Nghị quyết Hội nghị Trung ương mở rộng, ngày 15,16,17-1-1948

I- Tình hình thế giới

Các lực lượng phản dân chủ và dân chủ, đế quốc và chống đế quốc trên thế giới đã dần dần sắp thành hai phe rõ rệt "Phe đế quốc phản dân chủ" và "Phe dân chủ chống đế quốc".

Đế quốc Mỹ vì muốn chiếm thêm thị trường và tránh nạn kinh tế khủng hoảng, đã cho ra kế hoạch Mácsan (Marshall) định kéo tất cả các nước trong thế giới tư bản, nhất là các nước Tây âu và thuộc địa của các nước ấy vào vòng kinh tế Mỹ, biến những nước ấy thành bán thuộc địa Mỹ. Để che đậy chính sách lũng đoạn xâm lấn ấy, Mỹ đã dùng khẩu hiệu bài Nga, diệt cộng để lôi kéo tất cả các nước tư bản, dùng tiền vàng đôla (mỹ kim) làm mồi nhử các nước mà kinh tế đã què kiệt trong cuộc đại chiến vừa rồi, đem chiến tranh nguyên tử ra doạ nạt và lừa bịp thế giới. Đồng thời Mỹ lập cǎn cứ quân sự khắp nơi, sửa soạn tiến công Liên Xô và các nước dân chủ mới. Bọn phản động Mỹ ngày nay dần dần đóng vai trò của bọn phát xít Đức trước kia.

Các nước tư bản, từ Anh, Pháp, ý trở xuống, lần lượt quy hàng Mỹ, tuân theo mệnh lệnh Mỹ. Chống lại chính sách xâm lược của Mỹ, chống lại những hành động phản dân chủ, phản quốc của bọn thân Mỹ trong nước, nhân dân các nước Tây Âu nhất là giai cấp thợ thuyền Pháp, ý, Đức đã tranh đấu mãnh liệt.

Phong trào tranh đấu giành độc lập của các dân tộc nhỏ yếu đang sôi nổi. Nội chiến ở Trung Hoa ngày một lan rộng. Cuộc đại phản công của Quân giải phóng Trung Hoa đang đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghĩa và cuộc cách mạng ruộng đất ở Trung hoa. Quân giải phóng Trung Hoa đã lập được cǎn cứ sát biên giới Bắc Bộ.

Cuộc kháng chiến Nam Dương và chiến tranh du kích của nhân dân Hy Lạp và Mã đảo1) vẫn tiếp tục.

Mặt trận dân chủ và hoà bình, mặt trận chống đế quốc, chống Mỹ và các hạng tay sai của chúng đang thành lập và lan rộng trên thế giới.

Liên Xô mạnh dần đứng đầu phe dân chủ, cùng các nước dân chủ mới ở Đông Âu và Ban Cǎng chống kế hoạch Mácsan, chống chính sách lũng đoạn, doạ nạt và lừa bịp của Mỹ. Kế hoạch 5 nǎm đầu tiên sau chiến tranh đang tiến tới chỗ hoàn thành trước hạn định. Liên Xô đã chế được bom nguyên tử, các thứ vũ khí tinh xảo mới để phòng ngự, khiến cho bọn phản động thế giới phải gờm.

Tháng 9-1947, Hội nghị 9 Đảng Cộng sản châu Âu họp ở Ba Lan lập ra "Ban Thông tin quốc tế" (Kominform) để liên lạc và thống nhất hành động giữa các Đảng Cộng sản châu Âu. Cuộc hội nghị trọng yếu này vạch rõ nguy cơ Mỹ, vạch rõ thủ đoạn gian dối của kế hoạch Mácsan, lật mặt nạ các hạng tay sai đế quốc, nhất là bọn xã hội dân chủ Âu, Mỹ và bọn phản quốc ở thuộc địa và bán thuộc địa, phê bình chính sách nhu nhược của mấy Đảng Cộng sản Tây Âu, phá những ảo tưởng cải lương và đại nghị, vạch rõ khuynh hướng sợ Mỹ, khuynh hướng đánh giá quá cao lực lượng bọn phản động thế giới và đánh giá quá thấp lực lượng thợ thuyền, vạch rõ nhiệm vụ cho các Đảng Cộng sản Tây Âu phải liên hiệp hành động, chuẩn bị tranh đấu võ trang, bảo vệ chế độ cộng hoà dân chủ, bảo vệ những thắng lợi đã giành được trong cuộc chiến tranh chống phát xít vừa qua.

Tình hình Pháp đáng cho ta chú ý, bọn phản động Pháp lợi dụng sự phản bội của các phần tử xã hội dân chủ (Bờlum, Mutê) và được tài phiệt Mỹ thúc đẩy, nâng đỡ, đã gạt Đảng Cộng sản ra khỏi Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội. Chúng đang thi hành chính sách bóc lột dân Pháp rất nặng nề, để bù lại sự thiệt thòi trong cuộc chiến tranh vừa qua và để theo đuổi chiến tranh thuộc địa.

Thợ thuyền Pháp đã bãi công kịch liệt, đòi bỏ các đạo luật phản động, đòi cải thiện sinh hoạt. Đảng Cộng sản Pháp sau khi sửa chữa đường lối, đang tích cực chuẩn bị tranh đấu võ trang để cản đường bọn Đờ Gôn, đầy tớ Mỹ, giữ gìn độc lập và dân chủ cho nước Pháp. Có thể có ba trường hợp xảy ra ở Pháp:

Một là: lực lượng dân chủ Pháp, do Đảng Cộng sản Pháp lãnh đạo trội hẳn lên và kịp thời đè bẹp lực lượng phản động của bọn Đờ Gôn xuống, để thực hiện chế độ dân chủ mới ở Pháp.

Hai là: lực lượng phản động Pháp mạnh lên, đủ đàn áp lực lượng dân chủ của nhân dân Pháp và thực hiện chế độ độc tài cá nhân của Đờ Gôn.

Ba là: cả hai lực lượng dân chủ và phản dân chủ ở Pháp cùng thi nhau lướt tới, và đến một trình độ nào đó, cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp trở nên sâu sắc đến cực điểm và lúc đó nội chiến có thể nổ ra.

Nếu nội chiến Pháp nổ ra, phản động Mỹ sẽ công khai can thiệp vào tình hình Đông Dương. Phản động Pháp, Mỹ, Tàu, Anh sẽ dần câu kết với nhau trong việc đàn áp cách mạng Việt Nam, cách mạng Tàu, và cách mạng Đông Nam á châu. Lúc đó, một mặt cách mạng Đông Dương sẽ gặp nhiều khó khǎn hơn trước, nhưng một mặt khác lực lượng phản động Pháp sẽ bị chia sẻ. Thực dân Pháp sẽ phải giữ một phần lớn lực lượng ở Pháp và ở các thuộc địa châu Phi và các thuộc địa Pháp đang nằm im, sẽ nhân cơ hội thuận tiện nổi dậy. Cuộc vận động phản chiến của binh lính Pháp ở Đông Dương sẽ hoà nhịp với nội chiến Pháp mà tiến triển mạnh, Mỹ trực tiếp can thiệp vào Đông Dương thì mâu thuẫn giữa Pháp, Mỹ tại Đông Dương sẽ sâu sắc hơn. Bọn bù nhìn thân Pháp đâm ra hoang mang. Phe thân Pháp và Việt gian thân Mỹ sẽ trở nên gay go quyết liệt. Mỹ đồng thời công khai can thiệp vào cách mạng Tàu và Việt Nam là một dịp cho cách mạng hai nước hoà nhịp tiến bước.

Tất cả những dân tộc yếu ở châu á liên kết chặt chẽ với nhau thống nhất hành động với cách mạng Tây Âu. Mặt trận dân chủ và hoà bình thế giới được thêm cơ hội phát triển và củng cố để cùng diệt thù chung là chủ nghĩa đế quốc đặng giải phóng cho mình.

II - Việt Bắc kháng chiến anh dũng

Để mở cuộc tấn công Việt Bắc, địch đã chuẩn bị hàng sáu tháng, đã tập trung 1 vạn 5 ngàn quân tinh nhuệ, dùng cả hải, lục, không quân và tất cả các thứ võ khí tinh xảo. Chúng đã táo bạo áp dụng chiến thuật nhảy dù nhiều điểm sâu trong cǎn cứ ta, để đánh những vố bất ngờ. Tuy về phía ta có nhiều khuyết điểm (đoán mưu mô địch chưa đến nơi, các bộ máy tình báo, liên lạc, thông tin, tổ chức chưa được hoàn bị, các khu đồng bằng Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ tiếp ứng Việt Bắc một cách yếu ớt) nhưng nhờ bộ đội ta đã dần dần quen tác chiến, bộ chỉ huy ta học được những kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh; lại chế được vài thứ vũ khí mới, nên ta đã trả lời địch một cách xứng đáng, làm cho chúng thua thiệt nặng nề (trong vòng hai tháng 6.000 quân Pháp vừa chết vừa bị thương, bộ đội Pháp mất tinh thần, mất nhiều cán bộ chỉ huy, 16 máy bay bị hạ, 11 tàu chiến, ca nô bị chìm... súng đủ các cỡ bị phá hoặc bị cướp, binh lính địch tinh thần càng thêm dao động, chán nản chiến tranh...).

Trong Nam Bộ, bộ đội ta sau thời kỳ tổ chức phức tạp lúc đầu nay đã được chỉnh đốn lại và đã thu được khá nhiều thành tích và kinh nghiệm. Nó đã thật có tính chất một đội quân du kích của nhân dân, trưởng thành và rèn luyện trong lò lửa kháng chiến, từ cuộc chiến đấu gian khổ của nhân dân mọc lên. Từ chủ trương tránh đánh các đồn, chỉ phục kích đánh lẻ cướp võ khí, nay đã tiến lên trình độ đuổi địch ra khỏi các vị trí lẻ, dồn chúng về các thành thị, đánh những trận tiêu hao và tiêu diệt, chết hàng trǎm địch, thu được khá nhiều võ khí, và thỉnh thoảng đột kích vào các châu thành.

Cuộc phản công thắng lợi ở Việt Bắc và chiến tranh nổi mạnh ở miền Nam đã gây thêm tinh thần nỗ lực phấn khởi trong toàn dân, tǎng thêm tin tưởng ở tiền đồ kháng chiến vẻ vang của dân tộc. Nó chứng tỏ Việt Nam nước nhỏ, không có cǎn cứ địa chắc chắn, biên giới có thể bị bao vây, võ khí kém, nhưng với sự đoàn kết và cố gắng của toàn dân, dưới chế độ dân chủ cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hồ Chí Minh và của Hội, vẫn có thể kháng chiến thắng lợi. Tuy lực lượng địch chưa thật kiệt quệ, tuy chúng còn có thể cố gắng vơ vét lực lượng trong nước và thuộc địa, tuy chúng có thể cầu cứu bọn phản động thế giới để đánh ta những trận ác liệt hơn nhiều, nhưng một sự thật ai cũng nhận thấy là: về phía chúng, các khả nǎng chiến tranh đã giảm sút, còn về phía ta, các khả nǎng kháng chiến đã tǎng thêm và sẽ càng tǎng thêm. Lực lượng so sánh giữa ta và địch đã biến chuyển. Đã đến lúc chúng không thể tự do tung lực lượng ra chiếm đất ta một cách dễ dàng như trong thời kỳ kháng chiến toàn quốc mới nổ.

Nếu ta tích cực và mau lẹ phát triển ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, thì chẳng bao lâu ta sẽ kết thúc hẳn giai đoạn phòng ngự, chuyển sang giai đoạn cầm cự và chiến dịch Việt Bắc là một cái đà cho ta nhảy sang giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến lâu dài.

III - Mưu mô của địch

Giặc Pháp cũng gặp khó khǎn và tự thấy suy yếu, sẽ càng gắng tâm góp lực lượng mưu đánh ta những vố quyết liệt.

Nǎm 1948 đồng thời là nǎm có nhiều triển vọng mới, nhưng cũng là nǎm kháng chiến rất gian khổ gay go.

Chiến tranh thực sự sẽ diễn ra khắp nước. Mấy tỉnh Bắc và Nam Trung Bộ bấy nay còn tương đối "yên ổn", sẽ bước vào vòng khói lửa. Hiện đã có nhiều triệu chứng địch sắp đánh Thanh, Nghệ, Tĩnh đến nơi. Chúng sẽ cố giải quyết mau, đóng quân ở nhiều điểm rồi càn quét. Đường giao thông liên lạc từ Bắc vào Nam đã khó khǎn sẽ khó khǎn thêm. Địch sẽ tấn công Việt Bắc một lần nữa, tấn công rộng lớn và quyết liệt hơn trận vừa rồi, vì chúng đã am hiểu tình hình Việt Bắc một phần nào. Chúng sẽ cố chiếm nhiều cứ điểm ở trung tâm Việt Bắc để bất cứ lúc nào cũng có thể quấy rối, uy hiếp cǎn cứ địa chung của ta.

Chúng sẽ càn quét dữ dội hơn ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Nam Bộ, tìm cách củng cố các hội tề, các hội đồng an dân. Chúng sẽ tổ chức thêm các chính quyền bù nhìn địa phương và đem Bảo Đại về lập Chính phủ bù nhìn toàn quốc, thành lập đội thân binh cho Chính phủ đó, thi hành chính sách "dùng người Việt hại người Việt".

Chúng sẽ cố lập những "vùng tự trị" Nùng, Thái, Mường, để chia cắt nước ta thêm, để đóng cửa biên giới của ta, chia rẽ dân đạo và dân không có đạo.

Mưu mô lập Chính phủ bù nhìn toàn quốc của thực dân Pháp hết sức thâm độc. Chúng chưa thỏa thuận được với Bảo Đại để lập ngay Chính phủ đó là vì quyền lợi giữa chúng và quyền lợi đế quốc Mỹ hiện có chỗ mâu thuẫn, quyền lợi giữa hai phe Việt gian thân Pháp (Xuân, Chi) và thân Mỹ (Tân, Tam) cũng không giống nhau.

Nhưng rồi đây vì cuộc nội chiến Tàu lan mạnh xuống Hoa Nam, phản động Pháp và phản động Mỹ cũng muốn ngǎn ngừa việc thống nhất hành động giữa Quân đội quốc gia Việt Nam và Quân giải phóng Trung Hoa, vì nguy cơ khủng hoảng kinh tế đe doạ bọn tư bản, Mỹ cần có "hoà bình", ở Đông Dương thì bọn phản động Pháp và phản động Mỹ có thể nhân nhượng nhau và các hạng Việt gian tay sai chúng cũng sẽ tiến tới chỗ tạm thời thoả thuận, một Chính phủ bù nhìn toàn quốc ở Việt Nam sẽ có thể thành lập.

Bọn bù nhìn và các chủ của chúng nhân nhượng nhau trên lập trường phá lực lượng kháng chiến của Việt Nam, nhưng không phải vì thế mà quyền lợi của chúng hết xung đột, và chính vì các chính quyền bù nhìn (chính phủ Việt gian toàn quốc và chính phủ Xuân) xung đột nhau, nên những chính quyền ấy sẽ bất lực và càng ngày càng lộ chân tướng.

Cố nhiên ta không phủ nhận những khó khǎn do việc thành lập chính phủ bù nhìn toàn quốc gây ra (địch mộ thân binh toàn quốc đem bắn quân và dân ta, chúng tuyên truyền lừa phỉnh, lôi kéo bọn quan lại, kỳ hào cũ, một số ít trong hàng ngũ dân tộc có thể hoang mang, dao động, v.v.). Nhưng bất cứ bọn bù nhìn nào cũng sẽ bị quốc dân phỉ nhổ, và chính sách "dùng người Việt hại người Việt" của bọn đế quốc, thực dân rốt cuộc nhất định sẽ thất bại.

IV- Nhiệm vụ nǎm mới

Cǎn cứ vào những nhận xét trên đây, hội nghị định ra mấy nhiệm vụ lớn như dưới:

a) Về quân sự: chuyển sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn cầm cự, đánh táo bạo, phản công bộ phận, nếu nuớc Pháp có biến lớn.

b) Về chính trị: củng cố toàn dân đoàn kết, phá chính sách "dùng người Việt hại người Việt" của thực dân Pháp, phá mọi chính quyền bù nhìn.

c) Về kinh tế tài chính: Phá kinh tế tài chính địch, thực hiện khẩu hiệu tǎng gia sản xuất, tự cấp tự túc, cải thiện dân sinh, tịch thu tài sản của bọn phản quốc cấp cho dân nghèo và bộ đội.

d) Về hành chính: Kiện toàn cơ quan hành chính từ trên đến dưới.

đ) Về vǎn hoá: Giáo dục động viên vǎn hoá thật sự tham gia kháng chiến, ủng hộ kháng chiến, đào tạo nhân tài và cán bộ cung cấp cho các ngành kháng chiến.

Muốn hoàn thành những nhiệm vụ ấy, các bộ phận quân, chính, dân phải có kế hoạch chung cho cả nǎm và kế hoạch cụ thể từng ba tháng một.

1. Chuyển sang giai đoạn thứ hai

Chiến dịch Việt Bắc đã mang lại cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc ta một chuyển biến lớn. Nó đẩy ta tiến sang giai đoạn cầm cự, giai đoạn thứ hai.

Để chuyển qua giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến lâu dài, nǎm nay quân và dân ta phải phá một cuộc tấn công mùa đông của địch, làm cho chúng thất bại nặng nề nếu chúng đánh vào mấy tỉnh miền Bắc Khu 4, phá cuộc càn quét của chúng ở Nam Bộ, một mặt phát triển dân quân, phát triển chiến tranh du kích khắp nơi, nhất là trong vùng địch kiểm soát, đồng thời tuỳ theo tình thế tập trung đánh vận động tiêu diệt địch, quét những đồn lẻ của địch, bắt địch thu hẹp địa bàn lại, đột kích những thành phố nhỏ, v.v.. Đuổi địch ra khỏi Việt Bắc, trước hết ra khỏi Bắc Cạn, Cao Bằng, Lào Cai. Mở rộng công tác biên phòng. Xúc tiến việc luyện quân lập công. Gây một phong trào học tập kinh nghiệm toàn quốc và kinh nghiệm Việt Bắc. Một mặt chỉnh đốn quân giới (chế nhiều lựu đạn tốt, võ khí thô sơ để võ trang toàn dân, chế địa lôi, thuỷ lôi khéo hơn, đồng thời chế cho nhiều mortier2) cỡ lớn, và bazooka3) để có thể tập trung hoả lực đánh các đồn địch), một mặt chỉnh đốn quân nhu, quân y để cải thiện việc trang bị và cấp dưỡng cho bộ đội. Cải thiện việc huấn luyện bộ đội và đào tạo cán bộ quân sự theo những kinh nghiệm mới nhất ngoài mặt trận: cải thiện giao thông liên lạc, tình báo của các cấp chỉ huy. Gia cường công tác chính trị, nhất là địch vận (chú ý cả lính Pháp, lính lê dương, lính bản xứ và lính thuộc địa). Quy định cấp bậc trong bộ đội và phong tặng các hạng tướng sĩ, thưởng phạt cho nghiêm minh.

Chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để chuyển qua những hình thức chiến đấu táo bạo và quyết liệt nếu bên Pháp có biến.

2. Chống chính quyền bù nhìn

Thừa lúc Pháp và Bảo Đại còn giằng co này mà tích cực vạch rõ mưu gian của địch định lập Chính phủ bù nhìn toàn quốc là cốt chia rẽ hàng ngũ dân tộc ta "dùng người Việt hại người Việt", làm cho dân ta nhận rõ thế nào là độc lập, thống nhất thực sự, lợi ích của chế độ cộng hoà dân chủ chân chính như thế nào.

Chế độ quân chủ hay quân chủ lập hiến quá thời thì hại ra sao. Tại sao trong việc lôi kéo Bảo Đại và lập bù nhìn toàn quốc có bàn tay Mỹ, Anh nhúng vào. Tại sao mâu thuẫn quyền lợi giữa Pháp, Mỹ và các hạng tay sai của chúng làm cho việc thống nhất bù nhìn toàn quốc ấy bị cản trở và giá phỏng chính phủ bù nhìn ấy thành lập, nhưng mâu thuẫn kia không những không hết mà còn gay go thêm. Vận động nhân dân biểu tình chống lập bù nhìn, ủng hộ chính phủ kháng chiến, vận động ngoại kiều phản đối cuộc đàm phán bất hợp thức giữa Pháp và Bảo Đại.

Tiêu diệt cán bộ bù nhìn của địch, đánh mạnh ngay gần các thành phố lớn, đột kích các thành phố nhỏ, phá hoại quấy rối ngay trong phố, khiến cho bọn bù nhìn do dự, sợ sệt.

Nếu chính phủ bù nhìn toàn quốc thành lập, thì tổ chức quần chúng biểu tình toàn quốc chống bù nhìn, vin vào những hứa hẹn của bù nhìn mà tranh đấu đòi thực hiện những hứa hẹn đó và thoả mãn những yêu sách chính đáng, làm cho quần chúng nhận rõ thủ đoạn lừa phỉnh và sự bất lực của bọn bù nhìn. Ra sức phá hội tề và trừ bọn tay chân của thực dân Pháp và của chính phủ bù nhìn ở thôn quê. Ra sức tuyên truyền thân binh, lính dõng, làm cho họ từ chỗ mật giao với ta, tiến tới chỗ vác súng chạy sang phía hàng ngũ dân tộc, dùng súng Pháp bắn Pháp. Đánh mạnh làm cho các hạng bù nhìn phải hoảng sợ hoang mang. Đề phòng các hạng công giáo, quan lại, kỳ hào cũ, cựu binh sĩ của Pháp, công chức và trí thức bảo hoàng, v.v.. Cổ động ai có sắc phong cũ của Pháp hay của Bảo Đại thì tự nguyện đốt đi. Kích thích sự xung đột giữa bọn bù nhìn thân Pháp và bọn bù nhìn thân Mỹ. Tìm hết cách li gián bọn bù nhìn với các chủ của chúng, và li gián các hạng bù nhìn với nhau.

Phương pháp phá hội tề của ta gồm mấy điểm dưới đây:

a) Nơi nào Pháp sắp lập hội tề, phải bắt bọn lưu manh, bọn nguy hiểm di cư, không cho Pháp dễ tìm cán bộ.

b) Nơi nào Pháp đã lập hội tề rồi, ta phải vừa dùng sức mạnh tiêu diệt hội tề, tước võ khí thân binh, vừa dùng chính sách thuyết phục, lôi kéo lợi dụng; tiêu diệt bọn ương ngạnh, lôi kéo bọn bất đắc dĩ phải nhận làm hội tề với địch, bọn còn đôi chút lương tâm.

c) Phá hội tề, nhưng cũng có nơi và có lúc phải cho người đứng ra nhận lập hội tề để dễ hoạt động. Nhưng mục đích lập hội tề đó chỉ là lợi dụng hình thức tổ chức hợp pháp trong vùng địch kiểm soát ngặt mà che đậy những hoạt động cách mạng, dùng mưu để lấy súng địch giết địch, điều tra tình hình địch, giúp đỡ bộ đội và du kích, dân quân tác chiến.

d) Lãnh đạo quần chúng nhân dân tranh đấu chống những thói hà lạm, hại nước, hại dân của hội tề, thúc đẩy hội tề phải đề những yêu sách của dân lên bọn Pháp, bắt chúng phải giải quyết những yêu sách ấy.

e) Cách lợi dụng hội tề không phải cố định. Lúc này lợi dụng nhưng lúc khác lại chủ trương cho hội tề và gia đình họ bỏ trốn sang khu vực ta kiểm soát, làm cho trật tự thôn quê của địch rối loạn.

3. Đoàn kết toàn dân chặt chẽ và rộng rãi hơn

Muốn kháng chiến lâu dài và giành thắng lợi cuối cùng, phải đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi toàn dân.

Khẩu hiệu đoàn kết là "Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết".

Phương châm đoàn kết là: Các giai cấp trong nước nhân nhượng quyền lợi với nhau để cứu vãn quyền lợi chung của dân tộc.

Hình thức mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp lúc này phải là Hội Liên Việt, Việt Minh là bộ phận trụ cột trong Liên Việt và Hội là đội tiên phong, bộ tham mưu lãnh đạo cả Mặt trận toàn dân.

Muốn đoàn kết toàn dân, kháng chiến lâu dài, phải vạch rõ mưu mô của địch định chia rẽ Trung, Nam, Bắc (đặc biệt là cắt Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ thành một nước riêng giao cho bù nhìn Xuân); chia rẽ người Kinh với quốc dân thiểu số, chia rẽ lương giáo, giàu nghèo. Cǎn cứ vào những tội ác của địch (nhất là đối với công giáo và quốc dân thiểu số) đối chiếu việc làm với lời nói của địch mà chỉ cho quốc dân biết rõ bộ mặt gian ác của chúng.

Một mặt tẩy trừ những khuynh hướng hẹp hòi của các đồng chí, của cán bộ hội hay cán bộ Việt Minh, nhất là thái độ hẹp hòi đối với phú hào, nhân sĩ, trí thức (Ví dụ: không chịu chia trách nhiệm kháng chiến, và giao quyền hạn cho họ, hoặc chia việc, chia quyền nhưng chỉ là hình thức bề ngoài để đối phó cho qua chuyện; không biết kêu gọi giúp đỡ các cha cố yêu nước lập thành đoàn thể, có thành kiến đối với đồng bào công giáo, có thành kiến với các cán bộ chuyên môn của thời Pháp thuộc, Nhật thuộc, mặc dầu họ đã tích cực tham gia kháng chiến, không chịu cộng tác chặt chẽ và nâng đỡ hơn, không gần gũi họ, v.v.).

Hiện nay Pháp đang ra sức vận động đồng bào công giáo bỏ hàng ngũ kháng chiến và lôi kéo quốc dân thiểu số chống Chính phủ. Ta phải đặc biệt chú ý việc vận động tôn giáo và thiểu số. Tìm hết cách chỉ cho họ thấy: chế độ cộng hoà dân chủ mang lại tự do, hạnh phúc thật cho họ, và kháng chiến có lợi cho họ cũng như toàn dân.

Nếu Mỹ can thiệp thẳng vào tình hình Đông Dương thì nhất định sẽ có một số, nhất là trí thức, tư sản, công giáo, địa chủ phong kiến ngả theo Mỹ, hoặc giữ thái độ tiêu cực đối với công cuộc kháng chiến. Vậy bổn phận ta là phải hết sức củng cố tinh thần yêu nước của các tầng lớp đó, đưa các nhân sĩ ra gánh trách nhiệm kháng chiến cứu nước; gây ra một bầu không khí tin cậy, thân mật, đoàn kết thật tình, gian nan cùng chịu vinh dự cùng chia.

Tuy nhiên, đồng thời phải trừng trị nhanh chóng và kiên quyết bọn Việt gian để làm gương cho kẻ khác.

4. Củng cố Việt minh, phát triển Liên Việt

Muốn củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp, phải phát triển Liên Việt và củng cố Việt Minh. Một mặt phải kiện toàn các cấp chỉ đạo Việt Minh, đặc biệt là Tổng bộ, một mặt thống nhất hệ thống tổ chức Việt Minh từ dưới lên trên (thống nhất các Hội Cứu quốc toàn quốc) Việt Minh phải gia nhập toàn thể vào Hội Liên Việt.

Về Hội Liên Việt, phải dành ra một số cán bộ của Hội và Việt Minh hợp tác với một số nhân sĩ ngoài Việt Minh, để chuyển hoạt động Liên Việt. Hội ta phải hết sức giúp đỡ cho các Ban Chấp hành Liên Việt các tỉnh, các khu thành lập chắc chắn và cất nhắc các nhân sĩ có nǎng lực vào Ban Chấp hành Trung ương Liên Việt, giúp cho tờ Toàn dân kháng chiến của Liên Việt ra đều và phát rộng trong dân. Mỗi khu, ngoài báo Cứu quốc cần phải ra một tờ báo riêng của Liên Việt khu.

Kiên quyết tẩy trừ những khuynh hướng hẹp hòi đối với các nhân sĩ Liên Việt (Ví dụ: kìm hãm họ, đối phó không thành thực với họ, mà không chịu chia thực quyền, chịu trách nhiệm với họ, không dìu dắt, nâng đỡ họ). Nhưng đồng thời cũng phải bỏ lối quá mơn trớn và nhắm mắt tin cậy họ, bỏ phóng công việc cho họ mà không bàn bạc với họ, không kiểm soát họ, đến nỗi có nơi họ lợi dụng Liên Việt mà làm càn, hoặc tự ý kết nạp những phần tử nguy hiểm vào Liên Việt, khiến cho Liên Việt biến thành một tổ chức đối lập.

5. Mở mang kinh tế, cải thiện dân sinh

Hội nghị nhận thấy rằng muốn cho dân nhiệt liệt tham gia kháng chiến và ủng hộ Chính phủ kháng chiến, phải đặc biệt chú ý cải thiện đời sống nhân dân. Dân khổ quá dễ bị địch lừa phỉnh, dễ nảy ra những khuynh hướng hoài nghi, chán nản.

Muốn cải thiện dân sinh, phải chú ý đến đời sống toàn dân, mở mang kinh tế kháng chiến để tự cấp tự túc.

Làm cho nhà giầu bỏ tiền ra, tham gia việc mở mang kinh tế kháng chiến về mọi mặt kỹ nghệ, thủ công nghiệp, nông nghiệp, chǎn nuôi, buôn bán, vận tải; làm cho nhà nghèo có cơm ǎn, áo mặc.

Muốn thế, một mặt Chính phủ và các đoàn thể phải khuyến khích và thực hành tǎng gia sản xuất cho hợp lý, nghĩa là khuyên dân nơi nào nên sản xuất gì, để mưu lợi ích cho nền kinh tế chung, để phối hợp với nhu cầu của thời chiến và của địa phương. Đồng thời lo cung cấp những điều kiện sản xuất cho dân, như công cụ, nguyên liệu, hạt giống, nhân công và phương tiện vận tải, phân phối và tiêu thụ. Trong những điều kiện khuyến khích việc sản xuất thì điều kiện vận tải là cốt yếu, vì có nhiều thứ hàng hoá hay nông sản làm ra không có cách bán đi, bị ứ lại, sụt giá, làm nản chí người sản xuất.

Một mặt nữa muốn cho dân sống dễ chịu, Chính phủ phải cố gắng thực hiện việc tiếp tế cho dân những thức cần dùng, tổ chức việc bán rẻ gạo, muối, vải cho dân những vùng thiếu những thứ đó, mở rộng ngoại thương. Các đoàn thể và tư nhân cần phải cố gắng tổ chức chung vốn lập hợp tác xã mua bán, để bổ sung việc tiếp tế của Chính phủ, cũng như để xúc tiến việc tǎng gia sản xuất.

Hiện nay kinh tế của ta chưa tự túc được, ngoại thương bị đình đốn, vật sản khan hiếm, nên hàng hoá từ khu địch kiểm soát tràn sang khu vực tự do của ta. Nếu không lo tǎng gia sản xuất cho hợp lý và vận tải cho đều thì kinh tế của địch sẽ lũng đoạn kinh tế của ta và vấn đề dân sinh sẽ phụ thuộc vào kinh tế địch.

Ngoài việc tiếp tế cho toàn dân, phải đặc biệt chú ý cải thiện đời sống cho lao động, cho dân nghèo. Chế độ công nhân trong thời chiến phải được quy định, luật lao động thích hợp với thời chiến và với tinh thần dân chủ mới phải được ban hành. Định một chế độ tiền lương theo giá sinh hoạt. Những anh chị em công nhân làm các ngành binh công xưởng và các thợ chuyên môn phải được thu dụng, biệt đãi.

Đối với dân cày, thi hành chính sách ruộng đất gồm mấy điểm dưới đây:

1- Triệt để thực hiện việc giảm 25% địa tô (nhiều nơi chưa làm).

2- Bài trừ những thứ địa tô phụ thuộc, như tiền trình gặt, tiền đầu trâu, lễ lạt quá nặng.

3- Bỏ chế độ quá điền.

4- Đem ruộng đất và tài sản của bọn phản quốc tạm cấp cho dân cày nghèo, hoặc giao cho bộ đội cấy cày để tự cấp phần nào (sẽ có chỉ thị riêng).

5- Chia lại công điền cho hợp lý và công bằng hơn.

6- Đem ruộng đất đồn điền của địch cấp cho dân nghèo, chấn chỉnh các đồn điền do Chính phủ quản lý.

7- Chấn chỉnh các hợp tác xã của dân cày và khuyến khích việc làm giúp, đổi công.

8- Cấp trâu bò, hạt giống cho nông dân các vùng bị địch tàn phá.

9- Mở mang việc vận tải và chỉ huy nông nghiệp để giữ giá nông sản.

10- Tiếp tế vận tải hàng hoá cần thiết cho nông dân.

11- Ấn định giá nhân công ( công nhật, công mùa) cho chủ ruộng đỡ thiệt.

12- Địa tô của các đồn điền mà chủ điền đã đi vắng lâu ngày hay ở trong vùng địch kiểm soát, tạm giao cho Uỷ ban hành chính tỉnh để dùng vào các việc tiếp tế nạn nhân, tổ chức làng chiến đấu, võ trang toàn dân, v.v.. (Chính phủ bảo đảm việc hoàn lại địa tô ấy cho chủ ruộng khi nào chủ ruộng trở về và xét ra được hưởng địa tô ấy).

13- Củng cố đê điều, ấn định mọi phương pháp phòng lụt, sửa sang việc dẫn thuỷ nhập điền.

14- Tuỳ từng địa phương mà đặt lệ thu thuế bằng nông sản để cho dân quê dễ nộp. Giảm thuế hoặc xá thuế các vùng vì chiến sự mà không cày cấy được.

15- Điều tra ruộng đất để bỏ thuế "khống thu" và thủ tiêu chế độ "điền bất cập bạ".

16- Chấn chỉnh tín dụng sản xuất.

17- Điều tra về nợ để quy định tiền nợ lãi của dân quê (nhất là lệ vay thóc thùng).

Chính sách ruộng đất trên đây, Hội ta phải tích cực thi hành để nâng cao sinh hoạt cho dân quê, một phần rất lớn trong toàn dân.

6. Củng cố chính quyền dân chủ kháng chiến

Cần phải đề cao danh nghĩa và uy tín của Chính phủ Trung ương cũng như các Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp. Muốn như thế Chính phủ cũng như các Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp phải chú ý cải thiện đời sống cho dân, phục vụ nhân dân.

Những phần tử bất lực và hủ hoá phải ra khỏi các Uỷ ban các cấp. Đặc biệt Uỷ ban kháng chiến xã phải được củng cố.

Cũng cần đề cao danh nghĩa và uy tín của Ban Thường trực Quốc hội, các Hội đồng nhân dân tỉnh, xã đúng kỳ hạn phải họp để xem xét bàn bạc công việc địa phương, giúp các Uỷ ban kháng chiến hành chính về mọi mặt.

Các đại biểu Quốc hội rải rác các nơi, vì hoàn cảnh kháng chiến chưa họp được Quốc hội, thì cũng phải họp từng khu hay từng tỉnh để cùng nhau xem xét tình hình nhân dân, đề đạt ý nguyện dân lên Thường trực Quốc hội và Chính phủ, giúp đỡ Chính phủ và Uỷ ban kháng chiến hành chính điều khiển công cuộc kháng chiến.

Ra sức trừ bỏ những tệ như: Việt Minh lấn quyền hành chính, "mặt trận" và bộ đội xung đột, tị nạnh nhau, kháng chiến kiêm hành chính và chuyên môn (nhất là tư pháp) xung đột nhau, v.v..

Chính phủ Trung ương và các Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chính khu, tỉnh, phủ, huyện, xã đều phải kiện toàn.

Bảy khu Bắc Bộ sẽ hợp thành ba khu và nhân dịp thống nhất các khu này, các Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chính các khu ấy phải được chấn chỉnh lại.

Trừ Nam Bộ ra, vẫn có Uỷ ban kháng chiến hành chính riêng còn các kỳ khác đều tiến tới thủ tiêu Uỷ ban hành chính kỳ (những nhân viên Uỷ ban hành chính kỳ, ai chưa có việc nhất định sẽ được Chính phủ giao cho việc khác).

Về công việc của Chính phủ Trung ương, nǎm nay Hội đoàn trong Chính phủ cần tranh đấu cho Chính phủ có kế hoạch công tác chung, mỗi bộ có kế hoạch công tác riêng.

Các bộ phải được kiện toàn, công việc mỗi bộ đều phải có đồng chí ta phụ trách, điều khiển, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Các đồng chí phụ trách bộ nào được chuyên trách bộ ấy, không nên kéo chằng sang việc khác.

Bộ Quốc phòng: tiến tới chỗ làm cho không một người lính nào đói rét, không một bệnh thông thường nào trong bộ đội thiếu thuốc, không một quả lựu đạn nào không nổ, không một súng nào thiếu đạn, không một người lính nào không có một thứ súng, không một dân quân du kích nào không có một võ khí thô sơ, và tiến lên chế những võ khí tối tân để chuẩn bị cho bộ đội đánh những trận tiêu diệt lớn. Ngoài ra, quy định chế độ tiền lương theo giá sinh hoạt cho bộ đội.

Bộ Nội vụ: chấn chỉnh hành chính các cấp, chú trọng kiện toàn cấp xã, quy định việc hợp tác xã cho hợp lý, bài trừ sự cọ sát giữa hành chính và các ngành chuyên môn, chế định bằng sắc, tưởng lục, bài trừ trộm cắp, cờ bạc đã bắt đầu nhóm trở lại ở một vài vùng.

Bộ Kinh tế: phải lập ra Cục vận tải để chuyên việc chuyên chở vận tải, tiếp tế, khuyến khích nội hoá, chấn chỉnh và mở mang ngoại thương, đồng thời ngǎn cản việc mua dùng những thứ xa xỉ phẩm ngoại quốc.

Bộ Tài chính: phải dự thảo ngân sách nǎm 1948 cho quốc gia, ngân sách ấy phải chú trọng đến các việc của Chính phủ tuỳ theo sự quan trọng của mọi việc: quốc phòng, kháng chiến hành chính, tǎng gia sản xuất, vận tải tiếp tế, dân quân, giáo dục, vǎn hoá, v.v.. Đồng thời phải đối phó hiệu nghiệm với chính sách tài chính của địch.

Bộ Canh nông: đặt kế hoạch chỉ huy việc mở rộng và tǎng gia sản xuất nông nghiệp, chú trọng việc cấy lúa, trồng bông, chǎn tằm, nuôi súc vật.

Bộ Lao động: ban hành luật lao động, quy định chế độ công nhân trong các nhà máy, các xí nghiệp nói chung, đặc biệt trong các công binh xưởng, định tiền lương tối thiểu, gắng thực hiện chế độ lương theo giá sinh hoạt chí ít, đặt phụ cấp sinh hoạt đắt đỏ.

Bộ Tư pháp: chế định bộ luật mới cho nước Việt Nam, bài trừ sự xích mích xảy ra nhiều nơi, giữa các Uỷ ban kháng chiến hành chính và nhân viên tư pháp.

Bộ Giáo dục: họp hội nghị giáo giới chấn chỉnh và mở mang việc học trong thời kháng chiến, định chương trình học cho các cấp, soạn sách giáo khoa mới, định cách dạy học trò theo lối mới, vừa tránh được nạn nhồi sọ của thời thuộc Pháp, vừa thích hợp với tinh thần kháng chiến và dân chủ, mở trường Sư phạm đào tạo giáo sư mới và bổ túc cho giáo sư cũ, rút kinh nghiệm của các trường hiện nay và mở thêm các trường mới theo kế hoạch hẳn hoi (đặc biệt chú ý mở các trường đại học và gửi du học sinh ra ngoài), thiết thực giúp đỡ bình dân học vụ, khuyến khích vǎn nghệ, soạn lại Bộ Sử nước ta, bắt đầu viết ngay cuốn sử cách mạng Việt Nam chống Pháp và cuốn sử kháng chiến. Mở trường và đặt chữ cho các vùng dân tộc thiểu số.

Bộ Y tế: không những phát triển quân y mà còn phải mở mang dân y và thú y gắng chế thuốc Nam thay những thứ thuốc ngoại quốc nào có thể thay được, chú trọng các thuốc sốt rét rừng, thuốc trừ tả, thuốc chống đậu, v.v.. Ra sức đào tạo bác sĩ mới và nâng cao trình độ giác ngộ, giữ vững lòng tin của các bác sĩ cũ.

Bộ Ngoại giao và Thương binh: cũng như các bộ khác phải có kế hoạch cụ thể, không một cơ quan nào và chức vụ nào được ngồi không, hoặc buông trôi nhiệm vụ trong khi toàn dân chiến đấu gian khổ.

Muốn có thêm cán bộ hành chính mới và sửa chữa những thiếu sót sai lầm của cán bộ hành chính cũ, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục cần phải hợp lực mở Trường hành chính ngắn kỳ và lớp bổ túc cho Uỷ viên kháng chiến hành chính.

7. Nhiệm vụ tuyên truyền huấn luyện

Tuyên truyền phải nhằm những điểm dưới đây:

1- Vạch rõ mưu gian "dùng người Việt hại người Việt" của thực dân Pháp.

2- Chống các hạng bù nhìn.

3- Chống khuynh hướng thoả hiệp với thực dân Pháp và khuynh hướng sợ Mỹ, thân Mỹ.

4- Củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân, chống mọi mưu mô chia rẽ (chú ý đồng bào có đạo, quốc dân thiểu số, đồng bào trong vùng địch kiểm soát).

5- Nêu gương anh dũng, đề cao đức tính và tinh thần quyết chiến thắng của dân tộc.

6- Gia cường địch vận (chú trọng lính Đức và thân binh).

7- Cổ động mạnh cho phong trào "luyện quân lập công" của Bộ Tổng chỉ huy, phong trào "gây cơ sở, phá kỷ lục" của Bộ Quốc phòng, phong trào "Luyện cán lập công" của Nha Công an và nói chung là phong trào ganh đua ở tất cả các bộ, các cơ quan Chính phủ và đoàn thể.

8- Cổ động quân dân nhất trí.

9- Động viên toàn dân nhiệt liệt tham gia việc kiến thiết kinh tế quốc gia theo khẩu hiệu ra sức sản xuất những thứ cần dùng để "tự túc tự cấp", "người Việt dùng hàng Việt" (chú ý đặc biệt cổ động các tầng lớp giàu tham gia việc sản xuất).

10- Gia cường việc tuyên truyền cho cuộc vận động giải phóng của các dân tộc Miên, Lào.

11- Mở rộng tuyên truyền ở nước ngoài làm cho thế giới hiểu ta và giúp ta hơn.

12- Ra sức tuyên truyền chính sách và chủ nghĩa Hội.

Công việc huấn luyện phải nhằm mấy điểm này:

1- Gây phong trào ganh đua học tập trong Hội cũng như trong các cơ quan và đoàn thể.

2- Nâng cao trình độ lý thuyết và trình độ chính trị của hội viên.

3- Tổng kết kinh nghiệm vận động của cách mạng Việt Nam để làm giầu thêm lý luận cách mạng của Hội.

4- Nâng cao mức chính trị và vǎn hoá của toàn dân và nhất là của bộ đội.

5- Tích cực đào tạo cán bộ về mọi mặt để đánh lâu.

Về phương châm và chiến thuật tuyên truyền chú ý:

1- Tìm hết cách tuyên truyền cho sâu rộng vào đại chúng (dùng truyền đơn, bảng nêu tin tức và phát thanh bằng loa ở các xí nghiệp, các làng).

2- Tuyên truyền cổ động cho sốt dẻo, kịp thời (cải thiện việc lấy tin và thông tin) của các phòng thông tin, cải thiện việc phát thanh.

3- Tuyên truyền những cái hay, cái tốt nhưng đồng thời phải chỉ trích những cái dở, cái xấu để cho cán bộ sửa đổi.

4- Lý luận phải đi đôi với thực tế, lời nói phải đi đôi với việc làm (nǎng dùng đội tuyên truyền và công tác đi lưu động trong dân), muốn gây bất cứ phong trào gì cũng phải động viên các đồng chí Hội và Việt Minh xung phong làm gương mẫu và gây ra một không khí tích cực ganh đua ráo riết (nêu gương xung phong).

5- Sửa chữa kịp thời những khuynh hướng sai lầm về tuyên huấn, ví dụ:

- Bệnh chủ quan,

- Chủ nghĩa giáo điều (lắp sáo cũ),

- Bệnh hẹp hòi, cô độc,

- Hữu khuynh (không dám tuyên truyền chính sách và chủ nghĩa Hội).

Muốn làm tròn nhiệm vụ tuyên huấn trên đây, phải kiện toàn các cơ quan tuyên huấn của các cấp Hội và đi tới một cuộc hội nghị cán bộ tuyên huấn toàn quốc để định rõ chương trình tuyên huấn chung cho nǎm nay.

1- Nông vận: Địa vị nông dân trong cuộc kháng chiến hai lần quan trọng: hơn 90% dân số là nông dân, nông nghiệp lại chiếm phần lớn kinh tế kháng chiến ở nước ta. Thế mà tới nay, đoàn thể vẫn chưa có một chính sách vận động nông dân rõ rệt.

Nǎm nay, vấn đề nông vận phải giải quyết thiết thực, các tỉnh, các khu phải mở những cuộc hội nghị nông vận rộng rãi, thu thập tài liệu, điều tra và nghiên cứu để đặt kế hoạch nông vận, mở rộng và kiện toàn các tổ chức nông dân để thực hiện chính sách ruộng đất mới trong mục "cải thiện sinh hoạt cho dân".

Cho được thực hiện chính sách ấy, các đồng chí phải ra sức thuyết phục địa chủ, phú nông, đồng thời giải thích cho trung, bần, cố nông để cho hai bên đều nhận rõ rằng lúc này giàu nghèo phải nhân nhượng quyền lợi đặng cùng nhau cứu nước. Phải hết sức tránh sự xung đột giữa giàu nghèo, và nếu xảy ra sự xung đột thì bổn phận cơ quan kháng chiến hành chính và các đoàn thể là phải đứng làm trung gian để dàn xếp cho xong xuôi.

2- Vận động các giới khác

a) Công vận: Tình hình công nhân hiện nay có mấy điều đáng chú ý: sau cuộc tấn công của địch ở Việt Bắc, một số công nhân trong các binh công xưởng phải phân tán ra chưa được giúp đỡ. Chế độ sinh hoạt trong các binh công xưởng, sự tổ chức và lãnh đạo trong đó chưa có sự quy định rõ ràng.

Hai là, tổ chức công nhân trong vùng địch kiểm soát còn kém chưa phát động được phong trào tranh đấu mạnh mẽ của công nhân trong các xí nghiệp của địch.

Vì vậy công tác công vận trong vùng địch chiếm đóng phải nhằm mục đích gây cơ sở vững chắc, lãnh đạo tranh đấu từ những hình thức thấp như đòi cải thiện đời sống, lười công đến những hình thức cao như phá hoại, làm tê liệt kinh tế địch và trong quá trình tranh đấu, công nhân có thể đốt phá máy, biến thành những đội du kích rút về miền quê hoạt động.

Trong vùng tự do Tổng Liên đoàn Lao động có nhiệm vụ hợp lực với Chính phủ, tổ chức và tǎng gia sản xuất vũ khí, hợp tác với Chính phủ và các nhà tư sản tổ chức vũ khí tiếp tế, mở mang tiểu công nghệ.

Về tổ chức, chấn chỉnh Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động, thu nạp những công nhân phân tán vào các trại sản xuất. Còn những người nào về thôn quê đã tham gia sản xuất thì tổ chức vào các đoàn thể cứu quốc và dân quân địa phương, công nhân trong các binh công xưởng tổ chức thành công đoàn do Tổng liên đoàn chỉ huy, những chi bộ cũng do cán bộ công vận và hệ thống bên ngoài phụ trách, trừ trường hợp đặc biệt các cấp bộ phải trả cán bộ công vận lại cho công đoàn.

Về tuyên truyền công nhân, cho tái bản tờ Lao động trung ương. Những vùng kỹ nghệ như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, v.v., phải ra những tờ báo nhỏ, có thể phản ánh đời sống công nhân và trực tiếp giúp vào việc tuyên truyền, vận động công nhân trong các nhà máy của địch.

Giữ lấy những thợ khéo, đừng để cho họ vì thiếu thốn quá mà nhẩy vào làm trong vùng bị chiếm, đào tạo cán bộ kỹ thuật kinh tế và chính trị, đó là nhiệm vụ của Tổng liên đoàn.

b) Thanh vận: Đoàn Thanh niên Việt Nam tuy phát triển rộng, nhưng nhiều nơi tổ chức phức tạp, có những phần tử lợi dụng làm tổn thương khá nhiều đến ảnh hưởng của Đoàn nên vấn đề củng cố và gây lại tín nhiệm cho Đoàn là công tác chính của Thanh vận lúc này. Lập những Uỷ ban cải tổ ở các cấp thanh trừ những phần tử và bộ phận phức tạp, nắm chắc những phần tử tốt, phát triển đến đâu, phải củng cố và đào tạo cán bộ đến đó.

Mục tiêu hoạt động của thanh niên lúc này là chiến đấu, tuyên truyền kháng chiến, sản xuất, vận động đời sống mới và phát triển bình dân học vụ. Và muốn động viên thanh niên tham gia các công tác ấy, cần nêu hai khẩu hiệu: Thống nhất và dân chủ. Thanh niên đã tham gia kháng chiến, nhưng nếu không thống nhất không thể kháng chiến mạnh mẽ, đồng thời hành động và lãnh đạo không theo tinh thần dân chủ thì phong trào cũng không thể thu hút được rộng rãi các tầng lớp thanh niên. Triệu tập một cuộc Hội nghị cán bộ thanh niên toàn quốc, để quyết định rõ ràng và phổ biến đường lối, chính sách, phương pháp để gây một phong trào thanh niên rộng rãi và sôi nổi.

Cần lập những đội thanh niên công tác cho nhiều và những đội du kích riêng của thanh niên, mang tên những anh hùng T.N4). Những tổ chức đặc biệt này, sau khi được huấn luyện kỹ càng, sẽ phải đi công tác các nơi để gây thành tích cho phong trào thanh niên.

Về tuyên truyền và liên lạc quốc tế, chuẩn bị phái đoàn và tài liệu để đi tham dự các cuộc họp mặt thanh niên thế giới nǎm nay.

c) Phụ vận: Phong trào phụ nữ trong cuộc kháng chiến đã tiến bộ. Các từng lớp phụ nữ đã gây được ít nhiều thành tích trong các công tác như tǎng gia sản xuất, giúp đỡ đồng bào tản cư, tiếp tế, uý lạo bộ đội. Nhưng nói chung, phong trào phụ nữ vẫn hẹp, cán bộ thiếu, tuyên truyền cổ động kém và nhất là tổ chức phụ nữ trong các vùng địch kiểm soát còn yếu.

Vậy về tổ chức, phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rộng hơn nữa và đặt ra những hình thức thấp khiến chị em dễ tham gia, ví dụ "Hội mẹ chiến sĩ", "Hội ủng hộ thương binh", "Lớp bình dân học vụ", "Ban học hát", v.v.. Chấn chỉnh ban chấp hành các cấp, nhất là cấp xã. Giúp đỡ các cán bộ phụ nữ về sinh hoạt cũng như về học tập.

Công tác chính của phụ nữ là tǎng gia sản xuất, vì nam giới phải ra trận nhiều, thiếu nhân công. Các công tác phụ thuộc của phụ nữ là cứu tế nạn dân, tiếp tế và uý lạo bộ đội; phá hoại, chống nạn mù chữ, vận động đời sống mới, tuyên truyền kháng chiến, đánh du kích. Chú ý cải thiện sinh hoạt cho phụ nữ công nhân và nông dân.

Về tuyên truyền phải có kế hoạch rộng rãi hơn trước. Phát hành những sách nhỏ kể tiểu sử những nữ chiến sĩ oanh liệt hồi bí mật, trong cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám cũng như trong cuộc kháng chiến hiện nay. Báo của phụ nữ phải nêu thành tích kháng chiến của phụ nữ, nhất là của những đội nữ du kích, như đội Minh Khai (Hải Kiến), đội Trưng Trắc (Bắc Ninh).

d) Vận động tôn giáo: Phải đi sâu vào các từng lớp quần chúng Công giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, gây cơ sở tổ chức, đặt những hình thức tổ chức thấp như "Hội cầu nguyện cho các chiến sĩ", "Hội cầu nguyện cho nước độc lập", v.v.. Cải thiện đời sống cho đồng bào có đạo, kéo họ khỏi ảnh hưởng chính trị của bọn đội lốt tôn giáo làm bậy.

Về tuyên truyền, nên dựa vào những điều dạy trong thánh kinh mà cổ động nhiệm vụ cứu nước, phát hành một cuốn sách gồm những tài liệu, tranh ảnh, nêu sự tàn sát của giặc Pháp đối với đồng bào có đạo. Vạch cho giáo dân thấy rõ kháng chiến thì sống, khuất phục thì chết, tham gia tổ chức là có quyền lợi thực tế. Đặc biệt chú ý không được chạm đến tôn giáo, tín ngưỡng của dân.

Trong số cha cố, tu sĩ cũng có nhiều từng lớp, nhiều xu hướng khác nhau. Chú ý lớp tông đồ hay kẻ giảng (catéchistes) đời sống thường khổ sở, có thể gần gũi và đào tạo thành cán bộ tốt. Đối với những cha cố có tinh thần yêu nước hay trung lập nên đưa vào các Ban chấp hành Liên Việt "Hội ủng hộ kháng chiến". Đối với những phần tử phản động, chính sách đoàn kết một chiều là sai, phải thẳng tay trừng trị những hành động quấy rối và chia rẽ giáo dân, chia rẽ dân tộc.

đ) Vận động đồng bào thiểu số: Kinh nghiệm công tác thất bại ở Lào Cai, Yên Bái khi giặc Pháp tấn công, ta thấy rằng: không được thấy đồng bào thiểu số yên ổn mà sao lãng công tác vận động, nếu không đi sâu, nắm chắc lấy họ, không chú ý cải thiện đời sống cho họ, cứ để có những điều ca thán ngấm ngầm không được giải quyết thì chiến sự lan tới, có thể xẩy ra những việc tai hại.

Mọi ngành công tác ở vùng đồng bào thiểu số phải có kế hoạch riêng, không thể chỉ đặt kế hoạch, chỉ thị chung như từ trước tới nay. Mỗi vùng thiểu số to trong nước cần lập một ban "Vận động đồng bào thiểu số" để nghiên cứu kế hoạch vận động cho sát. Đặc biệt chú ý mở trường đào tạo cán bộ thiểu số riêng như Khu 5, khu 14 đã làm. Phổ biến những kinh nghiệm quý báu về vấn đề vận động thiểu số của khu 5 và khu 14. Chính phủ phải có một quỹ đặc biệt chi về việc vận động và giúp đỡ đồng bào thiểu số.

8. Chuẩn bị đối phó với mọi biến chuyển trên thế giới

Cuộc kháng chiến của nước ta trực tiếp chịu ảnh hưởng lớn lao của tình hình Pháp và Trung Hoa.

Cho nên Đoàn thể ta phải chuẩn bị đối phó với mọi biến chuyển quốc tế, nhất là biến chuyển ở hai nước đó.

Phải theo dõi thật sát tình hình chính trị thế giới, đặc biệt là tình hình Pháp, Trung Hoa và các nước Đông Nam châu á và các chính sách thủ đoạn của phản động Mỹ, để có thể thấy trước các biến cố. Liên lạc chặt chẽ với các đảng anh em để thi hành những phương sách giúp đỡ nhau một cách thiết thực, tích cực chuẩn bị về quân sự, chính trị để lâm thời có thể hành động một cách táo bạo và mau lẹ, xoay chuyển tình thế, để thu thật nhiều thắng lợi cho cuộc kháng chiến, giành lấy vinh quang cho dân tộc.

9. Tiến tới Đại hội toàn quốc

Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi hơn hai nǎm rồi. Cuộc kháng chiến toàn quốc cũng đã hơn một nǎm. Tình hình thế giới lại bước vào một thời mới, với sự khủng hoảng kinh tế và chính trị đương lan rộng trong các nước tư bản.

Những biến cố mới ấy đẻ ra những nhiệm vụ nặng nề, Hội phải duyệt lại chương trình, đường lối về cuộc vận động cách mạng trong nước. Hơn nữa, việc chung đúc kinh nghiệm và thống nhất tư tưởng, hành động toàn Hội là vấn đề cấp bách.

Bởi vậy hội nghị quyết định tiến tới triệu tập cuộc Đại hội toàn quốc trong thời gian gần đây. Nhiệm vụ cuộc đại hội toàn quốc này là:

- Tổng kết kinh nghiệm cuộc tranh đấu toàn quốc.

- Duyệt lại chương trình và điều lệ Hội.

- Vạch đường lối, chiến lược và chiến thuật, đẩy cuộc KC1) toàn quốc đến thắng lợi hoàn toàn.

- Bầu lại Ban Chấp hành Trung ương.

Trung ương sẽ lập thành một Uỷ ban trù bị để sửa soạn chương trình khai hội và quy định cách thức triệu tập và tổ chức đại hội.

V- Phát triển và củng cố Hội

1. Tình hình của Hội

Hiện nay Hội ta phát triển rất mạnh. Trong tam cá nguyệt thứ 5 nǎm 1947, số lượng riêng Bắc Bộ tǎng hơn một vạn. Trong nhiều tỉnh miền trung châu Bắc Bộ, phần lớn các xã đã có chi bộ riêng. Lực lượng hội trong các ngành chuyên môn (công an, học chính, tư pháp) và trong quân đội vẫn còn kém.

Nguyên do của sự phát triển trên là các địa phương đã tích cực bài trừ bệnh hẹp hòi và nhân những ngày kỷ niệm cách mạng, Đoàn thể đã tổ chức những cuộc đặc biệt kết nạp hội viên mới như "Lớp tháng Tám".

Nhận xét về nội bộ, ta thấy thành phần vô sản và bần nông, phụ nữ còn ít (công nhân 7% và phụ nữ 6,5% trong tổng số) mà đa số hội viên vẫn là trung nông, tiểu tư sản. Đó là kết quả tất nhiên của một nước mà nông dân chiếm số rất đông trong dân chúng, song sự thật công tác phát triển Hội vào hai tầng lớp lao động kể trên vẫn không được chú ý.

Củng cố không đi kịp phát triển, nên cơ sở chi bộ còn non, phần lớn chi bộ xã và chi bộ trong quân đội vẫn không lãnh đạo được quần chúng về các mặt công tác trong đơn vị mình, Hội tính, tinh thần và nǎng lực các hội viên và cán bộ qua một nǎm kháng chiến tiến bộ khá nhiều, nhiều cán bộ Hội là những chiến sĩ gương mẫu, có sáng kiến nẩy nở, bệnh hủ hoá bớt dần. Nhưng xét chung, ta không có quyền thấy thế mà vội lạc quan. Những lớp hội viên mới kết nạp, nhất là ở Việt Bắc có nơi còn chưa hiểu chủ nghĩa và chính sách hội là gì. Từng bộ phận, nhất là những nơi thiếu kiểm soát, bệnh hủ hoá, vô kỷ luật quân phiệt, óc địa phương còn đầy rẫy, bệnh địa phương, bệnh bè phái, xích mích nội bộ vẫn còn nặng trong Trung Bộ, cho nên công tác giáo dục hội viên, tranh đấu nội bộ, thi hành thưởng phạt phải tiếp tục ráo riết hơn nữa.

Công tác tuyên truyền huấn luyện có sự cố gắng. Nội san và Sự thật tǎng số xuất bản và được tín nhiệm.

Các cấp từ trung ương đến huyện mở được nhiều lớp huấn luyện. Phong trào tự học sôi nổi. Song các chương trình vẫn cao và kém thực tế, kết quả học sinh hấp thụ được ít.

Hội đang gắng sức đào tạo cán bộ cho kịp với nhu cầu kháng chiến. Ngoài việc mở lớp huấn luyện, đời sống cán bộ, việc cất nhắc và phân phối cán bộ cho hợp lý, được chú trọng.

Về mặt lãnh đạo, từ sau cuộc Hội nghị cán bộ Trung ương tháng 4-47, bộ máy các cấp Hội được kiện toàn bằng các chỉ thị chấn chỉnh các Hội đoàn và thành lập các Ban chuyên môn như dân vận, tổ chức, kiểm soát. Đã dần dần bỏ chế độ cán bộ chuyên nghiệp như phụ trách lãnh đạo trực tiếp các Hội bộ địa phương, và đặt chế độ kiểm soát viên thay vào.

Trong cuộc kháng chiến, về chủ trương chiến lược và chiến thuật, sự chỉ đạo nói chung đúng, nên Mặt trận dân tộc càng ngày càng củng cố, Hội vẫn nắm chắc quyền lãnh đạo trong các cơ quan hành chính và kháng chiến, trong các đoàn thể quần chúng, nhưng một mặt tổ chức còn kém, trình độ nhận thức của cán bộ và chi bộ còn non, bệnh chủ quan và hẹp hòi còn nặng, nên việc chấp hành nghị quyết chậm chạp, có khi tả khuynh, khi hữu khuynh. Nhiều vấn đề công tác đã vạch ra nhưng không thực hiện được. Trong vùng địch kiểm soát, trừ Nam Bộ, Hội chưa phát động được một cao trào du kích và bất hợp tác mãnh liệt. Nền kinh tế kháng chiến chưa được xây dựng vững vàng, vǎn hoá và giáo dục cũng vậy.

Sự thống nhất tư tưởng và hành động giữa miền Nam và miền Bắc chưa thực hiện, vì liên lạc kém, Hội không trao đổi được kinh nghiệm trong toàn quốc. Phần lớn các công việc hằng ngày Hội bộ miền Nam phải tự động giải quyết.

Hội bộ Miên, Lào chưa được phát triển và chưa trở thành những Hội bộ đúng với cái tên của nó.

Tóm lại, Hội trưởng thành trong lò lửa kháng chiến, nhưng trình độ tổ chức còn thấp, công tác lãnh đạo khoa học chưa thành nền nếp, sự giáo dục hội viên, việc học tập của cán bộ chưa có kế hoạch thực hiện đến nơi đến chốn. Cho nên nǎm nay nâng cao trình độ tổ chức của Hội tiến kịp trình độ chính trị và hợp lý hoá các tổ chức là rất cần và công tác phát triển và củng cố Hội, kiểm điểm để cải tiến tất cả các ngành hoạt động của Hội để Hội đủ nǎng lực gánh vác những nhiệm vụ lịch sử mới là công tác kinh thường1) của các đồng chí.

2. Phát triển và củng cố Hội

Phải tích cực gây cơ sở Hội trong vùng địch kiểm soát nhất là những nơi tập trung công nhân; ở Miên, Lào vùng biên giới, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ, bộ đội và dân quân là những nơi lực lượng hội còn rất kém.

Phải đặt công tác củng cố thành vấn đề trọng yếu, củng cố các chi bộ để có thể tự động lãnh đạo mọi mặt công tác địa phương, gây quỹ chi bộ. Chấn chỉnh bộ máy chỉ đạo và chuyên môn ở các cấp của Hội, nhất là các ban tổ chức, tuyên huấn và kiểm soát.

Trong sáu tháng, bầu lại hết các ban Huyện, Tỉnh, Khu uỷ chính thức bằng đại biểu Hội nghị.

Công tác huấn luyện phải được chấn chỉnh, Bộ Tuyên huấn trung ương định chương trình huấn luyện cho mỗi cấp. Các bản chương trình do các Hội bộ địa phương thảo ra phải gửi về Trung ương duyệt lại, đúc lại thành những chương trình huấn luyện thống nhất. Việc giáo dục nội bộ phải nhằm mục đích gây ý thức giai cấp, tinh thần kỷ luật và đạo đức cách mạng cho toàn thể hội viên và cả những hội viên trí thức cao mới vào Hội.

Ban Tuyên huấn các cấp có nhiệm vụ giúp đỡ cán bộ học tập, nhất là những cán bộ cũ, đã có nhiều thành tích chiến đấu hồi bí mật, nhưng trình độ vǎn hoá kém.

Kiểm điểm và phê bình Nội san các nơi, Nội san trung ương phổ biến kịp thời những chính sách, kinh nghiệm lớn, công tác hội, nâng cao lý luận và huấn luyện công tác cho các đồng chí.

Đào tạo cán bộ: Hiện nay Hội thiếu rất nhiều cán bộ, nên phải đặc biệt chú trọng đào tạo bằng cách mở những trường chuyên môn. Phải có một chính sách dìu dắt cán bộ rộng rãi, phổ biến chính sách ấy xuống tất cả các cấp dưới. Nâng đỡ các cán bộ công nhân và phụ nữ, đưa những đồng chí công nhân và phụ nữ tốt vào các cơ quan chỉ đạo của Hội. Đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số và công giáo, chú ý nâng đỡ những cán bộ công tác những vùng "nước độc" và xa xǎm.

Trong nǎm nay, phải gắng thi hành chế độ lương cán bộ. Các cấp bộ phải tìm hiểu cán bộ nhiều hơn (sở trường, sở đoản, lý lịch). Mỗi cán bộ chỉ đạo chuẩn bị và đào tạo người thay mình.

Kháng chiến càng gay go, kỷ luật đoàn thể càng phải thi hành chặt chẽ. Việc thưởng phạt phải nghiêm minh. Nhưng đồng thời mở rộng nền dân chủ trong Hội, để phát triển sáng kiến, tinh thần trách nhiệm và chỉ trích của các hội viên.

Các cấp bộ Hội, từ trung ương trở xuống, thực hành tự chỉ trích ráo riết, tích cực bài trừ thói cảm tình riêng, ra sức bỏ bệnh hẹp hòi, chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bè phái, nhất là ở Trung Bộ. Thực hiện sự thống nhất tư tưởng và hành động giữa các cấp bộ Hội và các ngành hoạt động của Hội.

Giao thông liên lạc: Củng cố giao thông liên lạc giữa Bắc, Trung, Nam và Miên, Lào, giữa Trung ương và các Hội bộ bên ngoài. Đối với giao thông viên, nâng đỡ về sinh hoạt và huấn luyện cả về chính trị lẫn chuyên môn. Bố trí và bảo vệ điện đài, đề phòng sự phá hoại của địch. Đặt quy tắc quân sự hoá cho các điện đài, chấn chỉnh phòng mật mã (sửa đổi cách chọn người, chặt chẽ và đúng luật, cho đủ phương tiện để làm việc và tiến bộ về chuyên môn).

Nǎm 1948, là nǎm cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn thứ hai, cũng là nǎm tình hình thế giới có thể có những biến chuyển lớn, ảnh hưởng mạnh đến tình hình Đông Dương.

Hội ta phải động viên toàn dân, cố gắng về mọi mặt để chuyển sang giai đoạn thứ hai, và chuẩn bị sẵn sàng đối phó mọi biến cố xẩy đến. Gian khổ, khó khǎn sẽ không ít, nhưng vinh quang cho chúng ta.

Hội nghị tin rằng: với lực lượng dân chủ thế giới tiến triển không ngớt, với tinh thần anh dũng của các dân tộc và dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, nhất định chúng ta sẽ toàn thắng.

Ngày 20 tháng 1 nǎm 1948

Lưu tại Kho Lưu trữ

Trung ương Đảng


1) Mã Đảo: Mađagátxca (B.T).

2) Mortier: súng cối (B.T).

3) Bazooka: súng badôca (B.T).

4) T.N: thanh niên (B.T).

5) KC: kháng chiến (B.T).

6) Kinh thường: thường xuyên (B.T).

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website