Cộng đồng các quốc gia độc lập ra đời trong hoàn cảnh sau khi Liên Xô tan rã, 15 nước cộng hoà thuộc Liên Xô đã tuyên bố độc lập, tuy nhiên các nước có yêu cầu phối hợp hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá... đã dẫn đến thành lập tổ chức này. Đến 21.12.1991, các nước Azecbaijan, Acmênia, Kazăcxtan, Kiaghixtan, Mônđôva, Tatjikixtan, Tuôcmênixtan, Uzơbêkixtan đã gia nhập SNG và sau đó là Gruzia, nâng số thành viên lên 12. Nhiệm vụ của Cộng đồng: bảo đảm an ninh tập thể, tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự, xã hội và pháp luật, ngăn ngừa và quản lí xung đột. Mục tiêu của Cộng đồng: tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết quốc tế đã được thông qua; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và không xâm phạm biên giới; tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực quốc tế về quyền con người và các quyền tự do cơ bản bao gồm quyền của các dân tộc thiểu số; phản ánh một cách khách quan đời sống chính trị - xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng của các quốc gia thành viên, không được phổ biến những thông tin có thể gây ra sự thù hận giữa các dân tộc; ngăn chặn hoạt động của các đảng phái và các nhóm chính trị tuyên truyền tư tưởng phát xít, phân biệt chủng tộc và gây thù hận dân tộc. Cơ cấu tổ chức: Hội đồng Nguyên thủ, Hội đồng Thủ tướng, Uỷ ban Kinh tế liên quốc gia, Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao, Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang, Hội đồng Chỉ huy các lực lượng biên phòng, Ngân hàng Liên quốc gia và Ban Thư kí.
|