Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết (tên đầy đủ là Hugo Rafael Chavez Frias) đã dành phần lớn cuộc đời cho công cuộc đấu tranh nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho dân nghèo Vê-nê-xu-ê-la. Ông được xem là ngọn cờ đầu của cánh tả tại Mỹ Latinh với chính sách đưa Vê-nê-xu-ê-latheo con đường xã hội chủ nghĩa.
|
Hugo Chavez (1954 - 2013) |
Tổng thống U. Cha-vết sinh ngày 28/7/1954 tại làng Sabaneta, bang Barinas, vùng đồng bằng Vê-nê-xu-ê-la; trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên và tham gia Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Copei. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Vê-nê-xu-ê-la và là Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Chính trị Ðại học Xi-môn Bô-li-va.
Bước ngoặt diễn ra năm 1982, khi thất vọng trước sự suy đồi và tham nhũng của các chính trị gia,Cha-vếtđã thành lập “Phong trào cách mạng Bolivar” trong lòng các lực lượng quân sự. Năm 1989, bạo loạn dân sự nổ ra ở nhiều thành phố ở Vê-nê-xu-ê-la khiến hơn 1000 người thiệt mạng trong các cuộc đàn áp của quân đội. Năm 1992, Cha-vết cùng nhóm sĩ quan trung cấp tiến hành cuộc đảo chính thành công trên hầu hết cả nước với mong muốn xây dựng một quốc gia Vê-nê-xu-ê-la phát triển hơn, hài hòa hơn và có tiếng nói hơn trên chính trường quốc tế. Nhưng, thất bại ở Ca-ra-cát khiến ông ở tù hai năm. Cuộc nổi dậy do U-gô Cha-vết lãnh đạo dù không thành công nhưng đã để lại tiếng vang lớn ở Vê-nê-xu-ê-la. Những người nghèo ở Vê-nê-xu-ê-la coi ông như một người anhhùng đứng lên chống lại chính quyền tham nhũng và độc tài. Năm 1994, ông Cha-vết được trả tự do nhờ sức ép mạnh mẽ của dư luận trong nước.
Giai đoạn 1994-1998, ông tham gia vận động đấu tranh chính trị, sáng lập Phong trào đệ ngũ Cộng hòa (MVR) liên minh với các tổ chức chính trị xã hội khác như Phong trào Tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS), Ðảng Tổ quốc cho tất cả (PPT), Ðảng Cộng sản và Phong trào Tuyển cử nhân dân (MEP). Ông trúng cử Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la tháng 12/1998 và chính thức nhậm chức tháng 2/1999. Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng thống U.Cha-vết đã phát động cuộc cách mạng mang tên người anh hùng giải phóng dân tộc X.Bô-li-va nhằm xây dựng xã hội công bằng, dân chủ tiến bộ, xóa bỏ nghèo đói, bất công ở quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản mà tỷ lệ người nghèo chiếm tới hơn 50% số dân; sử dụng nguồn lợi to lớn từ dầu khí đầu tư cho các chương trình xã hội, cải thiện mức sống của các tầng lớp nhân dân lao động và tăng cường hợp tác, liên kết khu vực. Các chính sách tiến bộ của Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la do Tổng thống U.Cha-vết đứng đầu ngày càng nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân lao động và các lực lượng dân chủ tiến bộ ở khu vực Mỹ la-tinh.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống U.Cha-vết và Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Vê-nê-xu-ê-la (PSUV) cầm quyền, Vê-nê-xu-ê-la đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, mang lại những đổi thay sâu sắc, tích cực. Kinh tế Vê-nê-xu-ê-la liên tục tăng trưởng cao trong giai đoạn 2004 - 2007 với mức trung bình hơn 9%. Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2009 - 2010, kinh tế nước này có dấu hiệu chững lại và giảm sút. Tuy nhiên, năm 2011 - 2012, kinh tế Vê-nê-xu-ê-la đã phục hồi và phát triển. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2012 tăng 5,6% và dự kiến tăng 6% trong năm 2013. Tỷ lệ lạm phát giảm từ 27,6% tháng 12/2011 xuống còn 18,1%. Nhờ phát triển kinh tế và cải cách, các chính sách xã hội, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt: Giảm tỷ lệ người nghèo từ 50,4% xuống còn 24%; tỷ lệ tử vong của trẻ em giảm từ 2,14% xuống 1,39%; thất nghiệp giảm từ 16,6% xuống 5,9%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 13.000 USD/năm và mức lương tối thiểu tăng từ 100 nghìn lên 614 nghìn bô-li-va (286 USD), mức cao nhất khu vực Mỹ la-tinh, sức mua trong dân tăng 400%. Với sự giúp đỡ của Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la đã hoàn thành chương trình xóa nạn mù chữ và đang phấn đấu phổ cập tiểu học. Nhà nước dành cho ngân sách giáo dục 20% tổng chi ngân sách. Học sinh các cấp đều không phải đóng học phí, kể cả bậc đại học. Hàng triệu lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí... Vê-nê-xu-ê-la thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, tăng cường hợp tác liên kết khu vực Mỹ la-tinh vì mục tiêu xóa bỏ nghèo đói, lạc hậu và bảo vệ độc lập dân tộc; mở rộng quan hệ với các nước đang phát triển; tích cực tham gia các tổ chức quốc tế như LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)... Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba khởi xướng, thúc đẩy sáng kiến "Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ" (ALBA), các chương trình hợp tác năng lượng khu vực, đồng thời là thành viên tích cực và có đóng góp quan trọng trong việc thành lập, hoạt động của các tổ chức khu vực như Cộng đồng các nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CELAC), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)... nhằm đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết kinh tế thương mại cùng phát triển ở khu vực Mỹ la-tinh. Chính sách ngoại giao tích cực và linh hoạt đã nâng cao vị thế của Vê-nê-xu-ê-la trên trường quốc tế. Những thành tựu quan trọng này là điều kiện tiên quyết để nhân dân Vê-nê-xu-ê-la luôn đứng về phía Tổng thống U.Cha-vết và PSUV, giúp ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10/2012.
Đầu năm 2012, ông Cha-vết phải đến Cu-ba để điều trị ung thư. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật cắt bỏ các khối u ác tính kể từ sau khi phát hiện bệnh tháng 6/2011. Mặc dù đã được các bác sĩ, chuyên gia y tế giỏi của Cu-ba tận tình cứu chữa và được hàng triệu người dân Vê-nê-xu-ê-la, Mỹ la-tinh và các nước bè bạn trên thế giới quan tâm, chia sẻ, nhưng Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết, người con ưu tú của Mỹ la-tinh, đã không qua khỏi căn bệnh ung thư quái ác. Ông từ trần tại Thủ đô Ca-ra-cát ngày 5/3/2013, hưởng thọ 59 tuổi.