THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:587/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU LÀO CAI - TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2040, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Biên giới Quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Căn cứ Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP;
Căn cứ Hiệp định về quy chế quản lý Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 18 tháng 11 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau:
1. Phạm vi, ranh giới
Phạm vi lập quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai bao gồm địa giới hành chính của 03 phường, 24 xã; 01 thị trấn với 89 thôn thuộc thành phố Lào Cai và 04 huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai tỉnh Lào Cai. Diện tích lập quy hoạch là 15.929,8 ha được xác định cụ thể như sau:
- Thành phố Lào Cai: Các phường Lào Cai, Phố Mới, Duyên Hải; các thôn Hồng Sơn, Sơn Mãn 1, Sơn Mãn 2 thuộc xã Vạn Hòa; các thôn Làng Đen, Kim Thành, Lục Cẩu thuộc xã Đồng Tuyển.
- Huyện Bảo Thắng: Các thôn Nậm Sò, Km8, Bản Quẩn thuộc xã Bản Phiệt.
- Huyện Bát Xát: Các thôn Kim Thành 1, Kim Thành 2, Làng Hang, An Quang thuộc xã Quang Kim; Tân Hồng, Châu Giàng, Hải Khê, Bản Qua, Bản Vền, Bản Vai, Coóc Cài thuộc xã Bản Qua; Km0, Mường Đơ, Đội 1, Đội 2, Đội 3 thuộc xã Bản Vược; Tân Tiến, Phố Mới 1, Phố Mới 2 thuộc xã Trịnh Tường; Minh Trang, Tân Giang, Bản Trang thuộc xã Cốc Mỳ; Ngam Xá, Ma Cò, Cửa Suối thuộc xã Nậm Chạc; Nậm Mít, Tùng Sáng, Lũng Pô 1, Lũng Pô 2, Pạc Tà, Sa Pả thuộc xã A Mú Sung; Séo Phìn Chư, Khu Chu Lìn thuộc xã A Lù; Chin Chu Lìn thuộc xã Ngải Thầu; Hồng Ngài, Sim San 1, Sin Chải 1 thuộc xã Y Tý.
- Huyện Mường Khương: Thị trấn Mường Khương; các thôn Lao Tô, Vũ Xà, La Măng, Lũng Thắng thuộc xã Tả Gia Khâu; Dìn Chin 2, Ngải Thầu 2, Lùng Sán Chồ thuộc xã Dìn Chin; Lồ Cô Chin, Tả Lùng Thắng, Xà Chải, Sín Chải, Pha Long 1, Pha Long 2, Lao Táo thuộc xã Pha Long; Sín Chải A, Sín Chải B, Thàng Chư Pến, Lùng Vùi, Bản Phố thuộc xã Tả Ngải Chồ; Séo Tủng, Cán Hồ, Tung Chung Phố thuộc xã Tung Chung Phố; Pạc Bo, Na Lốc 1, Na Lốc 2, Na Lốc 3, Na Lốc 4, Cốc Phương thuộc xã Bản Lầu; Lao Chải, Thôn Mới, Gia Khâu B, Sấn Pản thuộc xã Nậm Chảy; Cốc Lầy thuộc xã Lùng Vai.
- Huyện Si Ma Cai: Các thôn Hóa Chư Phùng, Lũng Choáng, Sàng Chải 5 thuộc xã Nàn Sán; Nàng Cảng, Sín Chải thuộc xã Si Ma Cai; Lù Dì Sán thuộc xã Sán Chải.
2. Quan điểm
Hình thành một không gian kinh tế tổng hợp có vai trò là hạt nhân kinh tế thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, vùng Trung du và miền núi phía Bắc thông qua việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại và hợp tác giao thương giữa Việt Nam với Tây Nam, Trung Quốc, đảm bảo phát triển bền vững về môi trường và ổn định an ninh biên giới.
3. Mục tiêu
- Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai. Phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng một khu kinh tế năng động, phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cư dân vùng biên giới tại Khu kinh tế trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
- Cụ thể hóa Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Quy hoạch xây dựng vùng Biên giới Việt - Trung đến năm 2020, Quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Lào Cai đã được phê duyệt.
- Tổ chức không gian kiến trúc và quy hoạch sử dụng đất các khu chức năng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
- Làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
4. Tính chất
- Là Khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ.
- Là một cực phát triển của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, trung tâm kinh tế về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ.
- Là một trong những Trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc.
- Là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của Quốc gia.
5. Quy mô dân số
- Quy mô dân số hiện trạng năm 2016: 60.230 người;
- Dự báo sơ bộ quy mô dân số đến năm 2040: Khoảng 90.000 - 100.000 người.
(Dự báo này sẽ được cụ thể trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch)
6. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu
Căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn quy phạm hiện hành về quy hoạch xây dựng phù hợp mô hình phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Cùng với đặc thù của điều kiện tự nhiên, hiện trạng của từng khu chức năng và theo từng giai đoạn phát triển, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu áp dụng cho quy hoạch sẽ được cụ thể hóa trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch.
7. Nội dung nghiên cứu quy hoạch
a) Phân tích, đánh giá vai trò vị thế, tiềm năng và động lực phát triển:
Xác định vai trò của Khu kinh tế cửa khẩu trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và đối với tỉnh Lào Cai, phân tích mối liên hệ tương hỗ giữa Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với các khu vực kế cận, với hệ thống cảng biển, nghiên cứu quan hệ đối ngoại với các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Dự báo phát triển về kinh tế, xã hội, dân số, lao động và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đất đai, động lực phát triển; dự báo sự thay đổi của môi trường tự nhiên do sự tác động của đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội; dự báo nhu cầu sử dụng đất đai, quy mô các khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu theo từng giai đoạn; dự báo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng cho khu vực. Xác định các tiềm năng và động lực chính để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu.
b) Đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng:
- Điều kiện tự nhiên: Đánh giá, phân tích về vị trí, mối liên hệ với vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, vùng liên tỉnh, vùng nội tỉnh. Đánh giá về điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất, thủy văn, địa chấn, khí hậu, gió, mưa, bão...
- Đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội, dân cư, phát triển cộng đồng dân cư, nghề nghiệp, lao động, điều kiện sống của nhân dân biên giới, nhu cầu phát triển thực tiễn dẫn đến sự cần thiết lập quy hoạch chung, hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan và hiện trạng xây dựng, đánh giá các chương trình dự án đang triển khai có liên quan đến Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
- Đánh giá chung về thực trạng và xu hướng phát triển phía Trung Quốc có tiếp giáp chung đường biên giới liên quan tới khu kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại, du lịch, hạ tầng, phát triển đô thị và nông thôn,...
- Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường:
+ Đánh giá thực trạng giao thông, cấp nước, cấp điện, thu gom, xử lý nước thải, rác thải, nghĩa trang.
+ Hiện trạng của một số công trình đầu mối cấp vùng liên quan trực tiếp đến Khu kinh tế cửa khẩu.
+ Hiện trạng môi trường.
- Đánh giá tổng hợp các vấn đề hiện trạng, đề xuất các vấn đề cần giải quyết và các thế mạnh cần khai thác làm cơ sở hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
c) Định hướng quy hoạch chung xây dựng:
- Xác định tầm nhìn của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2050.
- Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực.
- Định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị đến năm 2040:
+ Nghiên cứu, rà soát, kế thừa hợp lý các quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành liên quan với Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được phê duyệt.
+ Đề xuất cấu trúc phát triển, định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan, các không gian trọng tâm (Khu vực thành phố Lào Cai; Khu Hợp tác kinh tế qua Biên giới; Khu vực cửa khẩu Mường Khương, Ý Tý, Lũng Pô,...) và các vùng có chức năng hỗ trợ và dự trữ phát triển mở rộng trong tương lai. Khai thác hiệu quả các yếu tố tự nhiên, địa hình, điều kiện tự nhiên vào tổ chức không gian Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
+ Tổ chức các khu chức năng: Các khu vực xây dựng phát triển mới như khu công nghiệp, khu Logictis, khu phức hợp dịch vụ-du lịch, khu gia công chế biến, khu phi thuế quan, hệ thống các cửa khẩu, khu vực dân cư tái định cư. Nghiên cứu giải pháp cải tạo tại các khu vực dân cư hiện hữu, các khu chức năng vùng đệm hỗ trợ phát triển, các khu vực đô thị và nông thôn.
d) Quy hoạch sử dụng đất các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai:
- Xác định ranh giới các khu chức năng thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho các khu chức năng, các hạng mục công trình chính theo cấu trúc phân khu.
- Xác định quỹ đất phù hợp cho các chức năng công nghiệp, cửa khẩu, hỗ trợ phát triển đô thị - nông thôn, du lịch, dịch vụ, tái định cư, nơi ở của công nhân và chuyên gia, hệ thống cây xanh, hành lang cách ly phòng hộ đối với các tuyến hạ tầng và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
- Xác định kế hoạch sử dụng đất theo giai đoạn phát triển.
đ) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội:
- Giao thông:
+ Xác định mối liên kết trong chiến lược phát triển giao thông của quốc gia, vùng Tây bắc, đồng bằng Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền núi Bắc Bộ, vùng biên giới Việt - Trung và các giải pháp kết nối với tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Khẩu - Côn Minh; nghiên cứu kết nối đường sắt; các cầu qua sông, suối kết nối với Trung Quốc tại các khu vực cửa khẩu, lối mở,..các tuyến đường kết nối trong Khu kinh tế cửa khẩu...
+ Xác định vị trí quy mô, số lượng các công trình giao thông như bãi đỗ xe chính và phụ, cầu cống đường bộ... có giải pháp thiết kế theo các tiêu chuẩn quy phạm hiện hành và phù hợp với định hướng phát triển. Đồng thời xác định mạng lưới giao thông đảm bảo việc lưu thông thuận tiện đối nội và đối ngoại.
+ Phân tích mô hình phát triển mạng lưới giao thông, tổ chức, phân loại, phân cấp các tuyến giao thông, đảm bảo kết nối với các tuyến giao thông đối nội, đối ngoại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các khu vực.
- Chuẩn bị kỹ thuật: Đề xuất các giải pháp khai thác quỹ đất xây dựng, các giải pháp phân, thoát lũ... phù hợp với vùng núi cao.
- Cấp nước: Dự báo nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất. Xác định nguồn cung cấp nước, giải pháp cấp nước sạch cho từng khu vực...
- Cấp điện: Dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất. Xác định nguồn cấp điện. Đề xuất lưới truyền tải và phân phối điện...
- Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn (CTR) và nghĩa trang: Xác định lưu vực, hệ thống thoát nước thải giải pháp xử lý nước thải...; đề xuất các giải pháp xây dựng nghĩa trang; đề xuất giải pháp tổ chức thu gom và quản lý CTR.
- Hệ thống hạ tầng bưu chính viễn thông: Đảm bảo đồng bộ, hiện đại và đáp ứng tiêu chuẩn.
- Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội: Tổ chức mạng lưới trung tâm gồm hệ thống trung tâm điều hành, quản lý toàn bộ Khu kinh tế cửa khẩu... trung tâm thương mại, tài chính quốc tế, trung tâm công cộng, công viên, cây xanh, các trung tâm chuyên ngành khác.
e) Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC):
Nhận dạng và dự báo các tác động đến môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội gây ra. Khoanh định các vùng bảo vệ thiên nhiên, các vùng cảnh quan, khu vực cấm xây dựng, khu vực bảo tồn... khu vực bảo vệ nguồn nước sạch, xử lý nước thải, bãi thải, vùng ảnh hưởng khói bụi, khí độc hại, tiếng ồn... Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường.
g) Xác định rõ mục tiêu, yêu cầu xây dựng đợt đầu, các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và dự báo nguồn lực thực hiện.
h) Dự thảo Quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đề xuất cơ chế chính sách kiểm soát phát triển khu kinh tế cửa khẩu gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
8. Thành phần hồ sơ
Thành phần hồ sơ và nội dung đồ án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44/2015/NĐ-CPngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành.
9. Tổ chức thực hiện
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Xây dựng.
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.
- Thời hạn thực hiện: Không quá 12 tháng kể từ khi Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Trịnh Đình Dũng
|