“Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc nâng cao đạo đức cán bộ, đảng viên hiện nay”

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp hiện nay, sứ mệnh lịch sử của Đảng ta hết sức to lớn, đòi hỏi Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, có đạo đức cách mạng và trí tuệ, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Điều này càng trở nên hết sức cấp bách và nặng nề, khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Đảng ta đã cảnh báo rằng: "Trong công tác xây dựng Đảng... đang nổi lên một số mặt yếu kém và khuyết điểm, nhất là khuyết điểm về công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống". 

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, để góp phần thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng ngang tầm trọng trách lịch sử, chúng ta càng phải gìn giữ và phát triển cái "gốc", cái "nền tảng" của người cách mạng - điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời dày công vun đắp và không ngừng bảo vệ. Trong Di chúc, Người căn dặn: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". 

Chúng ta biết rằng những vấn đề đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh xem xét một cách toàn diện, cụ thể và sâu sắc với mọi đối tượng, trên mọi lĩnh vực hoạt động, mọi phạm vi, trong các mối quan hệ của con người... từ đó Người khái quát thành những chuẩn mực giá trị chung nhất, cơ bản nhất mang tính phổ quát của nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng Việt Nam. đạo đức của cán bộ, đảng viên không nằm ngoài nền đạo đức chung của dân tộc. Nhưng với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là "công bộc" của nhân dân, người cán bộ, đảng viên có những chuẩn mực đạo đức mang ý nghĩa rất to lớn đối với yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, của cách mạng. Những vấn đề đạo đức cách mạng mà Người đặt ra đối với cán bộ, đảng viên chính là nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời để ngăn chặn, khắc phục những hiện tượng tha hóa, tiêu cực như quan liêu, tham nhũng, cậy quyền, cậy thế, lợi dụng quyền lực, tham quyền cố vị, ở trong cả 3 mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với công việc. 

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng chúng ta thấy có những luận điểm cơ bản sau: 

Một là, đạo đức là cái "gốc" của người cách mạng. Điều đó có nghĩa là để làm người cách mạng, trước hết phải có đạo đức cách mạng. Và đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là của người lãnh đạo, có vai trò cực kỳ quan trọng. Không có đạo đức cách mạng thì dù có tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Nói như đồng chí Phạm Văn Đồng: theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là tiền đề tiên quyết. Nó còn là giá trị thuộc về nhân cách của mỗi con người, là sức mạnh để người cách mạng thực hiện lý tưởng, mục tiêu của mình. 

Hai là, đạo đức là sức mạnh tinh thần to lớn. Người có đạo đức cách mạng mới gánh được nặng và đi được xa. Vì vậy vấn đề rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của từng tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Có như vậy mới hoàn thành được công việc cách mạng khó khăn, mới đưa cách mạng đi đến thắng lợi. 

Ba là, đạo đức cách mạng là nhân tố làm nên sức lôi cuốn của cán bộ, đảng viên, sức mạnh của Đảng, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nêu rõ: quần chúng nhân dân chỉ thực sự yêu mến, kính trọng những người có đạo đức cách mạng, vì lợi ích của Đảng, của giai cấp, của dân tộc. Người còn chỉ ra rằng: Một đảng, mỗi con người, hôm qua là vĩ đại, không phải hôm nay cũng được mọi người yêu mến, kính trọng, nếu như lòng dạ không trong sáng, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Chính sức mạnh của Đảng ta, những thắng lợi của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt mấy chục năm qua, luôn gắn liền với đạo đức cách mạng của người đảng viên. Bởi thực sự họ đã nêu gương và phát huy được vai trò tiên phong, lãnh đạo đối với quần chúng. Và chính Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt vời, mẫu mực của đạo đức cách mạng, để mỗi người chúng ta học tập. 

Bốn là, đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có. Nó do rèn luyện, giáo dục hằng ngày của mỗi người, từng tổ chức mà hình thành, phát triển. Cũng như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". 

Bởi vậy, để có đạo đức cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi người, trên cương vị công tác của mình phải thể hiện trong thực tiễn phong trào cách mạng bằng nhận thức và những việc làm cụ thể. Xa rời thực tiễn, tách mình khỏi phong trào đấu tranh cách mạng của đất nước, dân tộc thì không thể có đạo đức cách mạng. 

Về những giá trị chuẩn mực của đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có và không ngừng rèn luyện là: 

Thứ nhất, trung với nước, hiếu với dân. 

Đây là mối quan hệ trước nhất, lớn nhất của người cách mạng. Xưa, trong hệ giá trị tinh thần truyến thống của dân tộc, "trung, hiếu" là thang bậc đầu tiên của đạo đức con người. Ngày nay, nước là của dân, do dân làm chủ, trung với nước không thể không hiếu với dân; và hiếu với dân là thước đo căn bản nhất, trước nhất để thẩm xét, đánh giá lòng trung với nước. 

Thứ hai, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. 

Đó là những giá trị chuẩn mực đạo đức truyền thống được Hồ Chí Minh kế thừa, tiếp biến và phát triển với nội dung mới mang ý nghĩa mới, trong điều kiện Đảng cầm quyền. Cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị hơn ai hết càng phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đó. 

Thứ ba, yêu thương con người, luôn tin tưởng ở quần chúng và sống có tình, có nghĩa. 

Người cách mạng vốn là người giàu tình cảm. Phải có tình cảm cách mạng mới làm được sự nghiệp cách mạng. Vì yêu thương gia đình, yêu thương đồng bào mình, người cách mạng chấp nhận mọi hy sinh cho đồng bào, cho dân tộc. ở Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không chỉ có lòng nhân ái mà còn phải tin dân, kính trọng dân và luôn vì dân. Người nói: 

"Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Nhân dân là lực lượng vô địch, không ai có thể chiến thắng được sức mạnh của quần chúng nhân dân. 

Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ, đảng viên học và hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là để "sống với nhau có tình có nghĩa", "nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin được". 

Thứ tư, có tinh thần quốc tế trong sáng. 

Tinh thần quốc tế trong sáng là sự đối lập với chủ nghĩa vị kỷ dân tộc, chủ nghĩa sô-vanh, hẹp hòi. Nó hướng vào mục tiêu hòa bình, hữu nghị, dân chủ và tiến bộ xã hội; làm cho con người sống cao thượng, sống đẹp đẽ. Đây là phẩm chất đạo đức không thể thiếu của con người trong thời đại ngày nay. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực thực hành đạo đức cách mạng. Về con đường, phương pháp xây dựng nền đạo đức mới và thực hành đạo đức trong thực tế, Người đòi hỏi từng tổ chức, mỗi cơ quan, đoàn thể, và mọi người, nhất là từng cán bộ, đảng viên phải không ngừng: 1 - Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, giữa giáo dục đạo đức với thực hành đạo đức, giữa nói và làm; 2 - Coi trọng việc bồi dưỡng ý thức đạo đức gắn với tổ chức rèn luyện đạo đức trong thực tế, thông qua hành động thực tế; 3 - Xây dựng nền đạo đức mới phải đi đôi với chống những biểu hiện, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức và những gì làm tổn hại đến nền đạo đức mới; 4 - Kịp thời biểu dương những tấm gương tốt, tự mình nêu gương tốt; 5 - Hết sức coi trọng quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. 

Có thể nói, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một bước phát triển mới, một cống hiến đặc sắc vào sự phát triển của đạo đức học Mác - Lê-nin và nền đạo đức xã hội ta. Những giá trị tư tưởng đó của Người vẫn giữ nguyên tính thời sự, tiếp tục soi sáng con đường cho chúng ta giải quyết những vấn đề đạo đức xã hội nói chung, đạo đức đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, trong tình hình hiện nay. 

Theo Lê Hữu Nghĩa, Tạp chí Cộng sản số 73, tháng5/2005

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website