Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã luận giải rõ tính tất yếu khách quan của kiểm tra, giám sát đối với con người và tổ chức do con người lập ra, là phương thức hành động quan trọng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra; đã khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng, công cụ hữu hiệu và phương thức, nội dung lãnh đạo quản lý quan trọng của tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì những người cộng sản phải nắm chắc công cụ kiểm tra, giám sát, coi đó là “những nhiệm vụ đã trở thành tự nhiên đối với những người xã hội chủ nghĩa sau khi đã giành được chính quyền”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung và về kiểm tra, giám sát nói riêng vào hoạt động của Đảng và Nhà nước ta. Tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29-7-1964, Bác đã yêu cầu: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Việc kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”. Bác còn chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích... Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”... 

Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ ngày thành lập đã rất quan tâm, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và giữ gìn kỷ luật Đảng. Trong các văn kiện, Điều lệ Đảng, các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc,... đều đề cập và nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát đảng (tổ chức đảng và đảng viên). Đảng ta luôn yêu cầu, phải tăng cường công tác kiểm tra và giám sát của Đảng đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và cơ quan nhà nước, đồng thời chỉ rõ: “Hiệu lực tổ chức, chỉ đạo thực hiện đòi hỏi phải hết sức coi trong và tăng cường công tác giám sát và kiểm tra việc thực hiện các quyết định”... Nhờ đó công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; đóng góp tích cực vào việc xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cho Đảng ta đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng mà nhân dân tin cậy giao phó. 

Trong giai đoạn đổi mới vừa qua, công tác kiểm tra đảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng; thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; góp phần tăng cường, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng... Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, thì hiện nay công tác kiểm tra trong Đảng ở nhiều cấp ủy còn yếu, chất lượng và hiệu qủa kiểm tra chưa cao; nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện; nhiều tổ chức cơ sở đảng yếu, kém nhưng chưa kịp thời xem xét, xử lý dẫn đến nhân dân lo lắng và lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút; việc kiểm tra mang tính phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm chưa được coi trọng. Chính vì vậy, công tác kiểm tra vừa qua ít mang tính chủ động, nhiều khi vụ việc xảy ra rồi mới đi kiểm tra, làm rõ sai phạm hoặc nhiều vụ việc được phát hiện là do quần chúng nhân dân phát giác, tố cáo và công luận phản ánh. Một trong những lý do dẫn đến tình hình trên là Đảng ta mới quan tâm nhiều đến công tác kiểm tra mà chưa quan tâm nhiều đến công tác giám sát. Chính vì chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát nên chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các lỗi phạm, dẫn đến một số tổ chức đảng và đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, tổ chức; chủ nghĩa cá nhân phát triển, thoái hóa về phẩm chất, đạo đức, lối sống; bệnh quan liêu, tham nhũng ngày càng nặng chưa được khắc phục kịp thời;... Mặt khác, nếu Đảng không được giám sát chặt chẽ, rất dễ lộng quyền, lạm quyền và tất nhiên dễ mắc phải các nguy cơ của một Đảng cầm quyền là sai lầm về đường lối; xa dân và quan liêu, tham nhũng … 

Kiểm tra và giám sát có quan hệ biện chứng với nhau, chúng thống nhất nhưng không đồng nhất và có nội hàm gần gũi nhau, trong giám sát có một phần nội dung kiểm tra và trong kiểm tra có một phần nội dung giám sát. Kiểm tra và giám sát đều nhằm mục tiêu là nắm vững và đánh giá đúng tình hình, từ đó điều chỉnh, uốn nắn mọi hành vi của tổ chức đảng, đảng viên theo định hướng, quy định của Đảng. Nhưng giám sát được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động và phát triển của tổ chức đảng và đảng viên, nên có nội dung rất rộng: từ việc giám sát về tư tưởng chính trị; giám sát và công việc; giám sát về các mối quan hệ; giám sát về sinh hoạt, đạo đức, lối sống; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao; giám sát việc thực hiện các quy định, quy chế; giám sát về hồ sơ … Qua hoạt động giám sát có thể kịp thời “vỗ vai”, nhắc nhở những tổ chức đảng, đảng viên có biểu hiện chưa đúng trong quá trình triển khai chấp hành và thực hiện Cương lĩnh chính trị. Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và những biểu hiện không lành mạnh trong sinh hoạt, đạo đức, lối sống của đảng viên. Như vậy, giám sát là biện pháp tốt nhất có tính thường xuyên và chủ động. Phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, lỗi phạm cho tổ chức đảng, đảng viên; tạo cho tổ chức đảng, đảng viên luôn phải gìn giữ, có ý thức về thực hiện Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, góp phần nâng cao tính tự giác của các tổ chức đảng, đảng viên vì luôn luôn có tổ chức theo dõi mọi việc làm của mình. Vì vậy, cùng với công tác kiểm tra Đảng thì công tác giám sát Đảng là rất bức thiết. Nó xuất phát từ đòi hỏi khách quan của yêu cầu xây dựng đảng và nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, bảo đảm cho tổ chức đảng, đảng viên luôn kiên định về chính trị, vững vàng về đường lối, không chệch hướng, có phẩm chất cách mạng tốt đẹp, ngăn ngừa mọi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, thoái hóa về đạo đúc, lối sống. 

Nhận thức rõ được điều đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4- 2006) đã rút ra một trong những bài học kinh nghiệm trong xây dựng đảng là: “Đảng phải tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của mặt trận, các đoàn thể và của các cơ quan thông tin đại chúng”. Từ đó, Điều lệ Đảng đã được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ giám sát của các tổ chức đảng, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp. Đồng thời chỉ rõ phương hướng của công tác kiểm tra, giám sát thời gian tới là: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và trong cả hệ thống chính trị. Kiểm tra nhận thức, năng lực lãnh đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kiểm tra phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Xây dựng các quy chế và biện pháp thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên”. 

Theo phương hướng nêu trên, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cả hệ thống chính trị nói chung và kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên nói riêng là nhiệm vụ quan trọng trong suốt nhiệm kỳ Đại hội X. Muốn nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên phải nâng cao đồng bộ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; giám sát của Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng, đảng viên. Phải kết hợp các lực lượng giám sát này để tạo thành hệ thống giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các khuyết điểm, vi phạm. Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên, cần thực hiện một số giải pháp chính sau: 

Trước hết, cần làm rõ và nhận thức đúng, đầy đủ về hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảng. Khi nói đến hiệu quả, người ta thường chú tâm đến hiệu quả kinh tế, nghĩa là so sánh giữa kết quả đạt được với chi phí bỏ ra để thu được kết quả đó. Nhưng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảng không chỉ đơn thuần và cũng không thể định lượng giản đơn như vậy, bởi kết quả của công tác kiểm tra, giám sát đảng tác động đến tất cả các lĩnh vực hoạt động nhằm phục vụ một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn đối với nhiệm vụ xây dựng đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi giại đoạn cách mạng. Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảng có thể được hiểu là những kết quả kiểm tra, giám sát đã ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đảng trong từng giai đoạn nhất địn hoặc tác động tích cực, trực tiếp đến từng tổ chức đảng, đảng viên qua mỗi cuộc kiểm tra, giám sát. Như vậy, khi đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảng phải chú trọng đến hiệu quả chính trị - xã hội. Nghĩa là qua kiểm tra, giám sát phải giúp tổ chức đảng, đảng viên thấy rõ thiếu sót khuyết điểm để khắc phục; thấy sai phải sửa ngay để không xảy ra vi phạm hoặc không để từ vi phạm nhỏ dẫn đến vi phạm nghiêm trọng, từ vi phạm của cá nhân trở thành vi phạm của cả tổ chức... Đồng thời chỉ ra những ưu điểm để phát huy;... Từ đó, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất, tăng cường dân chủ trong Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phát huy và mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;... Về hiệu quả kinh tế, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát Đảng sẽ, góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển đúng định hướng, làm cho nền kinh tế quốc dân phát triển ổn định, bền vững. Trong những cuộc kiểm tra, giám sát cụ thể còn có thể kiến nghị thu hồi được những thất thoát, lãng phí cho ngân sách, vừa tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ kiểm tra, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát. 

Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảng còn có những nét mang tính đặc thù là tổ chức đảng và đảng viên không phải chờ đến khi có kết luận, xử lý hoặc kết thúc cuộc kiểm tra mới khắc phục khuyết điểm mà đòi hỏi hiệu quả phải phát huy tác dụng ngay từ đầu và trong suốt quá trình tiến hành kiểm tra, giám sát. Sự chuyển biến về tính tự giác, tự phê bình, tự sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của đối tượng và tính giáo dục là những chỉ tiêu hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên. Hiệu quả giáo dục, không chỉ đối với tổ chức đảng, đảng viên đang là đối tượng, kiểm tra, giám sát mà còn cho cả các tổ chức đảng và đảng viên khác; không chỉ giáo dục, cảnh báo, răn đe về những lỗi phạm mà hiệu quả giáo dục còn ở chỗ? thức tỉnh lương tâm, khơi dậy bản chất người cộng sản, tính tiên phong gương mẫu của một tổ chức đảng và đảng viên để tự giác rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Ngoài ra hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảng còn thể hiện ở sự định hướng cho sự phát triển đối với đối tượng được kiểm tra, giám sát cũng như các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan. Nhận thức đúng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao toàn diện hiệu quả công tác này. 

Thứ hai, nâng cao nhận thức và quyết tâm biến nhận thức thành hành đông cụ thể của toàn Đảng về công tác kiểm tra, giám sát. Phải nhận thức đầy đủ, thống nhất và xuyên suốt. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng và là nhiệm vụ của toàn Đảng, mọi tổ chức đảng và đảng viên, dù ở cương vị nào cũng phải chấp hành và phục tùng sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, là khâu quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, biện pháp hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí... Các tổ chức đảng, trước hết là các cấp ủy Đảng phải xác định công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trực tiếp và thường xuyên, gắn liền với sự lãnh đạo của mình. Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Đảng và Đảng viên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng phải và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, Chỉ thị của Đảng” Đây là cơ sở pháp lý cao nhất để các tổ chức đảng, cấp ủy lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của đảng bộ mình. Kiểm tra, giám sát là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tổ chức đảng, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có quyết tâm cao và lòng nhiệt tình, có tâm trong sáng. Nhận thức phải biến thành quyết tâm, thành chương trình, kế hoạch cụ thể. Các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu tổ chức phải biến quyết tâm của mình thành quyết tâm của tổ chức, khi đó tính chủ động trong kiểm tra, giám sát tăng lên sẽ góp phần ngăn ngừa được các lỗi phạm; kiểm tra và tự kiểm tra sẽ gắn quyện với nhau làm cho đối tượng được kiểm tra, giám sát tự giác nhận thấy sai lầm và quyết tâm khắc phục, sửa chữa, tiến bộ, trưởng thành. 

GS.TS Nguyễn Thị Doan
Uỷ viên Trung ương Đảng
Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website