Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24/2/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
  • Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
  • 22-CT/TW
  • Chỉ thị
  • Giao thông - Vận tải
  • 24/02/2003
  • 24/02/2003
  • Ban Bí thư
  • Phan Diễn
Nội dung:

 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số: 22-CT/TW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2003


CHỈ THỊ

CỦA BAN BÍ THƯ

Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông


Thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, nhưng tai nạn giao thông và tình trạng ùn tắc giao thông vẫn liên tục tăng cao và ngày càng nghiêm trọng, hàng năm làm chết và bị thương hàng chục nghìn người, gây thiệt hại lớn về vật chất, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội và để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém; trong khi đó, các cấp uỷ đảng lại chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức lĩnh vực công tác này.

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chặn đứng và đẩy lùi tai nạn giao thông, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp thực hiện ngay một số chủ trương, giải pháp sau:

1. Chủ trương, giải pháp cơ bản, lâu dài

- Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản dưới luật, bảo đảm tính đồng bộ và tính chế tài cao, để pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh trong thực tế cuộc sống.

- Khẩn trương xây dựng, thông qua và không ngừng hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải, bảo đảm sự phát triển đồng bộ, hài hoà giữa quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và chiến lược, chính sách phát triển phương tiện giao thông vận tải; tập trung ưu tiên phát triển vận tải công cộng, nhất là ở các đô thị lớn; đồng thời đáp ứng nhu cầu hợp lý về phương tiện giao thông cá nhân của các tầng lớp nhân dân. Ở các đô thị lớn phải có kế hoạch xây dựng hệ thống đường hầm, đường trên cao, cầu vượt... để chống ùn tắc giao thông. Trong việc phê duyệt các quy hoạch đô thị, khu dân cư phải bảo đảm diện tích đất dành cho giao thông, sự đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các kết cấu hạ tầng khác; hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt việc xây dựng các khu dân cư dọc theo các quốc lộ, đường sắt, sân bay. Tăng cường công tác quản lý để bảo đảm thực hiện tốt các quy hoạch đã được duyệt.

- Tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân, đến từng khu dân cư, từng gia đình, mỗi người dân; tạo dư luận phê phán gay gắt những người có hành vi vi phạm, nêu gương người tốt việc tốt trong chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, tăng cường vận động tạo phong trào "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông", coi đây là nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở. Đưa chương trình giảng dạy về trật tự an toàn giao thông thành chương trình chính thức của các cấp học từ mầm non đến đại học.

- Kiên quyết thiết lập ngay trật tự kỷ cương an toàn giao thông trong phạm vi cả nước. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, coi đây là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để tạo thói quen chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, chiến sĩ công an có hành vi tiêu cực trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm và giải quyết tai nạn giao thông.

- Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện giao thông, làm tốt công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thuỷ... Quy định rõ thời hạn loại bỏ các phương tiện vận tải quá cũ, kém an toàn. Xử lý nghiêm khắc các cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực trong công tác kiểm định và sát hạch cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông.

2. Biện pháp cấp bách trước mắt

- Lấy năm 2003 là năm thiết lập trật tự an toàn giao thông trong phạm vi toàn quốc; các cấp uỷ đảng phải quán triệt và coi công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, phải tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp chặn đứng tình trạng gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Mỗi đảng viên phải đi đầu, gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động mọi người chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Tập trung hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xây dựng các chính sách ưu tiên phát triển nhanh phương tiện vận tải công cộng tại các thành phố, thị xã lớn; chủ động tìm nguồn tài chính và phân bổ hợp lý nguồn tài chính này để phục vụ tốt nhất công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quan tâm giải quyết các chính sách về trang bị, đãi ngộ cho các lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Kiện toàn bộ máy chỉ đạo an toàn giao thông từ Trung ương đến các địa phương. Chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp phải trực tiếp làm trưởng ban an toàn giao thông ở cấp mình và chịu trách nhiệm cá nhân trước lãnh đạo cấp trên về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi địa phương.

- Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn tập trung chỉ đạo uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng chương trình hành động hạn chế tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông; trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phát triển mạng lưới vận tải khách công cộng; cải tạo, nâng cấp xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải khách công cộng; nâng cao hơn nữa năng lực tổ chức quản lý và điều hành giao thông đô thị. Khẩn trương xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch các khu dân cư và quản lý chặt chẽ các quy hoạch đã được duyệt, chú ý dành đủ đất cho giao thông tĩnh; sắp xếp hợp lý nơi họp chợ, buôn bán.

- Ngay trong năm 2003, triển khai mạnh mẽ cuộc vận động "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông"; phối hợp đồng bộ các lực lượng thực thi pháp luật, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng tham gia đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; có biện pháp kiên quyết chấm dứt tình trạng đua xe trái phép, lái xe đánh võng, lạng lách nguy hiểm, phóng nhanh vượt ẩu...

- Các phương tiện thông tin đại chúng tập trung phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo dư luận xã hội ủng hộ các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông do Chính phủ, các bộ, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành; nêu gương người tốt, đi đôi với phê phán nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; bảo đảm để công tác giáo dục an toàn giao thông phải đến từng hộ gia đình và xem đây là một nội dung quan trọng của phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới hiện nay.

3. Tổ chức thực hiện

- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nhanh chóng xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thông qua các luật, pháp lệnh có liên quan đến các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nâng cao năng lực giám sát và giám sát thường xuyên các cơ quan của Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan tư pháp thực hiện chức năng của mình trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; huy động mọi lực lượng xã hội, tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình để thiết lập lại trật tự an toàn giao thông theo chỉ thị của Ban Bí thư.

- Các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam... tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát động mạnh mẽ cuộc vận động "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông", có các biện pháp giáo dục hội viên, đoàn viên của mình gương mẫu chấp hành và đấu tranh với những người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Hàng năm, Ban Kinh tế Trung ương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng uỷ trực thuộc Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư việc thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

 

T/M BAN BÍ THƯ

Phan Diễn

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
02-KL/TW
16/03/2011
16/03/2011

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website