TS. Trần Ngọc Uẩn
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật của nước Việt Nam mới. Trong quá trình đó, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng khái niệm Nhà nước pháp quyền, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về pháp quyền đã được đề cao rất sớm, thể hiện rõ nét trong tư tưởng của Người về dân chủ, nhà nước, pháp luật và quyền con người. Có thể khái quát tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền thể hiện trên những nội dung chính dưới đây:
Một là, Nhà nước pháp quyền là xuất phát từ yêu cầu dân chủ và Nhà nước Việt Nam phải là nhà nước dân chủ triệt để. Điều đó có nghĩa là, nguồn gốc sâu xa của quyền lực Nhà nước là ở nhân dân, Nhà nước chỉ là cơ quan đại diện được nhân dân trao quyền, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân trao quyền lực cho Nhà nước qua bầu cử theo nguyên tắc "phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín". Dân chủ trong tưởng Hồ Chí Minh là dân chủ triệt để, cả trong dân chủ đại diện cũng như dân chủ trực tiếp đều phải phát huy dân chủ đến cao độ mới tạo nên sức mạnh, sự bền vững cho Nhà nước. Đó là nền dân chủ đề cao nhân dân, nhân dân là chủ thể, Người nhấn mạnh "mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"[1] và "nước ta phải đi đến dân chủ thực sự"2 và "chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự"3.
Để bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, Hồ Chí Minh đã đề cập đến chuyên chính, coi thực hiện chuyên chính chỉ để nhằm phát huy dân chủ, coi chuyên chính là cái để giữ vững quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Người đã viết: "chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai?...như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khóa. Nhà thì phải có cửa. Khóa và cửa cốt để phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại,…thế thì dân chủ cũng cần phải có cái chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ"4.
Hai là, Nhà nước pháp quyền Việt Nam là Nhà nước hợp hiến, hợp pháp.
Nhà nước pháp quyền là Nhà nước dân chủ, đồng thời phải là Nhà nước hợp hiến, hợp pháp. Nhận thức rõ về sự cần thiết phải sớm xây dựng Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, nên ngay ngày 3-9-1945 trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh đã đề ra hai nhiệm vụ trực tiếp có liên quan đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền là nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp, nhằm xác lập nền tảng dân chủ và tổ chức một nhà nước kiểu mới hợp hiến, hợp pháp sau khi Cách mạng tháng 8-1945 thành công ở Việt Nam.
Ba là, nhà nước pháp quyền luôn đề cao vai trò của pháp luật, thì ở Hồ Chí Minh hệ thống pháp luật ở Việt Nam là hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ.
Theo Hồ Chí Minh, pháp luật của Nhà nước ta phải là pháp luật thật sự dân chủ và nó bảo vệ quyền dân chủ tự do rộng rãi cho nhân dân lao động. Bảo vệ quyền tự do của mọi người, để thực hiện được nhiệm vụ đó, Nhà nước phải thực sự của dân, chăm lo đến lợi ích của nhân dân. Người đã khẳng định: "Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ"5. Bản chất dân chủ của pháp luật kiểu mới là hệ thống pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, nó bảo vệ quyền lợi cho hàng chục triệu người lao động, pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động.
Bốn là, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công cụ bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ và phát huy quyền con người.
Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề và tiếp cận vấn đề quyền con người không chỉ là quyền tự do cá nhân mà còn là quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới, độc lập dân tộc và giải phóng con người. Theo Người, muốn đem lại hạnh phúc cho con người, chỉ có thể đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới "đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc"6.
Từ những nội dung chính của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền, đã có những đóng góp và ý nghĩa hết sức to lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ và đề cao yêu cầu dân chủ triệt để trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Đây là tư tưởng rất quan trọng, khẳng định bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là đỉnh cao của nền dân chủ, vì nó thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể quyền lực. Vì vậy, để củng cố mở rộng dân chủ, có dân chủ triệt để cần phải xây dựng, củng cố, hoàn thiện, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của nhà nước. Xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nghĩa là điều kiện bảo đảm và mở rộng quyền dân chủ thực sự, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Mặt khác, để xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền phải coi trọng việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật đó phải thể hiện quyền làm chủ của nhân dân và thể chế hóa thành các quy định mang tính pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của nhà nước, cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ. Đồng thời, chính xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ sẽ là cơ sở pháp lý xác lập nền tảng dân chủ, là diều kiện bảo đảm cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ và phát huy quyền con người.
Tư tưởng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta khẳng định trong quá trình đổi mới có cơ sở từ tư tưởng dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền trong lịch sử. Đặc biệt là nền dân chủ tư sản. Kế thừa, phát huy những tư tưởng tiến bộ về Nhà nước pháp quyền của nhân loại, phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển tư tưởng đó trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
Từ thực tiễn cho thấy, cho đến trước những năm đổi mới, Đảng ta chưa dùng khái niệm Nhà nước pháp quyền, mặc dù trong các Hiến pháp 1946, 1959, 1980 đã thể hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh trong xây dựng pháp luật và tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994) Đảng ta đã dùng khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong nội dung phần 2 về những nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới đã nêu nhiệm vụ thứ 7: "Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân". Từ thực tiễn đổi mới, đến các đại hội VIII, IX của Đảng đã tiếp tục làm rõ và khẳng định quan điểm này. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX đã nhấn mạnh: "Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp qua các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp"7. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành hiến pháp và pháp luật.
Từ thực tiễn đổi mới đất nước và quá trình nhận thức và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, những tư tưởng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từng bước được xác định và thể hiện trên những đặc trưng cơ bản dưới đây:
Một là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tất cả quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân. Nhân dân lao động làm chủ thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước.
Hai là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Ba là, Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở hiến pháp, pháp luật và bảo đảm cho hiến pháp, pháp luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bốn là, Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, vì con người; nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân; thực hành dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật.
Năm là, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên khác của mặt trận.
Căn cứ vào những nhận thức, đặc trưng cơ bản về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Đảng ta đã xác định, từ yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, lấy đổi mới kinh tế là trọng tâm, thì yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, trong đó có đổi mới tổ chức và phương thức tổ chức hoạt động của Nhà nước, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân là yêu cầu bức thiết.
Đại Hội X của Đảng đã chỉ rõ: "Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp"8.
Thực hiện phương hướng nêu trên, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu dưới đây nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy dân chủ bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước và quản lý xã hội. Phát huy, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và quản lý xã hội đó là nội dung căn bản, chủ đạo trong phương hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân chính là để phát huy sức dân, để giải phóng mọi tiềm năng to lớn của nhân dân trong xã hội mà nhân dân làm chủ. Đây là động lực, là mục tiêu sâu xa nhất thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta, là thước đo, là tiêu chí đánh giá hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Nhà nước.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền.
Thứ ba, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Hoàn thiện cơ chế bầu cử; đổi mới quy trình xây dựng luật; nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội v.v…
Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại v.v…
Xây dựng các hệ thống các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi phân cấp.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Thứ tư, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Muốn đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân cần thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp, mà trước hết là nhóm giải pháp về đổi mới, chỉnh đốn Đảng và về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước:
*Về đổi mới, chỉnh đốn Đảng
- Tiếp tục làm tốt và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; kiên quyết khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
- Đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, củng cố, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng gắn với xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở.
- Tiếp tục đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ; xây dựng chế độ, chính sách cán bộ; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát cán bộ, đảng viên.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
* Về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước phải tránh khuynh hướng buông lỏng, khoán trắng, hoặc bao biện làm thay. Mặt khác, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền:
- Tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về phân định và mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và quản lý của Nhà nước.
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp làm việc giữa các cơ quan, tổ chức Đảng với các cơ quan, tổ chức nhà nước ở tất cả các cấp; bảo đảm tôn trọng điều lệ Đảng, tôn trọng hiến pháp và pháp luật.
- Tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ nội bộ của Đảng, chỉ đạo sát sao hơn đối với hoạt động thanh tra và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ trong bộ máy nhà nước, bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
__________
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.689.
2,3. Sđd, t.7,tr.25,323.
4. Sđd, t.8,tr.279-280.
5. Sđd, t.4,tr.152.
6. Sđd, t.1,tr.461.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001, tr.48.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006, tr.126.