(ĐCSVN) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.….Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”.
Thực tiễn của cách mạng nước ta trong hơn 75 năm qua đã cho thấy tính đúng đắn sáng tạo trong tư tưởng của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Có thể tự hào rằng dân tộc Việt Nam đã may mắn có được một Hồ Chí Minh và nhờ Người mà nhân dân các dân tộc Việt Nam đã được trưởng thành, mở tầm nhìn ra năm châu, bốn biển và có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Cũng có thể nói, trên bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống của người dân Việt Nam ngày hôm nay, chúng ta đều tìm thấy những tinh hoa tư tưởng cốt lõi của Người, và với sự chỉ bảo của Người, chúng ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề của chính cuộc sống đương đại. Như thế, tư tưởng của Hồ Chí Minh không chỉ là những ý tưởng hết sức đẹp đẽ để đem ra trưng bày, mà tư tưởng của Người thực sự đang toả sáng, có ý nghĩa và sức mạnh hướng dẫn hành động hiện hữu vô cùng to lớn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là đỉnh cao của trí tuệ Việt Nam. Đây không phải là một sự tôn sùng quá mức với Người, vì thực sự những giá trị vật chất và tinh thần từ tư tưởng này đem lại quả vô cùng lớn, được bạn bè thế giới khẳng định, còn với kẻ thù, cho dù có những kẻ trực tiếp đối nghịch với ta, không muốn ủng hộ cách mạng Việt Nam cũng buộc phải thừa nhận và ca ngợi.
Điểm nổi bật trong tư tưởng của Người, đó là chân lý nổi tiếng của thời đại do Người đề xướng-Không có gì quý hơn độc lập tự do. Câu nói bất hủ ấy đã xuất hiện đúng vào thời điểm căng thẳng khó khăn nhất của sự nghiệp cách mạng của cả nước. Tên đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc ngang nhiên tuyên bố dã tâm muốn đưa đất nước Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá bằng sức mạnh bom đạn của máy bay ném bom chiến lược B52 của chúng. Thì đây, Hồ Chí Minh đã tỏ rõ khí phách anh hùng của dân tộc mình - một sự đối trọi trực tiếp, quyết liệt. Hiếm có một thủ lĩnh quốc gia nào lúc đó dám làm. Người lớn tiếng cảnh cáo chúng: “Giôn sơn và bè lũ phải biết rằng: chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng”, và Người, vì sự sống còn và danh dự của cả một dân tộc đã thách thức lại sự ngạo mạn của tên đế quốc đầu sỏ, một sự thách thức đầy bản lĩnh hào hùng trên tư thế của người sẽ giành chiến thắng cuối cùng. Người tuyên bố tiếp: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tư tưởng này của Người đã trở thành nổi tiếng, được các nước trong phong trào không liên kết, các nước đang tích cực đấu tranh cho độc lập, tự do và quyền tự quyết của dân tộc mình hưởng ứng, trở thành sức mạnh cố kết phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới trong suốt nhiều thập kỷ sau đó.
Hồ Chí Minh là người đề xuất tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng, độc lập dân tộc đòi hỏi trước hết phải bảo đảm cho dân tộc đó quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn chế độ chính trị, lựa chọn con đường và mô hình phát triển, độc lập cả về chính trị, kinh tế, văn hoá. Độc lập dân tộc đòi hỏi phải xoá bỏ tình trạng áp bức, người bóc lột người, tình trạng nô dịch của một dân tộc này đối với một dân tộc khác về chính trị, kinh tế và tinh thần… và để có thể làm được điều này, sẽ không có ai khác ngoài chủ nghĩa xã hội.
Để thực hành cách mạng thắng lợi, Người nêu ra chân lý “Phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, đặt cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong sự gắn bó chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới. Người viết: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mạng trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”. Chính nhờ tư tưởng này mà mặc dầu cách mạng nước ta gặp vô vàn khó khăn, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè năm châu, bốn biển và chúng ta đã giành được thắng lợi. Những hành động anh hùng của Ray mông điêng và Hăng-ri Mác-tanh là một minh chứng. Những lời đáp của các chiến sĩ du kích Vênêduyêla khi anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi của chúng ta bị bắt đã góp phần khẳng định cho tính đúng đắn của luận điểm tư tưởng này. Không có sự giúp đỡ chí tình tận nghĩa của bạn bè đồng chí trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới thì làm sao chúng ta có thể giành được thắng lợi to lớn như ngày hôm nay. Không phải ngẫu nhiên đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ hung hãn bậc nhất trên thế giới phải chịu ngồi vào bàn đàm phán và phải chịu thất bại trước sức mạnh của dân tộc Việt Nam nếu như không có sức mạnh của các dân tộc chính nghĩa và yêu chuộng hoà bình trên thế giới ủng hộ.
Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tư tưởng nổi bật mà nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã biết tập hợp được lực lượng xung quanh Đảng, xung quanh chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Người quan niệm nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh. Người viết: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng ta và Bác Hồ xây dựng nên và trực tiếp lãnh đạo.
Ngay từ khi Đảng ta ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc ta đã biết chủ động đoàn kết lại thành một khối vững chắc đồng lòng đứng lên chống giặc ngoại xâm. Những năm 1930-1936, chúng ta có Hội Phản đế đồng minh. Thời kỳ 1936-1939, chúng ta có Mặt trận Dân chủ Đông Dương (MTDCĐD), một tổ chức liên hiệp tự nguyện rộng rãi các đảng phái, tầng lớp, tôn giáo, các cá nhân kể cả người Pháp ở Đông Dương chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, mong muốn đòi thực hiện tự do dân chủ. Do đòi hỏi của cách mạng, (11-1939) chúng ta lại có Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương (MTTNDTPĐĐD) nhằm "liên hiệp tất cả các dân tộc Đông Dương dưới nền thống trị của đế quốc Pháp, tất cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế muốn giải phóng cho dân tộc, để đấu tranh chống đế quốc Pháp, vua chúa bản xứ và tất cả bọn tay sai của đế quốc, đòi hoà bình cơm áo, thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương với quyền dân tộc tự quyết". Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác đã sáng kiến lập ra Mặt trận Việt Minh (MTVM). Đây là một liên minh chính trị, tổ chức tự nguyện của các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc ở Việt Nam ( từ 5- 1941 đến 3-1951) nhằm đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Mặt trận đã được nhân dân cả nước ủng hộ, phát triển mạnh, cùng toàn dân tộc tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi (8-1945) và tiếp tục phát huy ảnh hưởng to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, do yêu cầu của thực tiễn cách mạng lúc đó, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (HLHQDVN, gọi tắt là Liên Việt) cũng đã ra đời (29-5-1946). Đây lại là một hình thức mới tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam nhằm thu hút các tổ chức và cá nhân còn đứng ngoài Việt Minh với mục đích bảo vệ độc lập dân tộc. Thành viên của HLHQDVN gồm Đảng cộng sản Đông Dương, MTVM, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội giới tư sản, giới trí thức ngoài Việt Minh và một số đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng… Tháng 3-1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh và Liên Việt tại Việt Bắc thành Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (MTLHQDVN, còn gọi tắt là Mặt trận Liên Việt, MTLV). MTLV đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên "Điện Biên chấn động địa cầu". Sau ngày miền Bắc được giải phóng, tháng 9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) được thành lập. Mặt trận là khối đại đoàn kết mới của các dân tộc Việt Nam, là liên minh chính trị, tổ chức liên hiệp tự nguyện có tính quần chúng rộng rãi, bao gồm các chính đảng, các tổ chức chính trị quần chúng (công đoàn, thanh niên, phụ nữ …), các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức yêu nước… lấy liên minh công nông làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở miền Nam, năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) đã ra đời. Mặt trận đã thu hút hơn hai mươi đoàn thể, tổ chức chính trị ở Miền Nam như: Hội Liên hiệp Học sinh Sinh viên Giải phóng Miền Nam; Giải phóng quân Miền Nam; Hội Chấn hưng đạo đức của Phật giáo, Hoà Hảo; Nhóm những người đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập Tổ quốc Việt Nam; Nhóm binh sĩ trở về với nhân dân; Hội những người kháng chiến cũ; Đảng xã hội cấp tiến Miền Nam, Đảng dân chủ Miền Nam; Đảng nhân dân cách mạng Miền Nam v.v…Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở Miền Nam Tết Mậu Thân 1968, một tổ chức đoàn kết dân tộc nữa được thành lập, đó là Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Miền Nam Việt Nam nhằm tập hợp, đoàn kết các tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị và những người có xu hướng hoà bình trung lập chưa có hoàn cảnh tham gia MTDTGPMNVN.
Trong các tổ chức đại đoàn kết dân tộc do Đảng ta và Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo đã thực sự thấm đượm tính nhân văn cao cả, giàu lòng nhân ái theo tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết của Bác Hồ và do thế, các tổ chức này đã khơi dậy được đến cao độ lòng tự tôn, bất khuất, kiên cường, tự hào dân tộc của dân tộc Việt Nam. Tất cả các tầng lớp giai cấp, các tổ chức chính trị, các nhân sĩ yêu nước và tiến bộ… đã biết tự nguyện sát cánh bên nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Lời Bác dạy còn đó, như ngọn nguồn sức mạnh của cả dân tộc: "Bất kỳ người nào, bất kỳ nhóm nào, nếu họ tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì chúng ta cũng sẵn sàng thật thà đoàn kết với họ". Bác còn nhấn mạnh: "Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đâychống ta ( tôi- tác giả nhấn mạnh), bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ".
Chính là với tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, với trí tuệ và nỗ lực phi thường có một không hai trong lịch sử mà Đảng ta, toàn dân tộc Việt Nam ta đã phát huy đến mức tuyệt vời tính tích cực cách mạng, tính năng động sáng tạo của các tổ chức, các lực lượng, các đoàn thể, cá nhân, nhân sĩ yêu nước, tiến bộ… Nhân dân các dân tộc Việt Nam đã đứng về phía cách mạng, hết lòng đùm bọc cưu mang cách mạng, tạo thành sức mạnh phi thường không một kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi.
Rồi còn biết bao nhiêu các lĩnh vực khác nhau của sự nghiệp cách mạng, của cuộc sống đời thường: tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tư tưởng về nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; tư tưởng về đạo đức cách mạng cần, kiện, liêm, chính, chí công vô tư, tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh….Bác còn là người văn võ song toàn. Bác là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Bác sáng lập ra đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của quân đội ta. Bác viết sách huấn luyện chiến thuật, kỹ năng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ quân đội. Bác trực tiếp tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch quan trọng v.v…
Cuộc đời của Bác là cuộc đời của một con người suốt đời vì nước, vì dân, đồng thời cũng vì sự nghiệp cách mạng chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trong Bác là sự hoà quyện đến mức tuyệt vời tinh hoa của dân tộc với trí tuệ của thời đại. Bác là danh nhân văn hóa thế giới, được nhân dân các dân tộc trên thế giới ngợi ca, ngưỡng mộ.
Có thể nói, tư tưởng của Bác là đỉnh cao của trí tuệ Việt Nam, dẫn dắt nhân dân ta đi đến ấm no, hạnh phúc. Kính cẩn trước một trí tuệ thiên tài của dân tộc như Bác Hồ, chúng ta không khỏi chê trách những người do tầm nhìn hạn hẹp và còn do nhiều động cơ tư tưởng chính trị không trong sáng, cố tình đi ngược lại lợi ích của dân tộc mà đã có các cách nhìn không đúng về Bác Hồ của chúng ta, phủ nhận công lao của Bác đối với dân tộc, với thời đại, hạ thấp các giá trị tư tưởng cao cả của Bác. Nếu ai đó cho rằng “nội dung chủ nghĩa Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc”, thì tại sao tư tưởng của Bác về sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại lại được ngưỡng mộ đến như thế?. Vì sao Bác đi đến đâu cũng được các dân tộc trên thế giới kính nể, tôn sùng? Nếu xem Bác chỉ là người đóng khung trong quyền lợi riêng hạn hẹp của dân tộc mình thì không thể cắt nghĩa nổi tình cảm vô cùng sâu nặng và thân thiết mà nhân dân các dân tộc trên thế giới đã giành cho Bác. Những thước phim ghi lại hoạt động của Bác ở khắp nơi trên thế giới và tình cảm đến mức “cuồng nhiệt” của các dân tộc trên thế giới đối với cho Bác đã làm chúng ta phải xúc động về một con người phi thường hiếm có. J.La Cutuya (Pháp) đã viết về Người như sau: “Danh tiếng quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, uy tín của Cụ, sự kính trọng của mọi người đối với Cụ trong các giới cộng sản ngoài nước và trong phần lớn các nước “Không liên kết” đọc thấy rõ ràng. Một người như Nê ru đã coi Cụ là bạn. Khi Cụ tham gia hội nghị các Đảng cộng sản ở Praha năm 1959, Cụ đã được bao quanh bởi một sự cảm phục khiến các chiến sĩ nước ngoài xúc động”.
Phải chăng “Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác-Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu”?. Lập luận này đã đi đến phủ nhận công lao của Bác, không thấy hết được những giá trị thời đại của Bác đối với vận mệnh các dân tộc trên thế giới. Xin hãy nghe sau đây lời của nhà báo U. Bớcsét (Úc) đã viết về Người : “Lịch sử sẽ dành cho Người vinh dự của một vị lãnh tụ vĩ đại mà thế kỷ XX đã sinh ra. Nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi ca ngợi Người”.
Lại có những người dám quay lưng lại với lịch sử, thực chất là phủ nhận những hy sinh vì nước vì dân của các anh hùng liệt sĩ đã dành trọn cả tuổi xuân của mình, dành trọn cả cuộc đời mình cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Họ kêu gọi “Cần lựa chọn lại con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã chọn”. Phải chăng con đường mà chúng ta đã chọn-con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại tự do, hạnh phúc, ấm no cho mọi người, mọi gia đình, con đường mà đại đa số các dân tộc trên toàn thế giới đều ngưỡng mộ là không đúng? Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng trong 20 năm qua đã cho phép khẳng định rằng con đường mà chúng ta đang đi, con đường mà nhiều dân tộc trên thế giới hằng mong ước là con đường hoàn toàn đáng tin cậy. Trong năm qua, nhờ đường lối đổi mới đúng đắn theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng đề ra mà tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2005 đạt 8,4%, gần đạt mục tiêu 8,5% đã đặt ra nhưng vượt xa con số 7,79% của năm 2004. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cơ bản đạt tăng trưởng tới 16,5%. Dịch vụ đạt 8,4% và xuất khẩu đã vươn tới con số 20%. Những chỉ số này đều vượt mức kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 32,1 tỷ USD so với con số 26,5 tỷ USD của năm ngoái là một nỗ lực rất lớn của cả nước. Tham gia hội nhập khu vực đã làm tăng trưởng xuất khẩu và là dịp để sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quen phù hợp với thị trường lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và tiêu dùng của người dân.
Có hai chỉ số phản ánh rõ việc cải thiện thế và lực kinh tế của Việt Nam. Một là, GDP nhân đôi sau 10 năm và sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu theo hướng CNH, HÐH. Hai là, từ một nền kinh tế hầu như khép kín, chỉ quan hệ với một số ít nền kinh tế khác, đến nay, chúng ta đã mở rộng quan hệ thương mại tới hơn 120 nước và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục. Số sản phẩm "made in Việt Nam" tham gia cạnh tranh và cạnh tranh thắng lợi trên thị trường thế giới ngày càng tăng như "Vinamilk", "May 10", "Việt Tiến", "Vinataba", "Vietel", "Rạng Ðông", "Biti's", "Cà-phê Trung Nguyên", "Agifish", v.v. là những minh chứng sinh động. Nhiều thương hiệu và sản phẩm Việt Nam bị "ăn cắp", chiếm đoạt, làm giả, làm nhái, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đương đầu với hạn ngạch (quota), các hàng rào kỹ thuật và những vụ kiện vô lý về "bán phá giá" trong khi họ không hề nhận được sự trợ cấp của Chính phủ. Kết quả đó có được là nhờ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, nhờ tính năng động của các doanh nghiệp biết dựa vào sức thúc đẩy của đổi mới, tận dụng các lợi thế tiềm năng, tuy còn ít nhưng rất quý báu, như lợi thế lao động, lợi thế địa lý - chính trị, lợi thế của nền kinh tế xuất phát muộn, biến chúng thành lợi thế cạnh tranh thị trường thật sự. Nhiều học giả, nhà kinh tế nước ngoài đã đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đời sống của nhân dân các dân tộc Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt và đang trên đà phát triển.
Rõ ràng rằng các luồng lạch ngược dòng này là không đúng, càng không đủ sức thay đổi hướng chảy hiện tại của nó. Trí tuệ anh minh của Bác là niềm tự hào của cả dân tộc chúng ta, mãi mãi đi cùng chúng ta tới thắng lợi cuối cùng./.
GS. TS. Đại tá Nguyễn Ngọc Phú
Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự-Bộ Quốc Phòng