Quan hệ đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một trong số những quan hệ lớn cần được nghiên cứu, tổng kết và có cách thức giải quyết tốt để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, khẳng định: Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: Đặc biệt chú trọng xử lý và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;…
Thực tiễn hai nhăm năm đổi mới vừa qua cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trong quá trình chuyển đổi và phát triển trong nhiều thập kỷ vừa qua cho thấy giải quyết tốt các vấn đề về quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia dân tộc. Từ thực tiễn giải quyết quan hệ đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ấy có thể sơ bộ rút ra một số vấn đề, có thể gọi là cơ bản của quan hệ đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay như sau:
1. Hoàn toàn có thể lấy năm 1986 làm điểm mốc bắt đầu sự nghiệp đổi mới nước ta. Nhưng, trong thực tế không thể nói Việt Nam bắt đầu bằng đổi mới kinh tế hay đổi mới chính trị. Nói đổi mới kinh tế trước hay đổi mới chính trị trước chỉ mang tính chất tương đối và tùy thuộc vào quan hệ hoặc bối cảnh cụ thể, còn trong thực tế không thể có việc thuần túy đổi mới kinh tế trước hay thuần túy đổi mới chính trị trước. Kể từ năm 1986 đến nay chúng ta lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, then chốt, đổi mới chính trị tiến hành từng bước, “chậm hơn”, “đi sau” so với đổi mới kinh tế. Thực tiễn chứng tỏ điều đó hoàn toàn đúng đắn. Nhưng trong giai đoạn tiếp theo thực tiễn đang đòi hỏi phải đổi mới chính trị với tốc độ nhanh hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn, hài hòa hơn, “cởi trói” để giải phóng các tiềm năng xã hội làm cho kinh tế phát triển mạnh hơn, đời sống xã hội vận động nhanh hơn. Cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và và đổi mới chính trị. Đổi mới tiếp theo về chính trị là phải đổi mới cả ý thức chính trị và tư duy chính trị. Việc đổi mới đường lối cần phải được tiến hành đồng thời vừa trên cơ sở nghiên cứu lí luận, vừa trên cơ sở nghiên cứu và tổng kết thực tiễn. Điều đó, một mặt, giúp chúng ta tránh được chủ quan, giáo điều sách vở, mặt khác, tránh được chủ nghĩa kinh nghiệm, thiếu nhìn xa trông rộng, chỉ thấy cây mà không thấy rừng, chỉ thấy trạng thái tĩnh mà không thấy trạng thái động. Điều này cũng là hợp lôgíc với nguyên tắc đổi mới kinh tế đi trước một bước so với đổi mới chính trị. Những đổi mới về kinh tế của chúng ta sẽ không thể tiến triển thêm được nữa nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới về chính trị. Đổi mới về chính trị, trước hết là đổi mới về đường hướng phát triển, đổi mới về chính sách, đổi mới về luật pháp và sau đó chúng ta phải tính đến việc đổi mới cả hệ thống chính trị.
2. Cần có sự đổi mới có tính cách mạng trong lĩnh vực lý luận chính trị và đường lối đổi mới chính trị để cho “đổi mới” phát triển một cách toàn diện, đúng hướng, và bền vững. Có thể nói rằng thể chế kinh tế mới hình thành là không thể đảo ngược và nó đang chờ sự mở đường tiếp theo của cải cách chính trị trước ngả ba đường. Một ngả là chính trị tiếp tục bảo thủ, trì trệ, thì kinh tế rơi vào tình trạng tiếp tục ách tắc, lạc hậu. Một ngả là đổi mới chính trị chệch hướng thì kinh tế sẽ phát triển theo hướng TBCN. Một ngả là đổi mới chính trị đúng hướng, thích hợp và có hiệu quả, thì kinh tế sẽ phát triển theo “định hướng XHCN”. Tuy nhiên muốn có đường lối chủ trương đổi mới chính trị một cách đúng đắn, trước hết cần có sự soi sáng của lý luận. Nhưng vấn đề cụ thể về lý luận chính trị của thời đại chúng ta, ở đất nước chúng ta, Mác, Lênin và Hồ Chí Minh chưa thể giải quyết được một cách toàn vẹn, thế hệ hôm nay phải nghiên cứu, sáng tạo để giải quyết. Trên cơ sở vận dụng phương pháp luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, sáng tạo con đường phát triển của Việt Nam phù hợp với trào lưu lịch sử thế giới. Chỉ có như vậy, đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị mới thực sự có cơ sở khoa học, đất nước mới có thể phát triển một cách toàn diện đúng hướng và bền vững. Nền kinh của chúng ta phát triển nhanh nhưng còn què quặt.
Nền kinh tế và sự phát triển kinh tế của nước ta hiện nay vẫn lệ thuộc một chiều và quá mức vào thế giới bên ngoài. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập các nền kinh tế lệ thuộc nhau là tất yếu. Nhưng, vấn đề là không lệ thuộc một chiều và thụ động như hiện nay mà lệ thuộc hai chiều và chủ động. Năng lực cạnh tranh thấp, hệ thống công nghệ sản xuất nói chung vẫn rất lạc hậu, v.v... Chính vì vậy cần có những đột phá tiếp tục trong tư duy luận về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Nếu không có những đột phá tính cách mạng kiểu như đổi mới tư duy 1986, chúng ta khó có thể đi nhanh, đi tắt đón đầu, phát triển rút ngắn. Điều đó có nghĩa rằng những năm tới chúng ta không thể chỉ đẩy mạnh đổi mới chính trị mà phải đồng thời tiếp tục đổi mới kinh tế. Nhưng để đổi mới kinh tế mạnh hơn, đồng bộ và toàn diện hơn, có hiệu quả và để kinh tế phát triển với tốc độ nhanh hơn, cần đổi mới chính trị bằng những đột phá trong quan điểm lý luận chính trị. Chủ trương đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân trong Đại hội X là một đột phá. Nhưng chúng ta cần nhiều đột phá trong tư duy lý luận chính trị hơn nữa.
Thực tiễn phát triển của các nước trên thế giới cũng như lịch sử nước ta, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới vừa qua, đều cho thấy rằng, trước mỗi nước phát triển xã hội, dù lớn hay bé, dài hay ngắn, dù ở bất kỳ thời đoạn lịch sử nào, dưới bất cứ chế độ xã hội nào, đều xuất hiện tư duy phát triển mới. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta được bắt đầu bằng việc đổi mới tư duy, cụ thể là tư duy kinh tế. Thực chất của đổi mới tư duy lúc đó chính là đổi mới các quan niệm về phát triển kinh tế đã từng tồn tại trước đó, nhưng đã thể hiện những bất cập và bất lực trước những đòi hỏi phát triển mới của đất nước. Đồng thời, nó tạo lập cho xã hội những tư tưởng mới về phát triển kinh tế phù hợp hơn với tình hình mới, có thể đáp ứng được những đòi hỏi mới của sự phát triển. Đổi mới tư duy lúc đó đã tạo ra được tư duy phát triển mới với những quan niệm mới về sự phát triển của kinh tế và xã hội Việt Nam như kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội,... Tư duy đó đã tạo nên những thành tựu lớn cho sự phát triển trong hơn hai mươi năm qua.
Tư duy mới đã tạo đà cho đổi mới, có thể nói, hiện nay vẫn tiếp tục là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển đất nước trong những năm tiếp theo. Nhưng, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thực tiễn đã chúng tỏ rằng hàng loạt vấn đề do cuộc sống đặt ra không thể giải quyết được nếu tiếp tục căn cứ vào tư duy hiện có. Chúng ta không thể cải cách hành chính có hiệu quả, càng không thể cải cách giáo dục để có chất lượng tốt hơn, dù đã qua nhiều đời bộ trưởng, qua một, hai thế hệ những người đứng đầu các cấp bậc trong các hệ thống đó. Cũng tương tự, trong hệ thống y tế, hệ thống lương bổng, hệ thống chính trị và các hệ thống khác cũng đều đang tồn tại những bất cập mà dù đã rất cố gắng trong cả thời kỳ dài nước ta vẫn chưa khắc phục có hiệu quả được. Trước những đòi hỏi cấp thiết của sự phát triển tình hình dường như càng trở nên căng thẳng hơn, phức tạp hơn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và cho thấy rõ thêm tình thế bức xúc: nếu không phát triển đột phá, đất nước ta không thể thoát khỏi tình thế tụt hậu ngày càng xa. Nhưng không thể có phát triển đột phá, nếu chúng ta không có triết lý, lý luận, hay tư duy phát triển mới.
Tư duy phát triển mới không thể chỉ bó hẹp hay chủ yếu là mang nội dung kinh tế như trước đây. Bối cảnh mới đòi hỏi tư duy mới ít nhất phải bao quát toàn bộ hệ thống kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt còn phải thể hiện được cả những thay đổi của tình hình quốc tế. Những quan niệm mới, cách nhìn mới, lối tiếp cận mới, phương pháp tư duy mới và trên cơ sở đó cách giải quyết mới với các vấn đề đang được đặt ra, sẽ là nội dung của triết lý phát triển mới hay tư duy mới về phát triển. Thậm chí, ở mức độ cao hơn, những tư tưởng mới về sự phát triển cũng sẽ được bao chứa và là tiền đề nền tảng cho tư duy mới về phát triển. Để đổi mới cả kinh tế và chính trị trong những năm tới chúng ta cần có những tư duy mới, cả tư duy mới về chính trị lẫn tư duy mới về kinh tế.
3. Trong đổi mới ở những năm sắp tới cần tránh tình trạng lũng đoạn nhà nước của các nhóm lợi ích. Trong kinh tế thị trường và đời sống xã hội, nói chung, nhóm lợi ích hình thành và có tác động xã hội, có lobby chính sách là tất yếu. Nhưng cần có cơ chế lobby pháp định, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật. Điều quan trọng nhất trong vấn đề này là khi kết hợp thực hiện đổi mới cả chính trị lẫn kinh tế không được để lợi ích các nhóm, tập đoàn lên cao hơn lợi ích quốc gia, dân tộc. Lợi ích của các nhóm, các tập đoàn, cá nhân là động lực quan trọng nhưng không thể để các nhóm lợi ích lũng đoạn các chính sách, bởi nếu điều đó xảy ra thì đổi mới sẽ chệch hướng và sự đồng thuận xã hội sẽ bị phá vỡ, quốc gia sẽ hứng chịu những bi kịch. Lũng đoạn trong kinh tế sớm muộn cũng sẽ dẫn đến lũng đoạn trong chính trị, còn lũng đoạn trong chính trị sẽ nhanh chóng lũng đoạn trong kinh tế. Nhiệm vụ quan trọng nhất về phương diện này của nhà nước là biết điều hòa các lợi ích trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Bằng cách đó nhà nước mới có thể huy động được sức mạnh cộng đồng dân tộc phấn đấu cho mục tiêu chung là đến 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cần phải sử dụng sức mạnh của các nhóm lợi ích với tính cách là một lực của sự phát triển, nhưng lại phải thực hiện công bằng xã hội trong mỗi lĩnh vực, mỗi chính sách, cả trong đổi mới kinh tế lẫn đổi mới chính trị. Làm chủ trong đổi mới bao hàm trong đó nội dung làm chủ việc sử dụng các nhóm lợi ích mà không để các nhóm lợi ích lũng đoạn đổi mới.
4. Có thể ví đổi mới trong hai mươi năm qua đã thành công theo bề rộng, đổi mới trong giai đoạn tới đây sẽ diễn ra theo chiều sâu, do vậy sẽ động chạm nhiều đến lợi ích, đặc quyền, đặc lợi và thậm chí là đặc ân của một số nhóm xã hội nhất định. Bởi thế đổi mới trong giai đoạn sắp tới chắc chắn sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn, quyết liệt hơn, đòi hỏi quyết tâm và ý chí mạnh mẽ hơn, nhưng lại phải tỉnh táo và sáng suốt. Trong bối cảnh thế giới đang phát triển và đi vào tương lai với tốc độ hết sức nhanh chóng, thì chúng ta đang tụt hậu. Nếu chúng ta sơ suất, dù chỉ là những sơ suất nhỏ, chúng ta sẽ bị chậm chân, sự tụt hậu càng xa hơn, càng khó khắc phục hơn, nguy cơ tụt hậu càng dài lâu càng hiển hiện. Tiến hành đổi mới kinh tế, đặc biệt là đổi mới chính trị tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội, bất chấp quy luật. Chính trị không thể đi trước quá xa kinh tế và kinh tế không thể thoát ra khỏi chính trị quá xa, tương tự như quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nhận thức hiện nay.
Đổi mới chính trị là đổi mới toàn diện, đổi mới toàn bộ các nội dung yếu tố của chính trị, do vậy sẽ động chạm đến toàn bộ hệ thống chính quyền và lợi ích của các cá nhân trong hệ thống đó. Việc đó sẽ làm rung chuyển toàn bộ hệ thống, do vậy cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt, phải chuẩn bị kỹ về lý luận và những điều kiện cần thiết, có bước đi thích hợp và phải là chủ được quá trình đổi mới trong lĩnh vực này, tránh lặp lại sai lầm trong đổi mới chính trị của Liên Xô trước đây.
5. Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế không phải chỉ để tăng trưởng hoặc phát triển kinh tế, mặc dù mục tiêu kinh tế là một trong những mục tiêu cơ bản, quan trọng hàng đầu. Những năm qua chúng ta nhấn mạnh nhiều đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Điều đó hoàn toàn đúng và phù hợp với bối cảnh đất nước chưa thoát khỏi cảnh nghèo đói, khủng hoảng trầm trọng. Đến lúc này đời sống vật chất các tầng lớp dân cư đã được cải thiện. Những năm tới sẽ là giai đoạn “cất cánh” của đất nước. Vì vậy trong đổi mới cần phải tập trung nhiều hơn cho những vấn đề xã hội như công bằng, bình đẳng, dân chủ,... Đổi mới cả kinh tế và chính trị phải thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội chứ không chỉ cho tăng trưởng kinh tế. Đây chính là điều mà trong thời gian sắp tới phải quán triệt sâu sắc hơn nữa khi tiến hành đổi mới. Đổi mới là để thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội nhanh hơn, nhân dân giàu có hơn và hạnh phúc hơn, đất nước giàu mạnh hơn, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hơn. Điều đó cũng có nghĩa rằng phải tiến hành đổi mới đồng bộ hơn, toàn diện hơn cả trong kinh tế lẫn chính trị.
Một là phải đổi mới mạnh mẽ hơn đồng bộ hơn, hài hòa hơn, toàn diện hơn trước hết trong kinh tế, phát triển kinh tế tốc độ nhanh hơn để làm cơ sở cho đổi mới chính trị và đổi mới chính trị để đổi mới kinh tế tiếp tục phát triển. Một trong những yếu tố hàng đầu trong đổi mới chính trị là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây là yếu tố then chốt trong cải cách, đổi mới chính trị hiện nay. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang là một đòi hỏi tất yếu, nội tại của sự phát triển và hiện đại hóa đất nước. Nó gắn liền với hàng loạt quá trình kinh tế, xã hội khác của đất nước.
Hai là, đổi mới chính trị hiện nay cũng phải tuân thủ nguyên tắc là đổi mới chính trị. Phải làm sao để kinh tế tiếp tục phát triển. Đổi mới chính trị mà kinh tế không phát triển, cuộc sống của người ta không được nâng lên thì đổi mới chính trị ấy cũng là không hiệu quả. Cho nên đổi mới chính trị phải hướng đến và đảm bảo làm cho kinh tế phát triển tốt.
Ba là, về nguyên tắc, phải đổi mới toàn diện nhưng lại đổi mới phải có trọng tâm. Bởi vì các yếu tố của hệ thống chính trị không ăn khớp, không phù hợp, không hài hòa với nhau thì sự đổi mới của yếu tố này có khi lại phủ định sự phát triển của yếu tố khác. Tính toàn diện, theo chúng tôi là phải đảm bảo, tuy nhiên cũng phải có hướng ưu tiên. Ưu tiên hiện nay là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và xã hội dân sự.
6. Để giải quyết hài hòa quan hệ đổi mới kinh tế và chính trị trong đổi mới chính trị khâu then chốt là xây dựng, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, trước hết là dân chủ nội bộ Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đáng ta đã độc tôn lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ thành công và cũng đang độc tôn lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước thu được những thành tựu to lớn. Đây là một lợi thế, nhưng cũng là một thử thách lớn của Đảng trong bối cảnh hiện nay. Thực tiễn lịch sử Trung Quốc, Liên xô và Việt Nam cũng cho chúng ta thấy: Một đảng lâu năm có thành tích lớn, dày dạn kinh nghiệm, nhưng cũng có thể bị thoái hoá, tan rã nếu không giữ vững được bản chất cách mạng và không ngừng đổi mới, phát triển năng lực lãnh đạo của mình. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm kịch “cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc chính là sự độc đoán, mất dân chủ trong nội bộ Đảng và những thành tựu cải cách phát triển hơn trong hai mươi năm qua ở Trung Quốc thu được trước hết là nhờ dân chủ hoá trong xã hội, trước hết là dân chủ hóa nội bộ Đảng. Một chính đảng lớn bậc nhất thế giới và cũng là lớn nhất trong lịch sử như Đảng Cộng sản Liên xô vẫn bị sụp đổ nhanh chóng nếu quan liêu, mất dân chủ, xa rời nhân dân, đánh mất lòng tin của dân và sự đồng thuận của xã hội. Xét từ góc độ dân chủ hóa, đổi mới chính là thực hành dân chủ trong rộng rãi trong Đảng, trong kinh tế, trong chính trị, trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, để thực hành dân chủ tốt thì Đảng phải đủ năng lực để đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Bởi thế, Đảng phải luôn tự đổi mới, hoàn thiện mình và thực hành dân chủ một cách đầy đủ, nhất quán, rộng rãi trước hết trong Đảng. Đồng thời phải tạo cho cho xã hội Việt Nam thói quen sinh hoạt dân chủ. Các quyền tự do kinh doanh, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu... cần được thực hành rộng hơn nữa trong thực tế.
Nhưng, đổi mới - thực hành dân chủ trong cả kinh tế lẫn chính trị, phải đảm bảo giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững cả về kinh tế, chính trị và xã hội nói chung. Kết hợp đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị phải sao cho vừa đổi mới và phát triển nhanh, toàn diện, triệt để, đúng với khả năng và điều kiện khách quan, chủ quan, chứ không cải lương, cải tiến, điều chỉnh nhóm lẻ, bộ phận, vụn vặt, nhưng lại phải giữ vững ổn định kinh tế, ổn định chính trị xã hội, không để gây rối loạn, vô chính phủ. Do vậy, thực hành dân chủ nhưng không dân chủ quá trớn; tự do, nhưng không tự do vô chính phủ; ổn định nhưng không trì trệ; phát triển nhanh nhưng không rối loạn. Đó là đòi hỏi của đổi mới trong những năm trước mắt và của cả sự nghiệp đổi mới với mục tiêu phát triển rút ngắn, thu hẹp khoảng cách tụt hậu của nước ta 1. Chính vì thế để tiếp tục đổi mới kinh tế và chính trị thì đổi mới và chỉnh đốn Đảng, trước hết là thực hành thực sự dân chủ trong nội bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng là khâu đầu tiên cần tiến hành sau đó mới có thể mở rộng ra phạm vi toàn xã hội.
7. Đổi mới trong những năm tiếp theo cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị không thể lảng tránh vấn đề quan hệ giữa đảng - nhà nước - các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Đổi mới Đảng là một đòi hỏi tất yếu. Nếu không đổi mới Đảng sẽ bị tụt hậu và không thể ngang tầm với những đòi hỏi của sự phát triển. Đổi mới nhà nước là một đòi hỏi bức xúc của công tác quản lý phát triển kinh tế, xã hội hiện thời. Đổi mới Mặt trận là một nhiệm vụ quan trọng để có thể thực thi dân chủ một cách rộng rãi và hiệu quả trong xã hội. Đổi mới hệ thống chính trị phải tuân thủ nguyên tắc “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”, phục vụ đổi mới kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, đa thành phần sở hữu, đa hình thức kinh doanh, nhiều nhóm lợi ích xuất hiện, việc dân chủ hóa trong đời sống kinh tế và đời sống xã hội ngày càng gia tăng và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc tìm kiếm một cơ chế thích hợp và hiệu quả hơn với điều kiện Việt Nam về dân chủ, về kiểm soát quyền lực kinh tế và chính trị nói riêng quyền lực xã hội nói chung là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Nếu không có sự kiểm soát quyền lực tốt thì tiêu cực xã hội không thể giảm thiểu. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng càng có điều kiện ăn sâu, lan rộng 2. Phải thừa nhận một thực tế là chúng ta chưa có một cơ chế tốt về kiểm soát, cân bằng quyền lực. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm quyền nghiêm trọng hiện nay, gây nên nhiều tiêu cực nghiêm trọng, đe dọa chính uy tín và sự tồn tại của Đảng và chế độ.
Nhân loại đã tìm ra hai cơ chế có liên quan chặt chẽ với nhau, được sử dụng trong hàng loạt các nước khá thành công. Trải qua mấy trăm năm sử dụng và được hoàn thiện dần, chúng trở thành sản phẩm của văn minh nhân loại. Các cơ chế đó hình thành và phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và mang tính chất tư bản chủ nghĩa. Chúng ta cần xem xét kỹ để tận dụng những mặt tích cực như đã, đang và sẽ còn sử dụng kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Hai cơ chế đó là: đối trọng quyền lực và tam quyền phân lập. Chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1 - 1994) là một chủ trương đúng, nhưng trong thực thi còn nhiều vấn đề vướng mắc. Một trong những lý do quan trọng của tình trạng đó chính là chúng ta chưa thực sự đổi mới tư duy trong việc nghiên cứu và vận dụng những mặt tích cực của hai cơ chế đối trọng quyền lực và tam quyền phân lập. Nói đến nhà nước pháp quyền mà không nói đến hai cơ chế đó thì giống như một chiếc máy tính không có phần mềm. Trong giai đoạn đổi mới tiếp theo việc nghiên cứu và vận dụng hai cơ chế ấy theo định hướng xã hội chủ nghĩa cần được đặt ra một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Có thể chúng ta không sử dụng chúng như trong chủ nghĩa tư bản. Nhưng từ việc nghiêm cứu chúng một cách nghiêm túc và cẩn trọng chúng ta có thể Việt Nam hóa chúng và tìm ra cơ chế riêng thích hợp với chúng ta.
8. Đổi mới không thể chỉ từ “trên xuống”, cũng không thể chỉ từ “dưới lên”. Bài học của Liên Xô, Trung Quốc và cả thực tiễn nước ta đều khẳng định điều đó. Đổi mới kinh tế lẫn đổi mới chính trị đều là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân. Trong giai đoạn tiếp theo có thể khởi xướng đổi mới là từ trên. Cũng có thể đó là sáng tạo, là sự “phá rào” từ bên dưới. Khởi đầu có thể ở các địa điểm khác nhau. Nhưng khi chưa trở thành công việc của nhân dân thì đổi mới không thể thực hiện được. Để nó đi vào đời sống thực của nhân dân để có thể kết hợp đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị thì không thể không có sự chuẩn bị kỹ càng cho cả “dưới” lẫn “trên”. Sự chuẩn bị ở đây bao gồm nhiều bước, nhiều công đoạn, từ việc nắm bắt lĩnh vực, phạm vi, nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch, lực lượng đến việc thống nhất nhận thức tư tưởng, triển khai cụ thể và quản lý tiến trình hàng ngày,... Không có sự chuẩn bị tốt, thiếu vắng sự đồng thuận xã hội là một nguy cơ tiềm ẩn cho đổi mới, đặc biệt là đối với đổi mới chính trị.3 Đổi mới chính trị là công việc nhạy cảm, động chạm trực tiếp đến lợi ích của tầng lớp cầm quyền, của bộ máy quản lý. Do vậy công tác chuẩn bị càng trở nên quan trọng. Sự thống nhất tư tưởng và hành động là một đòi hỏi có tính tiên quyết của đổi mới trong giai đoạn tiếp theo. Làm tốt điều này chúng ta mới có thể đổi mới trong ổn định. Đổi mới là công việc của cả dân tộc, vì lợi ích dân tộc, do vậy không thể chủ quan, nóng vội, nhưng cũng không thể trì hoãn, bỏ lỡ cơ hội gia nhập vào đoàn tàu tốc hành chung của nhân loại.
Nói tóm lại, muốn tiến lên, muốn phát triển nhanh, mạnh, bền vững, muốn rút ngắn khoảng cách tụt hậu, chúng ta lại phải tiếp tục đổi mới một cách đồng bộ hơn, quyết liệt hơn, căn bản hơn, cách mạng hơn cả kinh tế lẫn chính trị trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
____________
1. Xem 6 nguyên tắc đổi mới trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI tháng 3 – 1989 và Nghị quyết 09 ngày 18-12-1995 của Bộ Chính trị khóa VII về công tác tư tưởng.
2. Tình trạng này tương tự như trong giai đoạn bao cấp với sự tồn tại của cơ chế phân phối hàng tiêu dùng theo chế độ tem phiếu với những tiêu cực trong hệ thống thương nghiệp như bán cửa trước, cửa sau, cửa quyền, hách dịch,… Tình trạng tiêu cực nghiêm trọng gây bức xúc trong cán bộ và nhân dân. Cố tổng bí thư Lê Duẩn khi đó có ý định đề nghị thử đưa các chiến sĩ quân đội vào phục vụ trong các cửa hàng thương nghiệp để xóa bỏ tiêu cực. Bấy giờ đó có ý kiến phản biện cho rằng: nếu đưa họ vào, sau vài ba tháng cơ chế cũng sẽ biến họ thành những người như hiện có trong hệ thống. Nên thay đổi cơ chế mà không cần thay thế con người. Thực tế đó chứng minh ý kiến đó đúng. Khi xóa bỏ chế độ tem phiếu những hiện tượng tiêu cực trong hệ thống thương nghiệp cũng biến mất.
3. Tất nhiên, trong đổi mới sự đồng thuận không có nghĩa là không đòi hỏi sự quyết liệt, quyết tâm, dũng cảm, quyết đoán và sáng suốt. Sự đồng thuận phải song hành với những cái đó mới có thể đảm bảo cho đổi mới dự trong một phạm vi hẹp hay trong một ngành, lĩnh vực có thể thành công với những hao phí xã hội thấp nhất.