Nghị quyết số 30 - NQ/TW ngày 17/12/1985, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế, xã hội năm 1986

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp vào trung tuần tháng 12 năm 1985, sau khi thảo luận báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1985 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 1986, đã quyết định những vấn đề chủ yếu sau đây:

I- TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 1985

Năm 1985 đánh dấu một bước tiến bộ trong lãnh đạo và chỉ đạo kinh tế của Đảng  và Nhà nước ta với việc triển khai thực hiện Nghị quyết các Hội nghị 6, 7, 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Mặc dù bão lụt và hạn hán xảy ra liên tiếp ở nhiều tỉnh, sản lượng lương thực cả nước năm 1985 vẫn tăng 40 vạn tấn so với năm 1984; các mặt chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, nghề rừng, nuôi trồng và khai thác thủy sản đều phát triển. Giá trị sản lượng công nghiệp tăng 7,4%, trong đó công nghiệp quốc doanh Trung ương tăng 8,5%. Ngành giao thông vận tải cố gắng bảo đảm vận chuyển các mặt hàng quan trọng. Một số công trình xây dựng cơ bản bảo đảm được tiến độ thi công  và đưa vào sử dụng đúng thời hạn.

Công tác thu mua nhiều mặt hàng nông sản đạt khá, việc nắm hàng công nghiệp cũng có những tiến bộ mới; mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tiếp tục mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,6% so với năm 1984.

Các tỉnh Nam Bộ hoàn thành về cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp với hai hình thức tập đoàn sản xuất và hợp tác xã. Công tác cải tạo công thương nghiệp dư doanh, quản lý thị trường được tăng cường.

Công tác khóa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế, xã hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thông tin đều có cố gắng và tiến bộ.

Đáng chú ý là trong cả nước đã có nhiều xí nghiệp, nhiều huyện quán triệt tốt các Nghị quyết 6, 7, 8 của Ban Chấp hành Trung ương, đổi mới cách lãnh đạo và quản lý, chỉ đạo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, thể hiện rõ xu hướng tiến lên.

Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên các địa bàn, trước hết ở các tỉnh biên giới phía bắc, có những tiến bộ mới.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp ,nông nghiệp đều chưa ổn định, năng suất, chất lượng và hiệu quả rất thấp, một số sản phẩm quan trọng không tăng, thậm chí có loại còn giảm. Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm, chất lượng hàng xuất khẩu không đáp ứng các hợp đồng đã cam kết và không theo kịp yêu cầu của thị trường thế giới. Công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư doanh còn yếu. Lưu thông - phân phối còn nhiều khó khăn. Nhìn chung, nền kinh tế cho đến quý III đã có đà phát triển tốt, song từ quý IV - 1985, do có những khuyết điểm  trong việc thực hiện Nghị quyết 8 của Trung ương và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về giá - lương - tiền, nên giá cả, thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến nhiều mặt hoạt động kinh tế, xã hội .

 Có thể nói, đến hết kế hoạch 5 năm 1981-1985, bên cạnh những tiến bộ mới, những nhân tố mới cần được khẳng định và ra sức phát huy,nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước những khó khăn gay gắt, các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân như lương thực, năng lượng, ngoại tệ, vật tư, tài  chính còn rất căng thẳng. Cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến đáng kể. Cơ chế quản lý mới chưa hình hành rõ rệt. Tổ chức sản xuất và quản lý sản xuất chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán. Quan hệ sản xuất mới còn ở trình độ thấp; kinh tế xã hội chủ nghĩa chưa được củng cố vững chắc. Lao động, đất đai, năng lực công nghiệp chưa được sử dụng tốt. Chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục chậm chuyển biến. Kỷ luật của Đảng, Nhà nước và pháp chế xã hội chủ nghĩa không được chấp hành nghiêm chỉnh. Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều khuyết điểm .

 

Những khó khăn và những mặt yếu kém nói trên phải được tất cả các cấp, các ngành kiên quyết khắc phục, để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trong năm 1986 tiến lên vững chắc.

 

II- NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH KINH TẾ, XÃ HỘI NĂM 1986

 

Năm 1986 là năm mở đầu kế hoạch 5 năm 1986-1990, kế hoạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế - xã hội trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ mà Đại hội V đã đề ra. Năm 1986 phải là năm quyền làm  chủ tập thể của nhân dân lao động được phát huy, phong trào cách mạng của quần chúng sôi nổi trong cả nước, công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước được cải tiến rõ rệt để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện những mục tiêu đã đề ra.

 

Phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch năm 1986 là:

 

- Tiếp tục coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, trước hết là tăng nhanh lương thực, thực phẩm, phát triển mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và các ngành công nghiệp nặng then chốt phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và giao thông vận tải. Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu  và kinh tế đối ngoại.

 

- Đẩy mạnh phân công  và bố trí lại lao động, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất trên địa bàn cả nước, nhất là trên địa bàn huyện, các thành phố, khu công nghiệp lớn và cơ sở; sử dụng tốt lao động, đất đai và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có để phát triển mạnh sản xuất và kinh doanh.

 

- Giải quyết tốt các vấn đề về phân phối, lưu thông; Nhà nước làm chủ thị trường, từng bước ổn định tình hình giá cả, tài chính, tiền tệ và đời sống nhân dân .

 

- Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước, với những hình thức và bước đi thích hợp. Nâng cao trình độ và chất lượng hợp tác hóa nông nghiệp ở Nam Bộ và đẩy mạnh cải trạo công thương nghiệp tư doanh, cải tạo và tổ chức lại tiểu thương, tăng cường khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ.

 

- Hình thành cơ chế quản lý mới, đặc biệt là bảo đảm quyền chủ động  của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của  các huyện trong việc tổ  chức và quản lý kinh tế .

 

-  Chấn chỉnh tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước ; phân biệt chức năng quản lý hành chính với chức năng quản lý sản xuất , kinh doanh ; giảm nhẹ biên chế, sắp xếp lại hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, bố trí lại cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ cấu kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý.

 

- Củng cố và tăng cường quốc phòng , an ninh, bảo đảm các yêu cầu chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, đánh bại các hoạt động lấn chiếm ở biên giới và chiến tranh phá hoại nhiều mặt  của địch.

 

- Kế hoạch năm 1986 phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất, những nhu cầu bức thiết nhất, từng bước ổn định tình hình kinh tế, xã hội , ổn định đời sống, tạo nguồn tích lũy, chuẩn  bị điều kiện thuận lợi cho những bước phát triển mạnh hơn trong những năm sau.

 

Những nhiệm vụ chính của kế hoạch kinh tế, xã hội năm 1986 trên từng mặt công tác lớn là:

 

1- Về nông nghiệp.

Nhiệm vụ số một là phấn đấu đạt cho được 20 triệu tấn lương thực . Cùng với lúa, phải phát triển mạnh các loại màu, gắn sản xuất với chế biến và từng bước cải tiến cơ cấu bữa ăn.

 

Đẩy mạnh công tác thủy lợi, nhất là đối với đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, khôi phục hệ thống kênh mương, đê đập và các công trình tưới tiêu ở các vùng bị  bão lụt. Tăng thêm sức kéo và bơm nước để mở rộng diện tích lúa đông xuân và hè thu. Cùng  với việc tăng nhanh phân chuồng, phân xanh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật , bảo đảm giống, các ngành Trung ương và các địa phương phải tìm mọi biện pháp bảo đảm cung cấp đủ và kịp thời phân hóa học, thuốc trừ sâu cho yêu cầu thâm canh. Các địa phương phải dành một số ngoại tệ thu được để nhập thêm tư kiệu sản xuất cho nông nghiệp .

 

Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, phải thực hiện triệt để tiết kiệm lương thực và làm thật tốt công tác huy động lương thực; có chính sách và biện pháp thích hợp bảo đảm cho Nhà nước huy động được tuyệt đại bộ phận lương thực hàng hóa và thực hiện Nhà nước thống nhất quản lý kinh doanh lương thực, bảo đảm cung ứng lương thực cho lực lượng vũ trang, các khu công nghiệp tập trung và các thành phố lớn.

 

Khuyến khích  phát triển mạnh cây công nghiệp ngắn ngày, nhất là lạc, đỗ tương, thuốc lá, mía, đay, bông, dâu tằm, dừa sợi, cói, thầu dầu…Đối với cây công nghiệp dài ngày như cao - su, cà phê, chè… Nhà nước tập trung đầu tư thâm canh trên  diện tích đã có,  đồng thời mở thêm diện tích trồng mới để bảo đảm hiệp định đã ký với các nước. Đẩy mạnh phong trào trồng dừa, trẩu, sở, hồi, quế và cây ăn quả. Thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài", "Nhà nước và nhân dân cùng làm", kết hợp chặt chẽ quốc doanh, tập thể và gia đình, để tăng diện tích, bảo đảm được chất lượng cây trồng.

 

Phát triển mạnh chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thỏ, dê, ong….khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu bò và mở rộng giao lưu trâu bò giữa các vùng; phát triển đàn lợn lên 13 triệu con, tăng nhanh đàn lợn nái sinh sản và lợn lai kinh tế; phát triển mạnh vịt xuất khẩu ở đồng bắng sông Cửu Long và các vùng ven biển trong cả nước.

 

Về lâm nghiệp, phát động rộng rãi phong trào trồng cây, trồng rừng, đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đồi trọc, đất trống, bảo vệ vốn rừng hiện có. Tiếp tục giao một phần đất và rừng cho xã, hợp tác xã , đơn vị quân đội và gia đình quản lý kinh doanh . Ban hành những chính sách khuyến khích thu hút thêm nhiều lao động làm nghề rừng. Ngăn ngừa nạn cháy rừng, phá rừng làm nương rẫy và khắc phục tình trạng phá rừng để "khai hoang". Thực hiện nghiêm túc việc khai thác gỗ theo quy hoạch và kế hoạch Nhà nước, bảo đảm quy trình kỹ thuật. Phát triển mạnh việc chế biến gỗ để  tận dụng cành ngọn, nâng cao hiệu quả khai thác gỗ.

 

Về thủy sản, đẩy mạnh đánh bắt cá biển, tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm xuất khẩu ở ven biển, tận dụng và thâm canh tốt diện tích nuôi cá nước ngọt ở khắp các vùng. Tổ chức tốt dịch vụ trên biển để phục  vụ đánh bắt và thu mua sản phẩm. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

2- Về công nghiệp.

 

Ưu tiên bảo đảm cân đối đồng bộ các điều kiện vật chất cho những sản phẩm trọng yếu nhất có tác dụng chi phối nền kinh tế quốc dân, phấn đấu đạt 6 triệu tấn than, 5,9 tỷ KWh điện,  47 - 50 vạn tấn phân lân,  1,8 - 2 triệu tấn xi - măng, 1,4 triệu m3 gỗ, 375 triệu m vải (quy đổi), 8 vạn tấn giấy và một số sản phẩm quan trọng khác. Đó là những mức tối cần thiết, phải tiếp tục tìm nguồn cân đối bổ sung để đạt cao hơn, đồng thời tích cực chuẩn bị cho sản xuất năm 1987 với mức phát triển nhanh hơn.

 

Tiếp tục ban hành các chính sách và biện pháp cụ thể khuyến khích tăng nhanh hàng công nghiệp tiêu dùng để đáp ứng yêu cầu đời sống nhân dân và yêu cầu trao đổi hàng hóa với nông dân; phát triển mạnh các mặt hàng tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp của hợp tác xã và gia đình.

 

Nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là chất lượng hàng xuất khẩu; quản lý chặt chẽ sản phẩm làm ra.

 

Triệt để tiết kiệm, giảm tiêu hao vật tư, năng lượng, mở rộng liên kết kinh tế để tăng nguồn nguyên liệu, sử dụng phế liệu để huy động tối đa công suất nhà máy, tăng khối lượng sản phẩm, mở thêm mặt hàng mới, giải quyết việc làm cho số lao động dôi ra sau khi sắp xếp lại sản xuất.

 

Phải trên cơ sở sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại cơ cấu mặt hàng và đổi mới cơ chế quản lý mà sắp xếp lại lao động trong từng ngành, từng xí nghiệp phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm cho xí nghiệp thực sự sản xuất, kinh doanh có lãi.

 

3- Về giao thông vận tải - bưu điện.

 

Hoàn thành việc sắp xếp sản xuất và phân bố lại lao động trong toàn ngành giao thông vận tải - bưu điện. Phấn đấu tăng năng suất, hạ giá thành, giảm tiêu hao nhiên liệu, vật tư; tổ chức tốt công tác bốc xếp ở các nút giao thông. Nâng cao chất lượng vận tải hàng không. Bảo đảm các điều kiện vật chất đồng bộ để huy động cao nhất các phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước, ngoài nước phục vụ kinh tế, đời sống và quốc phòng, an ninh.

 

Sửa chữa các đường giao thông và xây dựng các công trình giao thông mới có trọng điểm. Kết hợp vốn đầu tư của Trung ương với vốn địa phương và vốn các ngành có liên quan trực tiếp đến công trình, huy động lao động nghĩa vụ của nhân dân và lao động của quân đội.

 

Tăng cường năng lực cơ khí sửa chữa, khôi phục các phương tiện vận tải, thiết bị chuyên dùng bưu điện.

 

Nâng cao chất lượng thông tin, bưu điện.

 

4- Về xây dựng cơ bản.

 

Trong điều kiện khả năng nguồn vốn của Nhà nước còn hạn chế, cần tập trung vào các công trình trọng điểm, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn đều, triệt để tiết kiệm vật tư và các chi phí khác trong xây dựng cơ bản; động viên các nguồn vốn của địa phương, xí nghiệp, hợp tác xã và của nhân dân vào xây dựng, nhưng phải đưa vào kế hoạch, cân đối chặt chẽ. Phải huy động lao động nghĩa vụ, huy động quân đội khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, làm đường sá, làm thủy lợi, xây dựng các trạm thủy điện, các xí nghiệp, bệnh viện, trường học…Bằng các biện pháp đó, với số vốn tập trung của Nhà nước chỉ bằng năm 1985, phải phấn đấu đạt khối lượng xây dựng cao hơn năm 1985 và sớm đưa các công trình vào sử dụng.

 

Vốn đầu tư phải bố trí theo thứ tự: ưu tiên cho các công trình trọng điểm chuyển tiếp quan trọng nhất về than, điện, dầu khí, hóa chất, cơ khí, giao thông, các công trình hợp tác với nước ngoài, cho mục tiêu sử dụng lao động và đất đai; chú trọng đầu tư đồng bộ hóa, đầu tư chiều sâu có chọn lọc, cải tạo các xí nghiệp, bảo đảm tận dụng công suất các xí nghiệp hiện có; kiểm tra chặt chẽ việc mở công trình mới, kể cả bằng vốn tự  có của địa phương và cơ sở. Chú trọng đầu tư thích đáng cho công cuộc xây dựng thủ đô Hà Nội.

 

5- Về xuất, nhập khẩu và kinh tế đối ngoại.

 

Coi trọng việc đầu tư để tạo thêm năng lực mới sản xuất hàng xuất khẩu trong nông nghiệp , thủy sản, công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp, bảo đảm cung ứng vật tư cho sản xuất và thu mua hàng xuất khẩu; thi hành tốt và tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chính sách đã được ban hành theo tinh thần Nghị quyết 19 của Bộ Chính trị về xuất nhập khẩu và kinh tế đối ngoại, để khuyến khích mạnh sản xuất hàng xuất khẩu và xuất khẩu.

 

Sắp xếp lại và tổ chức công tác xuất, nhấp khẩu nhằm tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, quản lý chặt chẽ nhập khẩu, bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong xuất, nhập khẩu.

 

Kim ngạch xuất khẩu phải đạt ít nhất là 800 triệu rúp và đô - la. Những mặt hàng chiến lược quan trọng như cao - su, cà - phê, chè, lạc, đỗ tương, dầu dừa, tôm… địa phương có nhiệm vụ giao sản phẩm cho Trung ương theo kế hoạch để bảo đảm các cam kết quốc tế, Nhà nước bảo đảm lợi ích thỏa đáng cho người sản xuất và các địa phương.

 

Xúc tiến thực hiện các chương trình hợp tác kinh tế với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác theo các hiệp định đã ký kết trong kế hoạch 5 năm 1986-1990.

 

Mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế với Lào và Cam-pu-chia với tinh thần giúp đỡ lẫn nhau; đẩy mạnh việc hợp tác giữa các ngành  và giữa các địa phương một cách toàn diện, theo hướng phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, mở rộng kinh doanh nghề rừng, khai thác, chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng.

 

Khuyến khích các ngành sản xuất vay vốn bên ngoài hoặc liên kết  với  các địa phương để tăng thêm khối lượng và mặt hàng xuất khẩu.

 

Mọi hoạt động xuất, nhập khẩu của địa phương và ngành đều phải được quản lý chặt chẽ, đưa vào kế hoạch. Giáo dục, khuyến khích nhân dân dùng hàng của ta sản xuất ra. Hết sức tiết kiệm ngoại tệ, cấm nhập hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng cao cấp và những mặt hàng mà khả năng trong nước có thể sản xuất và cung cấp. Dành ngoại tệ để nhập vật tư, nguyên liệu phục  vụ sản xuất là chủ yếu.

 

Bổ sung, sửa đổi quy chế, thủ tục nhập cảnh, cải tiến dịch vụ hàng hải, hàng không để vừa bảo đảm an ninh, vừa tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh công tác du lịch thu ngoại tệ.

Ban hành pháp lệnh đầu tư và tổ chức tốt công tác kiều hối để thu hút người nước ngoài và Việt kiều bỏ vốn kinh doanh sản xuất hoặc gửi ngoại tệ về nước.

6- Về phân phôi lưu thông.

 

Tiếp tục quán triệt những  tư tưởng và quan điểm cơ bản của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, giải quyết tốt các vấn đề về giá - lương - tiền theo đúng tinh thần và nội dung kết luận của Bộ Chính trị trong thông báo số 68 - TB/TW. Trước mắt phải:

 

- Trên cơ sở phát triển sản xuất, Nhà nước làm chủ thị trường, giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, phấn đấu ổn định giá cả để ổn định đời sống và thúc đẩy sản xuất phát triển.

 

Giữ mặt bằng giá đã được hình thành với hệ thống giá mới do Nhà nước vừa quy định. Phải trên nguyên tắc lấy giá thóc làm chuẩn và quan hệ tỷ giá đúng đắn giữa nông sản và hàng công nghiệp mà tiếp tục xác định các loaị giá và  sửa lại một  số gía không hợp lý. Trung ương cũng như các địa phương phải kiểm tra chặt chẽ các cơ quan Nhà nước và các tổ chức sản xuất, kinh doanh trong  việc định giá và chấp hành giá; tăng cường kỷ luật giá ở các ngành, các cấp.

 

Về giá thóc, giá mua trong hợp đồng phải theo đúng giá chuẩn Trung ương đã quy định. Trước mắt, để bảo đảm Nhà nước mua hết lương thực thừa của nông dân, các địa phương được mua ngoài hợp đồng theo giá linh hoạt ở từng vùng, có sự hướng dẫn của Trung ương.

 

- Sắp xếp lại hệ thống thương nghiệp (bao gồm cả nội thương, ngoại thương, lương thực, vật tư…), bỏ các khâu trung gian bất hợp lý; tổ chức lại công tác thu mua và bán hàng, để nhà nước nắm được phần lớn hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản và hàng tiểu thủ công nghiệp, nắm toàn bộ sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh, bảo đảm cho Nhà nước làm chủ thị trường. Mở rộng mạng lưới thương nghiệp và dịch vụ. Tổ chức phân phối hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng, với giá cả được công bố rõ ràng.

 

Khẩn trương tiếp tục cải tạo và tổ chức lại tiểu thương, tăng cường quản lý thị trường, quản lý giá cả, nghiêm trị bọn đầu cơ, buôn lậu phá rối thị trường.

 

Sửa đổi các chính sách về tài chính nhằm bảo đảm quyền tự chủ tài chính của cơ sở sản xuất, kinh doanh và tạo cho ngân sách  có nguồn thu lớn ổn định. Bổ sung chính sách thuế xuất, nhập khẩu, thuế hải quan, thuế hàng hoá, định mức lợi nhuận và phân phối lợi nhuận.

 

Thực hiện triệt để chính sách tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh, trong đời sống, trong chi tiêu hành chính, phấn đấu giảm bội chi ngân sách và bội chi tiền mặt.

 

- Ngân hàng phải nhanh chóng chuyển mạnh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh hoạt động tín dụng phục vụ sản xuất và xây dựng cơ bản.

 

7- Về lao động.

 

Ngay từ đầu năm 1986, phải sắp xếp lại tổ chức và bộ máy của Nhà nước, của Đảng và  của các đoàn thể ở Trung ương  và các tỉnh, thành, bố trí lại cán bộ, nhân viên cho đúng người, đúng việc, để mỗi người làm việc có chất lượng, có hiệu quả; chuyển số người dôi ra sang khu vực sản xuất, dịch vụ.

 

Các thành phố, thị xã cần tổ chức liên kết với  các địa phương khác để đưa lao động đến vùng nguyên liệu hoặc tạo vùng nguyên liệu từ nông sản, lâm sản, để mở mang công nghiệp địa phương, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, mở rộng  việc gia công hàng xuất khẩu, chế biến lương thực, thực phẩm và phát triển mạng lưới thương nghiệp, dịch vụ. Sắp xếp , sử dụng phần lớn lao động trong huyện, trong tỉnh, theo hướng liên kết giữa xã với xã, huyện với huyện, mở thêm cơ sở của hợp tác xã, vừa phát triển kinh tế tập thể, vừa phát triển kinh tế gia đình.

 

Đẩy mạnh việc đưa lao động đi khai khẩn các vùng đất mới trên địa bàn cả nước theo phương châm "nơi dễ làm trước, nơi khó làm sau", "dựa vào sức dân là chính, có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước"…. Trong năm 1986, tiếp tục đưa dân đi sản xuất theo kế hoạch đã định; bố trí lực lượng khoẻ đến trước các địa bàn đã được xác định, xây dựng cơ sở vật chất và chuẩn bị các điều kiện để mùa khô năm 1986-1987 và năm 1987 đưa dân đi mạnh hơn. Cơ cấu lao động đưa đi phải bố trí đồng bộ từ cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền phải lãnh đạo chặt chẽ việc đưa dân đi cũng như tiếp đón dân đến, chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào ở những vùng kinh tế mới.

 

Xúc tiến việc chuẩn bị để ban hành Pháp lệnh về nghĩa vụ lao động, bảo đảm mọi người trong độ tuổi lao động và có sức lao động đều có  việc làm và phải làm việc có ích cho xã hội.

 

Tiếp tục thực hiện định canh định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Tăng thêm các điều kiện, phương tiện cần thiết và bổ sung các chế độ, chính sách để tiếp tục giảm mạnh tốc độ tăng dân số năm 1986.

 

8- Về khoa học kỹ thuật.

 

Tổ chức  và sử dụng có hiệu quả hơn tiềm lực khoa học và kỹ thuật, trước hết là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có, bao gồm khoa học xã hội , khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu nhằm góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách về sản xuất, đời sống, về cải tiến quản lý và về quốc phòng. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất.

 

Các thành tự khoa học và tiến bộ kỹ thuật trước hết phải phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất lương thực và thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng xuất khẩu và các sản phẩm công nghiệp trọng điểm, tạo ra nguồn nguyên liệu, vật liệu thay thế  và nguyên liệu, vật liệu mới, góp phần tạo ra những vùng cao sản, những vùng kinh tế mới, những huyện và xí nghiệp sản xuất và kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao. Cải tiến về tổ chức và chính sách để có thể áp dụng ngay vào sản xuất các thành tựu đã có kết luận.

 

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chú trọng việc thực nghiệm; thực hiện các biện pháp đồng bộ để sớm có những công nghệ thích hợp nhất cho từng ngành, từng cơ sở sản xuất, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống.

 

Chú ý tổ chức nghiên cứu cơ bản phục vụ sự phát triển trước mắt và trong những năm sau. Tăng cường công tác nghiên cứu tổng hợp các vấn đề về điêu kiện tự nhiên, về tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề kinh tế xã hội ở nước ta, đẩy mạnh công tác dự báo chiến lược về khoa học và kỹ thuật, làm cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng chính sách sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Hoàn chỉnh cơ chế quản lý  khoa học và kỹ thuật, từng bước áp dụng chế độ hạch toán trong các hoạt động khoa học.

 

9- Về văn hoá, xã hội.

 

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình cải cách giáo dục  và nâng cao chất  lượng giáo dục nhằm mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa về mọi mặt đạo đức, kiến thức, thể lực, về ý thức lao động xây dựng xã hội mới và tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo  vệ Tổ quốc.

 

Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề và tổ chức lao động sản xuất thích hợp ở các trường phổ thông.

 

Hướng dẫn và tổ chức tốt việc sản xuất ở  các trường công nhân kỹ thuật.

 

Sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, phân công đào tạo hợp lý. Cải tiến chế độ tuyển sinh cho năm học 1986-1987 nhằm gắn chặt hơn nữa đào tạo với bố trí sử dụng, chú ý đúng mức cho nhu cầu của các huyện.

Thể chế hoá phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong việc xây dựng sự nghiệp giáo dục.

 

Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, nghệ thuật và các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, giáo dục đạo đức xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người mới. Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng nếp sống mới xã hội chủ nghĩa, chống hủ tục, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.

 

Nâng cao chất lượng phục vụ của mạng lưới y tế hiện có, tăng cường vệ sinh phòng dịch, kịp thời phát hiện và dập tắt các ổ dịch, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho công nhân , chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.

 

Thực hiện tốt các chế độ, chính sách và có biện pháp chăm sóc chu đáo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, cán bộ hưu trí, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ những người có nhiều khó khăn trong đời sống.

Đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao thành phong trào nhằm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa toàn diện.

 

10- Về quốc phòng và an ninh.

 

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phải tích cực tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh bại dạng chiến tranh lấn chiếm ở biên giới, chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch và làm tròn nhiệm vụ quốc tế; giữ vững trật tự an ninh và an toàn xã hội ; xây dựng đất nước mạnh lên cả về kinh tế và an ninh, quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

 

Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế phải được quán triệt trong toàn bộ kế hoạch kinh tế - xã hội  năm 1986.

 

Phấn đấu bảo đảm các nhu cầu của lực lượng vũ trang, ưu tiên cho các lực lượng chiến đấu ở  các tuyến trước. Các mặt hàng sản xuất và cung cấp cho nhu cầu quốc phòng phải được cân đối vật tư, năng lượng như những sản phẩm trọng yếu của nền kinh tế quốc dân và ghi thành chỉ tiêu pháp lệnh, chú trọng cải tiến mặt hàng cho phù hợp với nhu cầu.

Huy động một lực lượng lớn quân đội làm kinh tế, bảo đảm tính toán hiệu quả kinh tế, giao nộp sản phẩm và nộp ngân sách Nhà nước. Tổ chức lại sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất của các xí nghiệp quốc phòng để vừa sản xuất cho quốc phòng, vừa sử dụng thích đáng năng lực của các xí nghiệp quốc phòng và lao động kỹ thuật để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

 

III- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KẾ HOẠCH HOẠCH HOÁ VÀ CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

 

1- Thực hiện một bước đổi mới rõ rệt công tác kế hoạch hoá gắn với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, bắt đầu hình thành một cơ chế kế hoạch hoá năng động và có hiệu lực, xoá bỏ tập trung quan liêu, hành chính bao cấp, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch năm 1986 phải phản ánh đầy đủ những khả năng mới của các địa phương và các ngành, trước hết là từ các xí nghiệp, các huyện, nhằm đạt cao hơn mức tính toán hiện nay.

 

Hội đồng Bộ trưởng xác định lại danh mục các sản phẩm trọng yếu và các công trình xây dựng cơ bản trọng điểm Nhà nước để tập trung cân đối đầy đủ, đồng bộ và chặt chẽ hơn. Sửa đổi, bổ sung chế độ kế hoạch hoá đối  với một số lĩnh vực quan trọng đang có nhiều vướng mắc, như đầu tư xây dựng cơ bản, cung ứng vật tư, hàng hoá, xuất nhập khẩu, lao động, tiền lương, tài chính… Sửa đổi lại hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh theo hướng mở rộng quyền chủ động cho các ngành, các cấp, nhất là cho đơn vị cơ sở và huyện, quận.

 

Việc xây dựng kế hoạch năm 1987 của các ngành, các địa phương phải được tiến hành sớm và thật sự làm từ cơ sở, từ huyện, quận lên.

 

2- Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm sẵn có, Bộ Chính trị cần khẩn trương chỉ đạo việc nghiên cứu để sớm có nghị quyết về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Trong năm 1986, phải hình thành được cơ chế quản lý trên hai mặt: bảo đảm quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất kinh doanh, xác định và tăng cường chức năng quản lý hành chính - kinh tế của bộ máy Nhà nước các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Đây là biện pháp quan trọng  bậc nhất để bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1986 và các nhiệm vụ kinh tế, xã hội trong những năm tới.

 

3- Cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành.

 

Phải chỉ đạo và điều hành theo kế hoạch, tập trung đồng  bộ cho những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch. Thống nhất và tập trung điều hành vào một đầu mối, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc mâu thuẫn nhau trong các quyết định.

 

Chỉ đạo chặt chẽ việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, xây dựng, gắn với việc cải tạo, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và phân công, phân cấp trong từng ngành kinh tế - kỹ thuật và trên từng vùng lãnh thổ.

 

Tổ chức nghiên cứu và ban hành gấp các chính sách, trước hết là chính sách khuyến khích sử dụng lao động, đất đai  và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có; các chính sách về tài chính, ngân hàng; về xuất nhập khẩu và quản lý ngoại tệ; chính sách tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng; ban hành sớm phát lệnh về đất đai, pháp lệnh  về nghĩa vụ lao động, pháp lệnh về đầu tư. ..

 

Tăng cường kiểm tra việc thi hành các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, đề cao kỷ luật của Đảng và pháp chế xã hội chủ nghĩa, thưởng phạt nghiêm minh và kịp thời.

 

Kiện toàn hệ thống thông tin kinh tế để các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nắm tình hình kinh tế, xã hội nhanh chóng, đầy đủ, đúng sự thật.

 

4- Tăng cường công tác tư tưởng và công tác vận động quần chúng ; phát động rộng rãi phong trào cách mạng của nhân dân lao động, của cán bộ, đảng viên, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tự lực tự cường, ra sức lao động sản xuất và thực hiện triệt để tiết kiệm, lên án mạnh mẽ các hiện tượng tiêu cực dưới mọi hình thức; đập tan các luận điệu chiến tranh tâm lý của địch.

 

Phát huy vai trò và trách nhiệm của các đoàn thể nhân dân , nhất là công đoàn và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ - Chí - Minh, trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, phối hợp chặt chẽ hoạt động của các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể để đẩy mạnh ngay từ đầu năm phong trào thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1986.

 

Đặc biệt quan trọng là các cấp uỷ đảng và các cơ quan Nhà nước phải kịp thời phát hiện, tổng kết và vận dụng những kinh nghiệm tốt về tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cơ sở và các huyện, quận, động viên sức mạnh tổng hợp của Nhà nước và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để khai thác tốt nhất các nguồn khả năng thực tế về lao động, đất đai, ngành nghề, chủ động tìm kiếm vật tư, nguyên liệu, tiền vốn, góp phần khắc phục các mất cân đối hiện nay, quyết tâm tạo ra bước chuyển biến mới trong sản xuất và đời sống.

 

5- Kiện toàn tổ chức, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, sửa đổi lề lối làm việc.

 

Ngay từ đầu năm 1986, phải sắp xếp lại bộ máy của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cắt bỏ những tổ  chức trung gian không cần thiết, sắp xếp lại lao động của các cơ quan hành  chính sự nghiệp ở Trung ương và địa phương, giảm biên chế gián tiếp ở các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Đánh giá đúng  năng lực và cống hiến của cán bộ các ngành, các cấp để bố trí cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế quản lý  mới; tăng cường cán bộ  cho các huyện, các đơn vị cơ sở và những nơi đang có khó khăn. Bằng động viên, giáo dục kết hợp với chính sách ưu đãi, khuyến khích để thu hút nhiều cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế về cơ sở, đi miền núi, Tây Nguyên, các vùng kinh tế mới.

 

Cải tiến lề lối làm việc của các cấp, các ngành, bảo đảm nguyên tắc tạp trung dân chủ, đi sát cơ sở; kiên quyết khắc phục tác phong quan liêu, mệnh lệnh cũng như tư tưởng địa phương, cục bộ, hẹp hòi. Coi trọng làm thử và sơ kết, tổng kết kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong Đảng và các cơ quan Nhà nước .

 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin tưởng rằng, với ý thức trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo của các ngành, các địa phương và cơ sở, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong cả nước, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, 7, 8 và Hội nghị Trung ương lần này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức khai thác mọi khả năng hiện có để bổ sung kế hoạch đạt những mức phát triển cao hơn, đồng thời phấn đấu quyết liệt trong lao động sản xuất và thực hành triệt để tiết kiệm, thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế, xã hội năm 1986, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế quốc dân, lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

Tổng Bí thư

 Lê Duẩn

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website