GS. Văn Tạo
Tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh luôn hướng tới xây dựng khối đại đoàn kết để tạo thành sức mạnh vô địch, giành độc lập dân tộc, giữ vững tự do dân chủ, kiến thiết nước nhà. Người còn chỉ ra phương châm là đoàn kết phải chân thành, chặt chẽ, thống nhất và để đi đến đoàn kết yêu cầu phải thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.
Đoàn kết là một nhân tố quan trọng, một trong "ba phép quý" (Chính quyền, Quân đội, Mặt trận) đem lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Đoàn kết đó vừa bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết dựng nước, giữ nước của dân tộc, vừa từ khoa học đoàn kết cách mạng của giai cấp công nhân.
Ông cha ta xưa do phải dựng nước, giữ nước trong muôn vàn gian khó chống thiên tai, địch họa cho nên phải lấy "Kết đoàn làm sức mạnh". Hai Bà Trưng đã có sức mạnh của cả 65 thành nổi dậy. Trần Hưng Đạo thì quân thần, binh sĩ: "Một lời" "sát Thát" truyền ghi. ("sát Thát" là "giết giặc Nguyên Mông") Lời thề sông Hóa, chữ đề cánh tay". Lê Lợi - Nguyễn Trãi với chiến lược "Tâm công" (tức "Đánh vào lòng người"), khiến nhân tâm quy tụ: "Trăm vạn người chỉ một lòng...". Đến thời cận đại, Phan Bội Châu kêu gọi "Mười giới đồng tâm" cứu nước, nhưng sự nghiệp chưa thành vì thiếu sức mạnh thời đại - sức mạnh của giai cấp công nhân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc ra đời lúc này đã kế thừa được truyền thống đoàn kết của ông cha trên cơ sở lý luận khoa học của giai cấp công nhân-lý luận Mác - Lê-nin nhằm đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù. Tư tưởng đoàn kết của Người phát huy tác dụng tích cực trong suốt chiều dài lịch sử hơn nửa thế kỷ qua, từ khi Đảng ra đời đến nay, góp phần đem lại những thành công to lớn cho cách mạng.
Trong Diễn văn nhân kỷ niệm lần thứ 109 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 30 năm thực hiện Di chúc của Người, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đã nêu cao hiệu quả của tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách mạng dân tộc và trong quan hệ quốc tế: Người đã xây dựng nên "Một mặt trận dân tộc thống nhất tiêu biểu cho đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh công nhân-nông dân-trí thức làm nền tảng, không ngừng củng cố và mở rộng. Một tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong tâm trí các giai cấp cần lao bị áp bức và nhân loại tiến bộ "Việt Nam, Hồ Chí Minh" đã trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí, lương tâm và phẩm giá".
Tư tưởng "Đoàn kết" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi sâu vào tâm trí đảng viên và đại chúng nhân dân bởi vì nó là biểu hiện "cái tâm trong sáng và nhiệt thành" của một chiến sĩ yêu nước và cách mạng, luôn lấy đoàn kết làm chiến lược hàng đầu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước".
Đoàn kết vì sự nghiệp yêu nước và cách mạng
Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là nhờ đoàn kết chặt chẽ mà từ ngày thành lập đến nay Đảng đã "tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".
Trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã "Kêu gọi đồng bào đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập, tự do". Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1946, Người nói: Đây chẳng những là ngày tết lao động mà còn là ngày nhân dân đoàn kết: Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới. Trong sản xuất, Người cổ vũ đoàn kết để chinh phục thiên nhiên: Toàn dân đoàn kết một lòng. Đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về. Trong đấu tranh thống nhất Người nêu cao ý nghĩa của đoàn kết và tin tưởng ở tương lai tất thắng: Đoàn kết là một lực lượng vô địch: Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ bắc chí nam đấu tranh để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.
Đoàn kết theo đường lối giai cấp - Lấy đoàn kết trong Đảng là hạt nhân cho đoàn kết dân tộc
Từ khi ra đi tìm đường cứu nước, đến khi gặp được chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người đã thấy đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế vô sản và đoàn kết với các dân tộc bị áp bức trên thế giới luôn đóng vai trò chiến lược. Tư tưởng đó được biểu hiện ở khẩu hiệu của C.Mác và Ph.Ăng-ghen là: "Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại!". Lê-nin đã phát triển lý luận Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa thành: "Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!". Đoàn kết của các Đảng vô sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam là xuất phát từ thực tiễn đấu tranh của giai cấp vô sản - một giai cấp lấy sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc làm hàng đầu - sự nghiệp của những người tay không tấc sắt, không có gì khác ngoài sức lao động để bán, lại bị rên xiết trong xiềng gông nô lệ, cho nên đã đứng lên chiến đấu để: Được thì thế giới vui chung. Mất thì chỉ mất cái gông trên đầu. Do vậy mà đoàn kết đã trở thành sức mạnh vô địch.
Tư tưởng đoàn kết quốc tế của lý luận Mác - Lê-nin đã củng cố và làm phong phú thêm nội dung tư tưởng đoàn kết dân tộc vốn đã có trong tư duy của Người, cho nên trong xây dựng Đảng, Người đã có những cống hiến lớn lao:
Người đã sáng tạo trong xây dựng Đảng: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương... Trên tinh thần Đoàn kết giai cấp - Đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị hợp nhất ba đảng (từ 3 đến 7-2-1930) thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đặt nền móng cho tư tưởng đoàn kết của Đảng ngay từ ngày đầu thành lập, tạo tiền đề cho mọi thành công "đoàn kết chiến đấu" của Đảng sau này... Trong xây dựng Đảng, Người đã từng huấn thị: Các đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết.
Trong cuộc chỉnh Đảng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nói: Ngày nay nhiệm vụ của Đảng ta là đoàn kết và lãnh đạo giai cấp cùng nhân dân kháng chiến, kiến quốc... là một đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn được nhiệm vụ của Đảng... Chỉnh Đảng thành công thì nó sẽ khuếch trương những thắng lợi về quân sự, chính trị, kinh tế, v.v.
Tháng 3-1955, trước nhiệm vụ mới rất nặng nề ở cả hai miền nam bắc, Hồ Chủ tịch đã quan tâm đến đoàn kết trong Đảng để khắc phục khó khăn giành thắng lợi mới. Người nói: Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo. Và nhấn mạnh: Đảng ta đoàn kết và vững chắc, dân ta đoàn kết và hăng hái, quân đội ta hùng mạnh, chính sách ta đúng đắn... chúng ta nhất định thành công. Trong Di chúc, Người còn nhấn mạnh: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và nhắc nhở: Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Sức mạnh đoàn kết của Đảng được nhân lên gấp bội khi Đảng ta đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo được tốt khối đoàn kết toàn dân. Mặt trận dân tộc thống nhất được Đảng xây dựng qua các thời kỳ ngày càng hoàn thiện và có hiệu lực: Từ: Đồng minh phản đế Đông Dương năm 1930-1931; Mặt trận Dân chủ thời kỳ 1936-1939; Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1941-1945), Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; đến Mặt trận giải phóng miền nam, Mặt trận Tổ quốc của cả nước thời kỳ 1954-1975 và Mặt trận Tổ quốc hiện nay. Đảng có đoàn kết nhất trí mới có thể là lực lượng lãnh đạo đáng tin cậy, là chỗ dựa của Mặt trận dân tộc thống nhất, nhờ vậy mà Mặt trận do Đảng xây dựng mới phát huy được tác dụng.
Góp phần tích cực vào đoàn kết quốc tế vô sản
Từ Đại hội V của Quốc tế cộng sản đến các đại hội quốc tế khác, Người đã góp phần tích cực vào đoàn kết quốc tế vô sản. Khi phong trào cộng sản thế giới xảy ra sự bất hòa, Người tự thấy đau lòng và bộc lộ: Về phong trào cộng sản thế giới - Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Người nêu cao trách nhiệm của Đảng trong sự nghiệp cao cả này: Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt một niềm tin vào sự khôi phục lại được tình đoàn kết đó: Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.
Phương châm và biện pháp, hiệu quả của đoàn kết
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra tư tưởng đoàn kết, mà còn chỉ ra phương châm, đề ra biện pháp để xây dựng và củng cố đoàn kết;
Phương châm là đoàn kết phải chân thành, như năm 1945 Người nêu ra khái niệm "chân thành Đoàn kết". Trong Di chúc, Người nhấn mạnh phải Đoàn kết chặt chẽ, Đoàn kết nhất trí, Đoàn kết và thống nhất. Muốn đoàn kết phải khắc phục chủ nghĩa cá nhân, chia rẽ bè phái, địa phương, cục bộ, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, phải cùng nhau thực hiện "Cần kiệm liêm chính chí công vô tư" như Người dạy.
Về biện pháp - Để đi đến đoàn kết, Người đặt lên hàng đầu yêu cầu: thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.
Trong Di chúc Người viết: Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Đoàn kết phải với tinh thần thương yêu, khoan dung, độ lượng cho nên về phương châm tự phê bình và phê bình, Người nhắc nhở: Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Hiệu quả của đoàn kết: Nhờ đoàn kết theo tư tưởng của Người mà nhân dân liên tục giành được thắng lợi như Người đã đúc kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Câu nói đó đã trở thành Chân lý. Nếu các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa thế giới thường để lại các danh ngôn có giá trị sâu sắc muôn đời thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới cũng để lại nhiều danh ngôn. Trong đó, đi đôi với danh ngôn: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" là danh ngôn:
"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết".
"Thành công, thành công, đại thành công".
Hai danh ngôn này đã đi vào lịch sử như một cống hiến vào văn hóa và văn minh nhân loại, được nhiều nhà văn hóa, chính trị thế giới đánh giá cao.
Báo Nhân dân, ngày 3/9/2000