Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy việc sử dụng và bảo vệ các tác phẩm của trí tuệ loài người. Thành lập theo Công ước ký tại Xtôckhôm ngày 14.7.1967, có hiệu lực từ năm 1970. Tổ chức tiền thân là Công ước Pari về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp (1883) và Công ước Becnơ về bảo vệ tác phẩm văn học và nghệ thuật (1886).
Thành viên: 182 nước (2004).
Nhiệm vụ chính: thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế, phát minh, quyền tác giả... trên phạm vi toàn thế giới, bảo đảm sự hợp tác về mặt hành chính giữa các liên minh được thành lập trên cơ sở các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ; kết hợp hài hoà luật pháp của các quốc gia trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ; quản lí các hiệp hội chuyên môn về sở hữu trí tuệ (Công ước Pari và các công ước khác). WIPO cũng đã xây dựng thêm các văn bản khác như Thoả ước Mađrit về chống xuất xứ sai nguồn gốc hàng hoá (1891), Hiệp định hợp tác về bằng sáng chế (1970), v v. Hiện nay, WIPO quản lí 23 hiệp ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Cơ quan lãnh đạo: Đại hội đồng, gồm các nước tham gia Công ước thành lập WIPO và phải tham gia ít nhất một hiệp hội, họp 2 năm một lần. Cơ quan thường trực: Uỷ ban Phối hợp và Văn phòng Quốc tế. Trụ sở: Giơnevơ (Genève; Thuỵ Sĩ).
Việt Nam là thành viên từ 2.6.1976, có chương trình hợp tác với WIPO về các lĩnh vực liên quan; đã tham gia Công ước Pari về bảo hộ sở hữu công nghiệp (8.3.1994), Thoả ước Mađrit (8.3.1994), Hiệp định hợp tác về bằng sáng chế (10.3.1993), Công ước Becnơ về bảo vệ tác phẩm văn học và nghệ thuật (26.10.2004).
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam