Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
  • Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
  • 50-CT/TW
  • Chỉ thị
  • Khoa học - Công nghệ
  • 04/03/2005
  • 04/03/2005
  • Ban Bí thư
  • Phan Diễn
Nội dung:

 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số: 50-CT/TW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2005


CHỈ THỊ

CỦA BAN BÍ THƯ

Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước


Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Với những thành tựu khoa học và công nghệ vượt bậc của nhân loại, từ cuối thế kỷ XX, công nghệ sinh học từ một ngành khoa học đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia công nghiệp trên thế giới.

Đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.

Trong những năm qua, công nghệ sinh học nước ta đã có những tiến bộ nhanh chóng. Nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghệ sinh học của các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên một bước. Việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học đã được quan tâm đầu tư. Trình độ nghiên cứu và phát triển công nghệ đã được nâng cao rõ rệt. Việc ứng dụng công nghệ sinh học truyền thống trong sản xuất đã trở nên phổ biến, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông - lâm - thuỷ sản; sản xuất vắc-xin và một số chế phẩm phục vụ bảo vệ sức khoẻ nhân dân và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, công nghệ sinh học hiện đại của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với một số nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao mức sống của nhân dân. Công nghiệp sinh học chậm phát triển, chưa tạo ra được các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế quốc dân.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ của các cấp uỷ đảng, các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí quan trọng của công nghệ sinh học đối với nước ta. Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ sinh học còn chậm và chưa triệt để; chưa có kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học và công nghiệp sinh học; chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và chưa có chính sách khuyến khích, thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển công nghệ sinh học, nhất là công nghiệp sinh học.

I- Mục tiêu phát triển công nghệ sinh học

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định công nghệ sinh học là công nghệ được ưu tiên phát triển. Mục tiêu phát triển công nghệ sinh học trong thời gian tới là :

Tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, tăng nhanh tỉ lệ nông - lâm - thuỷ sản chế biến, nhất là chế biến phục vụ xuất khẩu; tiến tới giảm nhập khẩu và tự cung cấp được một phần quan trọng nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân; áp dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong công tác bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Phát triển công nghệ sinh học đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực; xây dựng nền công nghiệp sinh học thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất được một số sản phẩm chủ lực và có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc dân.

Tạo ra phong trào ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong nông nghiệp và nông thôn.

II- Nhiệm vụ phát triển công nghệ sinh học

1- Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống

Trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghệ sinh học phải góp phần quan trọng trong việc tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đóng góp thiết thực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tạo ra các công nghệ sản xuất các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi; các công nghệ bảo quản và chế biến nông - lâm - thuỷ sản nhằm đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước.

Trong lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học có nhiệm vụ góp phần giảm nhập khẩu, từng bước tự túc các nguyên liệu làm thuốc và bảo đảm sản xuất, cung cấp đủ các vắc-xin thiết yếu và một số loại thuốc phục vụ phòng và chữa bệnh. Tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mũi nhọn để sản xuất vắc-xin thế hệ mới và thuốc điều trị có nguồn gốc protein tái tổ hợp. Nhanh chóng đưa liệu pháp công nghệ gien, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo và sử dụng vi sinh vật tái tổ hợp để sản xuất kháng sinh, vitamin và axít amin.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường.

2- Đẩy mạnh xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ cho công nghệ sinh học

Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm đến năm 2015 cung cấp đủ cán bộ cho các nhu cầu nghiên cứu, phát triển công nghệ, giảng dạy, quản lý và sản xuất kinh doanh.

Tăng cường đầu tư và hoàn thiện mạng lưới các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học; tập trung đầu tư dứt điểm và đưa vào sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm; xây dựng ở ba miền Bắc, Trung, Nam các trung tâm mạnh về công nghệ sinh học làm hạt nhân cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong cả nước.

Nhanh chóng làm chủ các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Phấn đấu đến năm 2020 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực đối với một số lĩnh vực công nghệ quan trọng của công nghệ sinh học :

Làm chủ được công nghệ gien nhằm tạo ra các biến đổi bộ gien thực vật, động vật theo hướng có lợi; chữa các bệnh di truyền; chú trọng nghiên cứu các đặc điểm và những thay đổi bộ gien của người và vi sinh vật do tác động của ô nhiễm môi trường và chất độc hoá học. Đẩy mạnh ứng dụng tin - sinh học phục vụ nghiên cứu công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ gien.

Tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào thực vật và động vật trong tạo và nhân nhanh giống cây trồng và vật nuôi có ưu thế về năng suất, chất lượng; phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong trị liệu tế bào.

Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ enzim - protein trong công nghiệp chế biến và đặc biệt là trong lĩnh vực miễn dịch học phân tử phục vụ sản xuất vắc-xin thế hệ mới và chế phẩm chẩn đoán.

Công nghệ vi sinh tập trung nghiên cứu, đánh giá và ứng dụng tài nguyên vi sinh vật; tạo chủng giống cao sản bằng công nghệ cao; nghiên cứu hoàn thiện, phát triển và ứng dụng các kỹ thuật lên men vi sinh vật phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.

3- Xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học

Tiến hành quy hoạch và đầu tư phát triển công nghiệp sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, y dược và công nghiệp chế biến thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế.

Công nghiệp sinh học nông nghiệp và thuỷ sản tập trung phát triển công nghiệp sản xuất giống, các chế phẩm chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi và công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản.

Công nghiệp sinh học y dược tập trung sản xuất vắc-xin, chế phẩm chẩn đoán, thuốc chữa bệnh và kháng sinh.

Công nghiệp sinh học hoá chất và sinh học thực phẩm tập trung sản xuất axít amin, axít hữu cơ, enzim công nghiệp, enzim thực phẩm, phụ gia thực phẩm và thực phẩm lên men.

Công nghiệp sinh học phục vụ bảo vệ môi trường tập trung sản xuất các chế phẩm vi sinh vật làm sạch môi trường và xử lý ô nhiễm.

III- Giải pháp

Để đạt được các mục tiêu và thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra nhằm phát triển công nghệ sinh học, cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp sau đây :

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp uỷ đảng, các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách và tăng cường công tác quản lý nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học. Sớm hình thành hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về an toàn sinh học.

Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học và công nghiệp sinh học. Cần tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp sinh học, trong đó ưu tiên lĩnh vực y - dược.

Có chính sách thu hút, đa dạng hoá các nguồn đầu tư trong nước và ngoài nước cho nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học thiết yếu. Ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư cho một số chương trình trọng điểm về xây dựng phòng thí nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Xây dựng và áp dụng chính sách ưu đãi cho phát triển nhanh các doanh nghiệp công nghệ sinh học vừa và nhỏ.

Xây dựng chính sách gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.

Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi cơ hội để đào tạo đội ngũ cán bộ đầu đàn, chuyên gia giỏi và nâng cao trình độ nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học của đất nước.

IV- Tổ chức thực hiện

Các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương tới địa phương phải coi việc đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học và xây dựng nền công nghiệp sinh học là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên trong suốt thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nghiêm túc tổ chức quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi nhất cho việc phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc thể chế hoá các chủ trương, chính sách, giải pháp được nêu trong Chỉ thị này; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học và công nghiệp sinh học.

Các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng về các nội dung của Chỉ thị, tích cực tham gia tổ chức phong trào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất - kinh doanh và đời sống.

Ban Khoa giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Khoa học công nghệ hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Ban Bí thư về tình hình thực hiện Chỉ thị này.

 

T/M BAN BÍ THƯ

Phan Diễn

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
02-KL/TW
16/03/2011
16/03/2011

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website