Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước (Bài trích trong đề dẫn hội thảo khoa học "Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước")

Trung tướng, Tiễn sĩ Nguyễn Thế Trị
Uỷ viên TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình và quê hương có truyền thống yêu nước. Khi lớn lên Người đã sớm thấu hiểu cảnh tôi đòi cực khổ của một người dân mất nước, nên Người đã quyết định từ giã quê hương, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Trên lộ trình đó, Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với truyền thống hàng ngàn năm văn hiến, để tiếp cận những tinh hoa văn hóa nhân loại và đến với chủ nghĩa Mác Lê-nin một cách tự giác. Sự kết tinh giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã khởi nguồn hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước. 

Theo Người, muốn dựng nước, trước hết phải tìm ra con đường đúng đắn để cứu nước, vì khi đó cả nước ta còn trong đêm trường nô lệ. Vượt lên sự bế tắc của các sĩ phu yêu nước đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định con đường cứu nước là: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" và "Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành Cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn". Tìm ra con đường cứu nước đúng đắn để khôi phục lại non sông gấm vóc là một cống hiến kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. 

Được tư tưởng đúng đắn đó của Người soi sáng, Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức toàn dân hoạt động thực tiễn và trong 15 năm, khi đã hội tụ đủ các điều kiện khách quan và chủ quan chín muồi để giành độc lập cho đất nước thì "dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được tự do độc lập" bởi lẽ theo Người: "Không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được". Vì vậy trong "Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa" Người đã chỉ rõ: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc trên thế giới đang giành nhau tiến bước, giành quyền độc lập chúng ta không thể chậm trễ." 

Theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Người, cuộc khởi nghĩa vũ trang ở nhiều nơi diễn ra và ngày 19 tháng 8 năm 1945 thành công ở thủ đô Hà Nội, lan rộng khắp các tỉnh ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chỉ trong vòng 15 ngày nhân dân ta đã giành đươc chính quyền trong cả nước. Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công. "Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa". Con đường cứu nước để dựng lại đất nước với hơn 30 năm (1911-1945) nay đã được thực hiện; Và tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc, khởi nghĩa vũ trang... từ lý luận đi vào thực tiễn đã thành công. 

Cứu nước, giành độc lập cho dân tộc đã khó nhưng dựng nước và giữ nước lại muôn vàn khó khăn hơn. Với thế giới quan duy vật và nhân sinh quan của người Cộng sản, với nhãn quan Chính trị và tầm nhìn chiến lược, nên ngay từ ngày đầu khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng đất nước như: Phát động tăng gia sản xuất chống nạn đói, xây dựng chính quyền nhân dân, tổ chức tổng tuyển cử, vũ trang toàn dân và xây dựng quân đội nhân dân, động viên tổ chức nhân dân, củng cố mặt trận thống nhất, đặt luật lao động, thực hiện giảm tô, giảm tức, bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, xây dựng văn hóa mới. Tuyên bố tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết. Tất cả các chính sách ấy đã thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "dựng lên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa" trong những ngày đầu "trứng nước" nhằm tăng cường đoàn kết toàn dân, phát triển lực lượng cách mạng trong nhân dân để đối phó với thù trong giặc ngoài. Trước tình hình nguy ngập của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để tránh chiến tranh, tránh đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc, thực hiện thêm bạn bớt thù, với sách lược mềm dẻo nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc độc lập tự do. Chủ trương "hòa để tiến" theo tư tưởng của Người được thể hiện ở Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, đã ký giữa Việt Nam và Pháp. Với phương pháp tư tưởng "dĩ nhu xử cương, dĩ bất biến ứng vạn biến", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nước ta thoát khỏi tình thế hiểm nghèo", "ngàn cân treo sợi tóc" và kéo dài được thời gian hoà bình, ổn định để xây dựng đất nước chuẩn bị kháng chiến. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người đã khẳng định "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". 

Khi thực dân Pháp thực hiện cướp nước ta một lần nữa, thì quyết tâm giữ nước theo tư tưởng của Người được thể hiện thông qua "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" ngày 20-12-1946: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc". Đáp lời kêu gọi của Người, cả nước ta nhất tề đứng dậy với tinh thần quật khởi và ý chí "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". 

Tư tưởng "kháng chiến kiến quốc" của Chủ tịch Hồ Chi Minh đã xác định rõ hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam lúc đó, luôn gắn bó hữu cơ với nhau để tạo nên thắng lợi. Vì theo Người "kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc, kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc chắn thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi". Tư tưởng đó của Người là toàn bộ cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta và là đặc trưng quan trọng của cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Trên nền tảng của tư tưởng "kháng chiến kiến quốc" Người đã cùng Trung ương Đảng hoạch định đường lối, phương châm kháng chiến và điều hành cuộc kháng chiến đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người nêu cao ngọn cờ "quyết chiến, quyết thắng và động viên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng quân thù. Người quan tâm xây dựng và bồi dưỡng những nhân tố thường xuyên bảo đảm thắng lợi, tạo nên thế trận lòng dân và hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến. 

Tư tưởng chiến tranh nhân dân của Người trở thành cốt lõi đường lối quân sự của Đảng để tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Do thực hiện tốt cả kháng chiến và kiến quốc nên tiềm lực và thực lực của đất nước ta ngày càng phát triển vững mạnh, đủ sức đánh thắng địch trong chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, lập lại hòa bình trên một nửa nước thân yêu. 

Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã thất bại ở Việt Nam và Đông Dương, Mỹ thay chân Pháp vào trực tiếp xâm lược miền Nam nước ta. Miền Nam trở thành tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tư tưởng dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước là "xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam". Người chỉ rõ "Miền Bắc là cái nền, cái gốc cuộc đấu tranh, hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà. Cho nên mọi việc chúng ta làm ở miền Bắc đều nhằm tăng cường lực lượng của miền Bắc và miền Nam". Như vậy việc thực hiện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc... là sự nghiệp quyết định nhất đối với sự nghiệp phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta. Và cách mạng miền Nam có tác dụng trực tiếp quyết định đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà. 

Khi đế quốc Mỹ ào ạt đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, thì tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Người phát biểu ngày 17-7-1966 trong"Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước". Tư tưởng đó của Người đã khẳng định quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Trên miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện lời kêu gọi của Người, nhiều phong trào thực sự có tính quần chúng rộng rãi đã dấy lên ở khắp nơi. Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã chứng minh sức sống mãnh liệt của nó bằng sự tồn tại và phát triển trong chiến tranh và chi viện đắc lực, kịp thời cho miền Nam, với tinh thần"Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng". 

ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục và đáp lại lời kêu gọi của Người "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", quân giải phóng và đồng bào miền Nam đã liên tiếp đánh thắng giòn giã các trận Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme và đập tan 2 cuộc phản công chiến lược của Mỹ trong 2 mùa khô 1965-1966 và 1966-1967. Tiếp đó ta đã tiến hành cuộc tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Người "đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào", năm 1972 trên chiến trường miền Nam ta mở cuộc tiến công chiến lược, phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, làm thất bại một phần quan trọng chiến lược bình định vùng nông thôn của địch. Trong 2 năm 1973-1974 cục diện chiến trường miền Nam không ngừng thay đổi có lợi cho ta và đã tạo ra thời cơ lịch sử để ta tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giành thắng lợi trọn vẹn giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. 

Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta theo tư tưởng dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh một chân lý của thời đại được nêu lên là: "Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới đang ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-Lê-nin có phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự đồng tình và ủng hộ và giúp đỡ của các nước XHCN, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ". 

Chân lý đó được kế thừa từ truyền thống dựng nước gắn liền với giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta phát triển nâng lên tầm cao thời đại mới; từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công đến kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ thắng lợi với những tư tưởng có giá trị vĩnh hằng như "Kháng chiến kiến quốc", "Không có gì quý hơn độc lập tự do"... tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Và hiện nay là gắn nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước với bảo vệ Tổ quốc trên tất cả các lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng, ban đảm an ninh Tổ quốc giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên non sông tươi đẹp của chúng ta. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước là một di sản quý giá mãi mãi giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

Với niềm kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thêm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng do Người sáng lập và dày công rèn luyện. Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta biết phát huy những bài học kinh nghiệm quý giá trong tư tưởng của Người về dựng nước và giữ nước để xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện điều căn dặn của Người: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". 

Những kết luận khoa học và những bài học mang giá trị lý luận và thực tiễn về tư tưởng dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân ta phát huy nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, để xứng đáng với anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta, dân tộc ta trong bản "Anh hùng ca" về dựng nước và giữ nước. 

Báo Quân đội nhân dân, ngày 16/5/2000

Các câu nói của Bác Hồ đều trích trong "Hồ Chí Minh toàn tập" - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - 1995

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website