Thứ Tư, 30/9/2015 11:46'(GMT+7)
Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra tuyệt đối trung thành với đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật
Nguyễn Văn Chi
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT TW
Từ ngày thành lập đến nay, Ðảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra và kỷ luật của Ðảng, xác định có Ðảng là có công tác kiểm tra, muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo.
Ðiều lệ Ðảng tháng 10-1930 ghi rõ: "Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật Ðảng". Ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã ký Quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan chuyên trách đầu tiên của Ðảng gồm ba đồng chí: Trần Ðăng Ninh, Ủy viên T.Ư Ðảng; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Khu ủy; Hà Xuân Mỹ (tức Hà Minh Quốc), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, do đồng chí Trần Ðăng Ninh làm Trưởng ban, để đáp ứng nhiệm vụ chính trị, yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 16-10-1948 là Ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Ðảng.
Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ II, Ban Chấp hành Trung ương đã cử ra Ban Kiểm tra Trung ương gồm ba đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Chánh, do đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Trưởng ban. Trung ương còn quyết nghị: "Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội".
Ðồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Tháng 7-1955, Ban Chấp hành Trung ương bổ sung đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Ðảng vào Ban Kiểm tra Trung ương. Tháng 4-1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ mười (tháng 3-1957), quyết nghị kiện toàn Ban Kiểm tra Trung ương gồm các đồng chí: Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Nguyễn Lương Bằng, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Tháng 4-1957, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Chỉ thị số 16, quy định về nội dung công tác Ban Kiểm tra của Ðảng ở các cấp, Ban Kiểm tra của Ðảng và Ban Thanh tra của chính quyền tách riêng, không hợp nhất làm một nữa.
Từ Ðại hội III, Ban Kiểm tra được đổi tên thành Ủy ban Kiểm tra (UBKT); thành lập UBKT đến cấp quận, huyện và tương đương. Tháng 8-1969, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại miền nam, Trung ương cục Miền Nam đã ra nghị quyết về việc thành lập Ủy ban kiểm tra các cấp. Nhưng việc thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra vẫn thống nhất theo quy định của Ðiều lệ Ðảng, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ V, Ðiều lệ Ðảng quy định: "Ở các tổ chức cơ sở đảng, đảng ủy cơ sở được cử Ủy ban kiểm tra". Như vậy, từ Ðại hội V, ủy ban kiểm tra các cấp được hình thành hệ thống hoàn chỉnh như hiện nay.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng, ngành kiểm tra của Ðảng đã từng bước trưởng thành. Từ ngày đầu thành lập, Ban Kiểm tra Trung ương chỉ có ba thành viên chuyên trách và một số ít cán bộ giúp việc, đến nay ngành kiểm tra đã có gần 6.000 cán bộ chuyên trách và hơn 65.000 cán bộ kiểm tra kiêm chức. Trình độ văn hóa, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ kiểm tra từng bước được nâng cao.
Ủy ban kiểm tra các cấp luôn được củng cố, bổ sung chức năng, nhiệm vụ phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.
Từ một số nhiệm vụ phục vụ cấp ủy kiểm tra việc thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc; xem xét những việc bất thường xảy ra, đến kiểm tra những vụ đảng viên làm trái Ðiều lệ, kỷ luật Ðảng, trái với đạo đức cách mạng và pháp luật Nhà nước; tăng cường kiểm tra thực hiện chỉ thị, nghị quyết, thường gọi là kiểm tra chấp hành; kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết thư tố cáo và khiếu nại kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên; xử lý và giúp cấp ủy xử lý kỷ luật trong Ðảng; kiểm tra tài chính của Ðảng. Ðại hội lần thứ VIII, Ðiều lệ Ðảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên cho ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên; quy định ủy ban kiểm tra cấp trên cùng với việc hướng dẫn, đôn đốc, có thêm nhiệm vụ chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra. Ðại hội lần thứ X, Ðiều lệ Ðảng quy định giao thêm nhiệm vụ giám sát cho ủy ban kiểm tra các cấp.
Tháng 7-2007, tại Hội nghị lần thứ 5 khóa X, lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Thể hiện nhận thức về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhận thức của các tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra và kỷ luật đảng ngày càng được nâng cao.
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ do Ðiều lệ Ðảng quy định, UBKT các cấp còn chủ động, tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy giao, trong đó đã tham gia và tích cực phục vụ nhiều cuộc vận động lớn, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Ðảng. Từ Ðại hội IX đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu, đề xuất chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hằng năm, như: kiểm tra về công tác cán bộ, về xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...; ban hành một số quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật ở trong Ðảng.
Ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra các cấp qua các thời kỳ luôn thể hiện được tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động công tác kiểm tra là: "Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả", với phương châm "công minh, chính xác, kịp thời". Vai trò và vị thế của ủy ban kiểm tra các cấp từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Ðảng, được các tổ chức đảng và nhân dân tin cậy.
Từ thực tiễn những năm qua cho thấy, đất nước càng mở cửa, càng đi vào kinh tế thị trường thì vai trò kiểm tra, giám sát của Ðảng càng phải được coi trọng hơn bao giờ hết. Ở đâu, lúc nào cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thì ở đó, nơi đó việc thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị đạt kết quả tốt, nội bộ đoàn kết thống nhất, kỷ cương được giữ vững, tham nhũng, tiêu cực được ngăn chặn.
Trước mắt chúng ta, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, với thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của 20 năm đổi mới đã khẳng định được vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng đạt kết quả chưa được như mong muốn; kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực không nghiêm; sự đoàn kết, nhất trí ở một số cấp ủy chưa tốt; bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa giảm; sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo ở một số tổ chức đảng còn hạn chế.
Qua tổng kết Chỉ thị số 29-CT/T.Ư của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường công tác kiểm tra của Ðảng cho thấy trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và công tác cán bộ đều có vi phạm ở mức độ khác nhau. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, vi phạm xảy ra nhiều và phổ biến ở hầu hết các địa phương, các ngành, càng ở các trung tâm đô thị, khu công nghiệp càng nghiêm trọng. Trong xây dựng cơ bản, nhiều dự án sai ngay từ chủ trương, quyết định đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện, quản lý dự án gây thất thoát, lãng phí tài sản và tiền của của Nhà nước. Ðáng lưu ý là vi phạm không chỉ xảy ra trong các hoạt động kinh tế mà còn lan sang các lĩnh vực từ xưa đến nay vốn được coi trọng về đạo lý và tính nghiêm túc như giáo dục, y tế, nhất là trong thực hiện chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện và công tác cán bộ.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng đã xác định mục tiêu công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, sự đoàn kết thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Ðảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Ðảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, bảo vệ quan điểm, đường lối của Ðảng, tránh các nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, xa dân của đảng cầm quyền, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ X.
Thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành kiểm tra của Ðảng (16-10-1948 - 16-10-2008), Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát động phong trào thi đua trong toàn ngành và trong cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tập trung mọi cố gắng, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ sau:
1- Tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ do Ðiều lệ Ðảng quy định. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm.
2- Tổ chức hướng dẫn thực hiện, đôn đốc tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên.
3- Coi trọng kiểm tra tài chính đảng. Tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại, không để tồn đọng. Thường xuyên kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Chủ động xử lý và phục vụ cấp ủy xử lý kịp thời, chính xác đối với đảng viên và tổ chức đảng có vi phạm.
4- Chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng; hoàn thành xây dựng các đề án: Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Quy chế giám sát trong Ðảng, Quy chế chất vấn trong Ðảng, Quy chế phối hợp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với các tổ chức đảng có liên quan.
5- Chủ động tham mưu giúp Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổng kết công tác kiểm tra năm 2007, xây dựng chương trình kiểm tra năm 2008, tập trung kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
6- Coi trọng việc kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, nhất là về công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và chế độ, chính sách đối với cán bộ; công tác đối ngoại, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Ðảng.
Ðể thực hiện tốt các nội dung trên, phải chăm lo xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng bộ, ở từng chi bộ và các đơn vị; tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, ứng xử có văn hóa, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang: "Tuyệt đối trung thành với Ðảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật".