Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Thành tựu mà Đảng giành được trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong 75 năm qua quả vô cùng lớn lao; Đảng luôn thể hiện vai trò tiên phong và tính cách mạng triệt để, luôn trung thành với lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc. Tuy vậy, trong bối cảnh và tình hình mới, trong Đảng đang nẩy sinh một số mặt yếu kém, bất cập, nếu điều đó không được khắc phục sẽ làm yếu sức chiến đấu của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân. 

Nhận thức sâu sắc mối nguy hại ấy, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII đã ra Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng” Từ đó cho đến nay, sự nghiệp lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc bởi những phẩm chất và năng lực mới của Đảng, thế nhưng: “Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (lần 2) chưa đạt được yêu cầu, chưa tạo được những chuyển biến cơ bản, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí”. Vì vậy, việc quán triệt sâu sắc những luận điểm chủ yếu của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt tư tưởng của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở thành vấn đề tiên quyết, nhằm đẩy mạnh “cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII. 

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh đốn Đảng 

Trong toàn bộ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về Đảng Cộng sản là một trong những bộ phận quan trọng nhất. Tư tưởng ấy được thể hiện ở những luận điểm chủ yếu: Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”, là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam, là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam Đảng phải được xây dựng theo những nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới. 

Ngay từ năm 1925, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, trình bày vai trò to lớn về sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng, thì tư tưởng về chỉnh đốn Đảng của Hồ Chí Minh cũng được hình thành; từ đó tư tưởng này tiếp tục được phát triển, trở thành một trong các luận điểm chủ yếu của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam. Luận điểm ấy chính là sản phẩm được Người chắt lọc trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, được trải nghiệm trong thực tiễn hoạt động cách mạng sôi động, phong phú; đồng thời là những lời tâm huyết Người để lại cho toàn Đảng trước lúc đi xa: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. 

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên. Điều đó xuất phát từ vị thế, vai trò của Đảng, bởi “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. nghĩa là Đảng trực tiếp lãnh đạo chính quyền. lãnh đạo Nhà nước để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; Đảng cầm quyền, nhưng dân là chủ. Vì vậy, chỉnh đốn Đảng một mặt. khẳng định sức mạnh quyền lực to lớn của Đảng trong cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đối với các lĩnh vực đời sống xã hội; mặt khác, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng quyền lực vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi. 

Chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh không ngoài mục đích nào khác là nhằm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, đường lối chính trị, bản lĩnh chính trị của Đảng luôn đúng đắn, vững vàng; là tư tưởng cách mạng triệt để, đấu tranh không khoan nhượng với các trào lưu cơ hội, xét lại, giáo điều; là tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh cùng với đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn tu dưỡng về phẩm chất, năng lực, mẫu mực về lối sống: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vưa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”? 

Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng ta “vừa là đạo đức, vừa là văn minh” là người khởi xướng và lãnh đạo mọi sự đổi thay của đất nước qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng. Muốn vậy, trước hết Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn. 

Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là khẳng định sự vận động nội tại của Đảng cầm quyền trong quá trình lãnh đạo cách mạng; là sự nhận diện đúng quy luật vận động, phát triển của Đảng, đồng thời dự báo những “kẻ thù” nội sinh và ngoại sinh trong sự vận động, phát triển ấy. Với ý nghĩa ấy, tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng trở thành vấn đề tiên quyết để Đảng vượt qua mọi thử thách mới, với những “kẻ thù mới” như: “kiêu ngạo cộng sản”, “nạn mù chữ, “nạn hối lộ”. Tất cả điều đó trở thành nguy cơ, là lời cảnh báo cho những người cộng sản khi trở thành Đảng cầm quyền, mà điều đó nhờ có nhân dân nhưng lại xa rời nhân dân. Chỉ có tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng mới chiến thắng được các loại “kẻ thù” ấy, mới giữ trọn niềm tin tuyệt đối của nhân dân, mới loại bỏ được các nguy cơ huỷ hoại sự nghiệp của Đảng. 

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh đốn Đảng với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay 

- Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải tăng cường học tập đạo đức Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. 

Theo Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong suốt”. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn rèn giũa mình để trở thành người có đạo đức cách mạng. Theo đó, Người đã làm giàu truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam bằng sự kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông, những tinh hoa đạo đức nhân loại; tấm gương đạo đức của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã nêu cho Người như một mẫu mực về sự giản dị vĩ đại và sự khiêm tốn cao độ. Người đã học tập và hành động bởi các tấm gương ấy, với nếp sống giản dị, coi khinh mọi sự xa hoa, yêu lao động, đồng cảm sâu sắc với người cùng khổ, hưởng cuộc đấu tranh của mình, của dân tộc mình vào công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. 

Học tập đạo đức Hồ Chí Minh cũng đồng nghĩa với việc làm giàu những phẩm chất chung. cơ bản nhất của đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần quốc tế trong sáng. Trong đó, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất thường trực trong cuộc sống hàng ngày, phải trở thành giá trị bất biến trong mọi môi trường, mọi hoàn cảnh, mọi cơ chế kinh tế của người cộng sản. Điều đó cũng lý giải vì sao sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay có nguyên nhân chủ yếu từ sự suy thoái ở phẩm chất này. Do vậy, học tập đạo đức Hồ Chí Minh mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải không ngừng tu dưỡng đạo đức suốt đời; lời nói phải đi đôi với việc làm: phải nêu gương về đạo đức trở thành tấm gương sáng để quần chúng noi theo. 

- Quán triệt sâu sắc các nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản trong quá trình thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. 

Trung thành với các nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, Hồ Chí Minh đã xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh và tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng. Các nguyên tắc ấy đều hướng đến xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, tăng cường sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả sinh hoạt Đảng. 

Trong các nguyên tắc trên cần đặc biệt chú trọng nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, nguyên tắc này là nguyên tắc tổ chức cơ bản làm cho “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng thông qua mối quan hệ giữa dân chủ và tập trung, bởi: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung”. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung nguyên tắc sinh hoạt của Đảng bằng tự phê bình và phê bình, vì: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”. Tự phê bình và phê bình trở thành quy luật phát triển của Đảng. Khi các nguyên tắc này bị vi phạm thì uy tín và sức chiến đấu của Đảng sẽ giảm sút, Đảng không thể “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”, cũng không còn “vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. 

Hoàn thiện nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. 

Trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta, Đảng Cộng sản vừa là thành viên của hệ thống chính trị, vừa là lực lượng xã hội lãnh đạo hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị-xã hội. Do vậy, đổi mới hệ thống chính trị nước ta hiện nay, về thực chất “là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”. 

Nội dung và các giải pháp đổi mới hệ thống chính trị nước ta, hiện nay cần tập trung vào đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; cải cách bộ máy Nhà nước, làm cho bộ máy này thật sự trong sạch, vững mạnh; đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mọi sự đổi mới ấy phải hướng vào mục đích mở rộng dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá tinh thần; nâng cao chất lượng dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, tự quản. 

Với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc kiểm tra và giám sát các hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh chống tiêu cực, các tệ nạn xã hội, tệ quan liêu, tham nhũng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, để định hướng đúng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các quyền ấy của công dân cần phải tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ văn hoá dân chủ cho nhân dân phù hợp với sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá của đất nước. Dân chủ không tách rời với kỷ luật, kỷ cương, pháp luật. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản là cơ sở lý luận để xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh đủ sức hoàn thành sứ mệnh “bộ tham mưu của giai cấp vô sản và nhân dân lao động”? Trong từng luận điểm, từng nội dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chỉnh đốn Đảng đều có sức cảm hoá, lôi cuốn bởi chính đạo đức và trí tuệ của Người. Vì vậy, ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cần được soi sáng trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay ./. 

Thiếu tướng Phương Minh Hòa Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Tạp chí Nghệ thuật quân sự Việt Nam tháng 5&6/2005

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website