Nguyễn Phúc Luân
LỜI MỞ ĐẦU
Khái quát đúng tư tưởng của một vĩ nhân trong lịch sử là một việc khó. Tìm hiểu để nhận thức vai trò của vĩ nhân đó trong một khoa học chuyên ngành như chuyên ngành đối ngoại lại càng khó hơn. Bởi vậy, với sự hiểu biết có hạn, chúng tôi chưa thể một lúc mà trình bày được kỹ lưỡng, toàn diện tư tưởng của Người về vấn đề này.
Nhưng trong điều kiện tình hình thế giới ngày nay đang có những biến động lớn và nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vấn đề nghiên cứu tư tưởng và nghệ thuật lãnh đạo của Hồ Chí Minh với tư cách là người sáng lập và là kiến trúc sư của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, là công việc không thể thiếu, là một đòi hỏi cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn to lớn nhằm góp phần vào việc định ra đường lối, sách lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay và trong thời gian tới, đáp ứng kịp thời công tác tuyên truyền rộng rãi những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế.
Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng gần 60 nǎm, Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà tư tưởng, một "nhà chiến lược hành động", "nhà lý luận thực hành" và sớm trở thành một trong số những chiến sĩ tiên phong, tích cực tham gia vào các hoạt động quốc tế, đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp giành tự do độc lập cho các dân tộc bị áp bức và giải phóng giai cấp cần lao, những người cùng khổ, những kẻ bị áp bức, bị bóc lột trên thế giới, trong đó có dân tộc, đất nước quê hương Người.
Một điều dễ cảm nhận là trước khi trở thành lãnh tụ của dân tộc, đứng đầu cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời là Chủ tịch Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Nhà nước Việt Nam độc lập, Người đã là nhà hoạt động nổi tiếng trong hai trào lưu cách mạng lớn của thời đại : Phong trào giải phóng thuộc địa và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người đã có những điều kiện thực tế để tham gia sâu rộng vào hoạt động quan hệ quốc tế. Điều này cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho nhận thức của Người về quan hệ quốc tế được nâng cao hơn, toàn diện hơn.
Trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước của chúng ta hiện nay, Đảng ta đã khẳng định: lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.
Theo định hướng đó và với đặc điểm của quá trình hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi mong được góp phần tìm hiểu, nghiên cứu một số vấn đề trong tư duy của Người về đối ngoại; khái quát và đúc rút những quan điểm, luận lý... của Người trên một số vấn đề then chốt của hoạt động quan hệ quốc tế - lĩnh vực mà Người đã dành nhiều thời gian và trí tuệ nhằm góp phần biến đổi và sử dụng nó như một phương tiện hữu hiệu, phục vụ tích cực cho sự nghiệp cách mạng; đồng thời phù hợp với nguyện vọng độc lập, hoà bình, hữu nghị và phát triển của các dân tộc lớn, nhỏ trên toàn thế giới.
Cùng với việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trong từng khoa học chuyên ngành đang được triển khai ở các ngành các cấp, cuốn sách nhỏ này sẽ tập trung chủ yếu vào những vấn đề cơ bản trong hoạt động lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lĩnh vực quan hệ quốc tế nhằm góp phần từng bước tiếp cận có hệ thống những tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoa học đối ngoại.
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998