Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nền quân sự cách mạng Việt Nam

Đại tướng Văn Tiến Dũng

Trong di sản bất diệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lĩnh vực quân sự giữ một địa vị vô cùng quan trọng. Là một bộ phận không thể tách rời của con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, theo con đường cách mạng bạo lực chống bạo lực phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, lĩnh vực này bao gồm những sáng tạo độc đáo và phong phú cả về lý luận và thực tiễn, chung đúc nên tinh hoa của nền quân sự cách mạng Việt Nam. 

ở đây tôi chỉ xin đề cập mấy điều tâm đắc nhất để chúng ta cùng nhau suy ngẫm. 

Sau khi đã xác định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc là con đường làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn nhiệm vụ dân tộc với nghĩa vụ quốc tế, thì vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhất là vấn đề phương pháp cách mạng mà Người gọi nôm na là cách làm: "phải biết cách làm thì làm mới chóng", "biết cách làm thì sửa cái xã hội cũ mấy ngàn năm làm xã hội mới cũng không khó". Để đánh đổ một chế độ mà tự bản thân nó đã là bạo lực, Người khẳng định: "Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền". Và phải biết sử dụng các hình thức đấu tranh cách mạng tuỳ theo tình hình cụ thể của phong trào, tránh "chưa nên làm đã làm, khi nên lại không làm", không ngừng đấu tranh chống những khuynh hướng cải lương và khuynh hướng manh động trong phong trào dân tộc. Bước phát triển cao nhất và quyết liệt nhất của bạo lực cách mạng là khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, khi vấn đề giành và giữ chính quyền được đặt ra trên bàn nghị sự của cách mạng. 

Có thể coi bản chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Người như một cương lĩnh quân sự đầu tiên của cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho những vấn đề cơ bản của đường lối quân sự Việt Nam. 

Chủ tịch xác định "chính trị trọng hơn quân sự", tư tưởng này về sau được Người nhấn mạnh thêm "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại". Chính trị ở đây là nghĩa là đường lối chính trị, đường lối cách mạng (bao gồm mục tiêu, lực lượng và phương pháp cách mạng) quyết định những vấn đề quân sự của khởi nghĩa và chiến tranh. Từ đó rút ra kết luận: quân sự phục tùng chính trị. Nhưng chính trị của Người là chính trị trong hành động. "Chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc". Không biết đánh giặc thì cũng vô dụng. 

Khi khởi nghĩa đã phát triển thành chiến tranh cách mạng, thì một tư tưởng độc đáo của Người, trở thành một tính ưu việt của chiến tranh cách mạng Việt Nam, là: nó cũng là cách mạng, "cuộc trường kỳ kháng chiến này là dân tộc cách mạng đến trình độ tối cao". Và như mọi người đều biết, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc bao gồm cả nhiệm vụ phản đế và nhiệm vụ phản phong kiến. Do đó, Người đề ra một chủ trương chiến lược nổi tiếng: vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ mới. Kháng chiến để đạt những mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong kháng chiến vẫn tiếp tục thực hiện bằng những biện pháp thích hợp nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong kháng chiến vẫn tiếp tục thực hiện bằng những biện pháp thích hợp nhiệm vụ của cuộc cách mạng ấy. Trong kháng chiến, cách mạng và chiến tranh luôn luôn hoà quyện vào nhau tuy hai nhưng vẫn là một. Người vạch rõ: "Cuộc kháng chiến của ta là tiếp tục của Cách mạng Tháng Tám". Từ đó phải chăng có thể định nghĩa: chiến tranh cách mạng Việt Nam là sự tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân bằng bạo lực và tổ chức xây dựng, vừa đánh giặc vừa xây dựng chế độ mới, thắng lợi của chiến tranh cũng đồng thời là thắng lợi của cách mạng. 

Quan niệm về bạo lực cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khác với quan niệm truyền thống coi đó chỉ là bạo lực vũ trang, súng đẻ ra chính quyền. Người cho rằng thắng lợi của khởi nghĩa là nhờ lực lượng của toàn dân, khéo sử dụng và kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Chúng ta hiểu rằng đấu tranh chính trị chỉ được coi là bạo lực khi phong trào quần chúng có tổ chức đã phát triển đến cao trào mang tính nổi dậy nhằm mục tiêu trực tiếp là giành chính quyền. 

ở đây còn có một sáng tạo bổ sung và lý luận và thực tiễn khởi nghĩa. Đó là hình thức khởi nghĩa từng phần bằng bạo lực của quần chúng yêu nước và dân quân du kích giành chính quyền ở địa phương thành lập những căn cứ địa cách mạng để lan ra cả nước thành cuộc Tổng khởi nghĩa như Cách mạng Tháng Tám. 

Thực tiễn khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng Việt Nam còn làm nổi bật: "một phát minh vĩ đại của thế kỷ XX, chiến tranh nhân dân" mà người xây nền móng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ "Cuộc kháng chiến của chúng ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân", tổ chức toàn dân đánh giặc dưới ngọn cờ của Đảng. Vì vậy bọn xâm lược phải đụng đầu với cả một dân tộc mà "mỗi công dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một chiến hào". Chính tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi đã phải thừa nhận: "Không thể chinh phục được một kẻ thù vừa ở khắp nơi, vừa không thấy ở đây, một kẻ thù là con đẻ của nhân dân, được nhân dân đồng tình che giấu và giúp đỡ".(1) 

Chiến tranh cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, là một cuộc tiến công toàn diện vào nền tảng thống trị của kẻ thù, Người dạy "đánh giặc không thể tách rời với chính trị, kinh tế" vì kháng chiến của ta là "toàn diện kháng chiến" để phát huy đến mức cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân cả nước đánh địch trên tất cả các mặt trận. "Mỗi một người dân Việt Nam đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá". 

Sức mạnh vô địch của chiến tranh cách mạng Việt Nam, theo Người là "lực lượng vô tận của dân tộc", nền của thắng lợi là nhân dân không được dân ủng hộ là thất bại. Kháng chiến và kiến quốc cần nhất trước hết là con người. Nhưng sức mạnh của nhân dân không phải tự nó có mà phải nhờ bốn chữ đồng theo lời Người: "đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh". Nghĩa là phải đoàn kết, nhất trí vì "sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc, dù địch hung hãn xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại". 

Trong phương thức tiến hành đấu tranh vũ trang, Người chỉ rõ phải sử dụng và kết hợp chiến tranh du kích, tác chiến du kích với chiến tranh chính quy, tác chiến của bộ đội chủ lực. Dưới sự chỉ đạo của Người, cả hai phương thức này đều có những nét độc đáo, không giống với bất cứ của nước nào. 

Sáng tạo lớn nhất của Người là chiến tranh du kích. Chiến tranh du kích của ta độc đáo ở chỗ, đây là phương thức khởi nghĩa vũ trang cục bộ để giành chính quyền ở cơ sở. Có thể gọi nó là "chiến tranh tại chỗ" bên cạnh người bạn đồng hành của nó là chiến tranh cơ động của chủ lực. Nó vừa là cách mạng, vừa là chiến tranh. Và cách đánh của nó thiên biến vạn hoá, muôn hình vạn trạng làm kẻ thù hết sức khiếp sợ. Đó là cách đánh mà Người chỉ rõ là "luôn luôn giữ quyền chủ động", "hữu tiến vô thoái", "bám dân, bám đất" gìn giữ quê hương. Nó là sự phát triển đến trình độ cao của thế trận làng - nước của cha ông ta. 

Tuy nhiên chiến tranh du kích dù có phát triển cao đến đâu cũng không thể giành thắng lợi quyết định cho chiến tranh nếu không có chiến tranh chính quy của bộ đội chủ lực mà vai trò và tác dụng chiến lược của nó ngày càng có ý nghĩa quyết định theo với sự phát triển của chiến tranh. Hai phương thức này có mối quan hệ biện chứng phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau trong đó chiến tranh du kích tạo nên cái nền, chỗ dựa vững chắc của chiến tranh chính quy. 

Để tiến hành chiến tranh thì phải có lực lượng quân sự. Một thành tựu vĩ đại của chiến tranh cách mạng Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh là tổ chức ra lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân. Chỉ thị của Người đã nêu ra quan điểm về quân chủ lực và quân địa phương, quan điểm này tất yếu dẫn đến xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân trong kháng chiến chống Pháp. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật xây dựng lực lượng quân sự là từ lực lượng chính trị của quần chúng chủ yếu là công nông tiến lên xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân. Nghĩa là lực lượng chính trị, lực lượng kháng chiến là nền tảng của việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. 

Trong công cuộc xây dựng, tôi chỉ xin nhấn mạnh một điểm cơ bản nhất, coi như nguyên tắc của các nguyên tắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 

"Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục". 

Người dạy: "Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội". Quân đội phải giữ gìn truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. 

Người luôn luôn chống quan điểm quân sự đơn thuần. Người nói bộ đội không nên chỉ biết đánh. Chỉ biết đánh là chỉ biết có một mặt. 

Theo quan điểm của Người, quân đội không chỉ là lực lượng quân sự. Nó còn là đội tuyên truyền, là lực lượng chính trị đặc biệt có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức nhân dân thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng. Nó không phải là một lực lượng phi sản xuất như thường quan niệm, mà cũng là một lực lượng sản xuất vừa tự sản xuất giảm nhẹ gánh nặng cho nhân dân, vừa tham gia xây dựng kinh tế, thực hành tiết kiệm trong xây dựng và chiến đấu. 

Xây dựng quân đội, xét cho cùng là xây dựng con người, quân đội là trường học đào luyện con người mới cầm súng chiến đấu vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quần chúng chiến sĩ là nền tảng của quân đội. Toàn bộ sự nghiệp quân sự của Người toát lên một tình thương yêu vô hạn với người chiến sĩ. "Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được. Bởi vậy cần phải thương yêu đội viên". "Đối với chiến sĩ thì từ lời ăn tiếng nói, từ niềm vui nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom". Không thể kể hết được những lời nói, việc làm của Bác thấm đượm muôn vàn tình thương yêu đối với người chiến sĩ quân đội nhân dân. Người thực sự là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. 

Cuối cùng, tôi nghĩ sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập đến phong cách Hồ Chí Minh trong quân sự. 

Đó là phong cách "tĩnh như núi, động như biển" vững vàng trước mọi sóng gió và khi đã có thời cơ thì dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập. 

Đó là phong cách nắm vững chủ động trong chiến tranh và hoà bình thấy trước chuẩn bị trước. 

Đó là phong cách không chủ quan, khinh địch. "Đánh nhau có thắng có bại là thường, điều cốt yếu là ta giành được thắng lợi cuối cùng". Phải hiểu rõ như vậy để thắng không kiêu, bại không nản. 

Và bao trùm lên tất cả quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng. "Làm cách mạng và kháng chiến là việc khó nhưng quyết tâm thì cũng thành công". Quyết tâm phải thấm nhuần từ trung ương đến tận người chiến sĩ, thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh. 

Nâng cao quyết tâm đồng thời phải cẩn thận, chứ không phải quyết tâm là mạo hiểm, quyết tâm phải đi đôi với tinh thần trách nhiệm, chống quan liêu đại khái. 

Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ, tôi không thể và không có điều kiện nêu lên đầy đủ và sâu sắc những sáng tạo của Bác trong việc xây đắp nền móng của nền quân sự cách mạng Việt Nam, một sự nghiệp khổng lồ mà tầm vóc và ảnh hưởng chỉ có thể so sánh với thắng lợi của cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam. 

Người đã tổng kết: "Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố liên minh công nông, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt". Chính Người đã góp phần quyết định tạo ra và rèn đúc những then chốt đó. 

Đặc biệt, Người đã để lại cho dân tộc và Tổ quốc ta một quân đội thực sự của nhân dân, vô địch như nhân dân, vì nhân dân mà hy sinh chiến đấu, được nhân dân tặng cho danh hiệu cao quý nhất: "Bộ đội Cụ Hồ". 

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Người, với tấm lòng biết ơn vô hạn, chúng ta nguyện ra sức phấn đấu vun đắp cho nền quân sự cách mạng Việt Nam càng nở hoa, kết quả, phát triển không ngừng để cùng nhau giữ lấy giang sơn gấm vóc mà các vua Hùng đã có công xây dựng, để hoà bình, mà dân tộc ta tốn biết bao xương máy mới giành được, mãi mãi ngự trị trên Tổ quốc thân yêu. 

Báo Quân đội nhân dân, ngày 11/5/2000

1. Mai-cơn Mác-lia, "Việt Nam, cuộc chiến tranh mười nghìn ngày". Nhà xuất bản Sự thật 1995, tr.12.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website