Đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Thạc Hân
Ban dân vận Trung ương

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đang phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Muốn hoàn thành thắng lợi sự nghiệp lớn lao này, một trong những công việc mà Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc đang tiến hành một cách mạnh mẽ, quyết liệt là đấu tranh chống nạn quan liêu, tham nhũng, một trong bốn nguy cơ đang thách thức mỗi người Việt Nam chúng ta. Vì vậy, việc tìm hiểu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh, chống quan liêu, tham nhũng lúc này là hết sức cần thiết và bổ ích. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước đã nhiều lần nêu rõ sự cần thiết phải chống bệnh quan liêu, tham ô-tham nhũng, lãng phí, một thứ giặc ở trong lòng" rất nguy hiểm và "tham ô, lãng phí là có tội". 

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra các biểu hiện của bệnh quan liêu Đó là thái độ, tác phong, lề lối làm việc xa quần chúng, xa thực tế, qua loa, đại khái, lười suy nghĩ, thích giấy tờ, không điều tra nghiên cứu, không kiểm tra theo dõi việc thi hành, không học tập kinh nghiệm của quần chúng, chỉ lo cho bản thân mình. Quan liêu là những người phụ trách mà chỉ biết yên thân, xa cách đồng nghiệp, nhân dân và các công tác cụ thể. Thích dùng mệnh lệnh hành chính hơn là giáo dục quần chúng một cách có lý, có tình. 

Bệnh quan liêu thướng đi liền với tham ô, lãng phí. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nạn lãng phí, tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước gây ra. Vì thế phải chống quan liêu, mệnh lệnh, hình thức, đồng thời chống thâm ô, lãng phí. Nói về tình hình các hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Bình trong lần về thăm nhân dân và cán bộ của tỉnh ngày 1/1/1967, sau khi khen ngợi "nói chung đều có tiến bộ, thu hoạch khá", tuy vậy "chưa phải hợp tác xã nào cũng đều tốt cả", Người yêu cầu các hợp tác xã đều phải đoàn kết chặt chẽ giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa Ban quản trị và xã viên, thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh; tài chính phải công khai, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ và bà con nông dân ta "Phải tránh lãng phí thời giờ và tiền của. Chớ vì được mùa mà ăn tiêu phí phạm". 

Bệnh quan liêu, tham nhũng đã gây ra nhiều hậu quả tai hại. Nó làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đảng, Nhà nưởc xa nhân dân. "Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không nắm được tình hình cụ thể của ngành hoặc của địa phươn.g mình, không gần gũi quần chúng và học hỏi kinh nghiệm của quần chúng… do đó đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ có khi không thấu đến quần chúng hoặc bị thi hành lệnh lạc, kết quả là đã hỏng công việc lại mất lòng người". Những người và cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về nguyên nhân của bệnh quan liêu, tham nhũng, Người nhấn mạnh một trong những nguồn gốc của bệnh quan liêu, tham nhũng, là chủ nghĩa cá nhân. Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng" viết tháng 12 năm 1958, Người khẳng định "Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân". 

Đối với nạn quan liêu, tham nhũng không có con đường nào khác là kiên quyết đấu tranh khắc phục, bài trừ, quét sạch nó đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Toàn dân ta phải đứng dậy hiên ngang quyết tâm chống quan liêu, tham ô, lãng phí trong hàng ngũ ta". 

Về cách chữa bệnh quan liêu, tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy..., muốn biết các nghị quyết có được thi hành hay không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Các đồng chí ở huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được. Phê bình và tự phê bình cũng là một cách chữa bệnh quan liêu, tham nhũng. Làm tốt công tác Dân vận trong đó có công tác vận động nông dân, đi đường lối quần chúng, "liên hệ chặt chẽ với quần chúng" cũng là môt biện pháp hữu hiệu để khắc phục "chứng bệnh" quan liêu, tham ô, lãng phí. 

Dưới ánh sáng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham nhũng, Đảng ta luôn luôn coi đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ IX (4/2001) nêu rõ: "Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta. Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến". Đảng ta chủ trương: Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên. 

Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải bài trừ bệnh quan liêu, tham nhũng là thực hành chủ trương của Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, là góp phần làm cho Đảng và Nhà nước ta vững mạnh, trong sạch, ngang tầm với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là làm cho giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân trong đại gia đình 54 dân tộc gắn bó, tin cậy hơn ở sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hăng hái thi đua xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tạp chí Nông thôn mới, số 5/2001

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website