Thi đua ái quốc - tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

TS. Lê Văn Tích
Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc được hình thành từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Tư tưởng ấy đã đáp ứng yêu cầu phát triển khách quan của cuộc kháng chiến và vì vậy đã được Đảng và quân dân ta biến thành một phong trào thi đua ái quốc rộng lớn. Nó đã là nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trước đây và đang trở thành động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới hiện nay. 

1. Hồ Chí Minh, người khởi xướng phong trào thi đua ái quốc Việt Nam. 

Khi buộc phải kêu gọi toàn dân tộc, một lần nữa cầm vũ khí để bảo vệ nền độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thấy trước những khó khăn của lực lượng kháng chiến như kinh tế thiếu thốn, vũ khí lạc hậu. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng sớm thấy được sức mạnh vô địch của dân tộc khi được phát động, tổ chức lại đó là: phải giáo dục, huấn luyện và tổ chức quần chúng trước khi đưa họ ra đấu tranh sống mái với quân thù. Là người có trọng trách trong cuộc đọ sức quyết liệt này, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành tư tưởng về một cuộc vận động thi đua ái quốc phục vụ những nhiệm vụ của cuộc kháng chiến. Vì vậy sau chiến thắng Việt Bắc (thu đông 1947), theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng phục vụ kháng chiến ái quốc. Đầu tháng 5 năm 1948, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi về thi đua yêu nước, trong đó Người chỉ rõ: "... sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già, trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước"(1). 

Là người khởi xướng phong trào thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh cũng là người luôn theo sát bước đi thực tế của phong trào. Trong thư gửi Hội nghị thi đua ái quốc tháng 6 năm 1949, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những kết quả và những hạn chế của phong trào: "Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được sáng kiến và năng lực của quần chúng... Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm"(2). 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc được phát triển gắn liền với cuộc kháng chiến, được thể hiện đầy đủ trong bài nói của Người tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc đầu tháng 5 năm 1952. Trong bài nói chuyện này, Người chỉ rõ: "mục đích thi đua", "nội dung thi đua", "cách thi đua", "mức thi đua", "ý nghĩa thi đua"...(3). 

Trong các mục ấy, Hồ Chí Minh không những chỉ ra những thiếu sót, kinh nghiệm mà còn vạch ra những phương hướng bài học quý báu để phong trào thi đua thực sự trở thành một cuộc vận động quần chúng rộng rãi thực hiện những nhiệm vụ của kháng chiến, từng bước đưa kháng chiến đến thắng lợi. Thi đua là một cách yêu nước thiết thực. Theo Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất"(4). Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên gắn kết một cách tài tình giữa yêu nước với thi đua, chỉ ra mối quan hệ bản chất giữa hai yếu tố này: yêu nước - "truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta" với thi đua - biện pháp hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước, đảm bảo cho truyền thống yêu nước được giữ vững và phát triển không ngừng. Quan điểm này đã tạo cho phong trào thi đua có sức mạnh tinh thần vô song, tồn tại lâu dài, gắn liền với tiến trình phát triển của dân tộc. Mặt khác, qua các phong trào thi đua mà bồi dưỡng phát huy lòng yêu nước làm cho truyền thống thể hiện bằng hành động thực tế trong lao động sản xuất chiến đấu, sáng tạo. Bằng quan điểm trên đây, Hồ Chí Minh đã biến thi đua thành động lực phát huy lòng yêu nước và biến nó thành sức mạnh thúc đẩy thi đua. 

Để đạt được mục đích của thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những sự nhận thức thái quá, những động cơ tiêu cực thường gặp trong thực hành thi đua: "Thi đua không phải là tranh đua..., không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ"(5). 

Hồ Chí Minh vạch rõ bản chất tốt đẹp của thi đua yêu nước, nó không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước mà còn có tác dụng cải tạo người lao động, cải tạo con người: "Lao động sáng tạo ra xã hội - thi đua cải tạo con người". Thi đua loại trừ những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu trở nên tiến bộ. Hồ Chí Minh cũng đồng thời lưu ý những người làm công tác thi đua: "Phải đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối "Chuồn chuồn đập nước", "Phong trào cần liên tục và có nội dung thiết thực không nên chỉ có hình thức, càng không nên "Đầu voi đuôi chuột". Thi đua cũng là biện pháp tích luỹ và truyền đạt kinh nghiệm mọi mặt để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả chiến đấu, phục vụ kháng chiến, phục vụ dân tộc. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi... 

Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc".(6) 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua ái quốc còn được thể hiện tập trung trong bài phát biểu của Người tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai (tháng 7 năm 1958) và tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (tháng 12 năm 1966). 

2. Hồ Chí Minh - nhà kiến tạo, người anh hùng của phong trào thi đua Ái quốc Việt Nam 

Hơn hai mươi năm từ khi khởi xướng phong trào thi đua ái quốc đến khi qua đời, Hồ Chí Minh đã có gần 50 bài viết, bài nói về nhiều vấn đề cơ bản trong công tác thi đua phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Đó cũng là quá trình kiến tạo, xây dựng thành công một phong trào thi đua ái quốc Việt Nam. Hồ Chí Minh chỉ rõ những vấn đề cốt tử để phong trào thi đua ái quốc thắng lợi như: thi đua phải có "Phương hướng đúng và vững"; "Kế hoạch tỷ mỉ", "Nội dung thiết thực", "Không thiên về một phía", "Phải có sự lãnh đạo đúng", "Phải rất thiết thực", "Phải lâu dài và rộng khắp"... Đặc biệt, Hồ Chí Minh còn chỉ ra những căn bệnh phải tránh đối với những người được phong tặng là những tấm gương tiêu biểu của phong trào thi đua. Người nói: "Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng, có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng", "Vinh dự ấy là vinh dự chung chứ không phải vinh dự riêng của từng người"(7). 

Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, kiến tạo phong trào thi đua ái quốc mà cũng là người thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của phong trào thi đua, là tấm gương sáng của phong trào thi đua ái quốc Việt Nam... Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước ta, Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam từ nô lệ đến bến bờ độc lập - tự do. Người đã được dân tộc và thế giới công nhận là anh hùng dân tộc. Vậy mà, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 2 (tháng 5 năm 1963), Hồ Chí Minh đã xin Quốc hội cho phép chưa nhận Huân chương sao vàng do Quốc hội có ý định tặng Người vì những công lao to lớn đối với dân tộc. Và tháng 11 năm 1967, Hồ Chí Minh đã gửi điện cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô xin tạm hoãn nhận Huân chương Lênin do Liên Xô tặng Người vì những đóng góp to lớn đối với việc xây đắp quan hệ hữu nghị Xô-Việt ở đây, thay cho những lý do chưa nhận các phần thưởng cao quý ấy ("Nước nhà chưa được thống nhất", vì "Toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang phải hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước") là sự khiêm nhường tột bậc và đức hy sinh cao cả của một con người vĩ đại, bậc anh hùng huyền thoại Hồ Chí Minh, Người là tấm gương vĩ đại, trong sáng và trọn vẹn không ai sánh nổi. Hồ Chí Minh đã trở thành nhà kiến tạo, linh hồn của phong trào thi đua ái quốc Việt Nam. 

3. Thi đua ái quốc - kinh nghiệm quý báu để xây dựng đất nước 

Từ thực tiễn của phong trào thi đua ái quốc hơn 50 năm qua đã để lại cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu phục vụ công cuộc xây dựng đất nước hiện nay: 

- Thi đua ái quốc là nhiệm vụ tất yếu của sự phát triển xã hội. Công cuộc CNH,HĐH của nước ta hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta phải lao động với kỹ thuật tiên tiến, năng suất cao, với tinh thần hăng say nhiệt tình. Đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội. Muốn vậy cần phải nhận thức rõ vai trò của thi đua ái quốc và phải coi cuộc vận động thi đua ái quốc là biện pháp quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ của công cuộc CNH, HĐH. Thực tiễn cách mạng gần 20 năm qua cũng chỉ ra rằng: do không nhận thức đúng về phong trào thi đua ái quốc mà trong xã hội đã thiếu vắng một không khí làm việc hăng say, hiệu quả lao động thấp. Đây là nguyên nhân nảy sinh từ tư tưởng trung bình chủ nghĩa, an thân, chỉ lo cho gia đình, bản thân mình. Đây là hậu quả tất yếu của việc buông lỏng phong trào thi đua ái quốc, xem nhẹ tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc. Nhận thức rõ vấn đề trên đây, vừa qua Đảng và Nhà nước ta đã phát động cuộc vận động Thi đua ái quốc để tiến tới Đại hội thi đua toàn quốc tổ chức cuối năm 2000. Có thể nói, đây là sự trở lại, quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc. Cuộc vận động này đang được thực hiện sâu rộng trong các ngành nghề, thành phần của xã hội và có tác dụng to lớn đối với công cuộc CNH, HĐH đất nước hiện nay. 

- Phải chú trọng hai mặt của công tác thi đua: đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và tiết kiệm, chống tham nhũng, đặng góp phần chặn đà giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

- Thi đua yêu nước là công việc của tất cả mọi người và phải tiến hành thường xuyên liên tục. Hồ Chí Minh đã lưu ý chúng ta: "Đừng tưởng lầm rằng thi đua chỉ là nhất thời. Thật ra thi đua phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công... Thi đua phải lâu dài và rộng khắp"(8). 

- Thắng lợi của phong trào thi đua phụ thuộc khá nhiều vào kế hoạch, biện pháp và quyết tâm thực hiện. Tại Đại hội thi đua "Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều (2-1965), Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể, hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần"(9). 

Tạp chí Giáo dục lý luận, số 5/2001

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 419. 
2- Sđd, tr. 648. 
3- Sđd, tập 6, tr. 469-476. 
4- Sđd, tập 6, tr. 473-476. 
5- Sđd, tập 8, tr. 297. 
6- Sđd, tập 6, tr. 471. 
7- Sđd, tập 12, tr. 189. 
8- Trích theo: Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 18. 
9- Sđd, tập 11, tr. 388.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website