Vấn đề tôn giáo trong Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng: cái đã có và cái cần có

Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã mở ra quá trình đổi mới đất nước của dân tộc ta giữa lúc thế giới đang diễn ra những động thái khó lường và hệ thống XHCN đã có những dấu hiệu khủng hoảng sâu sắc và đã đứng trước nguy cơ tan rã. Kể từ đó đến nay đã tròn hai thập kỷ. 

Hai thập kỷ qua, trong những thắng lợi to lớn. và có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới đất nước, không thể không kể đến những đổi mới về tư duy lý luận, đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. 

Bài viết này xin được phác họa lại quá trình đó và cũng nhân dịp cả nước đang nỗ lực triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, chúng tôi cũng muốn minh chứng thêm cho những thắng lợi trên đồng thời nêu ra một số suy nghĩ về chặng đường sắp tới. 

Điểm khởi đầu: Hai luận đề có tính đột phá về nhận thức… 

Với vấn đề đổi mới nhận thức về tôn giáo ở nước ta, đến nay ai cũng hiểu rằng, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khoá VI về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển về nhận thức. 

Nghị quyết này có hai luận điểm mang “tính đột phá” là: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới. 

Phải đặt hai luận điểm này trong khung cảnh lúc đó ta mới hiểu rõ ý nghĩa. 

Đó là một thời điểm lịch sử đặc biệt. Lúc đó, các nước XHCN Đông Âu đã sụp đổ, nhưng những quan điểm tả khuynh về tôn giáo vẫn còn chế ngự. Đặc điểm chủ yếu của giai đoạn ấy là, phê bình tôn giáo tập trung chủ yếu vào những vấn đề căn bản của thuyết vô thần luận mác xít và các hình thái vô thần duy vật khác. Ở Trung Quốc, đã có những dấu hiệu đổi mới đầu tiên với việc bàn luận về những đặc điểm về tôn giáo ở trung Quốc và khả năng thích ứng với CNXH của tôn giáo (1982)... 

Với nước ta, hai luận điểm trên đã nhanh chóng tạo nên sự đột phá nhận thức. Không thể nhìn tôn giáo qua mệnh đề của Mác đã bị cắt xén và phiến diện: tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Phải nhìn nhận tôn giáo như một “thực tại xã hội” và là nhu cầu của một bộ phận quần chúng (có văn bản còn nói là một bộ phận quan trọng) và nó hoàn toàn có thể đồng hành với CNXH. Riêng luận đề mới mẻ về văn hoá tôn giáo đã khơi dậy trực tiếp những suy nghĩ, hành động tích cực của quần chúng, người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo. Khi các giá trị văn hoá đạo đức của tôn giáo được đặt trong khuôn khổ của văn hoá dân tộc, một mặt đã thừa nhận sự đa dạng của văn hoá dán tộc, mặt khác tạo ra thêm một con đường đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Khai thác tốt các giá trị văn hoá, đạo đức của tôn giáo là cách tốt nhất để cho nhiều tôn giáo thuận lợi hơn trong quá trình “Tìm về dân tộc”... 

Kể từ sau Nghị quyết 24 nói trên, Đảng ta còn có nhiều văn kiện khác khẳng định và phát triển tư duy đổi mới về tôn giáo, đặc biệt là Chỉ thị 37-CT/TW ngày 2/7/1998 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới, một văn kiện quan trọng lần đầu tiên được đăng tải công khai trên báo Nhân dân và hàng loạt báo khác. 

Và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, vấn đề tôn giáo được đưa ra bàn bạc, quyết định ở cấp Ban Chấp hành Trung ương, đó là Hội nghị TW 7 (Khoá IX), với Nghị quyết 25 (12/3/2003) Về công tác tôn giáo, đến nay vẫn toả rạng cho công tác tôn giáo và cả cho bản thân đời sống tôn giáo. Cần ghi nhận con số sau đây: Từ 1990 đến 2003, đã có 13 văn kiện về các vấn đề tôn giáo gồm 2 nghị quyết, 2 chỉ thị, 9 thông báo. Trong đó, Ban Bí thư ban hành 1 chỉ thị, 7 thông báo; Bộ Chính trị ban hành 1 nghị quyết, 1 chỉ thị và 2 thông báo; Ban Chấp hành TW ban hành 1 nghị quyết... Điều quan trọng hơn cả là, đến nay, nhận thức về vấn đề tôn giáo của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có bước tiến khá dài. Một bầu không khí xã hội mới mẻ đã lan toả, ranh giới vô hình mà khắc nghiệt về sự phân biệt “lương, giáo” mà các thế lực đế quốc thực dân, phong kiến trước đây cố tình khoét sâu mâu thuẫn, nay đã được gỡ bỏ căn bản, tạo nên những điểm sáng trong quan hệ Đạo - Đời. 

Đến sự đổi mới trong chính sách tôn giáo 

Đây là bề nổi của sự vật, và thật đáng chú ý, điều này ngày càng bộc lộ rõ và tạo nên những chuyển biến hết sức sống động trong thực tiễn đởi sống các tôn giáo ở nước ta. 

Ngoài những qui phạm pháp luật chứa đựng trong các điều luật của các bộ luật (Luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Luật Đất đai...), cho đến những văn bản có tính pháp lý cao nhất như các bản Hiến pháp, từ 1991 đến nay, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các văn bản riêng về tôn giáo, tín ngưỡng.

Có thể xem Nghị định số 59/HĐBT ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng “Quy định về các hoạt động tôn giáo” là văn bản mở đầu. Năm 1993, Chính phủ ra Nghị định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan có tầm quan trọng bậc nhất về quản lý nhà nước về tôn giáo: Ban Tôn giáo của Chính phủ. Sau đó là nhiều văn bản đều có dấu ấn khác: Nghị định 26 ngày 19/4/1999 của Chính phủ “Về các hoạt động tôn giáo”. Quyết định số 125/2003 ngày 18/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 7 (khoá IX về công tác tôn giáo”... 

Đặc biệt, tháng 7/2004, dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm đến sự kiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được ban hành cũng như Nghị định của Chính phủ (3/2005) “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”. Về mặt vĩ mô, phải nói sự đổi mới mạnh mẽ của chính sách tôn giáo cũng được bắt nguồn từ tinh thần của Nghị quyết 24 nói trên. Trong đó, cũng là lần đầu tiên, công tác tôn giáo vốn được coi chủ yếu là công tác đánh địch lợi dụng, nay được coi chủ yếu là công tác vận động quần chúng (phạm trù công tác dân vận) với luận đề quan trọng: “Thực chất công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”. 

Chúng ta đã có những bước tiến dài trong việc thể chế hoá các quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của quần chúng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Từ 1991 đến nay, chúng ta luôn thể hiện quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trên lĩnh vực quản lý tôn giáo, bằng việc ban hành hàng loạt quy định, nghị định, chỉ thi, thông tư,... và đỉnh cao nhất là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. 

Có thể nói hàng loạt các văn bản pháp lý ấy đã thể hiện sinh động sự đổi mới về chính sách tôn giáo. Chúng tôi mạn phép khái quát vào một số điểm sau đây: 

- Thứ nhất, mối quan hệ giữa Nhà nước và các tôn giáo, nói đúng hơn là các tổ chức tôn giáo (Giáo hội, Hội thánh, Ban Trị sự, Hội đồng Giáo xứ...) đã được cải thiện căn bản theo hướng pháp quyền. Một mô hình nhà nước thế tục mácxít, về bản chất là nhà nước thế tục vô thần do Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế từ Sắc lệnh 234 (1955), nay đã hiện ra rõ rệt. Mô hình này tỏ ra thích hợp với đời sống tôn giáo ở Việt Nam, được đông đảo đồng bào có đạo và quần chúng nói chung hoan nghênh và bước đầu được thế giới nhìn nhận. Cả 3 khâu: theo đạo, hành đạo và quản đạo đã được thể chế hoá và cơ bản đã phù hợp với thực tiễn. 

- Thứ hai, về mối quan hệ giữa “hoạt động tôn giáo” và “công tác tôn giáo” cũng được giải quyết tốt hơn. Mối quan hệ này vốn không hề đơn giản vì các “hoạt động tôn giáo” vốn là lợi ích sống còn của các chủ thể tôn giáo, trong khi đó “công tác tôn giáo” lại là vấn đề thuộc phạm trù quản lý nhà nước. 

Nhà nước ta hiểu rõ những kinh nghiệm quá khứ, khi mà sự tương tác giữa hai chủ thể hoạt động tôn giáo” và “công tác tôn giáo” diễn ra không thuận lợi, dẫn đến xung đột, triệt tiêu lẫn nhau: 

Ở đây, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như các quan điểm của Đảng ta về sự khai thác các điểm tương đồng, đồng thuận xã hội có ý nghĩa. lớn “Giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 

- Thứ ba, vận dụng kinh nghiệm của lịch sử dân tộc và quốc tế về luật pháp tôn giáo, để sự thể chế hoá về quyền hạn và nghĩa vụ của toàn dân, trước hết là cộng đồng các tôn giáo ngày càng thích hợp hơn. 

Đây cũng là nét mới trong chính sách tôn giáo của Nhà nước ta hiện nay, trực tiếp tạo nên bầu không khí phấn khởi trong các chức sắc và tín đồ các tôn giáo. 

Về mặt vi mô, nước ta có 6 tôn giáo chính (Phật giáo, Công giáo,Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài và Phật giáo Hoà Hảo) mà việc quản lý mỗi tôn giáo đòi hỏi có những giải pháp riêng. 20 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những thành tựu rất đáng kể về mặt này. 

Không chỉ đối với Công giáo, Phật giáo, những tôn giáo lôn có vị trí đặc biệt trong hệ thống tôn giáo ở nước ta, những chính sách đúng đắn của Nhà nước ta những năm gần đây với đạo Cao Đài (đã công nhận tư cách pháp nhân cho 10 tổ chức hệ phái): với Phật giáo Hoà Hảo cũng có những quyết sách mạnh dạn về cơ cấu tổ chức Ban Trị sự, với Hồi giáo cũng tương tự: Đặc biệt, với những chính sách táo bạo, liên tục để giải quyết cơ bản “vấn đề Tin Lành”, vấn đề tôn giáo nóng bỏng bậc nhất trong những năm gần đây ở nước ta. 

Có thể nói, sự đổi mới chính sách tôn giáo những năm gần đây đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc góp phần quyết định tạo ra sự ổn định, bức tranh sinh hoạt tôn giáo ngày càng có nhiều điểm sáng. Tất nhiên, trong những năm qua và còn lâu dài, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Vi.ệt Nam. 

Nhưng có thể nói, xu hướng tôn giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và CNXH là không thể đảo ngược. 

Những vấn đề đặt ra trong việc tiếp tục đổi mới nhận thức và chính sách tôn giáo 

Thứ nhất, chúng ta đã thừa nhận tôn giáo còn là một thực tại xã hội, thậm chí nó có thể đồng hành với dân tộc và với CNXH. Tư duy lý luận của chúng ta phải tiến thêm một bước quan trọng khác, một luận đề có tính “đột phá” khác là, để tôn giáo - thực thể xã hội ấy có thể thích ứng với CNXH phải tạo cho nó khả năng và quyền hạn “pháp lý nhân sự” tham gia tích cực hơn vào một số lĩnh vực xã hội thích hợp, đóng góp vào việc xây dựng phát triển đất nước và thoả mãn nhu cầu của đời sống tôn giáo. 

Tiền đề lý luận khách quan là: trong bối cảnh toàn cầu hoá, hiện đại hoá, mọi tôn giáo đều có khuynh hướng trở thành “tôn giáo xã hội”, thích ứng xã hội ngày càng cao. 

Đại hội X đã lưu ý vấn đề này khi chỉ ra rằng: “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật”. 

Nhu cầu xã hội của các tôn giáo hiện nay ngày càng tăng trong xu thế hội nhập, toàn cầu hoá và nó cũng không tách rời “quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường”. 

Thứ hai, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và các giáo hội. Trong những năm qua, chúng ta có rất nhiều thành tựu về vấn đề này do Đảng ta từ lâu đã biết dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm chắc đặc điểm dân tộc, yếu tố dân tộc của cách mạng Việt Nam, tránh được phần lớn những sai lầm thiếu sót của khuynh hướng tả khuynh về vấn đề tôn giáo trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. 

Đặc biệt từ 1990 đến nay, lần đầu tiên Đảng ta đã chuyển vấn đề tôn giáo từ phạm trù nội chính, qua phạm trù công tác dân vận, tạo nên một cục diện mới, được đồng bào các tôn giáo (xuất hiện cụm từ “đồng bào có đạo”) đón nhận, tạo nên bầu không khí phấn khởi, thuận lợi hơn cho quan hệ Nhà nước với các tổ chức tôn giáo. 

Hiện nay, vấn đề then chốt để tiếp tục đổi mới về tôn giáo là phải đặt mối quan hệ này trong vấn đề nhà nước pháp quyền, bình thường hoá và pháp trị. Càng làm tốt điều này, đời sống tôn giáo càng ổn định vững chắc và xây đắp hơn đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo. .. 

Văn kiện Đại hội X có nói đến “các tôn giáo hợp pháp” và việc được pháp luật bảo hộ khi các tổ chức tôn giáo ấy “hoạt động theo pháp luật”. 

Đây là vấn đề rất quan trọng không chỉ ở góc độ xây dựng nhà nước pháp quyền, mà còn đáp ứng đòi hỏi bức xúc: chỉ có làm tốt công tác hoàn thiện luật pháp tôn giáo mới có thể có điều kiện, phương tiện hữu hiệu làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. 

Ở Việt Nam hiện nay, trước khi nói đến một bộ luật về tôn giáo (Các văn bản của Bộ Chính trị khoá IX đã từng nói điều này) thì cấp thiết phải xây dựng, hoàn thiện hơn luật pháp nhân tôn giáo, các chế tài khác liên quan đến đời sống tôn giáo dù chúng ta đã có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo... Có như vậy chúng ta mới có thể hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục đã lựa chọn từ những năm đầu hoà bình lập lại, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954)... 

Thứ ba, việc ổn định đời sống tôn giáo và tạo thêm điều kiện cho các tôn giáo cống hiến khả năng xây dựng, phát triển đất nước là không ngoài quy luật mà tư tưởng Hồ Chí Minh đâ chỉ ra: luôn luôn duy trì và phát triển xu hướng tôn giáo đồng hành với dân tộc và CNXH, đoàn kết dân tộc tôn giáo trước hết bằng mục tiêu chung, điểm tương đồng giữa lý tưởng tốt đẹp vốn có của các tôn giáo với CNXH, khai thác những giá trị tích cực của các tôn giáo trước hết là các giá trị văn hoá và đạo đức, đồng thời luôn cảnh giác với những âm mưu lợi dụng các tôn giáo vào mục đích chính trị phản dân tộc và CNXH... 

Vấn đề tôn giáo được đề cập trong Văn kiện Đại hội X phù hợp với thực tiễn đời sống tôn giáo, cả trong những năm sắp đến. Vấn đề chỉ còn ở chỗ: các cơ quan, ban, ngành hữu quan tiếp tục có những chương trình phổ biến, giáo dục sinh động cho toàn Đảng, toàn dân - trước hết là đội ngũ những người làm công tác tôn giáo trực tiếp - thấm nhuần hơn nữa các quan điểm đổi mới này về công tác tôn giáo. 

Chúng ta đã từng trải qua những giai đoạn quá dài phương pháp nhận thức về tôn giáo chưa đầy đủ, tả khuynh và nóng vội. Trong các nhận thức chưa đúng đắn ấy, có lẽ ba nhận thức cơ bản sau đây vẫn còn ám ảnh ở một bộ phận cán bộ, quần chúng: Thứ nhất, vì tôn giáo là “sự phản ánh ngược” của hiện thực và duy tâm nên nó hoàn toàn đối nghịch với khoa học và chủ nghĩa duy vật. Thứ hai vì tôn giáo luôn đồng nhất với mê tín nên nó là hệ ý thức lạc hậu, phải xoá bỏ. Thứ ba, vì tôn giáo luôn luôn bị các thế lực chính trị phản động lợi dụng, nên tôn giáo thường đồng nhất với chính trị, ở đó không có chỗ cho “văn hoá” và giải quyết vấn đề tôn giáo là đấu tranh tư tưởng chính trị, nhận thức và giải quyết vấn đề địch - ta. 

Như đã nói ở trên, về đại thể, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng ta trong nhận thức và hành động, chúng ta đã có những bước đột phá quan trọng. Tuy vậy, cũng chưa thể coi như “không còn vấn đề gì” trong lĩnh vực vốn rất phức tạp và nhạy cảm này. 

Theo Đỗ Quang Hưng, tạp chí Thông tin công tác tư tưởng lý luận tháng 8/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website