Việt Nam (Vietnam)

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Socialist Republic of Vietnam)

Mã vùng điện thoại: 84       Tên miền Internet: .vn

Vị trí địa lý: Nằm trên bán đảo Đông Dương, giáp Trung Quốc, biển Đông, vịnh Thái Lan, Cam-pu-chia và Lào. Lãnh thổ Việt Nam, ngoài phần đất trên lục địa, còn bao gồm nhiều đảo và quần đảo như quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa, các đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Côn Sơn, Phú Quốc, v.v... Tọa độ: 16o00 vĩ bắc, 106o00 kinh đông.  

Diện tích: 331.000 km2

Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm; ở phía bắc có 4 mùa rõ rệt; ở phía nam có 2 mùa: mùa mưa (giữa tháng 5 đến giữa tháng 9), mùa khô (giữa tháng 10 đến giữa tháng 4).

Địa hình: Có hai đồng bằng lớn thuộc châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Cửu Long ở phía Nam; cao nguyên ở miền Trung; vùng đồi núi ở cực Bắc và Tây Bắc.

Tài nguyên thiên nhiên: Dầu mỏ và khí tự nhiên, phốt phát, than đá, mangan, bôxit, đồng, crôm, titan, đất đai màu mỡ, tài nguyên rừng, hải sản.

Dân số: 90 triệu người (1/11/2013)

Các dân tộc: 54 dân tộc, dân tộc Kinh (khoảng 90%), các dân tộc khác (khoảng 10%).

Ngôn ngữ chính: Tiếng Việt (tiếng phổ thông); tiếng các dân tộc thiểu số cũng được sử dụng.

Lịch sử: Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm văn hiến. Hầu hết thời kỳ từ trước thế kỷ X, Việt Nam bị phong kiến phương Bắc xâm chiếm. Nhân dân Việt Nam đã liên tiếp nổi dậy chống quân xâm lược. Năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán đã chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm và mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ của đất nước.

Từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, nhân dân Việt Nam đã lập nên nhiều chiến công hiểm hách: chiến thắng quân Tống (1077), quân Nguyên (1258, 1285, 1287 - 1288), quân Minh (1418 - 1428), quân Thanh (1789), v.v..

Vào giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, biến Việt Nam thành thuộc địa trong gần một thế kỷ.

Tháng 8-1945, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành được chính quyền trong cả nước, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến; ngày 2/9/1945, tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1946 thực dân Pháp trở lại xâm lược, nhân dân Việt Nam đã phải tiến hành cuộc chiến đấu kéo dài suốt 9 năm. Chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1954) đã buộc Pháp phải ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, thừa nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng sau đó, Việt Nam lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước ròng rã 21 năm. Ngày 27/1/1973 Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Ngày 30/4/1975, bằng cuộc Tổng tiến công, kết thúc với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 7-1976, Quốc hội khóa VI đã quyết định đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôn giáo: Đạo Phật, Đạo Thiên chúa, Đạo Tin lành, Đạo Cao đài, Đạo Hòa hảo...

Tổ chức nhà nước:

Chính thể: Nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Các khu vực hành chính: bao gồm 63 tỉnh, thành, trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946 được thông qua ngày 9/11/1946; Hiến pháp năm 1959 được thông qua ngày 31/12/1959; Hiến pháp năm 1980 được thông qua ngày 18/12/1980; Hiến pháp năm 1992 được thông qua ngày 15/4/1992. Hiến pháp năm 2013 được thông qua ngày 28/11/2013.

Cơ quan hành pháp:

Đứng đầu Nhà nước: Chủ tịch nước.

Đứng đầu Chính phủ: Thủ tướng

Bầu cử: Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội, nhiệm kỳ 5 năm; Thủ tướng do Chủ tịch nước đề cử trong số các đại biểu Quốc hội và do Quốc hội phê chuẩn.

Cơ quan lập pháp: Quốc hội (450 ghế, các thành viên được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm).

Cơ quan tư pháp: Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án do Quốc hội bầu theo đề nghị của Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 5 năm. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng do Quốc hội bầu theo đề nghị của Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 5 năm.

Chế độ bầu cử: Từ 18 tuổi trở lên, phổ thông đầu phiếu.

Chính trị: Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Việt nam có một nền chính trị ổn định. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Lãnh đạo cao nhất của Đảng là Tổng Bí thư

Kinh tế

Tổng quan: Trước năm 1986, nền kinh tế Việt Nam theo mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp do ảnh hưởng của mô hình kinh tế từ những năm tháng có chiến tranh… dẫn đến tình trạng trì tuệ, kém phát triển.

Từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Việt Nam bắt đầu thời kỳ đổi mới. Tiếp theo là các Đại hội VII, VIII, với chiến lược xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, liên tục trong gần 30 năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn 1991 - 2007.

Vào những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã gặp phải những thử thách to lớn: nền kinh tế chưa hoàn toàn ra khỏi tình trạng khủng hoảng và lạm phát, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục cấm vận và bao vây kinh tế. Thử thách càng nặng nề hơn khi khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ và thành trì của hệ thống xã hội chủ nghĩa là Liên Xô bị tan rã, các khoản viện trợ quốc tế cũng như thị trường xuất khẩu và nhập khẩu truyền thống bị thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam đã tích cực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực và mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế nên đã đạt được nhiều thành quả tích cực trong phát triển nền kinh tế. Liên tục từ năm 1991 đến nay, tổng sản phẩm trong nước đều có tốc độ tăng bình quân mỗi năm trên 7,51%. Với những thành quả đó, Việt Nam đã được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của thế giới và khu vực trong thập niên 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI.

Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010), Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện, đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm. Năm 2010, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.168 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Kết quả phát triển kinh tế trở thành tiền đề và đã góp phần thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nhất là xóa đói, giảm nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng; chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước. Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của Việt Nam vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Sản phẩm công nghiệp: Thực phẩm, hàng may mặc, giày dép, máy móc, tàu biển, xi măng, phân bón hóa học, thủy tinh, đồ trang sức, dầu mỏ, than đá, thép, giấy...

Sản phẩm nông nghiệp: Lúa gạo, ngô, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, chuối; gia cầm, lợn; cá.

Văn hóa:

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền vǎn hóa Việt Nam tiếp tục được phát huy, đã góp phần quyết định vào những thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (khóa VIII) đã khẳng định: nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...

Trên lĩnh vực vǎn học, nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được gìn giữ. Có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài cách mạng và kháng chiến, về công cuộc đổi mới. Nhiều bộ sưu tập công phu từ kho tàng vǎn hóa dân gian và vǎn hóa bác học Việt Nam trong nhiều thế kỷ được xuất bản, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ của dân tộc. Giao lưu vǎn hóa với nước ngoài từng bước được mở rộng, qua đó Việt Nam tiếp xúc rộng rãi với những thành tựu vǎn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của vǎn hóa Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực vǎn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số cũng có bước tiến đáng kể. Đội ngũ những nhà vǎn hóa người dân tộc thiểu số phát triển cả về số lượng, chất lượng, đã có những đóng góp quan trọng vào hầu hết các lĩnh vực vǎn học, nghệ thuật. Nhiều nét văn hóa truyền thống và phong tục tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phục dựng, giữ gìn và phát huy, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc.

Những năm gần đây, một bộ phận quan trọng thiết chế vǎn hóa (nhà vǎn hóa, câu lạc bộ, bảo tàng, thư viện, cửa hàng sách báo, khu vui chơi giải trí...) đã có những phương thức hoạt động mới có hiệu quả góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Giáo dục

100% số tỉnh, 98% số quận, 98% số phường, xã đã đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Hệ thống giáo dục phổ thông bắt buộc bao gồm: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Học sinh học xong trung học phổ thông có thể thi vào các trường đại học trong nước hoặc đi du học nước ngoài, các trường cao đẳng, kỹ thuật chuyên nghiệp...

Thủ đô: Hà Nội

Các thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, v.v..

Đơn vị tiền tệ: Đồng Việt Nam (VNĐ)

Quốc khánh: 2/9 (1945)

Danh lam thắng cảnh: Có nhiều danh thắng, đặc biệt có các di sản văn hóa thế giới được Liên hợp quốc công nhận: vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn. Ngoài ra còn có di tích cổ Thăng Long, Cố đô Huế, động Phong Nha Kẻ Bàng, Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), thành Nhà Hồ, vịnh Nha Trang, đường mòn Hồ Chí Minh, v.v...

Quan hệ quốc tế: Tới thời điểm tháng 8 năm 2014, Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia với nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia gồm: Nga (2001), Ấn Độ (2007), Nhật Bản (2006); Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011), Italy, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Pháp (2013); quan hệ đối tác toàn diện với 4 quốc gia gồm Australia (2009); New Zealand (2010), Đan Mạch, Hoa Kỳ (2013); và đối tác chiến lược theo lĩnh vực với Hà Lan.

Hiện nay, tại thủ đô Hà Nội có 68 Đại sứ quán nước ngoài, trong đó có một số đại sứ quán kiêm nhiệm thêm nhiều nước khác. Ngoài ra, cũng có một số nước ngoài đặt thêm Lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện cũng đã đặt Đại sứ quán tại 70 nước và có đặt thêm Lãnh sự quán tại một số thành phố lớn của nước ngoài.

Việt Nam đã tham gia các tổ chức quốc tế: WTO, UN, APEC, AsDB, ASEAN, ESCAP, FAO, G-77, IAEA, IBRD, ICAO, IFAD, ILO, IMF, IMO, Interpol, IOC, ISO, ITU, UN, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UPU, WFTU, WHO, WIPO, WMO, v.v…

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website