Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, thành lập theo sáng kiến của các nước đang phát triển, trên cơ sở Nghị quyết 2089 (20) ngày 20.12.1965 và Nghị quyết 2152 (21) ngày 17.11.1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đến 11.1.1986, trở thành tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc.
UNIDO gồm 171 thành viên (2003).
Nhiệm vụ: tăng cường và thúc đẩy công nghiệp hoá của các nước đang phát triển và phối hợp mọi hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghiệp. Cơ quan lãnh đạo: Đại hội đồng gồm tất cả các nước thành viên họp 2 năm một lần. Đại hội đồng bầu Hội đồng Phát triển công nghiệp gồm đại diện của 53 nước hội viên được bầu với nhiệm kì 4 năm theo nguyên tắc bình đẳng về địa lí. Uỷ ban Ngân sách và Chương trình, gồm 27 thành viên với nhiệm kì 2 năm. Cơ quan thường trực: Ban Thư kí và các vụ chuyên môn đứng đầu là tổng giám đốc.
Nguồn tài chính cho hoạt động của UNIDO lấy từ ngân sách chung của Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Quốc tế về khôi phục và phát triển (IBRD), Quỹ Đặc biệt về phát triển quốc tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Các nguồn tài chính được chi vào việc phát triển các kế hoạch công nghiệp, tái thiết và xây dựng các xí nghiệp mới, giúp đỡ kĩ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp, các ngành công nghiệp sắt, thép và hoá dầu, đào tạo nhân viên kĩ thuật, khuyến khích công nghiệp quy mô nhỏ, xây dựng các hệ thống thuỷ lợi, vv.
Trong hoạt động của mình, UNIDO nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc thúc đẩy hoà bình và an ninh quốc tế.
Trụ sở: Viên (Áo).
Việt Nam có quan hệ với UNIDO ngay từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (1977). Thời kỳ 1977 - 96, thông qua UNDP, Tổ chức này đã tài trợ cho Việt Nam dự án gần 70 triệu USD.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam