Tìm hiểu quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước kiểu mới sau Cách mạng Tháng Tám

PGS. TS. Mạch Quang Thắng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Vấn đề cơ bản của một cuộc cách mạng xã hội là vấn đề chính quyền. ý thức được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng ta lãnh đạo cuộc đấu tranh bền bỉ giành chính quyền về tay nhân dân. Trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Người đã có sáng kiến lập ra "Khu giải phóng" - hình ảnh ban đầu của nước Việt Nam mới. Người đã triệu tập và chủ trì Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang), lập Uỷ ban dân tộc giải phóng - đóng vai trò như Chính phủ lâm thời. 

Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà , nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng là kết quả cả quá trình lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có sự kế thừa truyền thống lịch sử của dân tộc, tham khảo kinh nghiệm cách mạng nước ngoài và vận dụng lý luận Mác-Lênin cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Một nhà nước kiểu mới theo quan điểm của Người bao gồm một số nội dung cơ bản sau: 

1. Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ 

Từ buổi đầu tiếp thu học thuyết cách mạng vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn kiểu "nhà nước cho số đông người". Trong cuốn Đường cách mệnh (1927), Người viết: "Làm sao cách mệnh rồi quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người"(1). Về sau, Người cụ thể hoá kiểu "nhà nước cho số đông người" đó bằng kiểu "nhà nước công nông". Đây là hình thức nhà nước theo kiểu Xô viết. Trong Chánh cương vắn tắt tại Hội nghị thành lập Đảng (3-2-1930), khi đề cập "Phương diện chính trị", Người chỉ rõ: đánh đổ đế quốc, phong kiến, làm cho Việt Nam được hoàn toàn độc lập và "dựng ra chính phủ công nông binh"(2), tổ chức ra quân đội công nông. Trên thực tế, với Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), chính quyền công nông đã được lập ra ở nhiều làng xã thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Dần dần, từ thực tế của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn kiểu Nhà nước "dân chủ nhân dân", nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đó chính là Nhà nước Việt Nam ra đời từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Kiểu nhà nước này phù hợp hơn hết đối với nước ta. Điều này đã được khẳng định từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941. Nghị quyết này nêu rõ sẽ xây dựng nhà nước cộng hoà dân chủ thay cho chủ trương trước đây xây dựng nhà nước công nông khi cách mạng thành công. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải xây dựng một nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, nhà nước do nhân dân lao động làm chủ, mọi quyền bính trong nước đều là của toàn thể nhân dân. Người chỉ rõ bản chất giai cấp của Nhà nước ta là bản chất giai cấp công nhân vì Nhà nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Nhà nước ta do nhân dân lao động làm chủ mà nòng cốt là khối liên minh công - nông - trí thức do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhà nước ta tuân thủ nguyên tắc thống nhất quyền lực, tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Dân có quyền kiểm soát nhà nước, cử tri bầu ra đại biểu Quốc hội, đồng thời có quyền kiểm soát, giám sát và bãi miễn. Trong việc thực hiện chế độ dân chủ đại diện, người đại biểu của nhân dân và cử tri phải có sự ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau. Việc đem lại quyền lợi cho nhân dân là một mục tiêu hoạt động của Nhà nước. Trong bức thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, tháng 10-1945, Người viết: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật"(3). 

Quan niệm về một nhà nước như thế đã đặt nhân dân lên hàng tối thượng và điều đó thể hiện tính chất dân chủ rất cao của Nhà nước ta. 

Bản thân Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước nhưng Người quan niệm mình là đại biểu của dân, làm công bộc cho nhân dân, thậm chí Người còn dùng khái niệm "làm trâu ngựa" cho dân. 

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân là sự vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển cả về mặt lý luận và thực tiễn so với học thuyết nhà nước vô sản của C. Mác và Ph. Ăng-ghen qua việc tổng kết, bổ sung từ Công xã Pa-ri tháng 3-1871, học thuyết về nhà nước cách mạng của V. I. Lê-nin qua thực tế xây dựng Nhà nước Xô viết công nông sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917). 

2. Nhà nước pháp quyền 

Trong bản Yêu sách 8 điểm mà Hồ Chí Minh thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi đến Hội nghị Véc-xây năm 1919, có yêu cầu cải cách về pháp quyền, chẳng hạn: "Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cùng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn những toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam"(4), "thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật"(5). 

Điều đó nói lên rằng từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý thức về tầm quan trọng của pháp luật trong quản lý xã hội. Sau này, khi trở thành người đứng đầu của Nhà nước, Người đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của bậc vĩ nhân - chú ý đến quá trình hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 3-9-1945, tức là chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người đã đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt để lập Quốc hội rồi từ đó lập ra Chính phủ chính thức và các cơ quan, bộ máy, các chức vụ của Nhà nước mới. Vào thời điểm ấy, có người đã rất ngạc nhiên trước ý kiến của Hồ Chí Minh. Giữa bộn bề công việc của chính quyền mới, hơn nữa tình hình cách mạng đang cực kỳ gay go như "ngàn cân treo sợi tóc" mà Người lại nêu ra việc Tổng tuyển cử. Sau này, khi thời gian lùi xa, chúng ta càng thấy rõ hơn sự sáng suốt đó của Người. 

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng việc chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp và xây dựng luật để Quốc hội thông qua. Quản lý nhà nước, trước hết là quản lý bằng hệ thống pháp luật, trong đó quan trọng bậc nhất là Hiến pháp - đạo luật cơ bản. 

Bản Hiến pháp năm 1946 đã để lại dấu ấn đậm nét những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất, thiết chế và hoạt động của Nhà nước mới. 

Đặc biệt, Người đã kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa "đức trị" và "pháp trị". Trong giải quyết các công việc của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh cả hai vế "có lý có tình", theo đó, pháp luật do con người đặt ra để hướng mọi quan hệ trong xã hội theo một quy tắc nhất định, phục vụ cho cuộc sống của con người ngày càng tốt hơn. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Mọi người, nhất là các cơ quan của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC) phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Trong cuộc sống hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về chấp hành pháp luật. 

Công tác giáo dục pháp luật cho mọi người, đặc biệt cho thế hệ trẻ, trở nên cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công trong việc xây dựng một xã hội dân chủ, dân chủ đích thực, tức là dân chủ theo kỷ cương phép nước, dân chủ trong khuôn khổ pháp luật. Không thể và không bao giờ có "tự do tuyệt đối" của mọi cá nhân như các học giả tư sản đề xướng. Tự do là sự nhận thức và hành động theo điều tất yếu, không như thế thì tự do, dân chủ của người này sẽ xâm phạm tự do, dân chủ của người khác. Quá trình xây dựng một Nhà nước mới đi liền với quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật trong toàn xã hội - đó là một quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

3. Đội ngũ CB, CC là công bộc của dân, vừa có đức, vừa có tài 

Chất lượng của con người trong mỗi tổ chức quyết định chất lượng của tổ chức đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, mong muốn CB, CC phải trở thành công bộc của dân, vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc. Theo Người: 

- CB, CC phải là người tuyệt đối trung thành với cách mạng, là những người kiên quyết bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Nhà nước. Lòng trung thành đó được biểu hiện hàng ngày, hàng giờ, trong cuộc sống, trong công tác, ở hiệu quả công việc. 

- Là những người hăng hái, thạo việc tức là những người giỏi nghiệp vụ chuyên môn. Chỉ với lòng nhiệt tình không thôi thì có khi chỉ phá được cái cũ mà không xây dựng được cái mới tốt đẹp. 

- Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Nhà nước ta là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, có tính dân chủ sâu sắc; điều đó quy định phải thiết lập mối quan hệ bền vững giữa nhân dân - những người chủ - với bộ máy nhà nước và với đội ngũ CB, CC. Đây là một điều kiện cốt yếu để xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân. 

- Phải dám phụ trách, dám quyết đoán, nhất là trong những tình huống khó khăn; thắng không kiêu, bại không nản. CB, CC là những người làm "công bộc", "trâu ngựa" cho dân; là những người cần mẫn, có trách nhiệm, đồng thời là những người năng động, lao động sáng tạo. 

- Là những người "có chí tiến thủ", nghĩa là luôn luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, học ở trường, ở trong cuộc sống, trong công tác; học ở thầy, ở bạn, học nhân dân. Phải đẩy mạnh thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách thành khẩn, trung thực. 

Xây dựng đội ngũ CB, CC đáp ứng những yêu cầu cơ bản trên đây là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp của hệ thống giáo dục - đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CB, CC; là kết quả của quá trình đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước nói riêng và của cả hệ thống chính trị nói chung. Đội ngũ ấy phải được tuyển lựa một cách khoa học, chặt chẽ. 

Số lượng của đội ngũ CB, CC là một yếu tố cần phải tính đến trong việc cải cách nền hành chính quốc gia nhưng vấn đề cơ bản không phải ở số lượng mà là ở chỗ sắp xếp có hợp lý hay không và hiệu quả công tác như thế nào. Mà điều này lại phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của đội ngũ CB,CC. 

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là sự tiếp nối của Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước kiểu mới - được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khởi đầu từ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngọn nguồn của cuộc Cách mạng ấy vẫn luôn luôn nuôi dưỡng cho tinh thần và sức mạnh của dân tộc ta ngày hôm nay và trong các thế kỷ tiếp theo. 

Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 8/2000

1. Hồ Chí Minh. Toàn tập, T.2, CTQG, H. 1995, tr. 270. 
2, 3, 4, 5. Sđd, T.3, tr. 1; T.4, tr. 56; T.1, tr. 435 - 436.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website