Nghị quyết số 16 - NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội Năm 1984 và mức phấn đấu năm 1985

Sau khi thảo luận báo cáo của Bộ Chính trị về “Tình hình kinh tế xã hội 1981-1983, phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế- xã hội năm 1984 và mức phấn đấu năm 1985”, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) quyết nghị:

I- Về tình hình kinh tế -xã hội 1981-1983

Chấp hành các nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V của Đảng và các nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V), ba năm qua nhân dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ tình trạng sút kém nghiêm trọng trong những năm 1979-1980, nền kinh tế nước ta đang chuyển biến theo hướng đi lên, ổn định dần từng mặt, tạo tiền đề cho những bước phát triển mới.

Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và thu nhập quốc dân sản xuất mỗi năm một tăng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình ổn định tình hình kinh tế xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Thành tựu nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ba năm qua là sản lượng lương thực bình quân hàng năm tăng gần 1 triệu tấn; nhờ vậy, đến nay không còn phải nhập khẩu lương thực. Thắng lợi này mở ra khả năng sản xuất lương thực không những đủ ăn, mà còn có thêm dự trữ.

Sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn về năng lượng và vật tư, nhưng do khai thác được những khả năng sẵn có, nên giá trị sản lượng năm 1983 đã tăng đáng kể so với năm 1980; riêng giá trị sản lượng công nghiệp địa phương và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp đã vượt năm cao nhất trước đây.

Xây dựng cơ bản đã tập trung hơn cho các công trình trọng điểm phục vụ các mục tiêu chủ yếu của công nghiệp và nông nghiệp. Một số công trình then chốt về điện, cơ khí, xi măng, giấy sợi, giao thông, thuỷ lợi,.. đã và sẽ hoàn thành, tạo ra năng lực sản xuất mới có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ gần đây được đẩy mạnh, tạo điều kiện để hoàn thành về cơ bản hợp tác hoá nông nghiệp trong năm 1985.

Quản lý thị trường bước đầu được chấn chỉnh, công tác thu mua tiến bộ rõ, nhất là thu mua lương thực. Xuất khẩu bắt đầu có chuyển biến; kim ngạch xuất khẩu hàng năm có tăng, tuy mức tăng còn chậm; chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu được thu hẹp một phần.

Những thành tựu đạt được ba năm qua trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về nhiều mặt; và trước những âm mưu, hành động phá hoại hiểm độc của kẻ địch, là thắng lợi có ý nghĩa to lớn. Thắng lợi ấy trước hết là do đường lối đúng đắn của Đảng được nhận thức ngày càng sâu hơn và vận dụng ngày càng sát hơn vào điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương và cơ sở. Hai là do những đổi mới trong chính sách kinh tế, trong công tác quản lý kinh tế bước đầu khắc phục lối quản lý quan liêu bao cấp, làm cho người lao động hăng hái sản xuất, gắn bó với sản phẩm làm ra, tạo điều kiện tốt cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; làm cho các cấp quản lý tăng cường trách nhiệm và quyền chủ động, sáng tạo. Ba là do sự phấn đấu với ý thức làm chủ tập thể và tinh thần tự lực tự cường của cả nước, của các địa phương và cơ sở cùng với các ngành ở trung ương, các tổ chức kinh tế cũng như khoa học kỹ thuật, để khắc phục khó khăn, khai thác thế mạnh và khả năng tiềm tàng của nền kinh tế. Thắng lợi đó còn là kết quả của quan hệ hợp tác và sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.

Tuy đạt được kết quả như trên, song nhìn chung, sản xuất tiến bộ chưa đều, chưa mạnh và chưa vững chắc. Sản lượng tăng, song năng xuất, chất lượng và hiệu quả còn kém. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được tăng cường và củng cố, cải tạo xã hội chủ nghĩa tiến hành chậm, trận địa kinh tế xã hội chủ nghĩa có mặt bị suy yếu, đặc biệt là khu vực quốc doanh phát triển chậm, không xứng với vai trò chủ đạo của nó trong toàn bộ nền kinh tế. Phân phối lưu thông còn nhiều rối ren. Nền kinh tế còn đứng trước những khó khăn và mất cân đối lớn. Đời sống vật chất và văn hoá của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang hết sức khó khăn, đang là yêu cầu bức xúc phải giải quyết. Nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra cấp bách. Các hiện tượng tiêu cực trong xã hội chưa bị ngăn chặn. Công tác giáo dục thanh, thiếu niên chưa có chuyển biến tốt. Nhiểu chỉ tiêu về mức sống, văn hoá của nhân dân bị giảm sút. Dân số tiếp tục tăng quá nhanh.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba và lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) đã phân tích sâu sắc những thắng lợi cùng những mặt yếu kém của nền kinh tế, đã chỉ ra nguyên nhân của tình hình đó. Nguyên nhân khách quan là nền kinh tế nước ta còn phổ biến là sản xuất nhỏ; cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu; năng lượng vật tư thiếu thốn nghiêm trọng; kẻ địch tăng cường phá hoại trên nhiều mặt, đặc biệt là trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nguyên nhân chủ quan là không nắm vững đường lối chung và đường lối phát triển kinh tế của Đảng, là những khuyết điểm về công tác tư tưởng và tổ chức, những khuyết điểm trong việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, trong sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Cần thấy rõ những nhược điểm và khuyết điểm trong cơ chế quản lý và kế hoạch hoá. Tình trạng nhiều khả năng chưa được tận dụng, lao động, đất đai và ngành nghề chưa được khai thác tốt, nhiều năng lực sản xuất và tiền vốn còn bị lãng phí nghiêm trọng, năng xuất lao động xã hội còn thấp, một phần quan trọng là do những khuyết điểm trong công tác quản lý kinh tế chậm được sửa chữa, không bảo đảm cho các cấp cùng nhau thật sự làm chủ để động viên sức mạnh tổng hợp của Nhà nước và nhân dân, của Trung ương và địa phương. Một số chính sách về tài chính, giá cả, tiền lương, xuất nhập khẩu,.. tuy đã có điều chỉnh, nhưng còn nhiều điểm chưa phù hợp chậm được sửa đổi. Bộ máy quản lý kinh tế quá cồng kềnh, có nhiều tổ chức trung gian không cần thiết, nặng về hành chính quan liêu, xem nhẹ tổ chức kinh doanh, gây trở ngại cho sản xuất và lưu thông. Việc sắp xếp lại sản xuất, nhất là tổ chức sản xuất công nghiệp, làm chậm. Việc phân công, phân cấp quản lý kinh tế còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.

Đáng chú ý là có những nhận thức và hành động không phù hợp với quan điểm của Đảng, những biểu hiện vô trách nhiệm, kém ý thức tổ chức và kỷ luật trong việc chấp hành nghị quyết của Đảng. Tệ tập trung quan liêu, bảo thủ, trì trệ, xa thực tế, xa quần chúng, không tin ở năng lực sáng tạo của quần chúng, chậm tiếp tục cái mới, không kịp thời vụ sản xuất và đời sống ở cơ sở, cũng như bệnh phân tán, tản mạn, tự do tuỳ tiện, tình trạng mất cảnh giác trước các âm mưu và hành động phá hoại của địch, buông lỏng lãnh đạo và quản lý, phải được phê phán nghiêm khắc và kiên quyết khắc phục.

II- Về nhiệm vụ kế hoạch năm 1984 và mức phấn đấu năm 1985.

Kế hoạch năm 1984 và năm 1985 phải gắn liền với việc thực hiện phương hướng phát triển kinh tế- xã hội đến năm 1990. Tiếp tục quán triệt đường lối chung, đường lối xây dựng kinh tế, được cụ thể hoá trong chặng đường đầu tiên bằng 4 mục tiêu tổng quát và 10 chính sách lớn về kinh tế- xã hội đã được nêu ra trong nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng. Theo phương hướng đó, phải tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, coi đó là mặt trận hàng đầu, khai thác đến mức cao nhất tiềm năng lao động và đất đai nhằm giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển thật mạnh cây công nghiệp, tạo thêm nguồn nguyên liệu cho công nghiệp và tăng nhanh nguồn xuất khẩu. Ra sức phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Phát huy những cơ sở đã có và xây dựng mới những cơ sở cần thiết về công nghiệp nặng: năng lượng, cơ khí, gang thép, điện tử, hoá chất, vật liệu xây dựng, giao thông vận tải,.. nhằm phục vụ phát triển nông nghịêp và công nghiệp nhẹ, từng bước hình thành cơ cấu công- nông nghiệp hợp lý. Tranh thủ mọi điều kiện để sớm khởi công xây dựng một số công trình công nghiệp nặng có ý nghĩa then chốt của quá trình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà. Phát triển mạnhkhoa học và kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, y tế,.. phục vụ tốt công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Thực hiện cho được mục tiêu ổn định và cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.

Hai năm 1984 và 1985 có vị trí hết sức quan trọng, phải hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu  chủ yếu của thời kỳ 1981-1985, bảo đảm “cơ bản ổn định tình hình kinh tế và xã hội”, đồng thời chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch 1986-1990.

Trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước, phải tiếp tục phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cách mạng tiến công, sức mạnh làm chủ tập thể; thực hiện tốt ba cuộc cách mạng; động viên sức mạnh tổng hợp của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và toàn dân, của trung ương, địa phương và cơ sở; thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, chế độ trách nhiệm và kỷ luật của các cấp quản lý; chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và tổ chức, phát động phong trào cách mạng của quần chúng; sử dụng có hiệu quả nhất sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghiã anh em khác.

Trước hết và quan trọng nhất là phải có tiến bộ rõ trong việc khai thác khả năng lao động, đất đai và năng lực sản xuất hiện có, khẩn trương sắp xếp lại sản xuất. Lấy năng xuất chất lượng và hiệu quả làm tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá mọi hoạt động kinh tế. Hết sức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng. Phát triển sản xuất kết hợp chặt chẽ với bảo vệ sản xuất, chống địch phá hoại về kinh tế, chống tham ô, lãng phí. Tăng nhanh tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, tạo được tích luỹ ngày càng nhiều từ nội bộ nền kinh tế. Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, Nhà nước nắm hàng, nắm tiền, làm chủ thị trường, giá cả, phải ổn định cho được đời sống bao gồm bảo đảm bữa ăn và hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, nhất là của công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc, trước hết ở vùng biên giới phía Bắc.

Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, mở rộng trận địa xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực. Đến năm 1985, hoàn thành về cơ bản cải tạo xã hội chủ nghiã đối với nông nghiệp và công thương nghiệp ở các tỉnh miền Nam như nghị quyết số 14 của Bộ Chính trị đã định rõ.

Tiếp tục xây dựng có trong điểm, tăng cường một bước cơ sở vật chất -kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai xây dựng trong các năm sau.

Khẩn trương xúc tiến việc nghiên cứu chiến lược kinh tế xã hội nhằm cụ thể hoá đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng cho một thời gian dài hơn.

Đưa việc kết hợp kinh tế với quốc phòng và quy hoạch kinh tế cụ thể, tạo điều kiện đáp ứng các nhu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và an ninh. Xây dựng và triển khai các kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân, kế hoạch năm đầu chiến tranh. Chỉ đạo chặt chẽ quân đội làm kinh tế nhằm đạt hiệu quả thiết thực; có chính sách thoả đáng khuyến khích quân đội tham gia xây dựng kinh tế.

Kế hoạch năm 1984 và năm 1985 phải giải quyết cho được các vấn đề then chốt và cấp bách sau đây:

1-       Ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản.

- Sử dụng tốt lao động và đất đai là mục tiêu và biện pháp quan trọng hàng đầu để tăng nhanh sản phẩm xã hội. Trong hai năm  tới, bằng mở rộng ngành nghề, phân công lao động tại chỗ, phân bố lại lao động giữa các vùng, phấn đấu đến mức cao nhất bảo đảm việc làm cho lao động xã hội, trước hết cho thanh niên, thực hiện cho được chỉ tiêu về phân bố lao động mà Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đề ra (Văn kiện Đại hội V, tập II, trang 56). Khai thác một phần đáng kể đất hoang hoá ở các tỉnh miền Bắc có vùng trung du, các tỉnh ven biển miền trung, chủ yếu bằng lực lượng lao động tại chỗ và trong từng địa phương. Khẩn trương tổ chức thực hiện việc đưa dân và lao động đến các vùng kinh tế mới ở Tây nguyên, Đông Nan bộ và vùng biên giới phía Bắc, chủ yếu để phát triển mạnh cây công nghiệp, vừa xây dựng kinh tế, vừa góp phần củng cố quốc phòng. Đối với đồng bào sông Cửu Long, tiến hành phân bố lại lao động trong vùng và tiếp nhận lao động từ nơi khác đến nhằm thâm canh, tăng vụ, đưa ngày công lao động lên 200 ngày/ năm, và cơ bản sử dụng hết 50 vạn héc- ta đất hoang hoá. Tích cực chuẩn bị điều kiện để thực hiện phân bố lao động mạnh hơn trên phạm vi cả nước trong  các năm sau.

Để thực hiện mục tiêu này, phải xây dựng các chương trình và kế hoạch đồng bộ, có các chính sách cụ thể thích hợp và sự chỉ đạo tập trung của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền, phải lấy huyện làm địa bàn cơ bản để bố trí và sử dụng tốt lao động, đất đai, mở mang ngành nghề.

- Nắm vững mục tiêu quan trọng nhất là đẩy mạnh sản xuất lương thực (cả lúa và màu); năm 1984 đạt sản lượng 18 triệu tấn, Nhà nước thu mua ít nhất 4,3 triệu tấn, năm 1985, đạt sản lượng 19-20 triệu tấn.

Biện pháp chính là nâng độ đồng đều trên toàn bộ diện tích gieo trồng, nâng mức thâm canh lúa trên những vùng có tỷ suất lương thực hàng hoá cao và các vùng có nhu cầu mà khó vận chuyển nơi khác đến, đi đôi với tăng vụ, mở thêm diện tích, chủ yếu là ở miền Nam và khu 4 cũ. Có chính sách đẩy mạnh thâm canh và tăng nhanh diện tích các loại màu, nhất là ngô. Tổ chức tốt việc thu mua, vận chuyển và chế biến màu.

Phát triển mạnh trên quy mô lớn các loại cây công nghiệp nhất là cây ngắn ngày; tích cực triển khai kế hoạch trồng cây cao su và những cây dài ngày khác nhằm tăng nhanh nguồn nguyên liệu trong nước và nguồn hàng xuất khẩu quan trọng. Kết hợp việc trồng trọt với xây dựng đồng bộ cáccơ sở chế biến với quy mô thích hợp.

Phát triển chăn nuôi ở khắp các vùng để bảo đảm nhu cầu thực phẩm và phân bón. Chú trọng chăn nuôi ở các vành đai thực phẩm của các thành phố lớn và các khu công nghiệp tập trung, từng bước mở mang chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp và chăn nuôi để xuất khẩu. Phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò,..) ở tất cả các vùng, nhất là trung du, miền núi. Coi trọng cả chăn nuôi quốc doanh, tập thể, gia đình. Giải quyết tốt các nhu cầu về thức ăn gia súc, con giống và thuốc thú y.

Về thuỷ sản; mở rộng quy mô đánh bắt trên biển, phát triển mạnh nuôi trồng nhất là nuôi để xuất khẩu trên tất cả các loại mặt nước. Có biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thuỷ sản. Chú trọng xây dựng các cơ sở chế biến, tổ chức tốt việc thu mua và cung ứng dịch vụ cho sản xuất; cải tạo và tổ chức lại sản xuất nghề cá. Phấn đấu đạt sản lượng 73 vạn tấn năm 1984.

Về lâm nghiệp: bảo vệ cho được vốn rừng hiện có; thực hiện đồng bộ các chính sách, các biện pháp tích cực nhất nhằm chấm dứt nạn đốt, phá rừng, động viên nhân dân trồng rừng, sử dụng hợp lý và có hiệu quả đất trồng, đồi núi trọc; chú trọng các loại cây làm nguyên liệu, lấy gỗ, lấy củi, mọc nhanh, cây tăng độ màu ,mỡ cho đất. Hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho hợp tác xã và nhân dân quản lý, sử dụng, khai thác theo đúng quy hoạch, chính sách, chế độ của Nhà nước; thực hiện tốt phương thức nông- lâm kết hợp. Tiếp tục làm tốt công tác định canh, định cư, trước hết ở những địa bàn trọng điểm.

2-       Chuyển mạnh về phát triển công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải.

- ưu tiên bảo đảm các điều kiện để tăng sản xuất năng lượng (điện, than). Tiết kiệm tiêu dùng và sử dụng hợp lý năng lượng. Đẩy mạnh sản xuấtphân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng; phát triển sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp cũng như cơ khí tiêu dùng (xe đạp, máy may, quạt điện, đồng hồ,..). Hết sức chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như vải mặc, giấy, đường, sữa, thuốc chữa bệnh và hàng xuất khẩu như chè, thuốc lá, rượu,..

Nhanh chóng sắp xếp lại sản xuất, tiếp tục đổi mới quản lý, sử dụng tốt năng lực sản xuất hiện có, nhất là của công nghiệp quốc doanh trung ương, chú ý đầu tư chiều sâu, tích cực tạo nguồn vật tư, nguyên liệu từ nông, lâm thuỷ sản trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, mở mang các hình thức hợp tác quốc tế để có điều kiện nhập thêm nguyên liệu, vật tư cần thiết. Ra sức tiết kiệm, giảm chi phí vật chất cho một đơn vị sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao năng xuất lao động và chất lượng sản phẩm.

- Tăng thêm vốn đầu tư xây dựng cơ bản là một yêu cầu cấp bách cần thể hiện  trong kế hoạch và ngân sách Nhà nước. Năm 1984 đầu tư 23 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản, bao gồm cả nguồn vốn của ngân sách địa phương.

Trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch, cần bảo đảm yêu cầu tập trung xây dựng những công trình trọng điểm, tăng nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành công trình, sớm đưa vào sử dụng. Ban hành những chính sách quản lý và thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm triệt để chống lãng phí, mất mát thiết bị và vật liệu; bảo đảm chất lượng công trình, giảm giá thành xây dựng. Có quy chế cụ thể để bảo đảm thực hiện tốt phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm, trung ương và địa phương cùng làm”.

Có kế hoạch khẩn trương khảo sát, thiết kế, chuẩn bị xây dựng những công trình lớn trong những năm sau.

- Về giao thông vận tải: tiếp tục sắp xếp lực lượng vận tải, có phân công, phân cấp hợp lý, làm cho vận tải quốc doanh công cộng trở thành lực lượng vận tải chủ yếu. Phát triển mạnh vận tải đường thuỷ, củng cố và phát huy năng lực vận tải đường sắt, sắp xếp hợp lý, sử dụng có hiệu quả vận tải đường bộ, đường hàng không. Tăng cường quản lý nhằm khai thác tốt các phương tiện hiện có. Chú trọng phát triển rộng rãi các phương tiện vận tải thô sơ. Triệt để tiết kiệm, chống mất cắp, lãng phí xăng dầu, kiên quyết khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong vận tải.

Từng bước khắc phục những khâu yếu, lập lại trật tự an toàn giao thông vận tải trên những địa bàn trọng điểm. Huy động lao động nghĩa vụ và quân đội tham gia xây dựng các công trình giao thông, mở mang giao thông ở thủ đô Hà Nội, các vùng cây công nghiệp tập trung, vùng kinh tế mới, giao thông nông thôn, miền núi.

Chú trọng các tuyến giao thông sang Lào và Cam-pu-chia.

Coi trọng phát triển và nâng cao chất lượng thông tin bưu điện.

3- Tạo ra bước chuyển biến cơ bản trên lĩnh vực phân phối, lưu thông.

a) Trên cơ sở tổ chức lại và phát triển sản xuất có năng xuất, chất lượng và hiệu quả, Nhà nước phải nắm được hàng và tiền, làm chủ thị trường và giá cả, thống nhất quản lý phân phối và lưu thông các sản phẩm hàng hoá chủ yếu (nông, lâm, hải sản, sản phẩm công nghiệp quốc doanh trung ương và địa phương, sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp và hàng nhập). Nhà nước kế hoạch hoá việc phân phối quỹ hàng hoá, tổ chức sự trao đổi giữa công nghiệp và nông nghiệp một cách có kế hoạch, chủ yếu thông qua hợp đồng hai chiều, phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho sản xuất và đời sống.

Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải nhanh chóng vươn lên làm chủ thị trường. Ra sức củng cố và mở rộng thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán đến tận phường (bao gồm cả các hệ thống  cung ứng vật tư, thu mua, bán lẻ, dịch vụ, xuất, nhập khẩu); cải tiến phương thức và tổ chức mua, bán, chi phối toàn bộ khâu bán buôn, đại bộ phận khâu bán lẻ. Phải tích cực xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thương nghiệp; chấn chỉnh tổ chức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn ngành thương nghiệp. Ngăn chặn và loại trừ bọn đầu cơ, buôn lậu, tư thương tranh mua với Nhà nước; trừng trị bọn làm hàng giả. Xoá bỏ ngay tư sản thương nghiệp. Trên cơ sở đó, thực hiện ngay việc Nhà nước thống nhất quản lý và kinh doanh những vật tư kỹ thuật, những hàng công nghiệp thiết yếu, kể cả hàng nhập khẩu. Có kế hoạch triển khai tích cực và vững chắc việc xoá bỏ thị trường  tự do về lương thực và các nông, lâm, hải sản quan trọng. Trước mắt phải thực hiện tốt Nghị quyết số 14 ngày 13-9-1983 của Bộ Chính trị về tình hình và nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư doanh.

Thực hiện phân công, phân cấp hợp lý giữa các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở; có cơ chế, chính sách thích hợp vừa bảo đảm cho Nhà nước nắm được hàng hoá, vừa kích thích tinh thần hăng hái lao động của người sản xuất, bảo đảm được các nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Việc kiểm soát hàng hoá phải làm chặt chẽ từ gốc, tránh tình trạng tuỳ tiện lập ra các trạm kiểm soát khám xét, chia cắt thị trường, làm cho giá cả tăng lên.

b) Tăng nhanh mọi nguồn thu, nhất là nguồn thu từ kinh tế quốc doanh, để bảo đảm các nhu cầu chi cần thiết. Sắp xếp lại các nhu cầu chi cho phù hợp với khả năng tài chính của ta, phấn đấu giảm mức bội chi ngân sách và tiền mặt trên cơ sở tăng sản xuất và triệt để tiết kiệm trong sản xuất, xây dựng và tiêu dùng. Nhà nước cần ban hành quy chế tiết kiệm nghiêm ngặt và cụ thể ở từng ngành, từng cấp.

Thực hiện ngay phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu của Trung ương, vừa tăng nguồn thu của địa phương, bảo đảm quyền làm chủ ngân sách của các cấp và các ngành kinh tế- kỹ thuật, đồng thời thực hiện thống nhất quản lý tài chính, đề cao kỷ luật tài chính ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ sở.

Đẩy mạnh và cải tiến các họat động tín dụng, gửi tiền tiết kiệm, thanh toán qua ngân hàng và các dịch vụ khác để thu tiền mặt, chấm dứt “toạ chi”. Bảo đảm có đủ tiền mặt để kịp thời phục vụ sản xuất, xây dựng và thu mua. Tổ chức tốt việc phát hành công trái và vận động quần chúng muacông trái, bảo đảm tốt các yêu cầu tài chính và yêu cầu chính trị. Đẩy mạnh hoạt động của các hợp tác xã tín dụng ở nông thôn.

c) Đi đôi với các công việc trên đây, phải từng bước lập lại trật tự mới trên lĩnh vực giá cả, trước hết là trong khu vực kinh tế quốc doanh, Nhà nước phải sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp để kiểm soát cho được giá cả trên thị trường xã hội, kiên quyết kìm và kéo dần giá thị trường tự do xuống. Giữ giá những vật tư hàng hoá chủ yếu, chỉ điều chỉnh giá một số ít mặt hàng xét thật cần thiết, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, bảo đảm tích luỹ xã hội chủ nghĩa.

Tính lại giá thành các sản phẩm chính và phí lưu thông, bảo đảm phản ánh đúng và đủ những chi phí lao động xã hội cần thiết, loại trừ những chi phí bất hợp lệ và bất hợp lý; trên cơ sở đó hoàn thiện từng bước hệ thống giá chỉ đạo, điều chỉnh hợp lý các mối quan hệ giữa giá hàng công nghiệp và giá nông sản, giữa tích luỹ và tiêu dùng, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa giá trong nước và giá thị trường thế giới theo chính sách giá của Đảng và Nhà nước ta.

Trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất của hệ thống giá Nhà nước, trung ương thống nhất chỉ đạo giá những mặt hàng quan trọng, đồng thời phân công, phân cấp hợp lý cho ngành và địa phương để có sự chỉ đạo linh hoạt, nhạy bén, sát với từng vùng, từng thời vụ. Cần quy định các khung giá thích hợp với từng loại hàng và với từng vùng để các địa phương có thể chủ động thu mua lương thực, nông sản và các hàng hoá khác ngoài kế hoạch. Tăng cường kỷ luật về quản lý giá cả, chống mọi hành động tự do vô chính phủ, tuỳ tiện nâng giá, vi phạm chính sách và hệ thống giá Nhà nước.

d) Để bảo đảm mức thu nhập thực tế của những người ăn lương, biện pháp quyết định nhất hiện nay là bảo đảm cung cấp đủ 9 mặt hàng theo đúng định lượng, chất lượng và đúng thời gian cho công nhân viên chức và lực lượng vũ trang và tăng thêm những mặt hàng phân phối không theo định lượng, theo giá bán lẻ ổn định của Nhà nước.

Thực hiện ngay việc lập quỹ hàng hoá và lập cửa hàng cung cấp riêng để bán hàng tiêu dùng cho công nhân viên chức và lực lượng vũ trang theogiá ổn định. Chấn chỉnh và cải tiến cách thức tổ chức bán hàng cung cấp; phát hành phiếu mua hàng công nghiệp để mua những mặt hàng mà Nhà nước nhất thiết phải bảo đảm cung cấp. Mở rộng màng lưới cơ sở dịch vụ quốc doanh.

Các cấp uỷ đảng và chính quyền  phải quan tâm chăm sóc đời sống của các lực lượng vũ trang; các ngành, các địa phương phải cùng với Bộ Quốc phòng giải quyết tốt những vấn đề về hậu cần và hậu phương quân đội.

Đi đôi với biện pháp trên, phải cải tiến chế độ tiền lương, thực hiện từng bước trong năm 1984.

Tính lại tiền lương theo giá bán lẻ ổn định của Nhà nước. Phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết về quỹ hàng hoá, về mở rộng và cải tiến hệ thống thương nghiệp quốc doanh, về làm chủ thị trường, để khi thi hành chế độ tiền lương mới không gây ra những hệ quả xấu đối với thị trường và giá cả.

Định lại mức lương tối thiểu bảo đảm cho người lao động đủ sống và làm việc có hiệu suất. Căn cứ mức lương tối thiểu và khả năng tài chính của Nhà nước , tính lại mức lương trung bình và mức lương cao nhất nhằm giảm bớt tính chất bình quân, bảo đảm quan hệ đãi ngộ hợp lý hơn giữa các loại công nhân viên chức, giữa các ngành nghề và giữa các vùng khác nhau. Sắp xếp lại các thang lương, bảng lương theo nguyên tắc phân phối theo lao động; khuyến khích những ngành nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, lao động nặng nhọc, độc hại, những ngành kinh tế trọng yếu của nền kinh tế quốc dân, những vùng xa  xôi xung yếu. Đãi ngộ thoả đáng các lực lượng vũ trang, cán bộ viên chức các ngành hành chính, sự nghiệp. Sửa đổi, bổ sung chính sách đối với thương binh, người về hưu, mất sức.

Tính lại các khoản phụ cấp lương và tiền thưởng, các đơn giá khoán, lương sản phẩm,.. cho phù hợp với sự thay đổi của mức lương cơ bản. Nâng cao tỷ trọng của tiền lương cơ bản trong toàn bộ thu nhập về tiền lương. Tiếp tục hoàn thiện các hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm, tiền thưởng, nhằm khuyến khích nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, công tác.

Đối với bộ phận tiền lương chịu tác động của giá cả thị trường, Nhà nước căn cứ vào chỉ số sinh hoạt mà định phụ cấp đắt đỏ.

4- Tăng nhanh xuất khẩu và mở mang các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch để thu hút ngoại tệ, có chính sách hợp lý về kiều hối, về thu hút vốn đầu tư của Việt Kiều ở nước ngoài. Đây là khâu trọng yếu góp phần bảo đảm các cân đối của kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu năm 1984 thuộc trung ương quản lý phải đạt ít nhất là 620 triệu rúp và đô-la.

- Giải quyết tốt quan hệ giữa trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và nông dân, có các chính sách hợp lý nhằm phát triển mạnh sản xuất và huy động tốt nhất các nguồn hàng xuất khẩu; hết sức tiết kiệm tiêu dùng trong nước để dành hàng cho xuất khẩu. Dưới sự quản lý thống nhất của trung ương, trên cơ sở bảo đảm nghĩa vụ giao nộp cho trung ương, cho phép các địa phương được xuất khẩu nông sản để nhập thêm vật tư, nguyên liệu cần thiết cho sản xuất nông, công nghiệp và một số hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống nhân dân.

- Đầu tư thích đáng xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật phục vụ xuất khẩu. Kiện toàn bộ máy kinh doanh xuất- nhập khẩu từ trung ương đến địa phương, cải tiến phương thức hoạt động để đủ sức góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến và huy động hàng xuất khẩu, mở rộng và quản lý chặt chẽ các hoạt động giao dịch với nước ngoài.

- Trong quan hệ kinh tế đối ngoại, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Mở rộng sự hợp tác với Lào và Cam-pu-chia, tiến tới có sự phối hợp kế hoạch về kinh tế giữa ba nước Đông dương. Tích cực mở mang các quan hệ kinh tế với các nước khác và các tổ chức quốc tế.

5- Đẩy mạnh công tác khoa học- kỹ thuật.

Hoàn thiện và xây dựng các chính sách, chế độ cụ thể thích hợp làm cho kế hoạch khoa học và kỹ thuật thực sự trở thành bộ phận hữu cơ của kế họach kinh tế xã hội.

Các ngành kinh tế, văn hoá và các địa phương, cơ sở phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể đưa nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Tiến hành khẩn trương công tác điều tra cơ bản phục vụ cho việc quy hoạch và phân bố lực lượng sản xuất. Sắp xếp lại các cơ sở nghiên cứu khoa học, bố trí lại, động viên và sử dụng có hiệu quả hơn lực lượng khoa học, kỹ thuật, tạo điều kiện cho đội ngũ khoa học kỹ thuật gắn liền với cơ sở sản xuất, phát huy tốt năng lực phục vụ và nâng cao trình độ về mọi mặt.

6- Về giáo dục, văn hoá, thông tin, y tế.

Tiếp tục thực hiện tốt cải cách giáo dục gắn với yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội: phấn đấu thực hiện phổ cập cấp I, làm chuyển biến chất lượng giáo dục, trước hết về chính trị, đạo đức và hướng nghiệp. Tiếp tục xoá nạn không biết chữ ở vùng cao; tích cực nâng cao trình độ văn hoá của cán bộ dân tộc và phát triển bổ túc văn hoá. Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá ở cơ sở, nâng cao chỉ tiêu phục vụ nhân dân về sách báo, nghe đài, xem chiếu bóng và nghệ thuật; tăng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tăng cường trang bị, thiết bị cho các hoạt động văn hoá, thông tin; xây dựng dần những công trình văn hoá và di tích lịch sử.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thông tin đại chúng phải phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương; bám sát đường lối, chính sách của Đảng, đi sâu vào phong trào quần chúng và đời sống của nhân dân; phát huy tính chiến đấu, giành thế chủ động trong dư luận xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động hướng vào phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng con người mới, kịp thời đập tan những thủ đoạn phá hoại của địch trên mặt trận văn hoá, tư tưởng, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực.

Triển khai mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế họach, phấn đấu giảm mức tăng dân số xuống 1,7 % vào năm 1985.

Nâng cao chất lượng các hoạt động y tế; ngăn ngừa và kịp thời dập tắt các dịch bệnh; phát triển mạnh sản xuất dược liệu; chấn chỉnh nền nếp quản lý các cơ sở chữa bệnh. Tăng thêm cơ sở y tế cho các huyện, xã miền núi và các vùng kinh tế mới.

7- Tiếp tục đổi mới các cơ chế quản lý kinh tế và kế họach hoá.

Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các chủ trương, chính sách, chế độ, nhằm khuyến khích người lao động hăng hái sản xuất, gắn trách nhiệm, quyền lợi với kết quả lao động cuối cùng; các cấp quản lý cùng nhau thật sự làm chủ trong sản xuất, kinh doanh và tổ chức đời sống của nhân dân, bảo đảm kỷ luật chặt chẽ, chế độ trách nhiệm cụ thể và nghiêm ngặt; không ngừng mở rộng và tăng cường trận địa xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực.

Nhanh chóng hoàn thành việc phân cấp quản lý cho tỉnh (thành phố), huyện (quận), về các mặt: quản lý cơ sở sản xuất; kế hoạch; ngân sách; quản lý vật tư, hàng hoá; xuất nhập khẩu... theo đúng tinh thần của nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương.

- Soát xét lại, bổ sung và cải tiến các chính sách kinh tế: giá, lương, đầu tư, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu, lương thực, thu mua... nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả của sản xuất và các hoạt động kinh tế. Có chính sách khuyến khích và hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình.

Tiếp tục hoàn chỉnh chế độ quản lý xí nghiệp quốc doanh theo hướng mở rộng quyền chủ động của xí nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, quyền tự chủ về tài chính, vật tư, lao động. Thực hiện việc sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, từ đó mà sắp xếp lại các ngành công nghiệp theo hướng xây dựng và tăng cường các ngành kinh tế- kỹ thuật; củng cố các liên hiệp xí nghiệp, các công ty; lập thêm một số liên hiệp xí nghiệp và công ty phụ trách từng cây công nghiệp, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu (như cao- su, dừa, đay, mía, chè, thuốc lá...). Tuỳ yêu cầu cụ thể mà thành lập liên hiệp xí nghiệp hoặc công ty của toàn quốc hay khu vực. Tiếp tục cải tiến và hoàn thiện chế độ quản lý hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Sớm hoàn chỉnh chế độ “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động” trong nông nghiệp, kịp thời uốn nắn những lệch lạc đã xảy ra.

- Thực hiện đổi mới công tác kế hoạch hoá cả về nội dung và phương pháp, bảo đảm để các cấp thật sự làm chủ về kế hoạch, sử dụng tốt bốn nguồn khả năng để xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên, gắn kế hoạch với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Chấn chỉnh công tác chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch từ trung ương đến cơ sở. Thực hiện nghiêm ngặt chế độ hợp đồng kinh tế, có thưởng phạt nghiêm minh, xử lý kịp thời những mất cấn đối và vướng mắc.

- Phấn đấu đến năm 1985, đạt kết quả rõ rệt về xây dựng huyện. Phải hoàn thành quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành của huyện, hoàn chỉnh việc xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên và kế hoạch huyện, thực hiện việc phân cấp và tăng cường cán bộ cho huyện để huyện có điều kiện tổ chức lại sản xuất và phân công, phân bố lại lao động trên địa bàn huyện. Xúc tiến việc thành lập và hướng dẫn hoạt động kinh doanh của các công ty thương nghiệp tổng hợp, lương thực, vật tư của huyện. Phấn đấu không còn huyện kém, tập trung xây dựng các huyện trọng điểm về lúa, cây công nghiệp và về an ninh, quốc phòng.

Căn cứ vào nghị quyết này, Hội đồng bộ trưởng kịp thời thể chế hoá thành các chế độ, thể lệ Nhà nước để ban hành trong năm 1984.

8- Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục thấu suốt, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật. Chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của Đảng là nguyên tắc cao nhất; tất cả các cấp uỷ đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản thân gương mẫu thực hiện và lãnh đạo quần chúng thực hiện, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện nghị quyết của Đảng; các đồng chí có cương vị và trách nhiệm cao, càng phải gương mẫu, tiêu biểu trong việc chấp hành.

Tăng cường công tác kiểm tra của Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng, của cơ quan lãnh đạo các ngành, các cấp đối với việc thi hành các chỉ thị, nghị quyết.

Nghiêm chỉnh thi hành các nghị quyết của Trung ương về chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ (nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, các nghị quyết Hội nghị lần thứ ba và lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương) để bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Phải kiên quyết sắp xếp lại bộ máy quản lý và cán bộ, trước hết ở những ngành, địa phương và cơ sở then chốt, cắt bỏ những tổ chức trung gian không cần thiết, giảm nhẹ biên chế hành chính ở tất cả các cấp, các ngành; thay đổi những cán bộ không chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, không gương mẫu, không đủ khả năng đảm đương trách nhiệm được giao. Chấm dứt tình trạng bao che hoặc nể nang, do dự đối với những cán bộ, đảng viên phạm sai lầm.

 

*                 *

*

Nâng cao hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, thấu suốt hơn nữa đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách về đổi mới quản lý kinh tế và kế hoạch hoá, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cơ sở, của các tổ chức đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, toàn thể nhân dân, đó là con đường đúng đắn nhất để khai thác tiềm năng, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa không ngừng tiến lên. 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) tin tưởng rằng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, tinh thần làm chủ tập thể lao động cần cù dũng cảm, kiên cường khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1984, tạo đà vững chắc bước vào năm 1985 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch 1986-1990, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội mà đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đề ra.

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

Tổng Bí thư

Lê Duẩn

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hà Nội chính thức tăng diện tích tách thửa đất ở tối thiểu lên 50m2

(ĐCSVN) - Ngày 27/9/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 61/2024/QĐ-UBND quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website