Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo

Ts Vũ Quang Vinh

Là người Việt Nam yêu nước sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Hồ Chí Minh rất chú ý trong quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng. 

Tháng 6-1923, khi chia tay với các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Hồ Chí Minh xác định cách thức mà những người cách mạng Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh để giành độc lập dân tộc là: "Đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập". Đó là một cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do Người đề xuất trong điều kiện dân tộc Việt Nam lúc đó đang đắm chìm trong đói rét, ngu dốt, bị kẻ thù bóc lột tàn bạo. Tác phẩm Đường Cách mệnh (1927) của Hồ Chí Minh trước hết là để những người cách mệnh hiểu và nói cho đồng bào ta biết rõ: 1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh; 2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người; 3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi; 4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ; 5) Ai sẽ là bạn ta ? Ai là thù ta ?; 6) Cách mệnh thì phải làm thế nào ?" (Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb CTQG, H., 1995, tr.261-262). Việt Nam lúc đó tiến hành cách mệnh không dễ, vì "tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và vǎn hóa làm cho dân ngu, lấy phép luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham. Nó làm cho dân nghe đến hai chữ cách mệnh thì sợ rùng mình". Chính bởi thế mà Hồ Chí Minh nhấn mạnh: cách mệnh phải làm cho dân giác ngộ (Sđd, t.2, tr.267). Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Người chỉ rõ: "Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản" (Sđd, t.3, tr.1). Muốn vậy, vấn đề hàng đầu là phải có cán bộ, phải chǎm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo. Quan tâm đến sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khi đến thǎm trường Nguyễn ái Quốc trung ương (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay), Người nhắc nhở cán bộ và học viên: "học để làm việc, làm người, làm cán bộ" (Sđd, t.5, tr.684). Và, trước khi từ biệt thế giới này Người còn cǎn dặn lại: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" (Sđd, t.12, tr.510). 

Vì sao lại phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ? Theo Hồ Chí Minh, "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý", "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", nên "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng" (Sđd, t.5, tr.240 và 269). Người cho rằng, cán bộ là tiền vốn của Đảng, nên: "Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn" (Sđd, t.6, tr.46). 

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trước hết là về lý luận chính trị. Người phân tích lý luận là do kinh nghiệm cách mạng trong nước và thế giới được tổng kết, khái quát thành những bài học, quy luật. Trình độ lý luận của Đảng ta còn thấp kém, cán bộ, đảng viên phải học tập lý luận để tránh những thất bại có thể xảy ra. Người nhấn mạnh và lấy làm đề từ cho cuốn Đường Cách mệnh luận điểm nổi tiếng sau đây của Lê-nin: "Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong" (Sđd, t.2, tr.259). Trong Diễn vǎn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn ái Quốc ngày 7-9-1957, Người nói: "Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình" (Sđd, t.8, tr.492). Người phê phán một bộ phận cán bộ chỉ biết suốt ngày vùi đầu vào công việc sự vụ mà coi thường việc học tập lý luận hoặc thiếu niềm tin vào hiệu quả của công tác lý luận. Theo Người, sau khi lựa chọn cán bộ "cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù" (Sđd, t.5, tr.276). 

Đào tạo cán bộ không chỉ là việc dạy và học lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Hồ Chí Minh chỉ ra nội dung đào tạo, huấn luyện cán bộ phải toàn diện. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác huấn luyện và học tập ngày 6-5-1950, Người đặt vấn đề: Huấn luyện ai ? Huấn luyện gì ? Ai huấn luyện ? Huấn luyện thế nào ? và chỉ rõ nội dung huấn luyện bao gồm nhiều kiến thức về lý luận, vǎn hóa, công tác, chuyên môn. Ngay từ nǎm 1950, Người đã nói về những phẩm chất cần có của người cán bộ lúc đó là có vǎn hóa, phải am hiểu lịch sử nước nhà và thế giới, đọc thông, viết thạo một ngoại ngữ, có trình độ chuyên môn sâu, lãnh đạo ngành nào phải giỏi chuyên môn ngành ấy. Người nhắc nhở nội dung huấn luyện phải thiết thực, chu đáo và đáp ứng yêu cầu cách mạng, cụ thể là: "Huấn luyện cán bộ là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác: Đoàn thể (lúc bấy giờ là Đảng - người trích), Mặt trận, Chính quyền, Quân đội. Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì hàng ế" (Sđd, t.6, tr.48). Hồ Chí Minh chỉ giáo: học phải kết hợp với hành, nếu chỉ hiểu lý thuyết suông thì cũng vô nghĩa. Người nói: "hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ǎn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác" (Sđd, t.12, tr.554). 


* * 

Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, qua các thời kỳ hoạt động cũng như qua tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng, Đảng ta rút ra được những kinh nghiệm về xây dựng, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo. 

Vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền có vị trí hết sức quan trọng. Đảng ta đã đào tạo, xây dựng được những người cán bộ xuất thân từ nhân dân lao động (bao gồm công nhân, nông dân, trí thức) có giác ngộ lý tưởng cộng sản, có lập trường giai cấp công nhân, dám xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Những người cán bộ đó có nhiều phẩm chất quý: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, ham học hỏi, khiêm tốn, thật thà, lời nói đi đôi với việc làm, có lòng khoan dung, độ lượng, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của tổ chức đảng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, hiểu rõ tình hình, quyết đoán, dũng cảm, chấp hành ý kiến của đoàn thể... Những người cán bộ đó còn được trang bị lý luận Mác - Lê-nin, có nhiệt tình công tác, tinh thần sáng tạo. 

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám nǎm 1945 làm thay đổi vị trí và hoàn cảnh công tác của người cán bộ cách mạng: từ một đội ngũ cán bộ phải hoạt động trong bóng tối, bị khủng bố, tù đày... thành những người cán bộ có chức vụ, có quyền lực, công tác trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Thời kỳ kháng chiến, kiến quốc từ nǎm 1945 đến nǎm 1975, Đảng ta chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ để đảm đương lãnh đạo toàn dân chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong hai cuộc kháng chiến ác liệt, lâu dài, toàn diện, gian khổ. Thời kỳ này, chúng ta xây dựng đội ngũ cán bộ khi Đảng đã cầm quyền, lãnh đạo toàn diện đất nước, nên có điều kiện chủ động trong xây dựng đội ngũ. Xây dựng đội ngũ cán bộ lúc này không chỉ đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu, mà còn để xúc tiến công cuộc xây dựng CNXH, đồng thời chuẩn bị cho việc phát triển tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội sau này. 

Trong thời kỳ này, Đảng ta đã tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, vừa hồng, vừa chuyên. Đảng đã quan tâm đào tạo cán bộ khá toàn diện, có hệ thống, thu hút các nhân sĩ, trí thức, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh giải phóng. 

Từ nǎm 1975 đến nay, trong điều kiện cả nước đi lên CNXH, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH, Đảng ta đã đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo thích ứng với đường lối và nhiệm vụ chính trị, đồng thời có chủ trương, biện pháp chuẩn bị lực lượng cho thời kỳ cách mạng tiếp theo; coi trọng và thường xuyên nâng cao trình độ trí tuệ, nǎng lực, phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ; thông qua trường lớp và qua hoạt động thực tiễn trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ. 

Bước vào công cuộc đổi mới, yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo càng được chú trọng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước khẳng định 5 quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp lớn nhằm xây dựng quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Vì vậy, Đại hội IX không nêu lại toàn diện các vấn đề về cán bộ mà khẳng định: "tiếp tục đổi mới công tác cán bộ". Trên cơ sở đó phải nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Về công tác đào tạo cán bộ, Nghị quyết Đại hội khẳng định: "Xây dựng, chỉnh đốn hệ thống các học viện, trường và trung tâm chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, trước hết đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp"(1). 

Trong công tác đào tạo cán bộ hiện nay cần thực hiện tốt các giải pháp: 

Một là, có cơ chế, chính sách phát hiện, đào tạo, tuyển chọn, bố trí cán bộ, đồng thời thực hiện tốt khâu quy hoạch và thực hiện chính sách cán bộ, trọng dụng những người có đức, có tài. 

Hai là, thực hiện đúng đắn nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trong công tác cán bộ. 

Ba là, thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý, lãnh đạo theo quy hoạch ở các ngành, các địa phương. 

Bốn là, tǎng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với việc nâng cấp toàn diện các cơ sở đào tạo, trước hết là đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Vǎn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H., 2001, tr.142.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website