensêvích phủ nhận vai trò của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh của nông dân, làm cho giai cấp vô sản đứng ngoài rìa cách mạng tư sản và theo đuôi giai cấp tư sản. Lênin cho rằng: “Tại sao chúng ta lại nhất thiết phải chờ đợi ở cái Quốc hội lập hiến đó? Quốc hội đó sẽ thực sự là Quốc hội lập hiến chăng? Nếu không thành lập ra trước và cùng một lúc những ủy ban nông dân cách mạng, thì Quốc hội lập hiến đó liệu có thật vững chắc không?”. 

Về sự cần thiết và khả năng liên minh công - nông trong cách mạng dân chủ tư sản, Lênin cho rằng, giai cấp vô sản chỉ có thể thắng lợi trong cuộc chiến đấu ấy một khi giai cấp nông dân tham gia cuộc chiến đấu của giai cấp vô sản, vì trong cuộc đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng, có thể có sự thống nhất ý chí giữa giai cấp vô sản và nông dân vì họ có sự thống nhất về quyền lợi. Song muốn liên minh với nông dân, giai cấp vô sản phải một mặt giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ của nông dân lên ngang với trình độ của cách mạng dân chủ tư sản, mặt khác phải có cương lĩnh ruộng đất đồng thời giải quyết những quyền lợi hàng ngày của nông dân. 

3. Vấn đề chính phủ cách mạng lâm thời và vấn đề chuyên chính công – nông 

Vấn đề chính phủ cách mạng lâm thời là điểm trung tâm của vấn đề sách lược của Đảng dân chủ - xã hội và là vấn đề chính trị cấp bách nhất mà có nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ Nga hoàng thừa nhận là cần phải triệu tập các đại biểu nhân dân, nhưng dù sao cũng không muốn cho Quốc hội ấy trở thành cơ quan quyền lực có tính chất toàn dân và lập hiến mà chỉ mang tính chất tư vấn và khi bầu thì không được tự do cổ động mà phải theo một chế độ tuyển cử hạn chế theo suất hoặc đẳng cấp. Giai cấp tư sản tự do không đòi hỏi đánh đổ Nga hoàng, không nêu khẩu hiệu thành lập chính phủ lâm thời, không yêu cầu có những đảm bảo thực sự cho cuộc bầu cử hoàn toàn tự do và đúng thủ tục. Giai cấp vô sản cách mạng do Đảng dân chủ - xã hội lãnh đạo, đòi hỏi chuyển toàn bộ quyền bính vào tay Quốc hội lập hiến, nhằm mục đích ấy, một mặt phải thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do cổ động, mặt khác còn phải lật đổ ngay chính phủ Nga hoàng và thay thế bằng một chính phủ cách mạng lâm thời. Trong khi đó, phái Mensêvích cho rằng, không thể thi hành được một cương lĩnh tích cực nào. Họ đòi phải cướp chính quyền, lập công xã - tức là lập chính phủ công nhân. Họ lẫn lộn cách mạng dân chủ tư sản với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là một sai lầm “tả khuynh” nguy hiểm. Trong tác phẩm này, Lênin đã trình bày ý kiến quan trọng của việc lập chính phủ cách mạng lâm thời trong cách mạng dân chủ tư sản. 

Chính phủ đảm bảo đầy đủ tự do chính trị “cả về phương diện lợi ích trực tiếp của giai cấp vô sản cũng như về phương diện “mục đích cuối cùng là chủ nghĩa xã hội”. Mà muốn có tự do chính trị đầy đủ thì phải thay thế chế độ chuyên chế Nga hoàng bằng chế độ cộng hoà dân chủ”. 

Muốn lập một chế độ cộng hoà dân chủ thì tuyệt đối phải có một hội nghị đại biểu nhân dân, nhất thiết do toàn dân bầu ra (trên cơ sở phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp bỏ phiếu kín) và có quyền lập hiến. 

Muốn thiết lập một chế độ thật sự biểu hiện cho ý chí của nhân dân cần phải làm sao cho Quốc hội đó có quyền hành và sức mạnh để “lập hiến”, phải có những điều kiện vật chất nhất định để Quốc hội làm trọn nhiệm vụ của mình. 

Từ ý nghĩa quan trọng đó, Lênin đã khẳng định: “Chỉ có một chính phủ cách mạng lâm thời… mới có thể đảm bảo cho việc cổ động tuyển cử được hoàn toàn tự do và triệu tập được một Quốc hội thật sự biểu hiện cho ý chí của nhân dân”. Đề cập đến vấn đề chính phủ lâm thời, Lênin cũng xác định Đảng phải tham gia chính phủ cách mạng lâm thời, vì trong chính phủ có nhiều thành phần tham gia thì Đảng tham gia để lãnh đạo hành động từ trên xuống kết hợp từ dưới lên của quần chúng. 

Vấn đề chuyên chính dân chủ cách mạng của hai giai cấp công nhân và nông dân là một yêu cầu khách quan nó đảm bảo tạo điều kiện cho sự chuyển biến cách mạng từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Theo Lênin, chuyên chính công - nông chỉ là tạm thời, chốc lát nhưng nếu quên đi là có hại cho cách mạng, không tạo được tiền đề cho sự chuyển biến cách mạng. 

4. Sự chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa 

Căn cứ vào lý luận về cách mạng không ngừng của Mác và sự cần thiết có sự phối hợp phong trào công nhân với phong trào cách mạng của giai cấp vô sản, Lênin đã phân tích những mâu thuẫn xã hội ở Nga, nhất là sức sản xuất mâu thuẫn với quan hệ sản xuất phong kiến (tạo tiền đề cho sự chuyển biến cách mạng dân chủ tư sản) và sức sản xuất mâu thuẫn với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa (tạo tiền đề cho sự chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa); và phân tích sự cần thiết phải thúc đẩy cuộc đấu tranh chống Nga hoàng để lập nền cộng hòa dân chủ, chống giai cấp tư sản để lập nền chuyên chính vô sản; Đồng thời, phân tích trình độ giác ngộ, tính tổ chức của giai cấp vô sản Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lênin đã khẳng định cách mạng dân chủ tư sản ở Nga phải do giai cấp vô sản lãnh đạo, lập nền chuyên chính công - nông và phải tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trái với quan điểm của Lênin, phái Mensêvích cho rằng, cách mạng dân chủ tư sản phải kết thúc bằng cuộc cách mạng tư sản, sau đó để cho chủ nghĩa tư bản phát triển một cách hòa bình, khi nào giai cấp vô sản phát triển thành số đông trong dân cư, hãy làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin cho rằng, hai giai đoạn đó gắn bó với nhau, “chỉ có một xe mà phải chở hai đống rác, vậy phải chở đống thứ nhất là chế độ chuyên chế, rồi đoạn đống thứ hai là chủ nghĩa tư bản”; rằng, cuộc cách mạng thứ nhất chuyển thành cuộc cách mạng thứ hai, cuộc cách mạng thứ hai khi đi qua phải giải quyết nốt những nhiệm vụ của cuộc cách mạng thứ nhất tồn tại. Cuộc cách mạng thứ hai củng cố thành quả cuộc cách mạng thứ nhất... nhưng không được lẫn lộn, vì mỗi giai đoạn làm lịch sử riêng của nó có nội dung riêng biệt, nôn nóng, vội vàng sẽ thất bại... Thực hiện sự chuyển biến này, giai cấp vô sản phải giữ được quyền lãnh đạo và liên minh được với nông dân, lấy chuyên chính công - nông làm công cụ thực hiện sự chuyển biến đó. 

III- Ý nghĩa của tác phẩm 

1. Ý nghĩa lịch sử 

Lần đầu tiên Lênin nêu đường lối sách lược của chính Đảng của giai cấp công nhân trong cuộc cách mạng tư sản kiểu mới - một sự phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc. Lênin đã đánh đổ đường lối cơ hội chủ nghĩa của phái Mensêvích và khẳng định sự đúng đắn của đường lối chính trị của phái Bônsêvích. 

2. Ý nghĩa hiện nay 

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ giai đoạn nào cũng phải khẳng định những vấn đề cốt tử của cách mạng, vấn đề vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân mà đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản. 

Trong công tác xây dựng Đảng, không chỉ quan tâm xây dựng Đảng về tư tưởng, xây dựng Đảng về tổ chức mà trước hết phải quan tâm xây dựng Đảng về chính trị để đảm bảo có được một đường lối chính trị đúng đắn định hướng phát triển của cách mạng.


Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website