TS. Phạm Hảo
Hồ Chí Minh - một con người, một sự nghiệp mà tên tuổi của Người gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường, là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tư tưởng đó đã thôi thúc nhiệt tình cháy bỏng của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, mới ngoài 20 tuổi đời đã rời quê hương thân yêu đang bị bọn thực dân phong kiến, cai trị để đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Qua bao năm bôn ba ở nước ngoài, đi đến nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước văn minh nhất và những nước lạc hậu nhất ở châu á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ la tinh. ở đâu Hồ Chí Minh cũng thấy bộ mặt thật của bọn thực dân, đế quốc. Và Người đã rút ra kết luận, bọn thực dân, đế quốc như con đỉa hai vòi, một vòi bám vào các nước thuộc địa, một vòi bám vào chính quốc. Chúng là một bè lũ xâm lược xảo quyệt và tàn bạo. Không chỉ ở những nước thuộc địa, nhân dân bản xứ mới bị nô dịch, bị áp bức bóc lột đến tận xương tuỷ, mà ngay ở chính quốc, những người lao động và tầng lớp dưới cũng không thoát khỏi cảnh nghèo khổ, bị bần cùng hoá do chính giai cấp tư sản và bọn thực dân, đế quốc gây ra cho đồng bào mình dân tộc mình.
Trong những năm sống ở đất khách quê người, Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm sức cho việc học tập nghiên cứu lý luận. Người đã tìm hiểu ở những người bạn Pháp, những người cách mạng cùng chí hướng để bổ sung cho mình những nhận thức mới về những gì ẩn giấu đằng sau các từ "tự do", "bình đẳng", "bác ái" mà bọn xâm lược thường rêu rao. Trở thành đảng viên Đảng xã hội Pháp vào năm 1919, một đảng tiến bộ lúc bấy giờ và cùng với những đảng viên ưu tú của Đảng xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập, Hồ Chí Minh trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người được trực tiếp đọc các trước tác của C. Mác Ph. ăngghen, V.I. Lênin. Được vũ trang bằng chủ nghĩa Lênin và được cổ vũ bởi Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại từ một người yêu nước chân chính, Hồ Chí Minh đã trở thành một người cộng sản kiên cường, một lãnh tụ vĩ đại của Đảng và cách mạng Việt Nam. Người là hiện thân của tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần cách mạng triệt để, vô song của nhân dân Việt Nam hơn bảy thập kỷ qua. Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Lênin với tất cả những thiện cảm và tư tưởng của một người khát khao độc lập tự do cho đất nước hạnh phúc cho nhân dân. Người kể lại rằng: "Luận Cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo. Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!"1
Trong những di sản mà Hồ Chi Minh để lại cho Đảng ta, cho cách mạng Việt Nam có rất nhiều tư tưởng và quan điểm mà Đảng ta đã và đang vận dụng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tư tưởng của Người là vô cùng phong phú, đề cập đến rất nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, về xây dựng đảng, về xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân... Bài viết này chỉ đề cập đến bốn tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thưc tiễn đối với cách mạng Việt Nam trước đây và hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam thể hiện trên những vấn đề sau.
1. Tư tưởng về giải phóng dân tộc và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Là một người yêu nước, thương dân, ngay từ thời niên thiếu Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự ngang trái, bất công của xã hội đương thời, của bọn vua quan phong kiến và bọn thực dân, đế quốc xâm lược. Người rất đau lòng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân một cổ hai tròng, không được làm người với tư cách là một con người, sản phẩm của tạo hóa sinh ra. Với tư chất thông minh lại được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, được chứng kiến cảnh khổ đau của dân tộc, Hồ Chí Minh đã nung nấu trong lòng một ý chí, một quyết tâm giải phóng dân tộc, đánh đuổi thực dân, đế quốc. Chính tư tưởng này đã đẩy chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh lên tầm cao mới vượt khỏi Chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và các nhà yêu nước tiền bối khác. Hồ Chí Minh đã tạm gác việc nhà, hy sinh hạnh phúc gia đình để tìm đường cứu nước, cứu dân. Với một tư duy sắc sảo, có tầm nhìn xa, trông rộng, Hồ Chí Minh đã thấu hiểu tâm địa và bản chất của kẻ thù, đồng thời cũng biết được chỗ mạnh, chỗ yếu của chúng, biết được chí khí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Người nói "...chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập"2. Đây là đặc điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà những người yêu nước đàn anh của Người chưa vươn tới.
Từ một người yêu nước trở thành một đảng viên cộng sản, một nhà cách mạng kiệt xuất, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh luôn canh cánh bên lòng nỗi yêu nước, thương dân. Người nói, chừng nào nước nhà chưa được độc lập, nhân dân chưa được tự do thì tôi ăn chưa ngon ngủ chưa yên. Bởi vậy, suốt đời Hồ Chí Minh đã đem hết tâm trí, nghị lực để đấu tranh cho sự trường tồn của dân tộc, nước nhà sạch bóng quân thù, xóa bỏ áp bức, bất công xã hội, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Khác với những nhà yêu nước khác, muốn dựa vào "lòng tốt" của tư bản nước ngoài để đòi độc lập tự do cho đất nước mình, theo kiểu "cõng rắn cắn gà nhà", Hồ Chí Minh nhận thức một cách sâu sắc rằng muốn giành được độc lập phải dùng sức ta mà giải phóng cho ta. Người phân biệt một cách rõ ràng, bọn thực dân, đế quốc, giai cấp tư sản phản động với những người cách mạng, những người yêu nước và nhân dân lao động ở chính quốc. Do đó, một mặt phải có thái độ kiên quyết với kẻ thù, đấu tranh không khoan nhượng với chúng, không mơ hồ ảo tưởng vào những luận điệu giả nhân, giả nghĩa của chúng. Mặt khác, luôn luôn tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới, với phương châm thêm bạn bớt thù để làm cho sức ta ngày càng mạnh lên, đồng thời để cô lập và đánh bại kẻ thù. Rõ ràng tư tưởng cứu nước, cứu dân và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh đã vượt xa tư tưởng giải phóng dân tộc của những nhà yêu nước khác. Điều này đã được lịch sử chứng minh hoàn toàn đúng đắn.
Tư tưởng giải phóng dân tộc và con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh được hình thành trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, Người nói, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Chính tư tưởng này đã chỉ đạo Hồ Chí Minh và Đảng ta trong việc đề ra chiến lược và sách lược cách mạng trong việc tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh phá xích xiềng nô lệ của bọn thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong bối cảnh của một nước thuộc địa, nửa phong kiến, một nước nông nghiệp lạc hậu, nhân dân sống lầm than, khổ cực cùng với giặc ngoại xâm thì giặc đói, giặc dốt cũng đe dọa không kém. Nhưng với truyền thống quật cường của dân tộc, với tài thao lược của cha ông, được Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Lênin dẫn đường, Hồ Chí Minh đã quyết chí, bền lòng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng với một quyết tâm sắt đá: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Hồ Chí Minh khẳng định: "Cuộc kháng chiến rất lâu dài và đau khổ. Dù phải hy sinh bao nhiêu và thời gian kháng chiến đến bao giờ, chúng ta cũng nhất định chiến đấu đến cùng, đến bao giờ nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất"3 Và Người tin rằng "Ta chỉ giữ gìn non sông, đất nước của ta. Chỉ chiến đấu cho quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Còn thực dân phản động Pháp thì mong ăn cướp nước ta, mong bắt dân ta làm nô lệ. Vậy ta là chính nghĩa, địch là tà. Chính nhất định thắng tà."4
Hồ Chí Minh tỏ rõ thái độ và quyết tâm chống thực dân, đế quốc đến cùng để giải phóng dân tộc. Cho dù chiến tranh có thể kéo dài, nhân dân ta có thể chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ, nhưng chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Người kêu gọi đẩy mạnh kháng chiến với tinh thần "Chúng ta phải hy sinh, chịu khổ và phải gắng sức. Nhưng chúng ta quyết hy sinh, chịu khổ và gắng sức 5 năm, 10 năm để phá ta xiềng xích nô lệ hơn 80 năm vừa qua, để tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho muôn đời sau"5.
Như vậy, tư tưởng độc lập dân tộc và con đường giái phóng dân tộc cúa Hồ Chí Minh là nhất quán, trước sau như một, dù có khó khăn gian khổ đến mấy, dù có tổn thất hy sinh bao nhiêu cũng quyết tâm kháng chiến, chống thực dân, đế quốc đến cùng và phải giành cho được độc lập, tự do cho nước, cho dân và trước khi từ giã cõi đời này, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, cho thế hệ hôm nay và mai sau một bản Di chúc lịch sử, trong đó Người khẳng định: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể có kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, con nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!"
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước ra sức đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và quyết tâm chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ở miền Nam, lập nên chiến thắng vĩ đại vào mùa xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
2. Giương cao hai ngọn cờ: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Từ khi đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh luôn ấp ủ trong lòng mình một hoài bão là làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân được ấm no hạnh phúc, mọi người trong xã hội được bình đẳng, không còn chế độ người bóc lột người. Tư tưởng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động Cách mạng gần 60 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cho rằng, độc lập rồi mà nhân dân không được ấm no hạnh phúc, không được học hành thì nền độc lập đó cũng trở nên vô nghĩa, không thực hiện được mục đích cuối cùng của cách mạng và như vậy là có tội với dân tộc. Cho nên, việc giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, không chỉ Người đã hấp thụ chủ nghĩa Mác - Lênin, được Cách mạng Tháng Mười Nga soi sáng, cổ vũ, mà với thiên tài của mình, Người đã nhìn thấy xu hướng phát triển của lịch sử, của thời đại là chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thì mới thực hiện triệt để mục tiêu của cách mạng nước ta, nếu không thì cũng chỉ mới một nửa cách mạng.
Về lý luận và thực tiễn đã chứng minh luận điểm độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, và đó là sự lựa chọn duy nhất của người cộng sản, của cách mạng vô sản ngoài ra không có con đường nào khác. Cũng phải khẳng định rằng con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hợp quy luật, hơp với tiến trình lịch sử - tự nhiên. Nhưng đây cũng là một sự lựa chọn khó khăn đối với rất nhiều nước trong thế giới đương đại. Điều này lý giải vì sao hiện nay có rất nhiều nước giành được độc lập rồi nhưng vẫn còn dừng lại ở cách mạng dân tộc, dân chủ, chưa tiến lên chủ nghĩa xã hội, thậm chí có những nước đi theo xu hướng tư bản chủ nghĩa. Ngay cả Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sau khi tan rã lại quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa gia nhập NATO, một liên minh quân sự của các nước đế quốc mà cách đây không lâu là một đối trọng của các nước Đông Âu.
Đối với Hồ Chí Minh và Đảng ta ngay từ đầu đã xác định rõ con đường đi của mình là "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"7. Đây là một quyết định sáng suốt, dứt khoát có ảnh hưởng đến vận mệnh và tương lai của đất nước ta, dân tộc ta. Chính nhờ giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nên sau khi giải phóng một nửa đất nước ở miền Bắc vào năm 1954 và giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, Đảng ta chủ trương thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và 25 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước tuy còn nhiều khó khăn, thử thách lớn lao phải vượt qua, nhưng những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong mấy chục năm qua nhất là 15 năm đổi mới đất nước có ý nghĩa quan trọng. Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: nước ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng ta, đất nước ta tiếp tục phát triển đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
3. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, chống chia rẽ, bè phái
Đại đoàn kết dân tộc là một tư tưởng lớn, thường trực trong con người Hồ Chí Minh. ở Người, hai từ Đoàn kết được vận dụng nhuần nhuyễn trong mỗi hành động, mỗi lời nói đối với mọi người ở đâu, bao giờ Người cũng luôn luôn nói đến đoàn kết nhất trí, nói đến sức mạnh của tập thể, của cộng đồng. Bởi lẽ, đó chính là nguyên nhân dẫn đến mọi thắng lợi, biến yếu thành mạnh, biến khó thành dễ. Người nói "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Chính nhờ có đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng mà từ buổi bình minh của lịch sử và trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước ông cha ta đã chiến thắng biết bao kẻ thù, vượt qua biết bao gian lao thử thách để giữ cho sự phát triển vững bền của đất nước sự trường tồn của con Lạc, cháu Hồng.
Ngay trong những thời điểm kháng chiến ác liệt nhất chống kẻ thù xâm lược, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn Đảng toàn quân toàn dân đoàn kết chống kẻ thù. Người hiệu triệu: "Trước sự xâm lược dã man đó, Chính phủ, quân đội và nhân dân ta đã đoàn kết thành một bức tường đồng, kiên quyết giữ gìn Tổ quốc". Và "Hãy tin tưởng vào vận mệnh vẻ vang của Tổ quốc, tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết chiến đấu của chúng ta. Chúng ta hãy cắn răng chịu đựng nền tự do muôn ngàn đời sắp tới thì cũng bỏ công. Tướng sĩ trước mặt trận, đồng bào ở hậu phương, ai nấy đều phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng làm đúng bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính thì cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta nhất định vững vàng"8.
Hồ Chí Minh không chỉ là người thừa kế và phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc ta từ ngàn xưa mà Người còn là một tấm gương sáng về thực hiện đoàn kết. Nội hàm về đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rộng, nó bao hàm cả sự khoan dung đối với mọi người và sự đấu tranh tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đoàn kết tất cả các lực lượng, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc, đoàn kết trong đảng và ngoài xã hội, đoàn kết Hồ Chí Minh và ý nghĩa của nó đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. "Sự đoàn kết nhất trí giữa Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân ta trở thành một lực lượng vô cùng to lớn. Nó giúp ta vượt qua tất cả mọi khó khăn gian khổ. Nó rèn luyện cho chiến sĩ, cán bộ, đồng bào ta trở thành những người anh hùng. Do đó chúng ta đã đánh thắng các liên minh ghê tởm giữa thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai".9
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đoàn kết nhất trí, làm sao cho triệu người như một, đồng tâm hiệp lực nhất hô bá ứng thì bất cứ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Trước lúc đi xa Người còn căn dặn Đảng ta "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con người của mắt mình".Và không chỉ thế, Hồ Chí Minh còn quan tâm đến sự đoàn kết quốc tế, đến các đảng cộng sản anh em. Người tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nhưng cũng rất đau lòng vì sự bất hòa của các đảng anh em và "mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đại đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý, có tình".
Đối với Hồ Chí Minh chỉ có một nguyên tắc là đoàn kết nhất trí, do đó Người rất ghét những tư tưởng chia rẽ bè phái. Coi đó như một loại kẻ thù nguy hiểm cần phải chống lại, cần phải kiên quyết đấu tranh. Nếu không sẽ làm suy yếu nội bộ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng với chế độ. Trong thực tế Đảng ta đã vận dụng đúng đắn tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh nên đã tập hợp được tất cả mọi lực lượng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến thắng lợi hoàn toàn.
4. Tư tưởng Hồ Chi Minh về kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại
Ngay trong những ngày đầu tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy một sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam - một dân tộc anh hùng có bốn ngàn năm lịch sử, một dân tộc giàu lòng yêu nước, có truyền thống chống giặc ngoại xâm. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, dân tộc này vẫn ngẩng cao đầu, không chịu khuất phục trước lưỡi lê, họng súng và uy vũ của quân thù. Nhưng Hồ Chí Minh cũng tự đặt ra cho mình một câu hỏi. Vì sao, với một dân tộc anh hùng như vậy, nhưng không đánh đuổi được thực dân Pháp xâm lược, mà phải chịu 80 năm đô hộ? Phải chăng, lúc đương thời chưa có những lãnh tụ cách mạng đủ sức, đủ tầm để vạch ra đường lối đúng đắn chống thực dân, phong kiến. Phải chăng, ông cha ta chưa biết khơi dậy sức mạnh của cả dân tộc vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc? Về một khía cạnh nào đó những vấn đề nêu trên thật có lý, nhưng không hoàn toàn đúng. Bởi, ngoài những lý do đó còn có vấn đề nghệ thuật lãnh đạo cách mạng, biết đánh và biết thắng kẻ thù, biết kết hợp sức mạnh bên trong và sức mạnh bên ngoài, sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại.
Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đã có công lao to lớn trong việc gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Người luôn coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Do đó, Người chủ trương khơi dậy sức mạnh của dân tộc, động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn dân, huy động tối đa sức người, sức của vào công việc kháng chiến và kiến quốc. Mặt khác, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, của các đảng cộng sản anh em cả về tinh thần lẫn vật chất, cả đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao làm cho kẻ thù ngày càng bị cô lập bị chia rẽ và suy yếu.
Lịch sử đấu tranh chống thực dân, đế quốc và phong kiến của nhân dân ta đã chứng minh, trong những thời điểm khó khăn, phức tạp nhất, quyết liệt nhất, nếu biết phát huy sức mạnh tổng hợp từ bên trong và bên ngoài, biết kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại thì sẽ nhân sức mạnh của cách mạng, của dân tộc lên gấp nhiều lần. Và đó là một trong những nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng, cho sự phát triển bền vững của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 4(41)/2000