Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (từ 14 - 18/1/1949)

I. Nhiệm vụ và công tác quân sự cần kíp

A- Nhiệm vụ

1. Tiếp tục phá tan chiến dịch thu đông của địch.

2. Thực hiện một thế cầm cự ngày càng có lợi cho ta.

3. Nỗ lực thực hiện phương châm chiến lược của giai đoạn mới.

a) Đánh mạnh hơn nữa vào hậu phương địch, đánh vào các vị trí chiến lược, cắt các đường giao thông quan trọng.

b) Hướng hoạt động chính là những vùng chiến lược và kinh tế quan trọng mà địch đang ra sức củng cố.

c) Vận động và đánh tan nguỵ binh, gây cơ sở du kích ở những vùng Pháp dùng nhân lực làm nguỵ binh.

d) Từ chủ động chiến dịch đi đến chủ động chiến lược từng bộ phận một cách mạnh bạo hơn.

e) Mở rộng mặt trận Lào, Miên; vì Lào, Miên không độc lập thì nền độc lập của Việt Nam khó mà bảo đảm.

g) Phối hợp với quân giải phóng Tàu.

h) Phương châm chính vẫn là: du kích chiến là cǎn bản, vận động chiến là phụ trợ. Nhưng cần mạnh bạo đẩy vận động chiến đi tới và khi đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công.

4. Tích cực chuẩn bị tổng phản công.

a) Chuẩn bị trong kế hoạch chiến lược.

b) Chuẩn bị trong việc gây dựng bộ đội và phát triển dân quân.

c) Chuẩn bị về tinh thần cho toàn thể bộ đội và dân quân.

B- Công tác

1. Xây dựng bộ đội

a) Trọng tâm công tác trong lúc này là tiếp tục xây dựng các bộ đội chủ lực, tập trung cán bộ, tập trung vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc cho những đơn vị có nhiệm vụ đánh vận động chiến. Biên chế, huấn luyện, trang bị đều phải nhằm mục đích thực hiện vận động chiến mà tiến hành.

b) Chuẩn bị khuếch trương bộ đội, cần phải có kế hoạch rút dần các đại đội độc lập tập trung trở lại, và hiểu rõ các khả nǎng bổ sung của dân quân đi tới tổ chức việc tuyển mộ cho hợp lý, cǎn cứ vào tỷ lệ tòng quân của các địa phương. Phải có một kế hoạch gây ý niệm về nghĩa vụ tòng quân cho toàn thể dân chúng.

c) Việc biên chế bộ đội, nói chung, cần được nghiên cứu kỹ càng và sát thực tế hơn. Tổ chức cần đơn giản, nhẹ nhàng, tǎng thành phần chiến đấu, lại phải thích hợp với điều kiện vũ khí, với điều kiện chiến trường, với chiến thuật áp dụng. Cần quy định các tổ chức binh chủng chuyên môn, xúc tiến việc tổ chức các bộ đội thiểu số.

d) Việc tuyển quân cần tiếp tục tiến hành. Cần tổng kết kỳ luyện quân vừa qua để hiểu rõ những khuyết điểm chung và những khuyết điểm từng đơn vị, rồi cǎn cứ theo kết quả của cuộc tổng kết, theo tính chất và nhiệm vụ các đơn vị mà định nội dung chương trình cho thích hợp.

e) Cải tiến việc trang bị cấp dưỡng. Sự sản xuất vũ khí, cần đi đôi với nhu cầu và chiến thuật; bên cạnh các vũ khí hiện chế tạo được, cần nỗ lực tiến bộ hơn nữa trong việc sáng chế vũ khí tối tân.

g) Một vấn đề hết sức quan trọng trong việc xây dựng bộ đội là việc thực hiện chế độ chính uỷ và củng cố nền nếp chính trị. Chế độ chính uỷ cần được thực hiện theo đúng tinh thần và ý nghĩa của nó, công tác chính trị cần linh động hơn và đi sát với nhiệm vụ quân sự hơn nữa.

h) Vấn đề giúp đỡ các cựu chiến sĩ, các chiến sĩ bị thương và gia đình các chiến sĩ cũng cần được giải quyết chu đáo hơn.

2. Phát triển dân quân

a) Trọng tâm của vấn đề dân quân là ráo riết phát triển và củng cố dân quân xã, dân quân thành (địa hạt quân) hay du kích địa phương trong các vùng quan trọng về chiến lược, về chính trị và kinh tế.

b) Cán bộ, vũ khí cần tập trung vào những hướng chính, những nơi quan trọng, không nên bình quân phân tán như trước.

c) Nâng cao kỹ thuật và trang bị bằng vũ khí bí mật cho dân quân.

d) Các vấn đề đào tạo cán bộ, chế vũ khí và vấn đề tự túc của dân quân cần được giải quyết cho thích đáng.

e) Hình thức tổ chức, hệ thống lãnh đạo phải cải cách cho thích hợp hơn, một mặt có thể bảo đảm tính chất địa phương dân quân và các đội du kích địa phương, một mặt không ngǎn cản con đường trưởng thành từ dân quân xã lên đến bộ đội địa phương và bộ đội chính quy.

g) Tǎng gia việc đào tạo và huấn luyện cán bộ cho dân quân. Vấn đề ấy cần đứng trên lập trường "dân quân là hậu bị quân của quân đội chính quy" mà giải quyết.

h) Phải rút kinh nghiệm chiến tranh ở ngay nước ta trên các mặt trận như Thuỷ Nguyên, phổ biến cho các nơi.

3. Đào luyện cán bộ

a) Để thực hiện những nhiệm vụ mới, cần có một chính sách cán bộ mạnh dạn: bổ túc cho cán bộ tiến không kịp với nhiệm vụ, quả cảm đề bạt những cán bộ có nǎng lực.

b) Đào tạo và rèn luyện cán bộ có nǎng lực chỉ huy điều khiển những bộ đội tập trung và đánh vận động chiến.

c) Cần có một kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên môn, đồng thời thực hiện giáo dục quân sự trong các trường trung học và đại học để có sẵn một số cán bộ dự bị cho quân đội.

d) Mở một cuộc vận động rèn luyện cán bộ, nhằm mục đích nâng cao trình độ, đặc biệt về mặt chỉ huy chiến thuật cho kịp với nhiệm vụ nặng nề mà cán bộ phải gánh vác. Cuộc vận động này sẽ tiến hành làm hai thời kỳ: một thời kỳ ở nhà trường, một thời kỳ ở ngay trong bộ đội và phải hợp với chương trình luyện quân lập công của bộ đội.

e) Phải nâng cao trình độ lý luận và chính trị cho các cán bộ Đảng trong quân đội.

4. Kiện toàn cơ quan chỉ huy

a) Chấn chỉnh các cơ quan chỉ huy về mặt tổ chức cho hợp lý để sự phân công phối hợp được rõ ràng, để sự chỉ huy toàn quốc được thống nhất nhanh chóng.

b) Tại cơ quan trung ương cần phân biệt các bộ phận sản xuất với các cục có nhiệm vụ giúp đỡ vào việc điều khiển bộ đội.

c) Đặc biệt chú ý kiện toàn các tổ chức tham mưu, tình báo, địch vận, thông tin, liên lạc.

5. Xây dựng nền lý luận quân sự Việt Nam

Cuộc chiến đấu anh dũng trong mấy nǎm của quân và dân ta là một kho kinh nghiệm vô cùng phong phú, kinh nghiệm ấy mới được tổng kết một phần nào, nền lý luận quân sự Việt Nam còn ở trong thời kỳ phôi thai. Cho nên cần khuyến khích và tổ chức phong trào tổng kết kinh nghiệm để góp sức vào công cuộc xây dựng một nền lý luận quân sự Việt Nam.

6. Chấn chỉnh công việc tuyên truyền các chiến công của bộ đội và dân quân

a) Chủ trương kiện toàn các cơ quan báo chí của bộ đội và có thể trưng tập một số vǎn sĩ vào làm công tác này.

b) Phối hợp việc tuyên truyền và cổ động của bộ đội với các cơ quan tuyên truyền của chính quyền và các đoàn thể.

c) Tìm mọi phương tiện để tuyên truyền chiến công của quân và dân ta ra các nước ngoài.

7. Chủ trương tǎng gia công tác phá hoại

Công tác phá hoại ở nước ta là một thế giới kỳ công; chúng ta phải nghiên cứu cải tiến thêm làm thế nào lợi cho ta hơn và hại cho địch nhiều.

a) Đặc biệt chú ý phá hoại những đường giao thông tiếp tế của địch.

b) Tǎng gia phá hoại cơ sở kinh tế địch.

c) Chú ý phá hoại cả về mặt chính trị, làm tan rã hàng ngũ địch.

II. Củng cố chính quyền nhân dân

A- Chính quyền nhân dân phải tích cực thực hiện các chính sách cơ bản của Đảng và của dân tộc

1. Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

2. Phổ biến sâu rộng quan niệm chính quyền dân chủ mới.

3. Cải thiện sinh hoạt nhân dân về mọi mặt.

4. Vạch rõ mưu gian của giặc Pháp, Việt gian, của phản động quốc tế.

5. Đánh tan xu hướng hy vọng vào điều đình theo kiểu Vĩnh Thuỵ và xu hướng muốn trở lại Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9. Động viên mọi lực lượng tinh thần vật chất của toàn dân vào công cuộc kháng chiến kiến quốc, giành kỳ được độc lập và dân chủ thực sự.

B- Củng cố bộ máy chính quyền

1. Kiện toàn Chính phủ trung ương và bộ máy của các Bộ, các Nha, thống nhất hệ thống kháng chiến hành chính toàn quốc.

2. Củng cố hành chính cấp xã. Quy định lối làm việc. Lập ngân sách xã. Bầu lại Hội đồng nhân dân xã.

3. Đề cao vai trò Quốc hội và các Hội đồng nhân dân.

a) Ban Thường vụ Quốc hội họp và làm việc. Các đại biểu Quốc hội các địa phương nhóm họp đều đặn và hoạt động.

b) Hướng dẫn và giúp phương tiện cho các cấp Hội đồng nhân dân làm việc. Bầu lại Hội đồng nhân dân tỉnh ở những nơi có điều kiện.

4. Củng cố các cấp kháng chiến hành chính.

a) Thi hành Sắc lệnh 2541), hợp lý hoá bộ máy kháng chiến hành chính các cấp và điều chỉnh cán bộ.

b) Mở các lớp huấn luyện cán bộ kháng chiến hành chính.

5. Đối với công chức.

- Xúc tiến việc vận động công chức để rèn luyện tư tưởng và lối làm việc mới.

- Đặt quy chế công chức cho thích hợp.

- Thải bỏ những phần tử hủ hoá, cất nhắc những phần tử trung thực và có nǎng lực thực sự thay thế.

6. Thủ tiêu các xung đột, xích mích giữa kháng chiến hành chính và chuyên môn.

C- Gây lại chính quyền trong vùng địch tạm chiếm

1. Kiên quyết phá tề, phá chính quyền bù nhìn trong các đô thị.

2. Gây lại chính quyền ta vững chắc về mọi mặt.

D- Về giáo dục

1. Phát triển giáo dục cho đều: tiếp tục diệt nạn mù chữ, mở thêm trường sơ học, trung học, chấn chỉnh đại học.

2. Cải đổi chương trình cho hợp với kháng chiến và dân chủ mới (dạy thêm chính trị học cho học sinh, học thêm phần quân sự).

3. Mở lớp nghiên cứu chính trị cho các giáo sư. Mở trường sư phạm đào tạo giáo sư và dạy phương pháp dạy học mới.

4. Bộ quốc gia giáo dục ra sách giáo khoa, học san.

E- Ngoại giao

1. Ra sức tuyên truyền quốc tế, giành thêm sức ủng hộ của các lực lượng dân chủ thế giới.

2. Gửi các phái đoàn ra ngoại quốc.

F- Cải thiện công tác phòng gian trừ gian

(Xem nghị quyết về vấn đề này).

III. Công tác phòng gian và trừ gian

Công tác phòng gian và trừ gian trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công rất cần thiết. Các bộ phận Đảng, quân đội, chính quyền, các đoàn thể đều phải chú ý làm.

A- Đảng

1. Các cấp uỷ cần chú ý công tác trừ gian và phòng gian, mỗi khu, tỉnh đưa một số cán bộ vào công an để chấn chỉnh ngành đó.

2. Các chi bộ xã và chi bộ cơ quan chú trọng tổ chức phòng gian, nhấn mạnh vào nhiệm vụ của các đảng viên phải giữ bí mật. Phát triển đảng viên cần điều tra cẩn thận, đặc biệt trong bộ đội và vùng địch. Huấn luyện cho các đồng chí hiểu biết công tác điều tra và phòng gian.

Đảng viên từ chỗ này qua chỗ khác phải có sự giới thiệu về lý lịch cẩn thận thì mới công nhận.

3. Nguyên tắc bí mật cần được áp dụng triệt để trong khi đi lại của cán bộ trên đường hay ở quán nước, khi thuyên chuyển cơ quan, v.v.. Nhiệm vụ của người nào biết công việc của người ấy, không nên tò mò những chuyện bí mật của đoàn thể.

Những gì được biết về quân sự, chính trị không được vui miệng kháo nhau. Đả phá quan niệm tưởng đã là đồng chí không cần phải giữ bí mật.

4. Trong đoàn thể và các bộ phận chính quyền, cần tổ chức việc bí mật kiểm tra giám thị thường trực giữa các đồng chí và giữa quần chúng về hạnh kiểm, cách ǎn ở, sự giao thiệp của mọi người, ngay cả đối với những người hǎng hái nhất, tận tuỵ nhất. Nâng cao sự phê bình và tự phê bình. Xét lại lý lịch của các đồng chí và các nhân viên các ngành chính quyền, chỗ nào còn chưa rõ thì phải điều tra lại, chỗ nào nghi ngờ thì phải theo dõi và báo cáo lên cấp trên.

B- Bộ đội

1. Tuyển tân binh và cán bộ cần có lý lịch của mọi người, do chính quyền của địa phương xác nhận, đảng bộ địa phương phải giúp đỡ.

2. Mỗi quân nhân phải có một quyển sổ hạnh kiểm để ghi những điểm tốt, điểm xấu trong khi tại ngũ.

3. Đặt ngành hiến binh của quân đội để bắt và hỏi cung những quân nhân phạm lỗi.

4. Mở rộng Cục tổng thanh tra quân sự của Bộ Tổng tư lệnh để kiểm soát xuống tận đại đội, trung đội.

5. Chính trị Cục liên lạc với Cục tổng thanh tra cốt hiểu biết trình độ, xu hướng và nguyện vọng của quân đội để cho họ dạy dỗ quân nhân được thích hợp.

C- Chính quyền

1. Các cấp và các ngành chuyên môn tuyển nhân viên phải điều tra lý lịch cẩn thận và khi đề bạt không những xét những thành tích mà cũng cần xét lại các lý lịch của người sắp được đề bạt.

2. Các cấp chính quyền cần chú ý đến công tác phòng gian và trừ gian:

- Vạch cho dân chúng hiểu nhiệm vụ phải phòng gian.

- Khen thưởng dân chúng hoặc nhân viên đã khám phá được những ổ gian.

3. Chấn chỉnh công an và tình báo, cho cán bộ có nǎng lực, đề phòng sự lợi dụng của những phần tử xấu trong các ngành đó.

4. Nêu các cuộc xử bọn Việt gian để làm gương.

5. Nắm chắc giao thông bưu điện.

D- Tình báo, công an

1. Triệt để cấm tình báo không được bắt người trong khu vực tự do, quyền bắt người này phải do công an.

2. Công an đào tạo một số nhân viên chuyên môn về việc hỏi cung những can phạm.

3. Cho một số công an, tình báo ra ngoại quốc học.

4. Nha công an làm bản danh sách Việt gian trong toàn quốc, chia từng hạng tội nặng, nhẹ để theo dõi.

5. Các tình báo và công an thu thập tài liệu của uỷ ban điều tra đặc biệt vụ gián điệp Liên khu I để viết thành sách đem phổ biến.

6. Sưu tầm kinh nghiệm về sự tổ chức gián điệp của ta và của các nước để nghiên cứu và phổ biến trong công an và tình báo.

7. Huấn luyện cho công an trật tự và dân quân biết cách hỏi giấy.

E- Dân chúng và các đoàn thể

1. Dân chúng và các đoàn thể phải có ý thức về phòng gian và trách nhiệm phòng gian.

2. Các đoàn thể liên lạc với công an, tình báo hoặc chính quyền địa phương để lấy những kinh nghiệm và làm công tác phòng gian.

IV. Công tác kinh tế tài chính (1949)

1. Kinh tế của ta trong nǎm nay phải nhằm vào việc phát triển bộ phận kinh tế nhà nước nhất là kỹ nghệ quốc phòng, chú trọng đến nông nghiệp, thủ công nghiệp, tiểu kỹ nghệ, chưa nên chú trọng đại kỹ nghệ vì hoàn cảnh chưa cho phép, chú trọng xây dựng hợp tác xã.

2. Nǎm nay phải nỗ lực hơn nữa trong việc tǎng gia sản xuất để có thể tự túc không những trong toàn quốc mà cả tự cấp tự túc trong từng địa phương (trong phạm vi có thể), nhưng không được quên tìm cách phân phối và điều hòa nguyên liệu, sản vật giữa các khu vực.

3. Tiến tới lập được chương trình kế hoạch cho thành phần kinh tế nhà nước.

- Bắt đầu đi từ dưới lên trên, từ các bộ phận tới toàn thể: mỗi một xí nghiệp quốc gia phải có chương trình kế hoạch riêng và tất cả những chương trình kế hoạch của các xí nghiệp quốc gia thuộc một ngành hay một bộ phải phối hợp lại thành một chương trình kế hoạch chung của ngành hay của bộ đó.

Tất cả chương trình kế hoạch của các ngành, các bộ phận ấy phối hợp lại thành kế hoạch chung toàn quốc của thành phần kinh tế nhà nước.

- Thành lập Hội đồng kinh tế trung ương gồm các Bộ Tài chính, Kinh tế, Canh nông, Lao động và Giao thông công chính để phối hợp điều hoà chương trình kế hoạch của các bộ ấy. Các khu cũng phải có những cuộc hội nghị kinh tế để phối hợp, điều hoà chương trình kế hoạch của địa phương mình.

4. Phải đặt và giải quyết vấn đề mở mang các doanh nghiệp quốc gia, bắt đầu xây dựng một ít kỹ nghệ cǎn bản trong những địa phương mà mặt trận đã ổn định.

5. Xây dựng hợp tác xã sản xuất (nông nghiệp, thủ công nghiệp), hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã vận tải. Các hợp tác xã này phải song song phát triển.

Hợp tác xã phải dựa trên cǎn bản lao động hợp tác (hội hợp công) hơn là góp vốn vì như thế sẽ dễ biến hợp tác xã thành hội cổ phần trá hình.

6. Xúc tiến việc điều tra nông thôn để dự bị ngay từ giờ một chương trình cải cách ruộng đất bảo đảm khi có điều kiện làm.

7. Giúp đỡ dân thiểu số cải thiện phương pháp canh tác. Chú ý nơi nào quen cấy một mùa thì phải tìm cách làm cho dân chúng biết cách cấy hai mùa.

8. Tiếp tục thi hành triệt để nghị quyết giảm tô của Hội nghị lần thứ nǎm.

9. Lập hội đồng hóa giá. Cương quyết trừng trị bọn đầu cơ tích trữ, thi hành chính sách giá cả để điều hòa giá cả các sản phẩm kỹ nghệ và nông nghiệp.

10. Tìm cách giao dịch buôn bán với các nước dân chủ mới.

11. Hợp lý hóa việc vận tải giao thông, lập thể lệ vận tải, trị bọn đầu cơ về vận tải, kê khai các dụng cụ rải rác khắp các nơi.

12. Đặc biệt chú ý việc tiếp tế muối, gạo cho Việt Bắc; củng cố các vùng cǎn cứ địa bằng sự giúp đỡ phát triển kinh tế nhân dân ở vùng ấy.

13. Bỏ lối đánh thuế bất công và không dân chủ như lối nhất tam quy nhị, cần phải thi hành thuế lợi tức lũy tiến. Đánh thuế những hàng bán vào vùng địch để rút hạ sự chênh lệch giá cả giữa vùng tự do và vùng địch tạm chiếm và để bảo vệ giá trị tiền Việt Nam.

14. Cấm lưu hành tất cả các thứ bạc của địch còn lại trong nước ta (bạc 1 đồng và bạc hào Đông Dương).

15. Tiếp tục bán công phiếu kháng chiến, gửi bán công phiếu kháng chiến cho đồng bào hải ngoại, mở ngoại thải. Đặt quỹ tham gia kháng chiến do sự đóng góp của mọi công dân (quân đội, du kích thoát ly, phụ nữ được miễn đóng quỹ này).

16. Tuyên truyền mạnh về đồng bạc Đông Dương phá giá, vận động ráo riết hơn nữa việc tẩy chay và chống thuế trong vùng địch, tìm cách tịch thu các quỹ thuế của địch đã thu của dân trong vùng địch tạm chiếm để đánh mạnh vào nền tài chính của địch.

17. Tín dụng sản xuất không những chú trọng cho những người lao động sản xuất lẻ tẻ vay mà còn phải cho những hợp tác xã sản xuất vay.

18. Cải thiện công việc kế toán và tổ chức việc kiểm soát cho chặt chẽ (chú ý về tài chính) tổ chức sự kiểm soát từ dưới lên (chú ý cho đại biểu nghiệp đoàn và đại biểu nông dân tham gia các cuộc hội nghị kinh tế tài chính. Chú ý khám phá những việc gian lận về đổi bạc để trừng trị, v.v.).

19. Mở cuộc vận động tiết kiệm rộng rãi trong Đảng, chính quyền, dân chúng, triệt để thi hành chính sách tiết kiệm từ việc nhỏ đến việc lớn.

20. Điều động một số cán bộ khá phụ trách kinh tế tài chính để có thể thực hiện kinh tế của Đảng, chú ý đến các tỉnh. Đào tạo cán bộ kinh tế tài chính, giáo dục lại cán bộ tài chính, gửi học viên đi du học nghiên cứu khoa kinh tế tài chính để đào tạo thành cán bộ chuyên môn đắc lực.

V. Nhiệm vụ ban thi đua và công tác thi đua

A- Nhiệm vụ ban thi đua các cấp, các ngành

Ban thi đua chính quyền cũng như ban thi đua các cấp ủy Đảng, các đoàn thể quần chúng chỉ có mấy nhiệm vụ như sau:

1. Đặt kế hoạch chung và giúp phương pháp tổ chức thi đua để thực hiện chương trình kế hoạch thi đua do chính quyền, Đảng và Ban Chấp hành các đoàn thể đặt ra.

2. Việc tuyên truyền cổ động thi đua thì Ban thi đua cộng tác với các cơ quan tuyên truyền của Chính phủ, các cấp ủy Đảng, các đoàn thể.

3. Sưu tầm tổng kết và phổ biến kinh nghiệm thi đua.

Đặt chương trình, kế hoạch theo dõi, điều khiển, kiểm tra thi đua về chính quyền và chuyên môn do Chính phủ, các bộ và các cấp hành chính kháng chiến chuyên môn phụ trách; về Đảng do các cấp ủy; về các đoàn thể quần chúng do Ban Chấp hành của đoàn thể ấy phụ trách.

B- Đặt chương trình kế hoạch thi đua

1. Để kế hoạch hóa những bộ phận kinh tế có đủ điều kiện như các ngành kỹ nghệ quốc gia, đoàn thể, v.v..

2. Các bộ trong Chính phủ, ngoài chương trình kế hoạch cho các tổ chức nội bộ của mình, còn phải có phần chương trình kế hoạch thi đua cho nhân dân.

3. Đề nghị Chính phủ sau khi các bộ đã có chương trình kế hoạch, triệu tập một hội đồng gồm các vị Bộ trưởng, các nhà chuyên môn và đại biểu các đoàn thể để lập thành một chương trình kế hoạch phối hợp.

4. Chương trình kế hoạch thi đua của các đoàn thể phần chính là việc tham gia thi đua và lãnh đạo nhân dân.

5. Các cấp bộ Đảng phải có chương trình kế hoạch thi đua mọi mặt (chú trọng đặt kế hoạch tổ chức và lãnh đạo thi đua chung).

6. Cấp trên hướng dẫn cấp dưới đặt chương trình kế hoạch, đặc biệt chú trọng đặt kế hoạch cho các đơn vị cǎn bản như xã, nhà máy, đại đội, nhà trường, công sở, v.v..

C- Chấn chỉnh ban thi đua các cấp, các ngành

1. Ban thi đua các cấp, các ngành phải cử người chuyên trách, không nên đặt ra lấy lệ.

2. Ban thi đua cấp trên, cấp dưới và các ngành ở một địa phương phải mật thiết liên lạc để trao đổi ý kiến và kinh nghiệm về tổ chức thi đua.

D- Huấn luyện cán bộ

Cấp nào cũng phải tổ chức việc huấn luyện cán bộ thi đua và trước hết huấn luyện cán bộ xã.

E- Phương pháp phát triển phong trào thi đua

1. Dùng phương pháp "vết dầu loang": Phong trào thi đua hiện nay chưa được lan rộng và đi sâu vào nhân dân. Cần phải phát triển cho phong trào đi vào thực tế. Các cấp đảng bộ, các cấp chính quyền và đoàn thể nhân dân phải tập trung nǎng lực vào từng nơi để gây phong trào, làm xong nơi này hãy qua nơi khác.

Mỗi khu, mỗi huyện, mỗi tỉnh đều nên làm như thế. Khu làm, gọi các tỉnh về dự; tỉnh làm, gọi các huyện về dự. (Cách thức làm thế nào Ban Thi đua Trung ương đã gửi đi các nơi rồi).

2. Nêu gương thi đua kiểu mẫu để tuyên truyền: Muốn cho phong trào thi đua phát triển mạnh và nhân dân biết rõ kết quả của thi đua từng địa phương, nên nêu những gương mẫu thi đua để vận động như một xã kiểu mẫu, một chiến sĩ, một anh hùng thi đua, v.v..

3. Nhằm trọng tâm thi đua: Bất kỳ chỗ nào cũng thi đua, bất kỳ việc gì cũng thi đua, nhưng phải nhằm trọng tâm của nó. Nǎm 1949, mọi việc đều xoáy vào hướng chính là thực hiện thế cầm cự ngày càng lợi cho ta và chuẩn bị tổng phản công. Thi đua cũng nhằm hướng chính ấy, không nên chǎm chú vào những lặt vặt mà sao lãng trọng tâm. "Kháng chiến trên hết, tất cả để chiến thắng" là khẩu hiệu hoạt động của chúng ta nǎm nay.

4. Tổng kết và công bố kết quả: Tuy cuộc thi đua nǎm ngoái mới chỉ là bắt đầu được nửa nǎm. Việc tổng kết và chấm thi tuy khó nhưng phải cố làm để nêu rõ những kết quả đầu tiên đặng động viên tinh thần và kịp sửa chữa những sai lầm đã mắc.

G- Phổ cập và thống nhất quan niệm thi đua

1. Thi đua là một phương pháp làm việc được tốt, đẹp, nhiều và nhanh chóng hơn.

2. Thi đua không phải là một công tác riêng biệt, phải gắn chặt với công tác hằng ngày, phải áp dụng ngay trong công tác hằng ngày.

3. Thi đua là một phương pháp lâu dài chứ không phải chỉ nhất thời.

4. Trong khi thi đua phải biết phối hợp lợi ích riêng với lợi ích chung. Cốt cho mọi người đều thấy thi đua có lợi ích thực tế và thêm hǎng hái.

VI. Công tác mặt trận và dân vận

1. Nhiệm vụ của Mặt trận dân tộc trong nǎm 1949

- Vận động toàn dân chuẩn bị để kịp thời lợi dụng những biến chuyển lớn của tình hình thế giới để đưa cuộc kháng chiến tiến sát đến thắng lợi, đồng thời bắt đầu xây dựng cơ sở cần yếu cho cuộc kiến thiết.

- Động viên toàn dân để phát triển du kích chiến tranh nhất là trong vùng địch, gây phong trào khuyến khích thanh niên tòng quân.

- Vận động nhân dân củng cố chính quyền dân chủ, phá tan chính quyền bù nhìn.

- Vận động cải cách ruộng đất, thực hiện giảm tô 25%.

- Chấn chỉnh và mở rộng phong trào thi đua ái quốc.

- Liên lạc chặt chẽ với nhân dân Miên, Lào chống thực dân Pháp.

- Tích cực gây cơ sở Mặt trận trong vùng địch.

2. Thống nhất Việt Minh và Liên Việt

- Tuyên truyền rộng rãi trong thân sĩ, trí thức và quảng đại nhân dân cho họ hiểu và tham gia nhiệt liệt vào việc xây dựng một Mặt trận dân tộc duy nhất.

- Chú ý đặc biệt củng cố Việt Minh, các đoàn thể phải được gấp củng cố và thống nhất thực sự tới khu.

- Chú ý phát triển Liên Việt cho tới xã, thống nhất Liên Việt tới trung ương, phát triển Liên Việt về bề rộng lẫn bề sâu, nhất là những nơi địch hay những nơi có công giáo.

- Đưa đại biểu, các đoàn thể vào Liên Việt, chuyển cán bộ sang hoạt động thực sự cho Liên Việt.

- Giúp cán bộ Mặt trận thực hiện chương trình nǎm 1949 do Trung ương đề ra trong hội nghị cán bộ Tổng bộ Việt Minh.

- Sửa soạn Đại hội Việt Minh và Hội nghị cán bộ Liên Việt Trung ương sau Đại hội Đảng để chính thức thống nhất Việt Minh - Liên Việt.

- Tổ chức lại kinh tế tài chính cho phân minh, tách hẳn kinh tế tài chính của Đảng và của Việt Minh riêng. Định rõ trước những phần nào sẽ chuyển sang Liên Việt khi hợp nhất như tài sản của tờCứu quốc, giao thông, điện đài, v.v.. Chú ý sưu tầm tài liệu và thành tích của Việt Minh, dự bị cán bộ đưa sang Liên Việt để khi hợp nhất khỏi xảy ra nghi kỵ hay lúng túng.

3. Phân biệt công tác của Đảng và Mặt trận

- Đảng ta chủ trương đường lối, lãnh đạo mọi mặt, Đảng đoàn Mặt trận phải đặt kế hoạch chi tiết phổ biến trong các tổ chức nhân dân cho dễ hiểu, không nên đem lắp nguyên vǎn chủ trương của Đảng.

- Trừ trường hợp đặc biệt, Đảng có thể ra kế hoạch chi tiết cho đảng đoàn vận động nhân dân tích cực thi hành.

4. Những phương tiện hoạt động của Mặt trận

- Thêm cán bộ có nǎng lực, trình độ chính trị, vǎn hóa cho Mặt trận.

- Phải gây nền tài chính độc lập cho Mặt trận.

- Các Ban Chấp hành của Mặt trận phải có đủ đại biểu các giới.

- Chỉnh đốn bộ máy giúp việc của Mặt trận.

5. Sửa đổi cách làm việc của các giới

- Phải xây dựng các tổ chức quần chúng làm cho tự động và tự lập công tác.

- Mở rộng Ban Chấp hành các đoàn thể quần chúng, cần thi hành Nghị quyết Hội nghị cán bộ lần thứ nǎm (số đảng viên không quá 1 phần 2 trong Ban Chấp hành các giới).

- Cấp ủy Đảng phải trọng tính cách dân chủ và độc lập của các tổ chức quần chúng, tránh điều động cán bộ luôn luôn. Tóm lại, phải giúp đảng đoàn thực sự nắm phong trào, chỉ huy thông suốt từ trên xuống dưới.

- Chú ý dìu dắt huấn luyện hội viên để họ trở thành cán bộ quần chúng tốt.

6. ở những nơi địch kiểm soát mà ta hoạt động được, chú ý:

- Củng cố tinh thần nhân dân.

- Gây dựng ngay cơ sở quần chúng.

- Vận động các giới triệt để phá hoại kinh tế địch, nhất là kéo được giới công nhân ra vùng tự do.

- Phát động phong trào võ trang tranh đấu làm tê liệt các bộ máy của địch.

7. Trong việc vận động các giới phải đặc biệt chú ý hai giới công nhân và nông dân. Phải chú trọng miền núi, vùng công giáo, nơi nào xung yếu phải tǎng thêm cán bộ đến để hoạt động.

8. Vận động các giới cải thiện dân sinh

- Các giới phải ra sức vận động thi hành.

- Định lương tối thiểu, các khoản phụ cấp cho lao động.

- Thực hiện giảm tô 25%, quân cấp công điền cho hợp lý, khuyến khích tǎng gia sản xuất, gây dựng hợp tác xã, cải cách nông nghiệp để cải thiện đời sống cho nhân dân.

9. Các ngành chính quyền, quân sự và các đoàn thể phải liên lạc mật thiết với nhau hơn nữa để giúp đỡ nhau trong những trường hợp cần thiết, các đồng chí phụ trách các ngành chuyên môn cần cho các ngành dân vận biết trước các vấn đề đem thi hành, các đoàn thể quần chúng phải nhằm những kế hoạch của các ngành chuyên môn mà vận động nhân dân thực hiện và trong công tác vận động các giới thì đồng chí phụ trách dân vận cần phải biết nhờ đến chính quyền giúp đỡ mà làm lợi cho công tác.

10. Sắp xếp lại cán bộ các giới, chấn chỉnh lại đảng đoàn và đoàn thể quần chúng

- ấn định cho mỗi giới một số cán bộ làm trụ cột phong trào, Đảng không nên thay đổi luôn số cán bộ này, nên để họ chuyên hoạt động các giới.

- Đoàn thể quần chúng có quyền điều động số cán bộ kể cả các đồng chí đảng (đảng đoàn phải chịu trách nhiệm lãnh đạo việc điều động này).

- Đoàn thể quần chúng cũng phải chú ý đào tạo cán bộ quần chúng cung cấp cho Đảng.

- Chú ý gây tinh thần và ý thức trách nhiệm cho cán bộ các giới, dìu dắt lý luận cho cán bộ, giúp cho họ phương tiện hoạt động, nhất là về chủ trương và đường lối của Đảng.

- Sinh hoạt đều đặn với Đảng và kiểm soát công việc của đảng đoàn.

VII. Nhiệm vụ và công tác nội bộ đảng nǎm 1949

A- Ra sức đào tạo cán bộ

1. Cán bộ chính quyền

a) Cho đảng viên vào học các trường chuyên môn do Chính phủ mở.

b) Các đồng chí hiện đang công tác trong các cơ quan chuyên môn phải học tập tinh thông nghề của mình.

c) Tuyên truyền giác ngộ các nhà chuyên môn ngoài Đảng để tổ chức họ vào Đảng, phái đảng viên vào dạy chính trị trong các trường chuyên môn của Chính phủ, mở các lớp nghiên cứu chính trị cho các nhà chuyên môn để dìu dắt họ theo đường lối chính sách của Đảng.

d) Cho đồng chí đi nuớc ngoài học chuyên môn.

2. Cán bộ dân vận và cán bộ công tác nội bộ

a) Mạnh dạn cất nhắc cán bộ.

b) ấn định số cán bộ chuyên môn cho các ngành dân vận.

c) Mở lớp đào tạo cán bộ tuyên huấn, đảng vụ, thanh, phụ, công, nông vận, v.v..

B- Nâng cao trình độ chính trị và lý luận của đảng viên

1. Tất cả đảng viên phải học tinh thông đường lối, chính sách của Đảng: học tập chủ nghĩa, học tập chiến lược, chiến thuật quân sự và những điều thường thức về công tác chính quyền, tổ chức đảng viên mới đến đâu phải huấn luyện hết đến đấy.

2. Phương pháp học tập

a) Lập tổ tự học ở mỗi cơ quan, mỗi tổ chức của Đảng.

b) Các trường Đảng mở luôn, liên tiếp, phân công rành mạch giữa trường của Trung ương, khu và tỉnh.

c) Ban tuyên huấn ra các sách phổ thông và in lại một số tài liệu cǎn bản tiếng Pháp.

3. Chương trình huấn luyện phải đi sâu vào mọi vấn đề chính, tránh ôm đồm quá nhiều trong một khóa học. Soạn và thống nhất chương trình huấn luyện cho huyện, tỉnh.

4. Kiện toàn các Ban tuyên huấn.

5. Thực hiện việc gây kiến thức phổ thông cho cán bộ.

C- Củng cố chi bộ

1. Làm cho mọi chủ trương của Trung ương thấu suốt đến chi bộ.

2. Đẩy mạnh cuộc vận động gây chi bộ tự động công tác.

a) Thống nhất nhận định về chi bộ tự động công tác theo Nghị quyết của Hội nghị cán bộ tổ chức từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 11 nǎm 1948.

b) Tại các cấp ủy từ trung ương đến tỉnh phải thành lập tiểu ban chi bộ trong Ban đảng vụ để theo dõi và rút kinh nghiệm cho việc xây dựng chi bộ tự động.

c) Nêu gương chi bộ kiểu mẫu xí nghiệp, xã miền xuôi, miền ngược và đại hội.

d) Trung ương ra quyển "Nội quy chi bộ".

D- Tiếp tục phát triển Đảng mạnh mẽ ở khắp nơi

1. Nam Bộ và Nam Trung Bộ chú ý đặt chương trình thi đua xây dựng Đảng. Chú ý tránh phát triển bừa bãi và phải phối hợp với thi đua toàn dân.

2. Xây dựng Đảng bộ Miên - Lào (các Liên khu uỷ IV, X, Nam Trung Bộ và Xứ ủy Nam Bộ đều có trách nhiệm).

3. Phát triển Đảng mạnh mẽ hơn nữa trong công nhân. Chú ý phát triển trong giới phụ nữ, chuyên môn và dân tộc thiểu số.

E- Phát triển và củng cố cơ sở trong vùng địch tạm chiếm

1. Đặc biệt chú trọng những thành phố lớn, các cơ sở kinh tế và các vùng chiến lược của địch.

2. Cho một số cán bộ quen thuộc có kinh nghiệm hoạt động bí mật và có điều kiện trở về các vùng kể trên để hoạt động.

3. Huấn luyện công tác bí mật cho cán bộ hoạt động vùng địch. Chống bệnh khinh địch, phiêu lưu, không giữ gìn cơ sở, chống chủ nghĩa hình thức, nhưng cũng chống hữu khuynh, thủ tiêu tranh đấu.

F- Sửa đổi lối làm việc

1. Các cấp ủy lãnh đạo công tác phải nhìn mọi mặt, bỏ lối giải quyết cá nhân, cục bộ.

2. Tiếp tục việc mở rộng dân chủ trong Đảng, một mặt tǎng gia tinh thần kỷ luật của đảng viên và cán bộ. Đề cao phê bình và tự phê bình (tiếp tục nghiên cứu quyển Sửa đổi lối làm việc) và kiểm soát việc nghiên cứu ấy.

3. Kiện toàn công tác kiểm tra. Các Ban kiểm tra phải thêm người có nǎng lực và làm việc có kế hoạch.

4. Sửa đổi mối quan hệ sai lệch hiện tại giữa Đảng và các hội quần chúng. Sửa đổi lối điều động vô nguyên tắc đối với cán bộ Đảng hoạt động trong các hội quần chúng.

5. Điều động cán bộ hợp lý, tránh điều động lắt nhắt. Giúp thêm cán bộ cho Nam Bộ, Miên, Lào.

6. Thi hành đúng chế độ chính ủy trong bộ đội.

7. Thực hiện việc đúc kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm.

8. Báo cáo phải đều, mau lẹ, chú trọng các kết quả công tác, ưu khuyết điểm, có nhận xét và đề nghị.

9. Hợp lý hóa cách khai hội cho đỡ tốn thì giờ, tốn tiền.

10. Kiện toàn giao thông liên lạc.

11. Đẩy mạnh tinh thần thi đua giữa các đảng bộ, cán bộ và đảng viên.

G- Tổ chức việc phòng gian trong Đảng

(Xem nghị quyết về phòng gian và trừ gian).

H- Mạnh dạn tuyên truyền chủ nghĩa Đảng

1. Trong các dịp thuận tiện, chọn đảng viên xứng đáng đứng ra công khai tuyên truyền chủ nghĩa và lập trường của Đảng.

2. Các báo Sự thật, Mácxít (Nam Bộ), v.v. có bài về thái độ người cộng sản đối với các vấn đề chính trị quan trọng trong nước và thế giới.

3. Mở rộng nội san của Đảng cho số người cảm tình xem.

I- Chuẩn bị Đại hội lần thứ II của Đảng

1. Trung ương sửa soạn đề án cho kịp thời. Có đề án riêng cho các chi bộ.

2. Các địa phương phải gửi báo cáo tình hình mọi mặt về Trung ương trước tháng 3 nǎm 1949.

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.


1) Sắc lệnh 254: Ban hành ngày 19-11-1948 do Chủ tịch Hồ Chí minh ký, quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn, cách làm việc và sự phân công của các tổ chức chính quyền nhân dân các cấp trong thời kỳ kháng chiến (B.T).

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website