Nghị quyết số 06 - NQ/TW ngày 10/12/1982, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1983 và mức phấn đấu đến năm 1985

I- TÌNH HÌNH VÀ NHIỆM VỤ CHUNG CỦA KẾ HOẠCH KINH TẾ- XÃ HỘI NĂM 1983 VÀ 1985

 

1- Bước vào thời kỳ kế hoạch 5 năm 1981-1985, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng tình hình kinh tế - xã hội  nói chung còn nhiều khó khăn và có mặt rất gay gắt.

Hai năm qua, dưới ánh sáng của đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng, căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá IV), một số chính sách quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước được ban hành đã tạo nên nguồn sinh lực mới trong lao động sản xuất, đưa đến những chuyển biến mới rất có ý nghiã nền kinh tế quốc dân. Những chuyển biến đó tuy mới là bước đầu nhưng rất quan trọng, mở ra triển vọng mới để ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Sản xuất nông nghiệp thu được kết quả đáng phấn khởi; việc tự giải quyết lương thực bằng sản xuất và huy động trong nước đạt được bước tiến quan trọng. Sản xuất công nghiệp được duy trì và phát triển khá, nhất là công nghiệp địa phương và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Xây dựng cơ bản được sắp xếp lại một bước, tập trung khá hơn vào những công trình trọng điểm. Giao thông vận tải và bưu điện có một số tiến bộ. Xuất khẩu bước đầu có chuyển biến tốt. Thu mua lương thực và nông sản khác tăng khá. Công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa trong công nghiệp đã cơ bản hoàn thành ở các tỉnh Liên khu V cũ và có bước phát triển mới ở đồng bằng Nam Bộ.

Những chuyển biến mới diễn ra trên cả nước, trong đó nổi lên một số địa phương, một số cơ sở sản xuất đạt được thành tích xuất sắc về thâm canh, tăng năng suất cây trồng và mở mang ngành nghề, về phát triển công nghiệp và tận dụng công suất máy móc, thiết bị, về đẩy mạnh xuất khẩu, về động viên sức dân tham gia xây dựng các công trình kinh tế, văn hoá, xã hội, về nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, về bảo đảm đời sống của nhân dân … Điều đặc biệt quan trọng là trong hoạt động kinh tế đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực vươn lên, mở ra cách làm ăn mới với những hình thức tổ chức và quản lý năng động, có hiệu quả, nâng cao nhiệt tình lao động của quần chúng, khai thác được các khả năng và thuận lợi để vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất và ổn định đời sống.

Cần tổng kết những điển hình tiên tiến đó, mau chóng phát triển hành phong trào quần chúng rộng lớn, tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế và đời sống xã hội.

Tuy vậy, những chuyển biến và tiến bộ nói trên chưa đều và chưa mạnh; tình hình kinh tế - xã hội đang còn những khó khăn lớn, đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Sản xuất chưa ổn định, còn mất cân đối nghiêm trọng, nhất là về năng lượng, nguyên liệu, phụ tùng. Đất, rừng, biển, lao động và các năng lực sản xuất hiện có mới được sử dụng ở mức thấp. Năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, xây dựng và vận tải còn kém, tình trạng lãng phí, tham ô trong quản lý vật tư và sản phẩm rất nghiêm trọng.

Phân phối, lưu thông có một số tiến bộ trong thu mua lương thực và nông sản khác, song có nhiều diễn biến xấu: ngân sách và tiền mặt bội chi lớn; thị trường rối loạn, giá cả biến động mạnh; công tác quản lý còn lỏng lẻo ở ngay trong khu vực quốc doanh và thị trường có tổ chức, nạn đầu cơ, buôn lậu phổ biến; tiền lương cơ bản ngày càng giảm ý nghĩa thực tế, đời sống của công nhân, cán bộ, nhất là trong khu vực hành chính, sự nghiệp và của bộ đội, công an rất khó khăn. Phân phối, lưu thông là nơi biểu hiện tập trung cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, đồng thời là lĩnh vực mà kẻ thù bên ngoài câu kết với bọn phản động bên trong xoáy vào để phá hoại ta. Sự yếu kém và sơ hở trong phân phối, lưu thông đang làm trầm trọng thêm những khó khăn của nền kinh tế.

Tình hình  nói trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.

Hậu quả của cuộc chiến tranh lâu dài chưa được khắc phục xong. Nền kinh tế vốn lạc hậu và mất cân đối trầm trọng, lại bị đảo lộn lớn trong những năm sau chiến tranh. Những biến động bất lợi trong nền kinh tế thế giới cùng với hoạt động phá hoại nhiều mặt của đế quốc Mỹ ... đã gây thêm khó khăn cho tình hình kinh tế nước ta.

Những khuyết điểm về quản lý kinh tế chậm được sửa chữa. Tình trạng quan liêu bao cấp, bảo thủ, trì trệ còn nặng. Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ  quản lý tiến hành chậm, không đồng bộ và thiếu ăn khớp, thậm chí có những thiếu sót và sơ hở lớn như trong chính sách giá. Sự điều hành của cấp trên còn phân tán, kém năng động, ít hiệu lực; những vướng mắc  của bên dưới chưa được xem xét, giải quyết kịp thời. Việc thi hành của cấp dưới  không nghiêm, thậm chí có nơi, có lúc làm trái chính sách, chế độ quản lý chung. Tình trạng phân tán, vô tổ chức, cục bộ, chạy theo lợi ích riêng không được kiên quyết ngăn chặn.

Việc sắp xếp lại sản xuất chưa được tiến hành khẩn trương. Công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở Nam Bộ làm chậm; việc cải tạo, công, thương nghiệp và quản lý thị trường bị xem nhẹ.

Chuyên chính vô sản bị buông lỏng trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên mặt trận phân phối, lưu thông. Pháp chế, kỷ luật không nghiêm. Đối với sự phá hoại của địch, đặc biệt là về kinh tế, chúng ta rất thiếu cảnh giác và có nhiều sơ hở, đối phó không kịp thời.

Tư tưởng hoài nghi, bi quan, ngại khó, thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm, nhận thức không rõ ràng, dứt khoát về cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa  và tư bản chủ nghĩa, cùng với sự sa sút về ý chí phấn đấu, tinh thần kỷ luật và sự thoái hoá, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã tác động xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức chưa theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ. Công tác tư tưởng tuy có cố gắng bám sát nhiệm vụ kinh tế nhưng tính chiến đấu và sức thuyết phục còn thấp. Mặt khác, một số vấn đề về chính sách kinh tế chậm được kết luận cũng ảnh hưởng đến việc thống nhất nhận thức và hành động. Việc động viên và tổ chức phong trào quần chúng còn nhiều mặt yếu, chưa phát huy được quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

2- Trong ba năm 1983-1985, chúng ta phải thực hiện bằng được yêu cầu cơ bản về kinh tế - xã hội mà Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đề ra là:

"Phát triển thêm một bước, sắp xếp lại cơ cấu và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân. Ba mặt  đó kết hợp chặt chẽ với nhau, nhằm cơ bản ổn định được tình hình kinh tế và xã hội, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất của đời sống nhân dân, giảm nhẹ những chỗ mất cân đối nghiêm trọng nhất của nền kinh tế, khắc phục một bước quan trọng tình trạng không bình thường về phân phối, lưu thông, tăng thêm tiền đề và điều kiện để tiến lên mạnh mẽ và vững chắc hơn trong những năm sau".

Trong việc thực hiện bốn mục tiêu kinh tế - xã hội, phải đạt mức phấn đấu cụ thể như sau:

- Về đời sống : Tập trung giải quyết nhu cầu về ăn và mặc. Từ năm 1983 tự đáp ứng được nhu cầu lương thực và hàng năm tăng thêm được dự trữ. Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm theo tiêu chuẩn định lượng cho những đối tượng được Nhà nước cung cấp. Hàng năm tăng mức đáp ứng nhu cầu và đến năm 1985 bảo đảm được mức tiêu dùng thiết yếu về vải, chất đốt, thuốc chưa bệnh, giấy, xe đạp và phụ tùng, đồ dùng thông thường trong nhà. Tập trung giải quyết nhà ở và việc làm cho nhân dân thủ đô Hà Nội, một số thành phố và khu công nghiệp.

Về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội : hoàn thành xây dựng một số công trình quan trọng và bảo đảm điều kiện cho việc đưa công trình vào sử dụng nhằm giảm nhẹ những mất cân đối nghiêm trọng  về năng lượng, giao thông vận tải, cơ khí  sửa chữa và vật liệu xây dựng, tăng thêm năng lực sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm và sản xuất hàng xuất khẩu. Chú trọng đầu tư chiều sâu, đồng bộ hoá để phát huy công suất của các cơ sở sẵn có. Tích cực chuẩn bị cho những công trình  của kế hoạch 5 năm sau.

Về cải tạo xã hội chủ nghĩa : Kiện toàn và nâng cao chất lượng của kinh tế quốc doanh; củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp và thủ công nghiệp. Đến năm 1985, hoàn thành về cơ bản việc tổ chức nông dân ở Nam Bộ vào tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp, đưa một bộ phận sản xuất thủ công cá thể vào làm ăn tập thể bằng các hình thức thích hợp. Thực hiện chính sách vừa sử dụng, vừa cải tạo công nghiệp tư bản tư doanh; triệt để xoá bỏ thành phần tư bản trong thương nghiệp; mở rộng đi đôi với chấn chỉnh thị trường có tổ chức; kiến quyết cải tạo, sắp xếp lại và quản lý thị trường "tự do".

Về quốc phòng và an ninh : Trong tình hình còn phải đối phó lâu dài với kẻ thù trực tiếp, phải thường xuyên đề cao cảnh giác, không ngừng tăng cường quốc phòng toàn dân và bảo đảm các nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước; giải quyết tốt mỗi quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng; huy động tốt năng lực sản xuất trong quân đội và công nghiệp quốc phòng tham gia xây dựng kinh tế một cách tích cực và thích hợp. Phải ra sức giữ vững an ninh chính trị, tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội; kiến quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, sẵn sàng chiến đấu, đánh thắng kẻ địch nếu chúng liều lĩnh gây ra chiến tranh xâm lược.

Nhằm những yêu cầu và mục tiêu nói trên, phải nắm chắc những chủ trương lớn chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 1983 và ba năm tới, như sau:

1- Tự lực vươn lên với tinh thần làm chủ, khai thác mọi khả năng để cân đối kế hoạch một cách tích cực và vững chắc.

Mỗi ngành, mỗi địa phương và đơn vị cơ sở phải chủ động tìm mọi biện pháp khai thác các thế mạnh và khả năng từ nhiều nguồn để cân đối nhu cầu của mình và đòng góp cho đất nước.

- Trước hết là khả năng của bản thân mình với nguồn dự trữ lớn về đất đai, lao động, năng lực sản xuất hiện có, về tăng năng suất lao động, hợp lý hoá sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật …, đặc biệt là khai thác thêm năng lực sản xuất bằng chính sách và biện pháp triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, khắc phục tình trạng lãng phí, hư hao quá lớn.

- Thực hiện đúng đắn phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm, trung ương và địa phương cùng làm"; mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị kinh tế, giữa các địa phương, giữa địa phương và trung ương  để bổ sung cho nhau, hình thành sức mạnh tổng hợp. Mọi sự liên kết đều phải được phản ánh đầy đủ trong kế hoạch và được thực hiện, được kiểm tra bằng hợp đồng kinh tế.

- Đẩy mạnh xuất khẩu để tăng thêm nguồn nhập khẩu vật  tư  cho sản xuất, hạn chế tối đa việc nhập hàng tiêu dùng và những sản phẩm có thể sản xuất trong nước.

- Sử dụng hợp lý và tiết kiệm những phương tiện vật chất được Nhà nước cung ứng.

2 - Kiên quyết tập trung lực lượng giải quyết cho được những yêu cầu quan trọng nhất, những địa bàn và đơn vị trọng điểm

 Yêu cầu số một là giải quyết vấn đề lương thực và thực phẩm, trước hết là lương thực. Phát triển mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, tập trung giải quyết vải mặc và những loại hàng thiết yếu nhất đối với đời sống nhân dân, những mặt hàng xuất khẩu và những mặt  hàng đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách. Tận lực đẩy mạnh xuất khẩu, phát huy những mặt  hàng xuất khẩu là thế mạnh của cả nước và của từng địa phương,. Khắc phục một bước tình trạng mất cân đối gay gắt về năng lượng và giao thông vận tải. Các yêu cầu đó phải được cụ thể hoá thành danh mục sản phẩm, các công trình và các công việc cần ưu tiên phân phối vật tư, tài chính và tập trung chỉ đạo thực hiện.

Đối với các địa bàn và đơn vị trọng điểm, đặc biệt là vùng lúa cao sản, vùng chuyên canh cây công nghiệp, thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp tập trung và các tỉnh biên giới phía bắc, cần tập trung chỉ đạo, bảo đảm các điều kiện cần thiết để sớm tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước.

3- Khẩn trương sắp xếp lại sản xuất và xây dựng.

Căn cứ vào phương hướng tập trung nêu trên, cần khẩn trương sắp xếp lại sản xuất và xây dựng theo các yêu cầu dưới đây:

- Xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ sản xuất của từng cơ sở phù hợp với nhu cầu xã hội và điều kiện thực tế, phù hợp với quy hoạch lâu dài của các ngành, các địa phương. Bố trí lại các công trình xây dựng cơ bản theo phương hướng đầu tư tập trung cho những mục tiêu kinh tế chủ yếu, bảo đảm phát huy nhanh hiệu quả đầu tư.

 - Tổ chức lại sản xuất trong từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở theo phương hướng, nhiệm vụ đã xác định. Xúc tiến việc liên hiệp sản xuất giữa các cơ sở có quan hệ gắn bó với nhau trong quy trình sản xuất, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tiến hành phân công, phân cấp quản lý đối với các cơ sở kinh tế quốc doanh.

 - Mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị kinh tế thuộc các ngành, các cấp và các thành phần kinh tế khác nhau. Cố gắng sử dụng tối đa năng lực sản xuất, đặc biệt là công suất máy móc, thiết bị của kinh tế quốc doanh, của những cơ sở bảo đảm hiệu quả cao, đồng thời kết hợp giữa xí nghiệp lớn, vừa và nhỏ, giữa cơ giới, nửa cơ giới và thủ công để phát huy khả năng của các cơ sở và các thành phần kinh tế theo yêu cầu của kế hoạch Nhà nước.

4- Thiết lập trật tự xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực phân phối, lưu thông.

Thiết lập trật tự xã hội chủ nghĩa, trước hết trong kinh tế quốc doanh và thị trường có tổ chức, bảo đảm cho Nhà nước nắm được hàng hoá do xí nghiệp quốc doanh sản xuất và gia công, nắm được phần lớn nông sản hàng hoá bằng quan hệ trao đổi trực tiếp với nông dân, nắm được những loại hàng thiết yếu do các thành phần kinh tế khác sản xuất, lọai trừ tư thương ra khỏi thị trường lương thực, nông sản nguyên liệu, hàng xuất khẩu, không để tuồn hàng của xí nghiệp quốc doanh ra thị trường "tự do". Mở rộng mạng lưới và cải tiến phương thức kinh doanh của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trong tất cả các lĩnh vực thu mua, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ; nắm toàn bộ bán buôn, chi phối phần lớn bán lẻ, phát huy tác dụng thúc đẩy việc cải tạo và quản lý thị trường "tự do", bình ổn giá cả.

Tăng cường quản lý tài chính quốc gia (bao gồm tài chính, tiền tệ thuộc khu vực Nhà nước và trong toàn xã hội ), xây dựng và thi hành chính sách tài chính tích cực, phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân một cách hợp lý, không tiêu dùng quá mức của cải làm ra, triệt để tiết kiệm tiêu dùng để dành vốn cho sản xuất, xây dựng; điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư có lợi cho Nhà nước, cho nhân dân lao động. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách và tiền mặt, sau vài năm thăng bằng được thu chi tài chính. Từng bước ổn định giá cả và tiền tệ. Chống tệ cho vay nặng lãi ở cả thành thị và nông thôn.

Giải quyết một bước yêu cầu cấp bách về đời sống của công nhân, viên chức và bộ đội, công an; xúc tiến việc nghiên cứu và chuẩn bị để cải tiến chế độ tiền lương phù hợp với điều kiện thực tế.

5- Khai thác tiềm năng khoa học - kỹ thuật

Kế hoạch nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật phải là một bộ phận hữu cơ của kế hoạch kinh tế. Tạo điều kiện triển khai tốt các công trình khoa học kỹ thuật trọng điểm để phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội. Có chính sách đúng đắn và tổ chức hợp lý để huy động lực lượng khoa học, kỹ thuật tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch, xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án kinh tế - kỹ thuật cho từng cây, con, từng sản phẩm, từng loại công việc.

Ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và đời sống, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư, hạ giá thành, tạo nguyên liệu, phụ tùng cho sản xuất, khai thác hết công suất máy móc, thiết bị.

Tăng cường cán bộ khoa học, kỹ thuật cho các huỵên và các cơ sở sản xuất, kể cả các đơn vị kinh tế tập thể. Đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng tiến quân vào khoa học, kỹ thuật.

6- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và kế hoạch hoá; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành

  Đổi mới cơ chế quản lý và kế hoạch hoá gắn liền với tổ chức lại sản xuất, chấn chỉnh bộ máy quản lý, cải tiến công tác điều hành nhằm khắc phục tệ quan liêu, bao cấp, đưa các hoạt động kinh tế đi vào hạch toán kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý kinh tế, xúc tiến khẩn trương việc phân cấp quản lý kinh tế, bảo đảm quyền lãnh đạo tập trung, thống nhất của trung ương, đồng thời mở rộng quyền chủ động của các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở, đặc biệt là trong sản xuất, kinh doanh.Tăng cường sự phân công, hợp tác xã hội chủ nghĩa, đề cao kỷ luật và pháp chế, tôn trọng kế hoạch Nhà nước trong hoạt động kinh tế, khắc phục tình trạng phân tán, chia cắt; bảo đảm sự nhất trí giữa ba lợi ích: lợi ích toàn xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân người lao động.

Tiếp tục đổi mới công tác kế hoạch hoá, bảo đảm cho mỗi cấp thực sự làm chủ kế hoạch, thực sự xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên; gắn kế hoạch  với hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, với chính sách và tổ chức quản lý. Rút kinh nghiệm việc xây dựng kế hoạch năm 1983 để làm tốt hơn việc xây dựng kế hoạch năm 1984, 1985 từ cơ sở lên, đặc biệt là kế hoạch của hơn 400 huyện và mấy trăm xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, công ty.

Xúc tiến công tác điều tra cơ bản, dự báo, lập tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất, nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội, dự thảo kế hoạch triển vọng để chuẩn bị tích cực cho kế hoạch 5 năm sau.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra thực hiện kế hoạch, kịp thời giải quyết những vấn đề do cấp dưới đề ra, tích cực giúp đỡ cấp dưới khắc phục khó khăn.

7- Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng.

Trong những năm trước mắt, cần làm tốt mấy việc:

- Bảo đảm nhu cầu thường xuyên về hậu cần và kỹ thuật của quốc phòng trong thời bình, đồng thời tăng dự trữ của Nhà nước. Cần kiệm xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa việc xây dựng ba thứ quân, bảo đảm quân thường trực mạnh, đặc biệt là về chất lượng, và quân dự bị hùng hậu, có tổ chức chặt chẽ.

- Xây dựng kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân trong thời chiến.

- Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng.

- Tổ chức cho các đơn vị quân đội  tiến hành sản xuất để tự cung ứng một phần nhu cầu; huy động công nghiệp quốc phòng tham gia những hoạt động kinh tế có kế hoạch; sử dụng lực lượng quân đội vào những việc thích hợp về xây dựng kinh tế.

II- NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU CỦA MỘT SỐ NGÀNH CHỦ YẾU.

1- Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp

Năm 1983 phải đạt cho được sản lượng 17 triệu tấn lương thực (quy thóc), trong đó có 2, 7 triệu tấn màu quy thóc và đến năm 1985 đạt 19-20 triệu tấn, trong đó có 3-3,5 triệu tấn màu quy thóc. Cần phấn đấu với tinh thần quyết tâm vượt chỉ tiêu này.

Đi đôi với tăng vụ và khai hoang, phải lấy thâm canh làm biện pháp chủ yếu để đạt năng suất và sản lượng cao trên tất cả các vùng lúa, kể cả trung du và miền núi. Tập trung sức xây dựng các vùng lúa cao sản ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ và ở mỗi địa phương, chú ý các cánh động cao sản ở các tỉnh miền núi và khu IV cũ. Phấn đấu đến năm 1985 các vùng lúa cao sản chiếm 1/3 diện tích gieo trồng lúa và cung cấp 1/2 sản lượng thóc cả năm. Phát động phong trào xây dựng các huyện, xã, hợp tác xã đạt năng suất lúa cao (cả năm đạt 8-10 tấn/ha trở lên).

Tận dụng đất đai để trồng và thâm canh màu; phát triển vụ đông ở miền bắc, trồng xen canh, gối vụ trên đất cây lâu năm và cây công nghiệp ngắn ngày, vừa trồng tập trung, vừa trồng phân tán, nhưng không được phá rừng, phá cây công nghiệp để trồng màu. Giải quyết đồng bộ tổ chức và chính sách, bảo đảm các khâu thu mua, vận chuyển, chế biến để đưa màu vào cơ cấu bữa ăn và phát triển chăn nuôi.

Phát triển mạnh cây công nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm, trung ương và địa phương cùng làm". Đặc biệt chú trọng phát triển cây xuất khẩu và cây cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trong nước, xây dựng các vùng tập trung chuyên canh có năng suất cao, đồng thời vận động nhân dân tận dụng đất đai trồng rộng rãi những loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao.

Phát triển các loại rau, đậu để bảo đảm cung cấp cho các thành phố, khu công nghiệp và tăng nguồn xuất khẩu.

Tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm cả trong khu vực quốc doanh, tập thể và gia đình. Chú trọng phát triển đại gia súc ở tất cả những nơi có điều kiện, đặc biệt là ở trung du và miền núi; tăng nhanh đàn lợn, nhất là ở các vùng trồng nhiều hoa màu; mở rộng phong trào trồng dâu, nuôi tằm; phát triển chăn nuôi gà, vịt, ngỗng, dê, thỏ, cá, ong…

Từng địa phương phải phát triển nông nghiệp toàn diện, đồng thời khai thác thế mạnh của mình, xây dựng các vùng lúa năng suất cao, vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây xuất khẩu. Cơ cấu cây trồng của từng địa phương phải phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

Xúc tiến nhanh việc điều chỉnh ruộng đất ở các tỉnh Nam Bộ, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thu hút  đông đảo nông dân vào các hình thức như tổ đoàn kết sản xuất, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, đồng thời tích cực phát triển tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường kinh tế tập thể đi đôi với hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp, phát huy  mặt tốt, kịp thời phát hiện và khắc phục những lệch lạc như khoán trắng, buông lỏng việc quản lý các cơ sở vật chất - kỹ thuật của tập thể; hướng dẫn và giúp đỡ kinh tế gia đình phát triển theo quy hoạch và kế hoạch của hợp tác xã. Kết hợp chặt chẽ việc cải tạo và phát triển nông nghiệp với xây dựng huyện và xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Chú ý xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, có trình độ quản lý cao.

Đẩy mạnh bảo vệ rừng, trồng dừng và khai thác rừng một cách hợp lý. Kết hợp chặt chẽ lâm nghiệp với nông nghiệp, mở rộng kinh doanh tổng hợp để khai thác, sử dụng tốt các tài nguyên rừng, lấy rừng nuôi rừng, chấm dứt nạn phá rừng, cháy rừng và lãng phí lâm sản. Gắn liền công tác định canh, định cư với việc phát triển lâm- nông nghiệp ở miền núi. Phân cấp cho địa phương quản lý rừng như quản lý đất nông nghiệp (trung ương chỉ trực tiếp quản lý một số rừng phải bảo vệ đặc biệt và quy mô khai thác lớn). Tiếp tục giao đất, giao rừng cho các hợp tác xã, cho các đơn vị quân đội, các đơn vị kinh tế khác, áp dụng hình thức khoán cho gia đình xã viên trồng rừng, bảo vệ rừng; có chính sách khuyến khích để phát triển mạnh phong trào nhân dân, bộ đội trồng cây ở khắp các địa phương, mau chóng phủ xanh các đồi trọc và bãi cát ven biển.

Đẩy mạnh đánh bắt hải sản bằng lực lượng thủ công, nửa cơ giới và cơ giới; phát triển mạnh nuôi tôm, cá nước ngọt, nước lợ; tăng cường đầu tư đồng bộ (đánh, bắt, chế biến, bảo quản, bao bì, vận chuyển) để khai thác khả năng lớn về xuất khẩu thuỷ sản. Tổ chức tốt việc thu mua, chế biến, vận chuyển thuỷ sản để phục vụ nhu cầu của các thành phố, khu công nghiệp và quân đội.

2- Sản xuất hàng tiêu dùng.

 Tìm mọi biện pháp tận dụng năng lực sản xuất hiện có của công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, của các xí nghiệp quốc phòng, đồng thời hết sức coi trọng việc phát triển sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp bằng nhiều hình thức; cải tiến chính sách để phát huy tiềm năng của hợp tác xã thủ công nghiệp; đẩy mạnh việc cải tạo thủ công nghiệp cá thể đi đôi với tổ chức lại sản xuất. Khai thác thế mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng của các địa phương, nhất là của thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tích cực sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, mở rộng các hình thức liên doanh, hợp tác, gia công giữa các đơn vị sản xuất thuộc các ngành, các thành phần kinh tế, giữa các cơ sở công nghiệp chế biến với các địa phương sản xuất nguyên liệu. Bằng các biện pháp đó, tăng nhanh khối lượng và mặt hàng tiêu dùng, bảo đảm chất lượng quy định; kiến quyết không để thiếu những hàng tiêu dùng thông thường mà trong nước có điều kiện sản xuất như sành sứ, đồ gỗ, săm lốp và phụ tùng xe đạp, đường, thuốc lá…

Đi đôi với hướng chính là tạo nguồn nguyên liệu trong nước, cần đẩy mạnh kinh doanh xuất nhập khẩu, làm gia công và hợp tác với nước ngoài để có thêm nguyên liệu sản xuất hàng tiêu dùng và tạo thêm việc làm cho lao động xã hội.

Tích cực giải quyết vấn đề mặc; cân đối điều kiện cần thiết để năm 1983 đạt được sản lượng 260 triệu mét vải và đến năm 1985 đạt 380 triệu mét. Để tự giải quyết một phần vải mặc, cần phát động rộng rãi phong trào  nhân dân trồng dâu nuôi tằm, trồng bông và các cây có sợi khác, đồng thời từng địa phương tăng xuất khẩu, nhập thêm nguyên liệu dệt.

Tăng nhanh sản lượng đường, chè, thuốc chữa bệnh, giấy, săm lốp và phụ tùng xe đạp; khuyến khích các ngành, các địa phương và cơ sở ( cả quốc doanh, tập thể và cá nhân) tận dụng nguyên liệu trong nước, phế liệu, phế phẩm để phát triển mạnh sản xuất hàng tiêu dùng như các loại đồ gỗ, đồ gốm, sành sứ, thuỷ tinh, hàng mây tre, nứa lá, đay, cói, dụng cụ gia đình, đồ dùng học sinh, dụng cụ y tế, văn hoá, dụng cụ bảo hộ lao động …

Thực hiện việc đăng ký mặt hàng và chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất; tăng cường  kiểm tra chất lượng sản phẩm, chống tệ  làm ăn gian dối, nghiêm trị tội làm hàng giả.

3- Công nghiệp nặng.

Khẩn trương sắp xếp lại các cơ sở sản xuất. Cố gắng cung ứng thêm năng lượng  và nguyên liệu để tận dụng công suất thiết bị hiện có nhằm phục vụ tốt nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác. Đẩy mạnh xây dựng, sớm đưa vào sử dụng các công trình năng lượng, cơ khí, nguyên liệu, vật liệu. Làm tốt công tác chuẩn bị xây dựng một số công trình mới, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài của nền kinh tế.

Phấn đấu năm 1983 đạt sản lượng điện 4,3 tỷ kwh, năm 1985: 5,5 tỉ kwh; cân đối các điều kiện về sản xuất, đời sống và vận tải để đạt sản lượng than năm 1983: 6,5 triệu tấn, năm 1985: 8,5 triệu tấn; đẩy mạnh thăm dò và khai thác dầu khí; sản lượng xi măng năm 1983:  1-1,2 triệu tấn, năm 1985: 2-2,5 triệu tấn; phân lân các loại năm 1983: 24 vạn tấn, năm 1985: 35-40 vạn tấn. Tổ chức hợp lý và sử dụng tốt năng lực của ngành cơ khí, có phân công cụ thể cho từng đơn vị để bảo đảm  sửa chữa máy móc, thiết bị, sản xuất phụ tùng và động lực nhỏ; cung ứng đủ công cụ thường và công cụ cải tiến, một số máy móc, thiết bị cỡ nhỏ và vừa; tổ chức việc chế tạo máy cho các trạm thuỷ điện nhỏ; duy trì sản xuất ở mức hợp lý các loại máy công cụ, động cơ điện, máy kéo nhỏ, phương tiện vận tải thuỷ. Tìm mọi biện pháp tận dụng công suất của các cơ sở luyện gang thép hiện có. Khai thác tốt hơn năng lực lắp ráp và chế tạo linh kiện điện tử phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

4- Giao thông vận tải

Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải hợp lý trong cả nước. Ưu tiên phát triển vận tải đường biển, đường sông; củng cố và phát huy năng lực vận tải đường sắt; sắp xếp lại vận tải ô - tô; tiếp tục xây dựng và củng cố hàng không dân dụng. Gấp rút chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp lại lực lượng vận tải quốc doanh  và tập thể; tăng cường  lực lượng vận tải công cộng. Tăng năng lực sửa chữa, bảo dưỡng, đi đôi với chấn chỉnh quản lý nhằm khai thác tốt các phương tiện hiện có. Phát triển rộng rãi phương tiện thô sơ, phát triển giao thông vận tải nông thôn, miền núi. Việc xây dựng mới các công trình giao thông phải có trọng điểm; ưu tiên đầu tư cho việc duy trung ương, nâng cấp hệ thống cầu đường, bến cảng, nạo vét luồng lạch, tập trung củng cố đường sắt Thống nhất và khu đầu mối giao thông Hà Nội.

Tập trung sức bảo đảm thực hiện bằng được các chỉ tiêu chủ yếu về vận chuyển và tiếp nhận hàng xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá bắc- nam, vận chuyển than Quảng Ninh, vận chuyển cho biên giới, vận chuyển cho Lào và Cam-pu-chia; phục vụ tốt yêu cầu đi lại của nhân dân.

Khôi phục lại nền nếp, kỷ cương, chống các hiện tượng tiêu cực, mất mát, ăn cắp hàng hoá trong vận tải.

Năm 1983 vận tải đạt 47 triệu tấn hàng và 300 triệu lượt hành khách, năm 1985: 52 triệu tấn hàng và 320 triệu lượt hành khách.

Phát triển mạng lưới thông tin - bưu điện và tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ sản xuất, phục vụ nhân dân.

5- Xây dựng cơ bản

Tiếp tục sắp xếp lại xây dựng cơ bản; tạm hoãn những công trình chưa thật cấp thiết, chưa có điều kiện xây dựng đồng bộ; tập trung vốn, vật liệu xây dựng, lực lượng thi công cho những công trình trọng điểm, cho những mục tiêu kinh tế chủ yếu, nhất là các công trình chắc chắn có hiệu qủa tốt. Chuẩn bị tốt để huy động được tối đa công suất của những nhà máy mới đã và sẽ đưa vào sản xuất trong năm 1983 và những năm tiếp theo. Chú trọng đầu tư chiều sâu nhằm hoàn thiện đồng bộ những cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có.

Các địa phương phải phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, chăm lo nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng. Trong những năm  trước mắt, các thành phố, khu công nghiệp chú ý đầu tư cho sửa chữa nhà ở. Việc đầu tư xây dựng thêm nhà ở chủ yếu là tập trung cho thủ đô Hà Nội và một số vùng trọng điểm.

Từng ngành, từng địa phương phải căn cứ vào khả năng thực tế để bố trí công trình xây dựng cho sát đúng, chấm dứt tình trạng dùng vốn của Nhà nước xây dựng ngoài kế hoạch, xây dựng phân tán, dàn đều, không bảo đảm chất lượng.

Tổng số vốn đầu tư của Nhà nước dành cho xây dựng cơ bản năm 1983 là 15 tỷ đồng. Trong quá trình chỉ đạo, cần tiếp tục tìm những khả năng mới để đầu tư thêm cho sản xuất, thực hiện mạnh mẽ và đúng đắn phương châm" Nhà nước và nhân dân cùng làm"

6- Xuất nhập khẩu, mở rộng hợp tác với nước ngoài.

 Tập trung đầu tư và có chính sách đòn bẩy thích đáng nhằm tăng nhanh năng lực xuất khẩu, khuyến khích mạnh mẽ các ngành, các địa phương, các cơ sở và nhân dân khai thác mọi khả năng để tăng khối lượng và mặt hàng xuất khẩu với chất lượng và hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Bằng mọi cách thu hẹp dần sự chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu và sự mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế. Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 1983 là 780 triệu rúp và đô-la.

Ngành ngoại thương cần được củng cố và kiện toàn, phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng kế hoạch và chính sách, hướng dẫn, tổ chức sản xuất và động viên hàng xuất khẩu. Bộ Ngoại thương phải làm tốt chức năng thống nhất quản lý ngoại thương trong cả nước.

Trung ương cùng địa phương tập trung đầu tư và quản lý để phát triển 25 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đồng thời hết sức khuyến khích các ngành, các địa phương tận dụng khả năng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu khác. Quy định nghiêm ngặt chế độ tiết kiệm tiêu dùng trong nước để dành hàng hoá cho xuất khẩu.

Mở rộng các hình thức hợp tác, hợp doanh, gia công xuất khẩu với nước ngoài. Nhanh chóng phát triển ngành du lịch, mạnh dạn mở rộng cửa cho khách du lịch nước ngoài vào với sự kiểm tra, kiểm soát cần thiết ( tránh gây phiền hà không đáng có). Tăng các hoạt động kinh doanh như vận tải đường biển, hàng không và bưu điện ra nước ngoài, cung ứng tàu biển, kiều hối và dịch vụ khác để tăng thu ngoại tệ.

Trung ương thống nhất quản lý ngoại hối và chính sách hối đoái, thống nhất quản lý vận tải xuất, nhập khẩu.

Hết sức chặt chẽ trong nhập khẩu; triệt để tiết kiệm, tính đến hiệu quả và khả năng trả nợ. Có chính sách bảo hộ và phát triển sản xuất hàng trong nước; tận dụng những thiết bị, vật tư hiện có; khuyến khích sản xuất trong nước những mặt hàng có thể thay thế hàng nhập khẩu. Chỉ nhập những hàng hết sức thiết yếu, ưu tiên nhập của các nước xã hội chủ nghĩa.

Kiểm tra lại các công trình hợp tác với nước ngoài, bảo đảm đầu tư đồng bộ hơn; xác định tiến độ xây dựng, hình thức và mức độ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật với Lào và Cam-pu-chia, phù hợp với khả năng và lợi ích của mỗi nước nhằm phát huy tiềm năng và tạo nguồn bổ sung cho nhau.  Phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác.

7- Lao động

Nắm cho được lao động, quản lý chặt chẽ lao động, phấn đấu giải quyết việc làm cho người lao động hướng vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi, mở mang ngành nghề, khai thác lâm nghiệp, ngư nghiệp, phát triển thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp và dịch vụ ở thành phố. Đồng thời tích cực thực hiện mục tiêu "đưa một triệu người, bao gồm lao động và nhân khẩu trong cả nước đi xây dựng các vùng kinh tế mới", trong đó năm 1983 đưa 20 vạn người. Cần bố trí lao động  vào những nơi đã được chuẩn bị về điều kiện sản xuất và đời sống. Từng tỉnh, huyện có kế hoạch điều chỉnh lao động trong phạm vi từng địa phương. Chuẩn bị ngay từ bây giờ để đến kế hoạch 5 năm sau triển khai trên quy mô lớn việc phân bố lại lao động trong phạm vi cả nước.

Có chính sách thích hợp để bố trí sử dụng hết và có hiệu quả số cán bộ đại học, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật đã được đào tạo. Quan tâm sắp xếp việc làm cho bộ đội xuất ngũ và thanh niên đến tuổi lao động. Tạo điều kiện cho cán bộ về hưu còn sức khoẻ có thể tiếp tục cống hiến theo nguyện vọng và khả năng.

Cải tiến tổ chức lao động, có chính sách khuyến khích mọi người hăng hái lao động, bảo đảm lao động có hiệu qua với năng suất cao. Nghiên cứu ban hành luật nghĩa vụ lao động, vừa vận động, vừa bắt buộc mọi người có sức lao động phải làm việc. Trong việc hợp tác lao động với nước ngoài, hết sức tranh thủ hình thức gia công; việc đưa lao động ra nước ngoài nhất thiết phải lựa chọn đúng tiêu chuẩn, giáo dục và tổ chức quản lý chặt chẽ, bảo đảm học được nghề và có ảnh hưởng tốt về chính trị.

Đẩy mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số xuống 2,1 % năm 1983 và 1,7 % năm 1985.

8- Giáo dục, văn hoá, y tế, xã hội.

Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng cải cách giáo dục, trong đó đặc biệt chú ý cấp phổ thông cơ sở, trước mắt đẩy mạnh phổ cập cấp 1, phát triển cấp 2 và cấp 3 trên cơ sở tính toán nhu cầu và điều kiện ở từng địa phương; đẩy mạnh giáo dục phổ thông ở các tỉnh phía nam và các vùng dân tộc ít người. Thanh toán cho được nạn mù chữ ở các huyện vùng cao, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Coi trọng giáo dục toàn diện, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, kiên quyết thực hiện giáo dục hướng nghiệp ở tất cả các trường phổ thông trung học. Có chính sách, chế độ đãi ngộ thích đáng đối với giáo viên, chú ý giáo viên ở vùng cao và các căn cứ kháng chiến cũ.

Tiếp tục củng cố và phát triển nhà trẻ, mẫu giáo; củng cố hệ thống trường lớp hiện có.

Sắp xếp hợp lý các trường địa học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, bảo đảm nhu cầu về cán bộ và công nhân  cho các địa phương và cơ sở. Hết sức coi trọng bảo đảm chất lượng đào tạo cả chính trị và chuyên môn.

Cần có kế hoạch, chính sách và biện pháp phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thông tin; phấn đấu đến năm 1985 tất cả các đơn vị cơ sở ở nông thôn và thành thị đều có tổ chức và hoạt động văn hoá; từng bước xây dựng có trọng điểm các công trình văn hoá, lịch sử có ý nghĩa lớn, đấu tranh triệt để và liên tục để loại trừ văn hoá nô dịch, phản động, đồi truỵ; bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm khắp thành thị và nông thôn. Kết hợp tốt mục đích phục vụ và chế độ hạch toán trong các hoạt động văn hoá, nghệ thuật.

Tăng cường cuộc vận động vệ sinh phòng bệnh, chủ động ngăn ngừa dịch bệnh. Kết hợp chặt chẽ y dược hiện đại và y dược cổ truyền của dân tộc; phát triển mạnh các nguồn dược liệu, hoá dược trong nước, bảo đảm thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Nâng cao chất lượng và tăng cường  quản lý các cơ sở y tế hiện có. Chú trọng xây dựng các cơ sở y tế ở miền núi và miền nam.

Nghiên cứu bổ sung chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, thực hiện tốt chính sách hậu phương.

Mở rộng cuộc vận động rèn luyện thể dục thể thao thành phong trào quần chúng; chú trọng xây dựng những bộ môn thể thao thích hợp với điều kiện nước ta.

 

III- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ PHÂN PHỐI - LƯU THÔNG

 

Vấn đề cấp bách nhất, nóng bỏng nhất hiện nay về phân phối, lưu thông là tìm mọi biện pháp thiết thực và có hiệu lực để nhanh chóng ổn định từng bước cải thiện đời sống, trước hết là đời sống của công nhân, cán bộ, bộ đội, công an. Đây là mục tiêu kinh tế - xã hội số một mà Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đề ra và cũng là nguyện vọng thiết tha, là đòi hỏi bức bách của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hiện nay.

Đảng và Nhà nước ta, các ngành, các cấp  phải thấy rõ trách nhiệm và có những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tạo ra chuyển biến rõ rệt về việc chăm lo đời sống cho dân, trước hết cho cán bộ, công nhân, bộ đội, công an là lực lượng nòng cốt của chuyên chính vô sản, từ đó mà tăng thêm lòng phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, tạo ra nhiều nhân tố tích cực hơn nữa, thúc đẩy quá trình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dầu nền kinh tế đang còn những khó khăn và mất cân đối lớn, nhưng với đà phát triển khá trong sản xuất nông nghiệp, trong sản xuất hàng tiêu dùng, trong ba năm tới và ngay từ năm 1983, chúng ta hoàn toàn có khả năng thực tế để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu thiết yếu của nhân dân, như lương thực, rau đậu, muối, nước mắm, đường, cá, thịt, chất đột, vải mặc, thuốc chữa bệnh và một số hàng tiêu dùng thông thường.

Vấn đề quyết định là phải nắm cho được những mặt hàng ấy để quản lý, phân phối đủ và kịp thời, đúng đối tượng, đúng trọng điểm, không bình quân, không bao cấp, không để hư hỏng, mất mát, lãng phí.

Ban Chấp hành Trung ương giao cho Ban Bí thư và Hội đồng Bộ trưởng sau hội nghị này phải có các biện pháp thật tích cực, đồng bộ để từng bước ổn định tài chính, tiền tệ thị trường, giá cả, tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời và đúng chất lượng các mặt hàng theo định lượng, có biện pháp điều tiết hợp lý thu nhập của các tầng lớp nhân dân và tăng năng suất, tiết kiệm để tăng thu nhập, nhanh chóng ổn định và từng bước cải thiện đời sống của công nhân, cán bộ, bộ đội và công an.

Trước mắt, phải tập trung giải quyết cho được một số vấn đề cấp bách dưới đây:

1/ Nắm hàng

Các xí nghiệp quốc doanh phải giao toàn bộ sản phẩm thuộc kế hoạch Nhà nước cho thương nghiệp quốc doanh và hệ thống vật tư của Nhà nước, không được giữ lại sản phẩm để tự tiêu thụ hoặc để thưởng bằng hiện vật.

Đối với tiểu công nghiệp  và thủ công nghiệp, các cơ quan gia công phải thu hồi sản phẩm đầy đủ, đúng quy cách và phải thu mua cho được đại bộ phận sản phẩm do các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp làm ra. Xử lý nghiêm khắc các cơ sở làm ăn gian dối, làm hàng giả hoặc bớt xén nguyên liệu của Nhà nước.

Đối với nông nghiệp, cần thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Chính trị về việc huy động lương thực năm 1983: thống nhất áp dụng trong cả nước chính sách huy động lương thực theo nghĩa vụ bao gồm thuế nông nghiệp và thu mua theo nghĩa vụ bằng hợp đồng hai chiều: tập trung cao nhất nguồn hàng và tiền để huy động cho được 3,6 đến 3,7 triệu tấn lương thực trong năm 1983. Nhà nước thực hiện từng bước việc thống nhất quản lý lương thực; kiến quyết loại trừ tư thương ra khỏi thị trường lương thực; nghiêm khắc trừng trị bọn đầu cơ lương thực, đồng thời quản lý và kiểm soát lương thực tận gốc, tránh gây ra tình trạng "cấm chợ ngăn sông".

Việc thu mua lâm sản, hải sản và các nông sản khác cũng thông qua hình thức hợp đồng kinh tế, theo giá chỉ đạo ổn định.

2/ Về tài chính, tiền tệ.

Để ổn định  nền tài chính quốc gia,  phải kịp thời thay đổi chính sách tài chính nhằm tăng cường động viên các nguồn vốn vào ngân sách Nhà nước và tiền mặt vào ngân hàng, thi hành chính sách tiết kiệm triệt để, hạn chế những khoản chi mang tính chất bao cấp. Kiện toàn tổ chức quản lý tài chính, thực hiện kiểm tra tài chính chặt chẽ.

Đề cao nghĩa vụ và kỷ luật nộp tích luỹ và các khoản nộp khác của các xí nghiệp quốc doanh. Các cơ quan quản lý xí nghiệp và các xí nghiệp phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả của sản xuất kinh doanh, giảm giá thành và phí lưu thông, xoá bỏ những chi phí không hợp lý, không hợp lệ. Nghiêm cấm việc tuỳ tiện nâng giá và lợi dụng chênh lệch giá để tăng lợi nhuận và tăng thu cho xí nghiệp và cho ngân sách địa phương. Tăng cường động viên  bằng thuế đối với nông nghiệp, công thương nghiệp tập thể và tư nhân, cá thể, trên cơ sở sửa đổi chính sách thuế và kiến quyết đấu tranh chống trốn thuế, lậu thuế, chống miễn giảm không đúng chính sách. Tiếp tục cải tiến chính sách để đẩy mạnh phong trào gửi tiền tiết kiệm, để thu hút kiều hối, để quản lý chặt chẽ tiền mặt và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng.

Thực hiện việc phát hành công trái.

Kiến quyết sắp xếp lại và giảm chi tương ứng với nguồn thu. Khẩn trương thể chế hoá phương châm" Nhà nước và nhân dân cùng làm, trung ương và địa phương cùng làm" để động viên sức dân hợp lý, theo đúng chính sách, chế độ chung và tránh sơ hở, tham ô, lợi dụng.

Thực hiện thống nhất quản lý tài chính: mọi khoản thu chi phải theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước và phản ánh đầy  đủ vào ngân sách; nghiêm cấm việc lập quỹ trái phép nằm ngoài ngân sách và ngoài quỹ ngân hàng. Tài chính và ngân hàng phải bảo đảm cung cấp đủ vốn và tiền mặt theo kế hoạch cho các ngành, các địa phương và cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước. Trong tình hình nguồn tài chính của Nhà nước có hạn, phải tập trung đại bộ phận vào ngân sách trung ương; địa phương được chủ động cân đối và quản lý ngân sách địa phương,nhưng phải báo cáo đầy đủ lên trung ương. Hội đồng Bộ trưởng  kiểm tra chặt chẽ việc chi tiêu của địa phương.

3/ Về giá cả.

Trước mắt cần giữ hệ thống giá chỉ đạo hiện nay, chỉ điều chỉnh một bộ phận xét thật cần thiết để tránh những đảo lộn không đáng có, đấu tranh quyết liệt để từng bước bình ổn giá, lập lại trật tự trên lĩnh vực giá cả, trước hết là trong khu vực kinh tế quốc doanh, chống xu hướng nâng giá và chạy theo cơ chế thị trường.

Đối với giá bán buôn, cần tiếp tục hoàn thiện và ổn định hệ thống giá hiện hành, trên cơ sở không ngừng giảm giá thành và phí lưu thông. Đối với giá thu mua, vấn đề cực kỳ quan trọng là gắn mua với bán theo nghĩa vụ ổn định và hợp đồng hai chiều, giữ vững tỉ giá và mức giá thu mua lúa đã quy định; đình chỉ ngay việc bán vật tư, hàng hoá theo giá cao và mua lúa theo giá cao. Đối với phần mua ngoài nghĩa vụ và ngoài hợp đồng, cần hướng dẫn mua theo giá khuyến khích, không chạy theo giá thị trường đang chịu tác động của yếu tố đầu cơ. Việc điều chỉnh giá thu mua một số sản phẩm cụ thể cần xem xét thận trọng để giữ mối quan hệ hợp lý trong hệ thống giá.

Đối với giá bán lẻ, ngoài những mặt hàng bán theo định lượng với giá cung cấp cho công nhân viên chức  và các lực lượng vũ trang, Nhà nước cần thi hành cơ chế hai giá: giá bán lẻ ổn định đối với một số mặt hàng thiết yêu bán cho công nhân, viên chức và bán cho nông dân, thợ thủ công… có quan hệ trao đổi hai chiều với Nhà nước, và giá cao hơn ( có hướng dẫn ) đối với những mặt hàng ngoài diện, ngoài mức  nói trên. Đối với một số mặt hàng bị bù lỗ thì trước hết phải sắp xếp và định lại phương hướng sản xuất, soát lại giá thành và phí lưu thông rồi mới xem xét việc điều chỉnh giá, không được tuỳ tiện nâng giá bán hoặc bù lỗ tràn lan qua ngân sách.

Thực hiện chế độ thống nhất quản lý giá: đối với những mặt hàng Nhà nước thống nhất định giá, các ngành, các địa phương không được tự ý thay đổi giá. đối với những mặt hàng được phân công, phân cấp định giá thì các ngành, địa phương phải theo những nguyên tắc, quy chế chung của Nhà nước về quản lý giá. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về giá cả, giữ vững kỷ luật chấp hành giá chỉ đạo của Nhà nước. Sử dụng mọi biện pháp kinh tế, hành chính và giáo dục để đấu tranh bình ổn giá thị trường.

4/ Tiền lương

Trong tình hình nên kinh tế đang có khó khăn, biên chế trong khu vực Nhà nước lại quá lớn, chưa thể giải quyết một cách cơ bản vấn đề tiền lương. Trước mắt, biện pháp cơ bản và quyết định nhất để giảm bớt khó khăn về đời sống của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang vẫn là tập trung sức bảo đảm cung cấp theo định lượng các mặt hàng quy định, đúng số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả. Phải gấp rút chấn chỉnh và tăng cường hệ thống thương nghiệp, cải tiến phương thức phân phối, bảo đảm hàng hoá đến tay người tiêu dùng, kiến quyết chống tham ô, móc ngoặc trong các cơ quan, đơn vị làm công việc này.

Để giảm bớt một phần khó khăn cho công nhân, viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và các lực lượng vũ trang, cần định khoản phụ cấp tạm thời. Đối với khu vực sản xuất, cần xét duyệt chặt chẽ việc công nhân hoàn thành kế hoạch trên cơ sở các định mức và đơn giá hợp lý, bảo đảm mối tương quan chung; thi hành đúng đắn các chế độ lương khoán, tiền thưởng, khắc phục sự chênh lệch quá  đáng về thu nhập trong nội bộ khu vực sản xuất kinh doanh cũng như giữa sản xuất kinh doanh) với hành chính, sự nghiệp.

Cùng với việc thực hiện các biện pháp trước mắt trên đây cần sớm nghiên cứu và tích cực chuẩn bị điều kiện để tiến hành từng bước cải cách một cách cơ bản chế độ tiền lương đúng với nguyên tắc phân phối theo lao động của chủ nghĩa xã hội.

5/ Phát triển thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và tăng cường quản lý thị trường.

Kiến quyết thi hành các chủ trương, biện pháp đề ra trong Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị về công tác cuả thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 188 của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, quản lý thị trường. Đây vừa là khâu trung tâm của lĩnh vực phân phối, lưu thông, vừa là mũi nhọn trong cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề "ai thắng ai" trên mặt trận kinh tế.

Để quản lý thị trường, phải:

- Lập lại trật tự xã hội chủ nghĩa, trước hết trong nội bộ kinh tế quốc doanh và cơ quan Nhà nước; phát hiện và ngăn chặn những sơ hở trong tất cả các khâu ( sản xuất, thu mua, phân phối vận tải, kho tàng…) đang bị những phần tử xấu, thoái hoá, biến chất trong nội bộ bộ máy Nhà nước lợi dụng móc nối với bọn đầu cơ, buôn lậu để ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa.

- Mở rộng trận điạ thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, cải tiến phương thức hoạt động kinh doanh để phục vụ tốt sản xuất và đời sống, lấy việc thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, vươn lên làm chủ thị trường và giá cả làm nhiệm vụ hàng đầu, chống khuynh hướng kinh doanh đơn thuần chạy theo lợi nhuận. Chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của toàn bộ hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, làm cho lưu thông hàng hoá thông suốt từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, xoá bỏ những khâu trung gian không cần thiết, gây cản trở sản xuất và làm tăng phí lưu thông.

- Tập trung việc lưu thông hàng hoá vào các tổ chức thương nghiệp xã hội chủ nghĩa; các ngành sản xuất, các cơ quan hành chính, sự nghiệp và các đoàn thể quần chúng không được kinh doanh buôn bán.

- Thực hiện kiểm kê, kiểm soát thường xuyên trên thị trường, theo nguyên tắc : kinh doanh phải được cấp đăng ký, phải mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng và nộp thuế đầy đủ theo luật pháp, chịu sự kiểm tra của Nhà nước về kế toán, nguồn hàng, doanh số, vốn, giá cả. Phải dựa vào quần chúng, kết hợp với biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan chuyên trách ( công an, thuế thương nghiệp ) để điều tra, phát hiện và trừng trị rất nghiêm khắc những phần tử xấu, thoái hoá, biến chất trong nội bộ bộ máy Nhà nước và những phần tử đầu cơ, buôn lậu ngoài xã hội.

IV- PHÂN CẤP QUẢN LÝ KINH TẾ

1- Những nguyên tắc cơ bản về phân cấp quản lý kinh tế

 a) Nền kinh tế quốc dân là một thể thống nhất, không chia cắt, lấy kế hoạch Nhà nước làm công cụ quản lý trung tâm. Tất cả các ngành, các cấp phải tuyệt đối tôn trọng sự thống nhất đó.

Để bảo đảm sự thống nhất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, cần quán triệt và cụ thể hoá việc vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện tại, vừa khắc phục các khuyết điểm về tập trung quan liêu, vừa khắc phục các khuyết điểm phân tán, cục bộ, địa phương.

Phải thực sự bảo đảm quyền lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương về những vấn đề cơ bản của công tác quản lý kinh tế - xã hội, đồng thời, mở rộng mạnh mẽ quyền chủ động, sáng tạo của địa phương và cơ sở, hoạt động theo kế hoạch và chính sách, chế độ của Nhà nước. Cần giao cho các địa phương những cơ sở và công việc mà cho đến nay các cơ quan trung ương vẫn trực tiếp đảm nhiệm một cách không hợp lý: kiên quyết  giao quyền chủ động sản xuất kinh doanh và tài chính cho cơ sở trong khuôn khổ kế hoạch và chính sách của Nhà nước.

Nhiệm vụ và chức năng chung của mỗi cấp được xác định theo những điểm chủ yếu sau đây:

Cấp trung ương xây dựng  chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; xây dựng tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất trong toàn quốc; quyết định các cân đối lớn, các chỉ tiêu chính trong các kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm của cả nước; quyết định luật pháp kinh tế., các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức quản lý, kế hoạch nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật; tổ chức hợp tác quốc tế, thống nhất quản lý ngoại thương; quyết định những công trình đầu tư chủ yếu; nắm các nguồn tài chính và những sản phẩm quan trọng của nền kinh tế quốc dân; kiểm tra, giám sát và  uốn nắn hoạt động của các cấp. Các ngành trung ương trực tiếp quản lý những cơ sở và tổ chức kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.

- Cấp tỉnh ( và các thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương ) xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội trên lãnh thổ tỉnh theo sự chỉ đạo của trung ương; bố trí cơ cấu kinh tế cụ thể của tỉnh; chỉ đạo các huyện xây dựng quy hoạch huyện; cụ thể hoá và vận dụng những chính sách, chế độ quản lý của trung ương vào điều kiện của tỉnh; nghiên cứu và góp ý kiến kiến với trung ương về cải tiến những chính sách, chế độ, thực hiện quản lý lãnh thổ đối với kinh tế trung ương và kinh tế địa phương; trực tiếp quản lý những cơ sở đã được phân cấp cho tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn sự liên kết và hiệp tác  giữa kinh tế trung ương và kinh tế địa phương; tổ chức thực hiện những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong tỉnh; chỉ đạo các mặt công tác của huyện, công tác xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện.

Cấp huyện quản lý toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, trực tiếp chỉ đạo các tổ chức sản xuất, kinh doanh đối với phần kinh tế được giao. Huyện là địa bàn quan trọng để tổ chức lại sản xuất, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở nông thôn, chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, vận dụng sức mạnh tổng hợp của cả nước kết hợp với sức mạnh của nhân dân lao động trong huyện để từng bước tạo ra cơ cấu nông- công nghiệp huyện và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá cả nước. Huyện có nhiệm vụ tổ chức phân công lao động, sử dụng hợp lý lao động, đất đai, phát triển ngành nghề ở các cơ sở trong huyện, xây dựng các xã vững mạnh về mọi mặt.

Cấp xã quản lý toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn xã; quản lý ngân sách xã, chăm lo xây dựng kết cấu hạ tầng và đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trong xã, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện pháp luật và nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Về trách nhiệm và quyền hạn của cấp xã đối với việc chỉ đạo các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, Hội đồng Bộ trưởng sẽ nghiên cứu và quy định cụ thể cho thích hợp với tình hình cấp xã ở những vùng đã hoàn thành hợp tác hoá, hợp tác xã đã có quy mô toàn xã, và những vùng chưa hợp tác hoá, hoặc hợp tác xã quy mô còn nhỏ.

Cần sớm quy định bổ sung cụ thể về nhiệm vụ của cấp thành phố, thị xã thuộc tỉnh và cấp huyện, cấp phường

b) Nhằm thực hiện chế độ làm chủ tập thể ở cơ sở, ở địa phương và trong cả nước, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân, cần thực hiện đúng chủ trương vừa xây dựng kinh tế trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất  và nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, coi trọng khuyến khích phát triển kinh tế địa phương, trong đó đặc biệt ra sức xây dựng huyện và tăng cường  cấp huyện.

Kinh tế trung ương là phần kinh tế do các bộ trung ương trực tiếp quản lý, có sự tham gia quản lý theo lãnh thổ của chính quyền địa phương. Kinh tế địa phương là phần kinh tế do địa phương ( tỉnh, huyện) trực tiếp quản lý dưới sự lãnh đạo thống nhất của trung ương, có sự quản lý theo ngành của các bộ.

Trong nền kinh tế quốc dân thống nhất, cần xác định rõ cơ cấu kinh tế trung ương và cơ cấu kinh tế địa phương phù hợp với yêu cầu kinh tế - kỹ thuật của từng ngành và điều kiện kinh tế - xã hội, tài nguyên thiên nhiên của từng địa phương, trình độ phát triển của cả nước và của từng địa phương.

Cùng với sự phân định cụ thể về kinh tế trung ương và kinh tế địa phương theo tinh thần trên đây, phải ra sức phát triển các quan hệ kinh tế dưới các hình thức thích hợp, nhằm thực hiện hợp tác và liên kết theo ngành và theo lãnh thổ, giữa kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, giữa kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, và các thành phần kinh tế  khác, trong đó quốc doanh là nòng cốt; giữa công nghiệp và nông nghiệp; giữa sản xuất và phân phối, lưu thông; giữa cơ giới, nửa cơ giới và thủ công; giữa các quy mô to, vừa, nhỏ… bảo đảm lợi ích của các bên và bảo đảm hiệu quả kinh tế cao nhất.

Theo các nguyên tắc nói trên, việc phân cấp quản lý kinh tế cần theo tinh thần chỉ đạo là:

- Phát huy mạnh mẽ các động lực tinh thần và vật chất, bảo đảm sự thống nhất hài hoà giữa ba lợi ích : lợi ích toàn xã hội, lợi ích tập thể  và lợi ích cá nhân người lao động.

- Quán triệt quan điểm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, kết hợp tốt ba loại biện pháp : kinh tế, hành chính và giáo dục, trong đó biện pháp kinh tế là gốc.

- Công tác phân cấp quản lý kinh tế phải tiến hành từng bước, trên cơ sở tích cực tạo những điều kiện và tiền đề cần thiết cho các cấp về các mặt, bảo đảm quản lý kinh tế đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nhưng phải làm khẩn trương, không kéo dài.

2- Để thực hiện các nguyên tắc nói trên, Hội đồng Bộ trưởng sẽ quyết định cụ thể việc phân cấp quản lý, định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cấp địa phương trên từng mặt công tác  phân vùng và quy hoạch, phân công và phân cấp quản lý cơ sở quản lý và sử dụng các thành phần kinh tế, phân cấp về kế hoạch hoá, về quản lý tài chính và ngân sách, về quản lý ngân hàng, tiền tệ và giá cả, về cung ứng vật tư và thương nghiệp, về quản lý giao thông vận tải, về quản lý lao động và tiền lương, về quản lý khoa học và kỹ thuật, về quản lý bộ máy và cán bộ.

Căn cứ vào nghị quyết này, Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng phương án phân giao cơ sở giữa các bộ trung ương và các tỉnh theo hướng : lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn quan trọng nhất; căn cứ vào điều kiện tài nguyên và năng lực quản lý cụ thể của từng địa phương mà phân giao cơ sở. Cấp trung ương trực tiếp quản lý những cơ sở kinh tế lớn, then chốt, có ý nghĩa kinh tế - kỹ thuật quan trọng, có tác dụng quyết định đối với sự phát triển nền kinh tế quốc dân, bảo đảm trung ương trực tiếp nắm được những sản phẩm quan trọng cho cả nước, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, và một số cơ sở đặc biệt khác.

Những cơ sở không có tính chất nói trên thì giao cho các cấp địa phương quản lý, trước hết là những nông trường, lâm trường, những xí nghiệp công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến nông sản, những cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng và sản phẩm truyền thống của địa phương, chủ yếu dựa vào lao động và nguyên liệu tại chỗ.

Về công tác kế hoạch hoá, hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh giao cho tỉnh và huyện cần thu gọn vào mấy loại chỉ tiêu chủ yếu như :

+ Tổng giá trị và sản phẩm hàng hoá chủ yếu địa phương giao nộp cho trung ương, trong đó ghi rõ phần giá trị và hàng hoá chủ yếu xuất khẩu; tổng giá trị và số lượng vật tư, hàng hoá chủ yếu trung ương điều về cho địa phương.

+ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản do trung ương cân đối cho kinh tế địa phương và những công trình trọng điểm của địa phương.

+Tổng số lao động địa phương điều cho các nhu cầu của trung ương (kể cả của xí nghiệp trung ương đóng tại địa phương) và tổng số lao động kỹ thuật và cán bộ được đào tạo do trung ương phân cho địa phương (theo nhu cầu của địa phương).

+ Một số chỉ tiêu chủ yếu về đời sống dân cư trên lãnh thổ; trong đó có quỹ hàng hoá để cung cấp cho công nhân, viên chức (không phân biệt cán bộ, công nhân viên làm việc tại các cơ sở do trung ương quản lý hay do địa phương trực tiếp quản lý).

+ Tổng số thu và tổng số chi của ngân sách địa phương, trong đó có quỹ lương của khu vực hành chính sự nghiệp.

Về quản lý tài chính, cần hoàn chỉnh hệ thống các nguồn thu và ổn định tỷ lệ điều tiết từ một số nguồn thu vào ngân sách địa phương, hoàn chỉnh và ổn định hệ thống chuẩn mức chi, tiến tới mỗi địa phương cân bằng được thu chi ngân sách, kể cả phần đầu tư xây dựng kinh tế địa phương và đóng góp cho trung ương.

Về bộ máy quản lý, trên cơ sở quy định của trung ương về khung tổ chức bộ máy và chỉ tiêu tổng biên chế, uỷ ban nhân dân địa phương quyết định cụ thể về tổ chức và biên chế của bộ máy quản lý, phù hợp với sự phát triển và yêu cầu công tác của từng địa phương.

Đi đôi với phân cấp quản lý kinh tế, phải chấn chỉnh các đơn vị trực tiếp sản xuất -kinh doanh và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Hướng dẫn và giúp đỡ các cơ sở chuyển hướng và mở rộng sản xuất kinh doanh đúng đắn trong quá trình sắp xếp lại kinh tế, ổn định tổ chức và phương hướng sản xuất cho các cơ sở. Thực hiện tốt và tổng kết, rút kinh nghiệm về các chế độ quản lý hiện nay, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý cơ sở theo hướng mở rộng quyền chủ động sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các xí nghiệp quốc doanh và các tổ chức kinh tế tập thể. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở thực hiện hiệp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh với các hình thức thích hợp. Tăng cường vai trò của hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế.

Rút kinh nghiệm về việc tổ chức thực hiện điều lệ hoạt động của liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, công ty; kiện toàn và sắp xếp lại các tổ chức đó.

Cùng với việc kiện toàn các tổ chức liên hiệp xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp và xí nghiệp, phải kiến quyết chấn chỉnh hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước trung ương và địa phương theo hướng rút gọn bộ máy của các bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp, bớt đầu mối và các tổ chức trung gian, giảm biên chế hành chính.

V- XÂY DỰNG HUYỆN VÀ TĂNG CƯỜNG CẤP HUYỆN.

Đẩy mạnh việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện là một nhiệm vụ rất quan trọng, tạo cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra trong kế hoạch năm 1983 và ba năm 1983-1985.

Dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương và tỉnh, thành, cần phát huy quyền chủ động sáng tạo của huyện và cơ sở, thực hiện tổ chức lại sản xuất, phân bố lại lao động, xây dựng cơ cấu kinh tế - nông - công nghiệp hoặc nông - lâm- công nghiệp hoặc nông- ngư- công nghiệp huyện.

Trước mắt, cần thực hiện tốt những công tác quan trọng sau đây:

1- Soát xét lại  quy hoạch tổng thể và quy hoạch từng ngành của huyện, trọng tâm trước mắt là quy hoạch nông - lâm nghiệp, bổ sung, hoàn chỉnh thêm thành một quy hoạch kinh tế - xã hội toàn diện, phù hợp với quy hoạch của trung ương và của tỉnh, đồng thời thực hiện đúng đắn sự phân bố sản xuất chuyên môn hoá của từng ngành trên lãnh thổ.

Các cơ quan quản lý ngành ở trung ương, ở tỉnh hướng dẫn quy hoạch phát triển ngành mình trên địa bàn huyện, phù hợp với từng loại huyện, sớm tạo nên sự phát triển đồng đều giữa các huyện, đặc biệt chú trọng những huyện trọng điểm về lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp và sản phẩm xuất khẩu.

2- Việc xây dựng kế hoạch ở huyện và cơ sở phải được đổi mới ngay từ năm 1983 theo tinh thần dân chủ hoá kế hoạch. Kế hoạch của huyện phải được xây dựng từ cơ sở lên và phải phát huy thế mạnh, cố gắng tận dụng tiềm lực kinh tế của huyện ( đất đai, lao động, ngành nghề, cơ sở vật chất - kỹ thuật ) và các nguồn khác, trên cơ sở đó tự giải quyết đến mức cao nhất các mặt cân đối cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện và hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trung ương và tỉnh cần thu gọn hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh giao cho huyện nhằm phát huy khả năng chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của huyện và cơ sở, nhưng không khoán trắng cho huyện.

3- Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trên địa bàn huyện. Coi trọng đầu tư chiều sâu để sử dụng có hiệu quả hơn những cơ sở vật chất- kỹ thuật đã có; việc xây dựng cơ sở mới phải tính toán kỹ về hiệu quả kinh tế, tập trung cho những công trình trực tiếp phục vụ sản xuất như hệ thống thuỷ nông, các trạm, trại giống  cây trồng, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật. các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản, trạm máy kéo, cơ sở sửa chữa và sản xuất các loại công cụ cho nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải thuỷ, bộ, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân.

4- Tổ chức và sắp xếp lại lực lượng sản xuất của huyện và cơ sở, nhằm gắn nông nghiệp với công nghiệp, sản xuất với phân phối, lưu thông, thực hiện sự liên kết giữa các thành phần kinh tế.

Phải chú trọng xây dựng cụm kinh tế - kỹ thuật ở từng vùng trong huyện, từng bước tạo ra những điểm tập trung hợp lý các cơ sở vật chất - kỹ thuật, để kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, sản xuất với phân phối, lưu thông, kinh tế với văn hoá, đời sống.

Cùng với việc tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, cần chú ý đúng mức phát triển kinh tế gia đình phù hợp với quy hoạch sản xuất chung và có lợi cho nền kinh tế quốc dân.

5- Giao cho huyện trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch phân bố lao động trong huyện. Ngoài chỉ tiêu pháp lệnh điều động lao động ra khỏi huyện, huyện có quyền chủ động sắp xếp lại lao động vào các ngành, nghề sản xuất kinh doanh cần thiết, tạo nên sự phân công lao động mới ở huyện, bảo đảm sử dụng lao động xã hội một cách hợp lý, với năng suất lao động xã hội cao hơn.

Các huyện miền núi, trung du  và các huyện miền xuôi có thể hợp tác với nhau để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ bản của địa phương.

6- Huyện có trách nhiệm thống nhất quản lý và chỉ đạo thu mua các hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản (trừ các vùng chuyên canh tập trung và giao cho các xí nghiệp trực tiếp thu mua) và chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ tiêu giao nộp cho Nhà nước. Huyện được chủ động tổ chức bán hàng hoá ra theo đúng chính sách, chế độ quy định và chịu trách nhiệm về hiệu quả trao đổi hàng hoá để thu mua nông sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế hai chiều.

Huyện được lập và sử dụng quỹ lương thực theo đúng chính sách phân phối của Nhà nước. Hội đồng Bộ trưởng sẽ quy định tỷ lệ thích đáng trong tổng số lương thực huy động ( cả trong và ngoài nghĩa vụ) để lại cho huyện trên cơ sở tính toán kỹ cân đối lương thực chung của cả nước.

Trong năm 1983, các ngành ở trung ương, ở tỉnh có trách nhiệm giúp huyện xây dựng một số công ty như : công ty cung ứng, thu mua vật tư, công ty lương thực; công ty thương nghiệp tổng hợp (cả mua và bán), công ty vận tải thô sơ và cơ giới (thuỷ, bộ). Tuỳ theo thế mạnh và nhu cầu của sản xuất, kinh doanh, huyện có thể lập công ty chuyên làm việc thu mua hàng xuất khẩu nếu có đủ điều kiện. Các công ty trên do uỷ ban nhân dân huyện cùng các sở chủ quản quản lý, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế, có tư cách pháp nhân. Khi xét cần thiết, các công ty của huyện có thể chuyển thành liên hiệp công ty để giảm đầu mối và gắn mua với bán.

Về mặt tài chính, phải bảo đảm cho ngân sách huyện thực sự là một công cụ xây dựng huyện vững mạnh. Cần ổn định các tỉ lệ điều tiết và các nguồn thu tài chính trên địa bàn huyện trong một thời gian nhất định nhằm khuyến khích các huyện tăng nguồn thu, tiết kiệm chi. Cần quy định chế độ trích để lại cho huyện một tỉ lệ thích đáng lợi nhuận của các xí nghiệp củ tỉnh và của trung ương nằm trên địa bàn huyện và các khoản thưởng về thu mua. Khuyến khích các huyện đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho huyện  dựa vào nguồn xuất khẩu ( trong và ngoài chỉ tiêu kế hoạch ) mà nhập khẩu vật tư cần thiết, góp phần vào cân đối kế hoạch của huyện.

7- Phải xây dựng huyện thành pháo đài trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với quốc phòng và an ninh, gắn việc xây dựng pháo đài huyện với xây dựng huyện vững mạnh về mọi mặt.

8-  Cần có quy hoạch và kế hoạch từng bước xây dựng, hoàn chỉnh mạng lưới các trường học, mẫu giáo, nhà trẻ các công trình văn hoá, truyền thanh, thông tin, triển lãm, thể dục thể thao; mạng lưới y tế ( bệnh viện, trạm xá) trong thị trấn huyện và trên địa bàn toàn huyện.

Cấp uỷ đảng và uỷ ban nhân dân huyện phải tổ chức và chỉ đạo các phong trào quần chúng về văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục, y tế.

9- Công tác xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy quản lý ở cấp huyện và xã phải gắn liền với yêu cầu xây dựng huyện. Các ngành ở trung ương và ở tỉnh cần bổ sung cán bộ có nhiệt tình cách mạng, có quan điểm đúng đắn, có năng lực và phẩm chất tốt từ các cơ quan trung ương và tỉnh cho ngành mình ở huyện, nhất là các ngành sản xuất nông, lâm, công nghiệp, phân phối, lưu thông, phục vụ đời sống vật chất và văn hoá.

Căn cứ vào nghị quyết này Ban Bí thư và Hội đồng Bộ trưởng cần kịp thời ban hành các chính sách, chế độ cụ thể, thành lập một bộ phận chuyên trách giúp trung ương và Chính phủ chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện công tác xây dựng huyện. Phấn đấu từ nay đến 1985 tạo nên một sự chuyển biến rõ rệt ở tất cả các huyện, nhất là những huyện quan trọng về kinh tế và quốc phòng an ninh.

 

VI - VỀ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Cải tiến công tác tổ chức, chỉ đạo, tăng cường và phát huy sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực điều hành của bộ máy Nhà nước, phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng, tạo ra chuyển biến về tư tưởng, tổ chức, cán bộ và phương pháp làm việc là yêu cầu cấp bách và là nhân tố quyết định bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương.

Trước hết, phải xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh, lãnh đạo có hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở mọi cấp, mọi ngành. Qua Đại hội các đảng bộ lần này, phải kiện toàn được các cấp uỷ đảng thật sự có sức chiến đấu mới, có năng lực lãnh đạo mới, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương. Qua tổng kết phát thẻ Đảng, phải tiếp tục kiến quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên, đồng thời có biện pháp đồng bộ, toàn diện về củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, và kết nạp vào Đảng những người ưu tú trong phong trào quần chúng.

Phải cải tiến, tăng cường công tác tư tưởng, làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương, hiểu rõ tình hình đất nước và tính chất phức tạp, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp trong hoàn cảnh mới, có nhận thức rõ ràng và có thái độ dứt khoát về cuộc đấu tranh giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ, có ý thức cảnh giác cách mạng đối với sự phá hoại của địch. Phải động viên, nâng cao tính chiến đấu cách mạng của đảng viên; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, chấp hành các chính  sách, nhất là các chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh  quyết liệt chống tư tưởng hoài nghi, bi quan, cá nhân chủ nghĩa, tê liệt cảnh giác cách mạng, thái độ bàng quan, ỷ lại, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn chung của đất nước, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội  và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với việc tăng cường hoạt động của các cơ quan tuyên truyền, báo chí, từng đảng bộ, từng chi bộ đảng, từng tổ chức cơ sở của các đoàn thể phải đặt nhiệm vụ hàng đầu của mình là giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ gìn và bồi dưỡng phẩm chất cách mạng  của đảng viên, đoàn viên, đấu tranh để chặn đứng và xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực trong cơ quan, đơn vị mình.

Phải hết sức coi trọng cải tiến sự chỉ đạo thực hiện kế hoạch, nâng cao chất lượng lãnh đạo kinh tế của cấp uỷ đảng và hiệu lực điều hành của bộ máy Nhà nước, khắc phục tình trạng phân tán, lỏng lẻo trong chỉ đạo thực hiện.

Công tác chỉ đạo, nhất là chỉ đạo kiểm tra, phải rất tập trung, đồng bộ. Phải gắn chặt kế hoạch với tổ chức, quản lý và điều hành. Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng phải chỉ đạo các ban, ngành, các cấp uỷ  đảng và uỷ ban nhân dân các cấp lập kế hoạch cụ thể và chu đáo để thực hiện nghị quyết này, trong đó nêu rõ những biện pháp, những việc phải làm, giao trách nhiệm rõ ràng, định thời hạn dứt khoát phải hoàn thành, bảo đảm sự ăn khớp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp. Phải khắc phục cho được tình trạng nhiều chủ trương đúng đắn dừng lại ở các nguyên tắc và phương hướng chung, do sự chậm trễ trong việc cụ thể hoá và pháp chế hoá để thực hiện. Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cần tổ chức khẩn trương rà soát lại các chính sách, chế độ hiện nay để sửa đổi bổ sung hoặc ban hành các chính sách, chế độ  mới phù hợp với tình hình  thực tế, thể hiện đúng đắn nội dung Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng và các nghị quyết của Trung ương.

Phải tăng cường tính đảng, tính tổ chức, kỷ luật trong hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững kỷ luật của Đảng, đề cao pháp luật, kỷ cương của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước.

Khi có những quan điểm khác nhau về các chính sách kinh tế, Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cần kịp thời có kết luận, chỉ rõ đúng, sai, bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động.

Phải kiên quyết khắc phục khuyết điểm tập trung quan liêu, xa thực tế, khuyến khích các địa phương, cơ sở phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, đồng thời phải khắc phục và ngăn ngừa những biểu hiện tự do, vô tổ chức, vô kỷ luật. Các chủ trương về kinh tế, xã hội của các ngành, các cấp phải thể hiện đúng đắn tinh thần các quyết định của Trung ương Đảng và Chính phủ, đồng thời vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế của ngành hoặc địa phương.

Ban Bí thư, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và từng ban, từng bộ cần trực tiếp theo dõi, kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương và các quyết định khác của Đảng và Nhà nước ở một số tỉnh, thành phố, một số huyện và một số xí nghiệp quan trọng.

Phải kịp thời nêu gương, khen thưởng những tổ chức và cá nhân làm tốt, xử trí nghiêm những tổ chức và cá nhân vi phạm kỷ luật, đưa ra khỏi các cấp uỷ và đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên cố ý không chấp hành chính sách, không thi hành nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; trừng trị đích đáng bọn tham ô, ăn cắp, buôn lậu, móc ngoặc, hối lộ… từ trong đảng đến các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể, từ khu vực kinh tế quốc doanh, tập thể đến ngoài xã hội.

Để bảo đảm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng đề ra trong nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này, cần gấp rút chấn chỉnh tổ chức, soát xét lại bộ máy ở các cấp, trước hết là cấp trung ương và cấp tỉnh, củng cố các cơ quan tham mưu ở trung ương theo hướng tăng cường về chất lượng, giảm bớt cấp trung gian. Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cần phối hợp chỉ đạo để chuẩn bị phương án sắp xếp lại bộ máy tổ chức của các ngành trung ương trong 6 tháng đầu năm 1983. Đồng thời, cần rà soát lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, thay đổi ngay những cán bộ không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ . Kiến quyết đưa nhiều cán bộ có năng lực quản lý, có quan điểm đúng đắn, hiểu biết về kinh tế kỹ thuật và còn trẻ hiện ở các cơ quan trung ương và tỉnh, thành về tăng cường cho các huyện và các liên hiệp xí nghiệp, công ty, xí nghiệp.

Trong năm 1983, các ngành, các địa phương phải thực hiện cho được một bước việc giảm biên chế trong bộ máy quản lý của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Kiến quyết giảm bớt những người và những khâu thừa, chuyển bớt người ở khu vực hành chính sang sản xuất. Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cần quyết định những biện pháp mạnh mẽ về tư tưởng và tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện ở từng ngành, từng cơ quan, trước hết là các cơ quan trung ương.

Các cấp uỷ Đảng và các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến cơ sở phải chỉ đạo phát động cho được phong trào cách mạng của quần chúng thi đua xã hội chủ nghĩa tạo ra một khí thế sôi nổi, hào hứng trong công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, nỗ lực sản xuất, tiết kiệm, bảo vệ an ninh trật tự, chống các hiện tượng tiêu cực, xây dựng nếp sống mới, cả ở nông thôn và thành thị. Cần huy động lực lượng của các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, tham gia xây dựng và kiểm tra công tác của ngành thương nghiệp; mở rộng và đẩy mạnh hoạt động của các đội kiểm tra của nhân dân, của công nhân.

                                              *

                                                *                      *

Phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1983, năm thứ 3 của kế hoạch 5 năm 1981-1985, năm phải chuyển thực sự, chuyển toàn diện, nhằm thực hiện cho được các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đề ra, trong điều kiện nhiều mặt của nền kinh tế còn mất cân đối nghiêm trọng, là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong cả nước.

 Toàn Đảng, toàn dân ta hãy phát huy quyền làm chủ tập thể, ra sức khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giành cho được thắng lợi từ năm 1983, tạo ra bước chuyển biến có ý nghĩa quyết định tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong ba năm tới, tăng cường sức mạnh vật chất và tinh thần để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

Tổng bí thư

Lê Duẩn

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website