“Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức” - một nguyên tắc cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

I. "Nói phải đi đôi với làm", một nguyên tắc cơ bản của đạo đức 

1 Dân tộc ta có truyền thống trọng đạo đức. Trong khi đề cao các chuẩn mực đạo đức cần có, nhân dân ta cũng đòi hỏi nó phải được thể hiện trong hành vi hằng ngày, tức là trong thực hành đạo đức. Ca dao, tục ngữ khi đưa ra hình ảnh "nói như rồng leo, làm như mèo mửa" chính là để tỏ thái độ phê phán đối với thói đạo đức giả: nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đàng, làm một nẻo,... 

Các học thuyết đạo đức và tôn giáo xưa nay đều coi trọng nguyên tắc "nói đi đôi với làm", song trong thực tế nó không thực hiện được bao nhiêu. Các học thuyết đạo đức này thường chỉ chú trọng trau dồi động cơ đạo đức, đi tới tách rời động cơ với hiệu quả, nên cũng không thực hiện được sự nhất quán giữa nói và làm. Ví như đạo đức Nho giáo cũng đưa ra những mệnh đề như: "kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã" (thấy việc nghĩa mà không làm, không phải là dũng vậy). Nhưng đạo đức Nho giáo cơ bản cũng chỉ là đạo đức "tu thân", nên kết quả cũng như mọi đạo đức duy tâm khác, đều thể hiện "sự bất lực đưa ra hành động" như Mác đã từng phê phán. 

Giai cấp tư sản phương Tây trong cuộc đấu tranh chống lại thứ đạo đức giả dối, hà khắc của phong kiến và nhà thờ trung cổ đã biết giương cao ngọn cờ nhân văn, nhân quyền, đề cao giá trị nhân đạo, dân chủ, tự do, các khát vọng trần thế của con người,... Nhưng thực trạng đầy rẫy áp bức bất công của xã hội tư bản tự nó đã vạch trần thứ đạo đức giả dối, chỉ nói mà không làm mà giai cấp tư sản vẫn rêu rao. 

2 Đạo đức Hồ Chí Minh không phải là đạo đức tu thân mà là đạo đức dấn thân, tức là đạo đức gắn liền với hành động, nói để làm, nhất là nói về đạo đức phải đi đôi với thực hành đạo đức, mà phải làm có hiệu quả, nếu một người làm việc gì cũng không có hiệu quả thì theo Hồ Chí Minh không thể coi là một người có đạo đức. Người nói: "Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất. 

Hồ Chí Minh nói nhiều đến vai trò, tác dụng của đạo đức, nêu ra những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức cho cán bộ và nhân dân: từ đời công đến đời tư. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh thực hành đạo đức còn nhiều hơn những điều Người nói, hoặc chỉ lặng lẽ, kiên trì nêu gương mà không nói. Người đã vận dụng phương thức của người xưa: "dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo", tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình đã, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. 

Ở Hồ Chí Minh luôn luôn có sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức với thực hành đạo đức. Người nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Cho đến trước khi qua đời, Người còn viết trong Di chúc: "Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". 

Cả cuộc đời Người là bằng chứng cảm động cho sự nhất quán tuyệt vời giữa nói và làm đạo đức. Nhờ kiên trì thực hành đạo đức mà Người đã để lại cho dân tộc ta tấm gương "có một không hai" về đạo đức của một vị lãnh tụ thực sự của nhân dân. 

3 - Ở Hồ Chí Minh, hoàn toàn không có sự khác biệt giữa đạo đức cách mạng với đạo đức đời thường. Đó cũng là một điểm đối lập giữa đạo đức cũ và đạo đức mới. 

Sở dĩ Hồ Chí Minh trở thành một nhà đạo đức chân chính đã để lại cho chúng ta một tấm gương đạo đức sáng ngời là vì suốt đời Người đã không ngừng tự hoàn thiện mình theo lý tưởng chân, thiện, mỹ; gương mẫu từ việc lớn đến việc nhỏ, nên đã thực hiện được sự nhất quán giữa đời công vàđời tư, giữa vĩ nhân và người bình thường, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức hằng ngày. 

4 - "Hành nan, ngôn dị" là một tổng kết sâu sắc của người xưa về cái khó trong việc đạt tới sự nhất quán giữa nói và làm, nhất là giữa nói đạo đức với thực hành đạo đức. Phải thừa nhận rằng đối với đa số người đời, không phải ai cũng có thể thực hiện trọn vẹn mọi nơi, mọi lúc cái điều mình đã nói. Xuất phát từ đạo lý, hảo tâm, thiện chí, có lúc ta muốn làm hoặc hứa làm một điều tốt đẹp gì đó, nhưng rồi do khó khăn khách quan hoặc do yếu đuối không vượt qua được, ta đã bỏ lỡ rồi cứ day dứt mãi, ân hận dài. Đáng tiếc là hiện nay có một số người đã bị "đứt dây thần kinh xấu hổ", không còn cái "tu ố chi tâm" như người xưa nói, nên cứ trượt dài trong sự tha hóa về đạo đức mà không biết hổ thẹn. 

Hiện nay, khi mà hiện tượng thương mại hóa tình người và các quan hệ xã hội có chiều hướng gia tăng, ta cần phải hết sức cảnh giác với căn bệnh "nói không đi đôi với làm" này. Trên thương trường, đó là lối quảng cáo "một tấc đến trời", lạm phát ngôn từ đến mức chỉ nghe đã chóng mặt. Nơi công sở cũng có một số người luôn chơi trò "vũ hội hóa trang", sống với hai nhân cách, trong cuộc họp họ thường nói rất hay về nhân ái, đạo đức, liêm chính, lương tâm,... nhưng trong thực tế hành động lại làm ngược lại. Cũng còn một số vị "thủ trưởng", như Bác Hồ thường phê phán "Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được; nghĩa là chỉ quen chỉ thị, quen đề xuất, nói rồi quên, nói cao giọng mà không tính đến các điều kiện thực tế, đến khả năng hành động, thực thi của chính mình. Hình như họ nói cốt để cho người khác làm, còn chính mình lại không quyết tâm theo đuổi, chỉ đạo thực hiện đến cùng một công việc nào đó. Thành ra, có nhiều chủ trương không đi vào cuộc sống, không đem lại chuyển biến đáng kể trong thực tế. 

Cùng với hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, căn bệnh "nói nhiều làm ít, nói hay làm dở" đã góp phần làm giảm lòng tin của dân, làm tích tụ trong họ những bất mãn, hoài nghi không đáng có. Để khắc phục và hạn chế căn bệnh này, cần có một cuộc vận động, giáo dục rộng rãi, trong đó có việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh: để nói đi đôi được với làm thì khi nói phải nghĩ đến làm, có làm được thì mới nói, thậm chí chỉ lặng lẽ làm mà không nói. Đó là phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt trong lĩnh vực đạo đức và lối sống. 

II. Đạo đức cách mạng và vai trò nêu gương của người lãnh đạo 

1. Từ xưa, ở phương Đông và Việt Nam, cả Nho, Phật, Lão đều coi trọng đạo đức, đều nêu cao lý tưởng "vua sáng, tôi hiền", nghĩa là nêu cao tấm gương đạo đức của người lãnh đạo, do đó sự nêu gương đạo đức ở người cán bộ, đảng viên, đặc biệt ở người lãnh đạo, giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Một khi quần chúng đã mất niềm tin vào đạo đức của người cầm quyền thì niềm tin chính trị đối với họ cũng không còn. 

Trong lịch sử nước ta, những lãnh tụ dân tộc muốn tập hợp được nhân dân chống ngoại xâm hay chống lại chế độ phong kiến hà khắc đều phải là những người có uy tín đạo đức rất cao. Ngược lại, bọn vua chúa vô đạo sớm muộn cũng đều bị nhân dân lật đổ. Ta hiểu vì sao Hồ Chí Minh nói: đối với các dân tộc phương Đông, "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(5). 

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau khi lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người đã kiên trì đấu tranh chống lại nguy cơ xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hóa biến chất của một đảng cầm quyền. Người nói: "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. "Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”. 

Với trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn xa rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiên tri, tiên lượng về những căn bệnh của những người có chức, có quyền và đã sớm chỉ ra những biện pháp cần đề phòng, khắc phục, trong đó Người đặt lên hàng đầu việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Không lâu trước khi qua đời, Người đã từng cảnh báo: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". 

Nhận thức được vai trò và sức mạnh của sự nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc đến tấm gương đạo đức của V.I.Lê-nin: "Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi". 

Theo Người, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội không phải ở lý tưởng cao xa nào mà trước hết, cụ thể và trực tiếp, là ở những người cộng sản ưu tú bằng tấm gương sống và hành động của mình, chiến đấu cho lý tưởng đó thành hiện thực. Củng cố hay làm suy giảm niềm tin của quần chúng vào tương lai của chủ nghĩa xã hội không phải ở những sai lầm và thất bại tạm thời khó tránh khỏi trên con đường mới khai phá mà chủ yếu lại là ở sự sa sút, thoái hóa của những người được mệnh danh là "những chiến sỹ tiên phong" trước thắng lợi hay khó khăn của cách mạng. 

Không chỉ nhắc nhở mà bản thân Người đã suốt đời không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình về đạo đức để trở thành "tấm gương tuyệt vời về con người mới", thành hình ảnh mẫu mực về "người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Nhiều lãnh tụ chính trị, học giả, nhà văn, nhà báo có tiếng đã viết về sức cổ vũ kỳ diệu của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với nhân dân nước mình và chứng minh rằng: do ngưỡng mộ một nhân cách vĩ đại như vậy, có biết bao lớp người trẻ tuổi đã đứng vào hàng ngũ cộng sản, tình nguyện hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì tự do độc lập, vì tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. 

2 Hiện nay, trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là cho thế hệ trẻ, chúng ta đang thiếu cái gì? Sự lành mạnh của đời sống đạo đức xã hội phụ thuộc một phần rất quan trọng vào sự nêu gương của người lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu các ngành, các địa phương, các đơn vị. Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở: muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức giữ gìn và nêu gương về mặt đạo đức, nếu không thì rồi sẽ hỏng cả. 

Ngày nay, Đảng ta, qua nhiều nghị quyết, đã yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các cấp phải nêu gương về đạo đức, lối sống, phải là người chiến sỹ xung kích đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí; không những thế còn phải xem xét lại gia đình mình, con cái mình có lợi dụng chức vụ của bố mẹ làm điều sai trái không? Chỉ có thông qua những tấm gương cụ thể, trước hết là của những người có chức vụ cao, có cương vị lớn mới củng cố và nâng cao được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào tính ưu việt của chế độ xã hội ta. 

Thế hệ cán bộ, đảng viên, thanh niên lớp Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ có hạnh phúc là hằng ngày, hằng giờ được sống với những tấm gương lớn của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo bên cạnh Người. Những tấm gương ấy đã là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân ta, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn đánh thắng "thù trong, giặc ngoài" giành lại độc lập thống nhất, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Ngày nay, nhân dân ta cũng chân thành mong mỏi các đồng chí lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước ta, theo gương Bác Hồ, đều sẽ là những tấm gương lớn về đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập và noi theo. Đó là nguyện vọng của nhân dân mà cũng là đòi hỏi bức thiết của đời sống đạo đức, của sự nêu gương. Bởi như Bác Hồ đã nói: "Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khácchính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý". Đó cũng là yêu cầu của thực tiễn đấu tranh dân tộc và giai cấp ở bối cảnh hiện nay. Mỗi một con người khi đã được cắt cử vào ngôi cao, chức lớn thì nhất cử, nhất động của họ đã vượt ra khỏi phạm vi cá nhân, mang ý nghĩa tiêu biểu, trở thành "phương diện quốc gia", mỗi hành vi tiêu cực của họ đều quan hệ đến niềm tin của nhân dân, đều được kẻ thù khai thác, lợi dụng để xuyên tạc, chống phá chế độ ta. Cũng đừng quên rằng các chiến dịch chống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu trước đây thường bắt đầu từ việc phê phán đời riêng của một số nhà cầm quyền ở đó. 

Chính vì vậy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đẩy lùi sự tha hóa, biến chất về đạo đức - lối sống, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên - nhất là những người có chức, có quyền, phải gương mẫu từ việc nhỏ đến việc lớn, từ lời nói đến việc làm, từ phong cách đến lối sống, như Đảng ta đã nói, có liên quan đến sự sống còn của chế độ, độc lập và an ninh của Tổ quốc. 

Để thực hiện thắng lợi cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có việc cần kíp là xây dựng cho được những tấm gương sáng, từ trên xuống dưới, cho toàn Đảng, toàn dân noi theo. Đó cũng là một di huấn quan trọng của Bác Hồ: "Lấy gương người tốt việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới", trong đó có đạo đức mới. 

TheoGS Song Thành, Tạp chí Cộng sản tháng 5/2005

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website