Chủ Tịch Hồ Chí Minh với việc giáo dục lịch sử dân tộc

Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới - là biểu tượng của truyền thống kiên cường bất khuất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 

Cả cuộc đời Người luôn luôn kiên định: ''Tôi chỉ có một ham muốn ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành''. 

Hồ Chí Minh chưa bao giờ lấy sự nghiệp văn chương làm cứu cánh, cũng như Người chưa bao giờ chủ định làm một nhà sử học. Nhưng qua những bài báo, qua lời phát biểu, qua những di sản tinh thần đó để lại cho chúng ta thấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục lịch sử cho thế hệ sau. 

Trước tiên, cần phải thấy được Hồ Chí Minh có đầy đủ tố chất của một nhà nghiên cứu sử học. Sinh ra trong một gia đình Nho học có truyền thống khoa bảng, được thừa hưởng một di sản văn học lịch sử phong phú của dân tộc, từng đi khắp năm châu, thêm vào đó là tác phong luôn đi sâu, đi sát với thực tế đời sống, là người từng trực tiếp chứng kiến biết bao những sự kiện đổi thay lớn lao của nhân loại, của đất nước, cho nên các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có sức thuyết phục và làm lay động lòng người và phản ánh được nhiều vấn đề lớn lao của thời đại. Không chỉ đi nhiều, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh còn là người ham học, ham hiểu biết, thông thạo nhiều ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa,... và uyên thâm Hán học, thông kim, bác cổ, hiểu biết sâu sắc về văn hoá phương Đông và phương Tây, lại được trang bị phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác- Lê nin. 

Nói như nhà sử học nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc) Lưu Tử Huyền (tức Lưu Tri Cơ) thì một người viết sử phải có ba sở trường: Tài, Học, Thức. Như thế thì Nguyễn Ái Quốc có đầy đủ các sở trường đó để trở thành một nhà sử học hiện đại. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã lấy các đề tài lịch sử như ''Kịch con rồng tre", "Lời than vãn của bà Trưng Trắc''... để tuyên truyền thức tỉnh đồng bào. Hoặc cũng có khi người trực tiếp viết các bài báo về lịch sử. 

Không chỉ nghiên cứu những vấn đề mới mẻ ở phương Tây, Nguyễn Ái Quốc còn tìm hiểu cả những vấn đề xa xưa như Nho giáo và Khổng Tử từ những năm tuổi đời còn rất trẻ. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, Trung Quốc dấy lên phong trào phê phán Khổng giáo, chính phủ Trung Hoa dân quốc ban hành xoá bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử. Bằng cách nhìn khoa học, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích những mặt tích cực đồng thời chỉ ra những hạn chế của Khổng Tử do thời đại mang lại. Người nhận xét: "...Nhưng cách đây 20 thế kỷ, chưa có chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc chưa bị áp bức như chúng ta ngày nay, cho nên bộ óc Khổng Tử không bao giờ khuấy động vì các hoc thuyết cách mạng. Đạo đức của ông là hoàn hảo nhưng nó không thể dung hợp được với các trào lưu tư tưởng hiện đại, giống như một cái nắp tròn, làm thế nào để có thể đậy kín được cái hộp vuông?". Và Người đã thẳng thắn chỉ ra: "với việc xoá bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử, chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái tim với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lê nin . 

Trở về đất nước sau hơn 30 năm xa cách, Người bí mật hoạt động ở Pác Pó (Cao Bằng). Tại đây, Người đã dịch ''Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô". 

''Sáng ra bờ suối tối vào hang. 

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng. 

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng. 

Cuộc đời cách mạng thật là sang." 

Đặc biệt, trong thời gian vào khoảng cuối năm 1941; tại Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã viết tập ''Lịch sử nước ta". Đây là tập diễn ca lịch sử viết ra làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu Việt Bắc và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân nhằm giáo dục, phát huy lòng yêu nước, yêu truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám năm 1945. Tập "lịch sử nước ta" được diễn đạt bằng thể thơ lục bát dễ thuộc, dễ nhớ, gồm 198 cầu Tác phẩm này được in nhiều lần vào các năm 1942, 1947, 1949... Quyển sách trình bày lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng, trải qua các triều đại như Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn và cho đến tận phong trào Việt Minh lúc đó. Từ trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã tìm được phương thức ''dựa vào dân để có sức mạnh''. Người khẳng định anh hùng làm nên sự nghiệp cao cả vì biết dựa vào dân, Người đánh giá cao vai trò của cá nhân và khẳng định vai trò quyết định của nhân dân. 

Bằng cách viết ngắn gọn, súc tích, Người đã nêu lên những tấm gương sáng cho mọi tầng lớp học tập, noi theo như ''Người già như ông Lý Thường Kiệt quá 70 tuổi mà vẫn đánh Đông dẹp Bắc, thiếu niên như Trần Quốc Toản, mới 15 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên. Phụ nữ như Bà Trưng, Bà Triệu ra tay khôi phục giang san..." và Người nhận xét: "lịch sử ta dạy cho ta bài học: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn". 

Không chỉ là người biên soạn lịch sử, luôn quan tâm đến việc giáo dục lịch sử cho thế hệ sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người rất trân trọng các nhà sử học. Những người có may mắn được gần gũi Bác kể lại: Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn đang gay go, quyết liệt, ,bên cạnh đầu giường Bác nằm luôn đặt quyển sách ''Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII'' của soạn giả Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm và trước khi đi xa, Người còn gửi lời hỏi thăm đến các tác giả của cuốn sách. 

Mặc dù không phải là một nhà sử học chuyên nghiệp nhưng thông qua các tác phẩm để lại và hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã dùng lịch sử để tuyên truyền cách mạng, khơi dậy truyền thống bất khuất cứu nước, cứu nòi đã có hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Bác căn dặn phải biết ơn tổ tiên, cội nguồn và giữ vững non sông đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều thuộc lòng câu nói nổi tiếng giản dị mà sâu sắc của Người: 

''Các vua Hùng đã có công dựng nước 

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'' . 

Theo Nguyễn Quang Hà, Tạp chí Khoa Giáo tháng 4/2005 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website