Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường phát triển của các dân tộc

Suvănđi Sisavát

Phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng ban phụ trách bảo tàng Caysỏn Phoomvihản 

Sau nhiều năm nghiên cứu tổng kết đánh giá một cách khoa học và nghiêm túc những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý luận, cộng với những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài, các tổ chức quốc tế, Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của đảng”. Đây là một kết luận hết sức quan trọng khẳng định những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý luận khẳng định những tư tưởng quan điểm đó đa trở thành nhưng nguyên lý, nguyên tắc vừa có tính phổ biến, vừa có những giá trị quy luật mang tính thời đại. Để làm rõ vấn đề này, theo chúng tôi cần làm sáng tỏ hai vấn đề cụ thể sau đây:

Một là, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa có vận dụng sáng tạo và phát triển những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là có yếu tố thời đại rất sâu sắc. Chúng ta đều biết rằng bằng những công trình nghiên cứu khoa học rất xuất sắc của mình về triết học và kinh tế học, C.Mác đã xây dựng được học thuyết hoàn toàn mới dựa trên nền tảng là chủ nghĩa duy vật biện chứng và học thuyết về giá trị thặng dư. Chủ nghĩa Mác đã ra đời, giai cấp vô sản đã nhanh chóng đón nhận và xây dựng thành hệ tư tưởng của giai cấp mình. Từng bước được bổ sung hoàn chỉnh, được kiểm nghiệm trong thực tế đấu tranh của phong trào công nhân các nước Âu- Mỹ, chủ nghĩa Mác từ lý tưởng, thành phong trào đồng thời là mục tiêu hiện thực của giai cấp vô sản trên thế giới. Sau Tuyên ngôn của Liên minh Những người cộng sản 1848, chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa Mác) từ là một “bóng ma” ám ảnh châu Âu đã trở thành một lực lượng xã hội, hơn thế đó lại là một lực lượng cách mạng tiên tiến, có sức tập hợp và lan tỏa mạnh mẽ, có sức thu hút và hấp dẫn giai cấp công nhân và nhân dân dân lao động toàn thế giới. Chủ nghĩa Mác (trong đó có sự đóng góp rất lớn của Ph.Ăngghen) đã phát triển triết học duy vật và sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đã cung cấp cho nhân loại một cách nhìn hoàn toàn mới về sự phát triển có tính quy luật của hình thái kinh tế xã hội, đi đến khẳng định chủ nghĩa tư bản nhất định diệt vong và một hình thái kinh tế xã hội mới sẽ được hình thành. Và lực lượng sẽ thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử đó chính là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhận xét về bản chất chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã từng viết: “Sau khi nghiên cứu quy luật phát triển của xã hội loài người, C.Mác đã hiểu rằng chủ nghĩa tư bản phát triển tất nhiên sẽ đưa đến chủ nghĩa cộng sản và đây là điều căn bản”. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản thế giới lũng đoạn đang bước vào giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Việc xuất hiện thiên tài V.I.Lênin lãnh tụ của phong trào vô sản Nga và thế giới, chủ nghĩa Mác không những được V.I.Lênin bảo vệ, tuyên truyền mà còn được V.I.Lênin hoàn thiện bổ sung, cụ thể hóa và đưa vào những nội dung mới do sự xuất hiện của thời đại mới. V.I.Lênin chẳng những đã vận động chủ nghĩa Mác vào việc nghiên cứu làm sáng tỏ cả vấn đề triết học, kinh tế chính trị, xã hội, lịch sử, lôgíc, luật học mà thông qua những tác phẩm rất vĩ đại như: Bút ký triết học, Sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản Nga, Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bảnNhà nước và cách mạng... V.I.Lênin đã có những đóng góp để phát triển chủ nghĩa Mác về quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản, về hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa xã hội, về phương pháp cách mạng về nhà nước của giai cấp vô sản... Đó chính là sự phát triển của chủ nghĩa Mác trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản. Và Chủ Nghĩa Mác-Lênin được xem như là một tất yếu, một đòi hỏi của lịch sử, để làm cho chủ nghĩa Mác tăng thêm giá trị khoa học, tính bền vững, tính toàn diện và hấp dẫn đối với nhân dân lao động trên toàn thế giới, đứng lên làm cách mạng xóa bỏ áp bức bóc lột, tha hóa và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó mới là một thanh niên giàu lòng yêu nước, có chí giải phóng và có ham muốn thiết tha là giải phóng cho đồng bào mình khỏi sự áp bức của giai cấp phong kiến và chủ nghĩa đế quốc. Mang trong mình chủ nghĩa yêu nước truyền thống, nhưng với tầm nhận thức thế giới lại vượt lên trên các nhà yêu nước tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định sang phương Tây, trung tâm của phong trào cách mạng thế giới. Nhờ có quyết tâm học hỏi và tìm hiểu các chủ nghĩa và các trào lưu tư tưởng, nhờ lặn lội trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước, nhờ có nghị lực phi thường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành cuộc khảo sát vòng quanh thế giới... Chính từ quá trình nung nấu và tích lũy ấy, Người đã đi đến khẳng định phải làm cách mạng, các dân tộc bị áp bức chỉ có một cách duy nhất là phải đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc. Cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp được: Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc  vấn đề thuộc địa đăng trên Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp, thì trái tim Người hoàn toàn bị chinh phục. “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”1. Người muốn nói to với đồng bào mình như vậy. Người hoàn toàn tin theo Lênin và chủ nghĩa Mác-Lênin và Người huy động toàn bộ trí tuệ và sức lực của mình cho chủ nghĩa Mác-Lênin. Người khẳng định: Bây giờ cách mạng vô sản ở chính quốc và phong trào cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa phụ thuộc là hai cái cánh của một con chim - Người cảnh báo nếu không coi trọng, không biết đánh giá đúng mức vai trò của phong trào giải phóng dân tộc thì sự nghiệp đấu tranh giải phóng trên toàn thế giới của giai cấp vô sản sẽ không thể thắng lợi. Hơn thế, từ việc nghiên cứu những tư tưởng của V.I.Lênin về chủ nghĩa đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định niềm tin cách mạng ở các nước thuộc địa có thể thắng lợi trước cả phong trào cách mạng ở các nước chính quốc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng đắn của các nước thuộc địa, phụ thuộc sau khi đã giành được chính quyền cách mạng. Đảng Cộng sản phải là người đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích của giai cấp và của toàn dân tộc. Đảng phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa chủ nghĩa quốc tế vô sản và chủ nghĩa yêu nước chân chính. Những luận điểm, những quan điểm và tư tưởng quan trọng ấy đã được minh chứng cùng với phong trào cộng sản trên thế giới, cũng như thực tiễn ở Việt Nam 80 năm qua từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đặc biệt là những thành công to lớn trong sự nghiệp đổi mới đang diễn ra trên đất nước Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng: Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất về những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản. Tư tưởng Hồ Chí Mình được hình thành là quá trình tiếp thu, vận dụng, sáng tạo học thuyết khoa học của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin trong tình hình mới, điều kiện lịch sử mới và tiếp tục tỏa sáng, soi đường cho chúng ta tiến lên.

Hai là, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một khoa học, là lý tưởng cao đẹp của nhân loại và có giá trị thời đại to lớn. Ngay từ khi chủ nghĩa Mác ra đời, lập tức đã có sự chống đối quyết liệt từ giai cấp tư sản, từ những thế lực muốn bảo vệ trật tự của cưỡng bức, bóc lột và nô dịch, V.I.Lênin đã từng gọi đó là “sự cừu địch mạnh nhất và lòng căm thù toàn bộ thế giới tư sản”. Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội hiện thực tạm thời bị thất bại, các thế lực thù địch được dịp lớn tiếng phê phán, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, coi chủ nghĩa Mác-Lênin là “phi thực tế”, là “hoang tưởng” là “lỗi thời”... Tất cả những lời hằn học, vu khống đó đều là xuất phát từ sự “cừu địch” vốn có mà thôi. Sự thật là lý tưởng cộng sản, những tư tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn đang sống, vẫn đang tồn tại trong cuộc sống của hàng tỷ con người. Chủ nghĩa xã hội vẫn là một xã hội tốt đẹp nhất, bởi vì ở đó không còn áp bức giai cấp và nô dịch dân tộc, ở đó không có bất công, con người thực sự làm chủ xã hội, làm chủ tự nhiên và làm chủ chính cuộc sống của mình, ở đó có công bằng, văn minh, con người được tự do theo đúng nghĩa của nó... Những điều đó ở chế độ tư bản chủ nghĩa không thể có được, dù cho chủ nghĩa tư bản ngày nay có tích cực “biến đổi” và “thích ứng”. Đây không phải là lời nói suông, mà đã được Mác-Lênin chứng minh bằng những luận cứ khoa học không thể phủ nhận được, như một nhà triết học hiện đại người Pháp là Giắc Đêriđa khẳng định: “Mác vẫn là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI”. Như vậy, chừng nào chủ nghĩa tư bản chưa bị đánh đổ, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới chưa hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, thì chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là ngọn cờ, vẫn là mục đích của nhân loại tiến tới. Chừng nào chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chưa thành công, chưa trở thành hiện thực trên trái đất này, thì nhân loại còn phải đấu tranh còn phải quyết tâm để vượt qua thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội tiến đến một thế giới đại đồng như Mác-Lênin, tất cả những người cộng sản và nhân loại hằng mong muốn.

Nhìn lại một thế kỷ đã qua, thế giới đã phải đối mặt và trải qua những cuộc chiến tranh đẫm máu, những cuộc xung đột vũ trang khu vực, những cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, những khó khăn về năng lượng, về môi trường, về dịch bệnh và khủng bố. Những quốc gia dù có giàu mạnh vào bậc nhất cũng phải bất lực trước những vấn đề toàn cầu… Người ta cũng thấy rõ hơn bản chất mâu thuẫn của chế độ tư bản chủ nghĩa và càng hy vọng vào chủ nghĩa xã hội, dù đang còn ở tương lai. Một trong những nhà mácxít lỗi lạc, có công làm cho ngọn lửa tư tưởng Mác-Lênin bừng sáng và hiện thực đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đã vinh danh “Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam – danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Theo chúng tôi công lao hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đã hiện thực hóa được lý tưởng Mác-Lênin vào Việt Nam, từ tuyên truyền lý tưởng mácxít đến thanh lập Đảng Cộng sản, phát động phong trào cách mạng, tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước hiện thực hóa cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước mình... Để có một Việt Nam như hôm nay, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật là to lớn. Hơn thế, những cống hiến, những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn có sức lan tỏa, hấp dẫn, chinh phục những dân tộc khao khát độc lập tự do và một thế giới đang mong muốn xây dựng một xã hội chủ nghĩa... chính vì vậy mà tư tưởng Hồ Chí Minh vừa có giá trị thời đại vừa có tính hiện thực sâu sắc, có nguồn gốc từ chủ nghĩa Mác-Lênin và các giá trị tinh hoa của truyền thống Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định:“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...”2. Trong quá trình giải quyết các vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội các nước thuộc địa và phụ thuộc, hay còn gọi vắn tắt là: “Tư tuởng giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Đây chính là một quan điểm đặc biệt quan trọng có tính xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhìn lại chặng đường 80 năm qua từ lúc Nguyễn Ái Quốc (tên lúc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh) gửi đến Hội nghị Mácxây bản Yêu sách 8 điểm, tuy thời gian chưa phải là dài, nhưng Việt Nam lại đi được những bước tiến dài và vô cùng ấn tượng. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập trên phạm vi cả nước. Cũng với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”; Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, viết lên những trang sử hào hùng trong lịch sử chống xâm lược. Từ việc lựa chọn và quyết tâm tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, từng bước rút kinh nghiệm và thích ứng nhanh với thời kỳ quá độ, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trầm trọng, đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo vào loại hàng đầu thế giới. Từ một nước nghèo nàn lạc hậu GDP chỉ xấp xỉ l tỷ USD/năm, bình quân đầu người chưa được vài trăm đô la, đã vươn lên đạt mức GDP hơn 100 tỷ USD/năm, bình quân đầu người vượt mức 1.000 USD. Từ một quốc gia bị cô lập và cấm vận, nay Việt Nam đã là thành viên chính thức của hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực, có quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, có quan hệ thương mại với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào loại lớn nhất. Uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế... Những thắng lợi quan trọng đó không thể tách rời những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không thể tách rời sự lãnh đạo tài tình và đầy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng kiên cường và trung thành lấy chủ nghĩa  Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của mình và xem đó là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng trong điều kiện hiện nay.

Đối với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chúng ta, may mắn có một tình hữu nghị đặc biệt với Việt Nam. Tình hữu nghị đó có nguồn gốc lịch sử sâu xa, chúng ta có chung một đảng ban đầu đó là Đảng Cộng sản Đông Dương, có chung một lãnh tụ giai cấp đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, có chung một số phận bị xâm lược và có chug kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Vì thế mà sự nghiệp giải phóng của hai dân tộc Lào - Việt tự thân đã gắn bó mật thiết và ngày nay trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc càng không thể thiếu nhau. Chúng tôi luôn coi trọng và giữ gìn tình hữu nghị vô giá đó. Coi đó là một biểu hiện sinh động của tư tưởng Hồ Chí Minh về tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế. Ngay sau khi sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các bộ tộc Lào hoàn thành vào năm 1975. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã xác định con đường đi lên của Lào là con đường xã hội chủ nghĩa, nền tảng tư tưởng của Đảng Nhân dân cách mạng Lào vẫn được khẳng định là chủ nghĩa Mác-Lênin và luôn coi trọng các bài học kinh nghiệm của các Đảng anh em, của các nước anh em, trong đó đặc biệt là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những thập kỷ gần đây, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động và phức tạp, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vẫn kiên trì đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời thực hiện đường lối đổi mới có nguyên tắc trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng rộng rãi các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về xây dựng Đảng cầm quyền; về hoạt động của nhà nước và hệ thống chính trị; về giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, đặc biệt là vấn đề các bộ tộc ở Lào; giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và quốc tế, đặc biệt là những ứng xử quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào... Có thể nói, cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin thì tư tuởng Hồ Chí Minh là bộ phận không thể thiếu được trong đời sống chính trị của Đảng, Nhà Nước cũng như của nhân dân các bộ tộc ở Lào.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, những người cộng sản Lào, nhân dân các bộ tộc Lào xin được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và xin gửi đến Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam những tình cảm chân thành và thân thiết nhất.

Xin chúc tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi và đời đời bền vững.

_________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.127.

2. Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001, tr.20-21.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website